Được – Mất thời Game show

Bàn tròn giữa Đẹp với nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Mỹ Linh – hai người từng ngồi ghế nóng giám khảo (trong đó, một người thì được tung hô, một người từng bị “ném đá”), ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng – một trong bốn vị giám khảo của game show “khủng” vừa đến Việt Nam “The Voice” (Giọng hát Việt)  và ca sĩ Đức Tuấn – người đang khẳng định “màu cờ sắc áo” tại game show “Hợp ca tranh tài”.

Nhạc sĩ Quốc Trung: Truyền hình trực tiếp làm thị trường âm nhạc mất phân nửa cơ hội và quyền lực

Ở Việt Nam, tôi thấy người ta rất hay chạy theo phong trào, theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Chẳng hạn một nhà bán lẩu, khách đến ăn đông, thế là chả mấy chốc phố ấy thành phố lẩu. Tương tự, một hiệu vàng, thành một phố kim hoàn. Mà quên rằng, ăn thua là ở chỗ “bí quyết gia truyền”, trình độ “chuyên môn hóa”.

Tính sơ sơ, nội trong năm nay, đã thấy có đến 4-5 game show, cuộc thi mới, hoặc “đến hẹn lại lên” là “Vietnam Idol”, “Got talent”, “Sao Mai điểm hẹn”, “Hợp ca tranh tài”, “Giọng hát Việt”… Điều đáng nói là với những game show ngoại nhập, có một sự khác biệt rất rõ giữa game nguyên bản và phiên bản Việt, đó là: Những cuộc thi được tổ chức tại Mỹ hay các nước châu Âu thường là ở tầm khu vực hoặc quốc tế, thu hút đối tượng người chơi đa dạng và độc đáo thì về đến ta, lại chỉ gói gọn trong một thị trường âm nhạc hết sức nhỏ hẹp. Mà cũng không phải là thị trường, vì game show – trông thì huyên náo rộn rã thế thôi – nhưng thực ra chẳng mấy tác động đến thị trường, mặc dù đúng là không đâu truyền hình có “quyền sinh quyền sát” như ở ta.

Vì một thị trường đúng nghĩa thì không thể phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài như: bán tài trợ, đổi quảng cáo… Dù đương nhiên là với sự thống lĩnh của công nghệ, nhiều yếu tố truyền thống chi phối thị trường đã không còn như cũ. Nhưng một mặt, vẫn phải có những nguyên tắc nhất định của kinh doanh. Chẳng hạn như trên thế giới, vì giá trị của 2 chữ “bản quyền”, mà người ta rất kỵ 4 chữ “truyền hình trực tiếp”, trừ khi đó là những chương trình do nhà đài tự đứng ra tổ chức. Nhưng ở ta thì rõ ràng là hầu như tất cả đều được dễ dàng bày lên mâm cỗ “truyền hình trực tiếp”, chả trách khán giả người ta ngày càng mất hết sự tò mò! Mà thị trường, một khi không bị hấp dẫn bởi sự tò mò, thì coi như đã bị đánh cắp mất phân nửa cơ hội và quyền lực.

Nhưng thôi thì, người nào việc nấy! Với nhà sản xuất, đó là công việc kinh doanh. Mà kinh doanh thì phải nghĩ ra mặt hàng và tìm cách quảng bá nó bằng những kênh truyền thông tốt nhất, thu hút khán giả nhiều nhất…

 

Chỉ khổ nỗi, game show muốn hay phải phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thí sinh, rồi thì chất lượng thí sinh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến độ “mặn, nhạt” của giám khảo, và quan trọng là tài cán của êkíp sản xuất. Có yếu tố là chủ quan, có yếu tố là khách quan và không phải cứ muốn là được, hay cứ đổ tiền rào rào là ngay lập tức tìm được người tài… Đó cũng là lý do mà hơn một lần, ngay cả khi “hiện tượng Uyên Linh” đang nóng phừng phừng, tôi vẫn khuyên nhà sản xuất BHD là chỉ nên tổ chức Vietnam Idol với tần suất 2 năm/lần thôi. Theo tôi, thế là vừa phải!

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Càng nhiều lựa chọn, khán giả càng được lợi

Nhiều người gặng hỏi tôi về con số khủng mà tôi nhận được khi nhận lời ngồi ghế nóng game show “giọng hát Việt”, mà không biết cho rằng: Con số khủng nào thì cũng chắc gì đã “lại” được với những thiệt thòi mà tôi phải đánh đổi khi bớt show, bỏ show trong suốt một thời gian dài đeo bám game show “khủng” này.

Cũng như, để có được sự đầu tư đúng mức về phục trang nhằm gây ấn tượng trong mỗi lần xuất hiện…

Có nhiều game show theo tôi là điều tốt chứ, sao lại phải phàn nàn? Nghệ sỹ có hoài bão làm nghề thì nhà sản xuất họ cũng có men nghề của họ: Đó là giành được bản quyền đưa những game show “hot” về Việt Nam và tạo ra được những phiên bản Việt gây được hiệu ứng truyền thông mạnh không kém nguyên bản. Đứng trong showbiz, dù là bằng một hay hai chân, ai chẳng thích được khen là đã mang đến một cái mới? Ai chẳng phải làm ăn, chẳng muốn khẳng định mình? Càng nhiều lựa chọn, khán giả càng được lợi chứ sao?

Còn thì, nếu như số lượng game show không tỷ lệ thuận với con số “người tài” mà nó “đãi” được thì theo tôi cũng đừng vội sốt ruột! Đã là người tài thì làm sao có được cả loạt và có thể thành tài nhờ một game show. Dù để thành danh, có khi chậm lắm, mà cũng có khi nhanh lắm. Một người đi hát dù được biết đến chỉ sau một game show, nhưng nếu anh ta bắt được đà và quyết chí theo nghề một cách chuyên nghiệp, thì đôi khi chỉ cần 3 tháng, một năm sau, là người ta đã có thể thấy anh ta hát lên giọng hẳn! Truyền thông nó giá trị ở chỗ đó!

 

Diva Mỹ Linh: Không dễ lấy lại thăng bằng sau khi bị “ném đá”!

Thời của truyền hình thực tế, chuyện bùng nổ game show theo tôi không có gì lạ và không riêng gì ở Việt Nam. Xu hướng chung bây giờ là vậy mà, giữa những ngụy tạo, che lấp, đánh bóng,… người ta càng ngày càng có nhu cầu được xem, được chứng kiến những thứ không “make up”, “live”… nhất là lại còn được xem thiên hạ khóc – cười, thắng – thua đầy kịch tính nữa thì lại càng phê, ai mà chẳng thích…

Có điều, game show thì đúng là ngày càng nhiều lên, khán giả tha hồ lựa chọn xem kênh nào, chọn show nào, nhưng cái gọi là “ứng xử với truyền hình thực tế” thì xem ra khán giả nhà ta chưa học kịp. Ở nước ngoài, chẳng hạn, tôi thấy người ta rất ít khi “soi” nhau theo kiểu xét nét như ở nhà mình. Trong khi đó ở ta, hễ một thí sinh, hay một giám khảo bị “ném đá” thì cứ gọi là rào rào. Nếu bị “ném đá”, mà lại còn là “ném đá” oan nữa,  người có sức chịu đựng kém (chỉ vì lỡ dại tham gia một game show) rất khó lấy lại thăng bằng. Vì những tổn thương sâu sắc hơn mức mà trước đó họ có thể hình dung.

Tôi nghĩ, nhiều nghệ sỹ lúc này háo hức tham gia các game show, thậm chí có người còn xin được tham gia vì những cái lợi nhãn tiền mà quên rằng, cái mất – một khi có sự cố xảy ra, còn lớn hơn thế. Vì dư luận là thứ rất kinh khủng, không đùa được. Thế nên, một khi không đủ tỉnh táo để lường hết mọi sự được mất, cũng như không đủ bản lĩnh để đối phó với nó, thì theo tôi, tốt nhất là không nên tham gia quá sâu.  

Từng ngồi ghế giám khảo “Sao Mai điểm hẹn” và từng bị “ném đá” vì sự thẳng tính của mình, tôi đã quá thấm thía sức “hun người” của chiếc ghế nóng: Nếu nhận xét chân thực, công tâm thì người thi, người chơi (lẫn các fan ruột, người nhà… của họ) sẽ không vừa ý và nếu tức lên, là sẽ ngay lập tức “ném đá” mà có thể không cần biết đúng sai. Còn nếu như nói những lời đèm đẹp, vừa tai, hùa theo số đông… thì cầm bằng như tự biến mình thành một “đĩa xôi thiếu muối”.

Thà cứ như ở nước ngoài, thù lao làm giám khảo là vào mức khủng, thì người ta còn chấp nhận đánh đổi. Còn nếu chỉ như ở mình, thì cái giá phải trả đúng là quá đắt so với những gì mình nhận được. Với một người có gia đình như tôi, lại còn là gia đình nghệ sỹ, thì điều đó rõ ràng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tôi…

Mấy năm trở lại đây, tôi từ chối không ít lời mời “ngồi ghế nóng” cũng là vì thế!

 

Ca sĩ Đức Tuấn: Game show giúp người ta tự tin hơn trước khi bước vào showbiz

Người ta cứ kêu loạn game show, nhưng tôi thì lại muốn nhìn chuyện này trên góc độ tích cực. Có cầu thì có cung. Và càng có nhiều cuộc thi, thì càng có đất cho những người trước nay chưa có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Mà với người làm nghệ thuật, nhất là ở giai đoạn làm quen, khởi nghiệp, thì bất cứ cơ hội thử lửa nào cũng đều là đáng quý.

Cứ bảo người tài hiếm, nhưng thực ra nhiều hơn chúng ta tưởng nhiều, chỉ là họ chưa có cơ hội thể hiện mà thôi. Chính vậy mà thành công của game show nhiều khi là nằm ở những nhân tố bất ngờ ấy. Với những người có tài nhưng còn thiếu bản lĩnh sân khấu vì chưa được cọ xát, thì game show theo tôi là một chiếc áo vừa vặn với họ. Càng nhiều cuộc thi, người chơi càng dám bộc lộ mình hơn, mà nhà sản xuất cũng có ý thức trau chuốt, đầu tư cho chương trình hơn để giữ chân người xem và thu hút lượng tin nhắn bình chọn. Nhu cầu thưởng thức của khán giả truyền hình do đó cũng được thỏa mãn hơn ngay cả khi họ không ưng ý một điều gì đó trong chương trình!

hễ mộT Thí sinh, hay mộT giám khảo bị “ném đá” Thì cứ gọi là rào rào. nếu bị “ném đá”, mà lại còn là “ném đá” oan nữa Thì người có sức chịu đựng kém rấT khó lấy lại Thăng bằng.

Chiêu Quân (ghi)

 


From the same category