‘Được’ hay ‘bị’ về hưu?

Nhiều bạn đọc gửi thư về VietNamNet tiếp tục tranh luận quanh chủ đề có nên tăng tuổi nghỉ hưu. Bạn đọc Nguyễn Mậu Dưng cho rằng, bản chất xã hội của về hưu phải là “được về hưu”, chứ không phải “bị về hưu”.

Với những lao động nữ; họ vừa phải bảo đảm chức năng xã hội – một người lao động; vừa thực hiện thiên chức – sinh đẻ. Vì vậy lao động nữ về hưu sớm hơn lao động nam là một điều luật mang tính nhân văn.

Bình đẳng không đồng nghĩa là bằng nhau; bình đẳng giới phải được xem xét trên cơ sở giới tính. Về phương diện lợi ích thực tế, thì về hưu sớm có sự thiệt thòi cho xã hội và cá nhân người lao động chỉ riêng ở nhóm cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học; nhóm này chỉ là số ít trong xã hội.

Theo độc giả, khi nói đến luật là nói đến công cụ để bảo vệ, để điều chỉnh lợi ích chính đáng cho đa số người trong xã hội. Do đó nâng tuổi về hưu cho lao động nữ ngang với lao động nam giới là không đúng. Riêng với nhóm cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật thì nên có sự điều chỉnh bằng văn bản dưới luật là phù hợp. “Theo tôi đối với nhóm này chỉ nên kéo dài tuổi làm việc chứ không kéo dài tuổi quản lý” – độc giả kiến nghị.

Độc giả Lê Đang nhớ lại thời kỳ chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thì trường, đất nước đã làm được cuộc cách mạng về nhân sự là trẻ hóa đội ngũ cán bộ và từng bước loại bỏ căn bệnh “sống lâu lên lão làng” và “tham quyền cố vị”. Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách để thực hiện mục tiêu là trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Do vậy, theo ông, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì quay lại thời kỳ đó?

“Thực tế công tác cán bộ hiện nay là rất nhiều cán bộ chưa đến tuổi nghỉ hưu đã giảm ý chí, nghị lực, năng lực làm việc rồi, nhưng tổ chức chưa thể thay đổi mà vẫn trông chờ vào công cụ là tuổi nghỉ hưu, tuổi “cơ cấu” để “bắt phải thôi chức để nghỉ hưu”. Do vậy muốn có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, giỏi giang để có nhiều cơ hội cống hiến cho đất nước thì thiết nghĩ không tăng tuổi nghỉ hưu là đúng đắn. Tôi cũng lấy làm lạ là một số tổ chức bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ mà lại đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ” – ông Đang nhận xét.

Ông Phạm Hồng Hải năm nay 57 tuổi đã từng đảm nhiệm vị trí quản lý, có trong tay 3 bằng đại học loại giỏi, 1 bằng thạc sĩ, và nhiều chứng chỉ. Nhưng ông thừa nhận, khi bước vào tuổi 55 đã thấy “trì trệ, bảo thủ, mắt mờ, chân chậm, trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu kém đi nhiều”.

“So với lớp trẻ là những cử nhân mới tốt nghiệp đại học họ năng động, nhiệt tình, trình độ năng lực và làm việc có hiệu suất hơn nhiều. Chính vì thế nên dù muốn đến đâu tôi cũng phải rời bỏ chức vụ và vị trí nhường cho lớp trẻ như một lẽ hợp quy luật. Hãy nhường cho thế hệ trẻ, trẻ hóa bộ máy! Có như thế mới đất nước mới phát triển được”.

Ông V.Trung ở địa chỉ russe86@… năm nay 50 tuổi, làm giám đốc một công ty nước ngoài nhưng ở tuổi này cũng nhận thấy “thua kém lớp trẻ rất nhiều”.

Ông cho hay: “Nếu những người đến tuổi không về hưu thì lớp trẻ vừa thông minh, tràn đầy nghị lực sẽ làm gì? Với những nước thiếu lao động thì điều đó là phù hợp, còn ở Việt Nam tỉ lệ thất nghiệp cao, việc nghỉ hưu sớm là quá hợp lý.

Đấy là chưa kể thế hệ trên 50 tuổi của Việt Nam hiện nay trên thực tế không được đào tạo tốt lắm để sẵn sàng hòa nhập quốc tế trong thời buổi thế giới phẳng này. Hãy nghỉ sớm, ra xã hội làm từ thiện, truyền đạt kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ, con cháu… đấy cũng là cách để đóng góp cho xã hội mà không cần phải “giữ ghế” .

Chị Minh Hiền viết, vấn đề đặt ra là những người có trình độ cao, giữ cương vị lãnh đạo hoặc cốt cán nên cố gắng đào tạo lớp trẻ để thay thế mình trước khi nghỉ hưu chứ đừng nghĩ mình không thể thay thế được, thậm chí cản trở việc đào tạo này.

Ngoài ra, khi người trẻ lên thay thế cũng cần tranh thủ sự giúp đỡ hỗ trợ của người đã nghỉ hưu có tài năng và kinh nghiệm hơn mình, Nhà nước cũng nên có chính sách tốt hơn phát huy khả năng làm việc của người đã nghỉ hưu đóng góp cho xã hội.

Theo Vietnamnet

From the same category