Chiều 13/3, Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông – Vận tải, Văn phòng Chính phủ, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (vắng đại diện Bộ Công an) và một số đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp để trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp của thông tư 06.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng
Đây là thông tư đã được 4 Bộ: Bộ Khoa học – Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông – Vận tải ký quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Dư luận xã hội đã thể hiện việc không đồng tình với quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm phải đáp ứng khoảng trên 10 tiêu chí như: Có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu; có cấu tạo 3 bộ phận; kiểu dáng; đã được chứng nhận hợp quy…
Theo Bộ Tư pháp, do quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm không được tốt, nên có nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn, người dân rất khó phân biệt, thậm chí cũng rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông. Do đó, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu thuyết phục.
Tại cuộc họp của Bộ Tư pháp, đại diện các bộ cho biết thông tư số 06 đã được lãnh đạo của 4 Bộ ký, đã lấy số thông tư, ngày, tháng, năm nhưng chưa được phát hành. Sau khi có ý kiến nhiều chiều từ dư luận, các bộ ký thông tư 06 đã thống nhất dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho hay, đến thời điểm hiện tại, thông tư số 06 chưa được phát hành và do đó không thể có hiệu lực vào ngày 15/4 tới như dự kiến.