Nữ sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa bị buộc thôi học một năm vì lý do dùng facebook ra lời kêu gọi “Tuyên ngôn học sinh…” kèm lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo.
Facebook của em V. đăng “Tuyên ngôn học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng”
– Ảnh chụp từ màn hình.
Theo hiệu trưởng Nguyễn Tấn Sĩ “chẳng ai muốn ác với học trò”. Nhưng em từng vi phạm kỉ luật là đánh bạn cách đó vài ngày. Trường đã theo dõi, đôn đốc, răn đe lâu dài nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Nay em lại vi phạm lỗi này. Cũng theo thầy Sĩ, 8/9 người của hội đồng kỉ luật nhà trường đã bỏ phiếu kín đồng ý với hình thức kỉ luật này.
Sự việc nhận được những ý kiến trái chiều: cả đồng tình và phản đối. Chiều 8/1, VietNamNet có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hội tâm lí học đường Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm xung quanh sự việc này.
Trường cần xem lại
Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm: Xung quanh sự việc cần phải bàn và làm rõ một số vấn đề:
Thứ nhất, điều kiện nào và vì sao các em phát triển những thiếu sót ấy. Giáo viên chủ nhiệm đã làm gì? Thầy cô có tâm sự và hiểu em không? Chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy kĩ năng sống trường làm được đến đâu? Ở đây tôi không thấy điều đó ngoài thông báo hình thức kỉ luật. Việc vi phạm của trò có phần do em không đồng tình với nhà trường.
“Đừng cư xử sòng phẳng với học trò như quan tòa” – Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm.
– Cách xử lí của Trường THCS Lý Tự Trọng có phần nào thể hiện sự bất lực của nhà trường trong việc giáo dục học trò không, thưa ông?
– Với HS chúng ta phải làm sao cho tâm phục khẩu phục. Kỉ luật để thỏa mãn bực bội không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề. Người thầy phải thoát ra khỏi nỗi bực bội. Tôi coi những lần không giữ được bức xúc như vậy là tai nạn nghề nghiệp. Bởi có những lúc học trò bột phát, cư xử không lễ phép. Nhưng làm thầy phải biết rộng lượng tha thứ học trò.
Sự tiến bộ của HS là niềm vui và mục tiêu của mình. Không thể lấy việc các em sai rồi bắt các em chịu trách nhiệm “đúng như vậy”. Nhà trường không phải tòa án, đúng sai cứ 3/5 điều vi phạm là áp vào xử được, không nên lí lẽ sòng phẳng kiểu đó.
Với học trò lớp 8 còn nhỏ, bồng bột chỉ nên cho nghỉ vài ba ngày hoặc một tuần là thỏa đáng, không nên buộc thôi học 1 năm như vậy.
– Để trò nhận ra lỗi lầm và sửa chữa, ông có lời khuyên nào cho nhà trường và phụ huynh không?
– Trường tôi thường có em vi phạm kỉ luật, cãi hỗn có nhưng thóa mạ trên faceook thì chưa. Chúng tôi nhiều khi không lập ngay hội đồng kỉ luật mà giãn thời gian để các em suy nghĩ về vi phạm đó. Hình thức kỉ luật cũng để HS tự nhận.
Hơn thế, như thầy Sĩ nói trường có 400/1200 em có facebook. Sao không dùng chính dư luận của facebook phát động HS tự giáo dục nhau. Sau đó trường xem xét, đưa ra hình thức kỉ luật là tích cực nhất. Hội đồng kỉ luật cũng cần có tiếng nói của đại diện HS trong lớp, trường.
Báo cáo của Ban Giám hiệu trường Lý tự Trọng gửi Phòng giáo dục về kỷ luật em V.
Giáo viên, ban giám hiệu nhà trường có động cơ tích cực là muốn ngăn chặn hành vi xấu của HS nhưng cách làm cần xem xét khía cạnh tâm lí để khiến trò tâm phục, nhận ra lỗi sai và sửa chữa.
Cần dạy văn hóa ứng xử trên facbook
– Cá nhân ông có bao giờ cảm thấy không theo được nhịp suy nghĩ học sinh?
Cũng có chứ. Bản thân tôi thường xem các chương trình thanh niên, đặc biệt trên VTV6.
HS ngày nay được tiếp cận nhiều thông tin và có nhu cầu khẳng định cá nhân cao. Tất nhiên nhiều nhu cầu ấy không chính đáng, quá mức thì phải giáo dục uốn nắn chứ đừng bẽ gãy. Giáo dục phải lấy thuyết phục làm đầu.
Ta không thể chủ quan. Nếu không nhiều cái sẽ không chia sẻ được với trò. Ví dụ các em yêu thích thần tượng là đúng nhưng sùng bái, quá tôn thờ thì cần trao đổi, định hướng.
Về facebook, đầu năm học vừa qua trường tôi có hẳn chuyên đề ứng xử trên facebook cho tất cả. Các em rất hào hứng. Chúng tôi trao đổi với HS: ta đồng ý đề cao tính cá nhân nhưng phải tôn trọng người khác. Mạng xã hội này dù là thế giới ảo nhưng cũng thể hiện tính cách cá nhân các em.
Thế giới giữa ảo và thật giờ không cách xa nhau nhiều đâu. Có trường hợp trên facebook nói chửi nhau rồi hẹn ra ngoài đường đánh nhau rồi.
Như vậy, dù là trên facebook cũng cần dạy học trò ứng xử có văn hóa, chừng mực.
Xin cảm ơn ông!