Cho trẻ cảm nhận vị ngon nguyên bản của thức ăn
Lý do lớn nhất khiến trẻ em và nhiều người lớn khác không muốn ăn rau là bởi vì rau có vị nhạt nhẽo so với thịt. Thật ra, hầu hết chúng ta đều không ăn các món thịt còn giữ nguyên hương vị ban đầu (thịt luộc là món ít ỏi và chắc chắn có dùng kèm nước chấm). Vậy nên, cảm giác đậm đà “gây nghiện” khi ăn các sản phẩm từ thịt, thật ra lại là hương vị của các loại gia vị mà chúng ta nêm nếm hàng ngày. Điển hình trong số đó là vị ngọt của đường, của bột ngọt và hạt nêm. Những vị ngọt nhân tạo này khiến chúng ta đóng mác cảm giác ngon trong trí nhớ của mình. Rau tươi không có vị ngon như vậy nên bị quy kết là nhạt nhẽo.
Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được nhiều bà mẹ có kinh nghiệm chia sẻ, thì trước khi con tròn một tuổi, hoàn toàn không nên nêm nếm bất cứ một loại gia vị gì, kể cả đường và muối vào cháo/cơm của con. Tất cả đều để nguyên bản, giúp con cảm nhận và yêu thích vị ngon tinh khiết của thức ăn. Giữ nguyên hương vị ban đầu như vậy và chưa bị gia vị “đánh lừa”, đa số chúng ta đều sẽ đồng ý rằng, rau củ có hương vị phong phú và vị ngọt tự nhiên cao gấp nhiều lần thịt.
Không nhất thiết bữa cơm nào cũng đều có thịt
Thông thường, các gia đình có mức sống từ trung bình trở lên, đều có ít nhất một món đạm động vật trong bữa cơm của mình. Đặc biệt, nếu đó còn là bữa cơm dành cho trẻ nhỏ thì món thịt như một món ăn bắt buộc. Một thứ “luật” bất thành văn, một sự quy định ngầm, nếu không có thịt, coi như bữa cơm không đầy đủ dinh dưỡng và những người mẹ sẽ không yên tâm.
Khi con còn nhỏ, những bà mẹ hì hụi xay thật nhỏ thịt rồi ép con ăn. Luôn cố gắng “nhồi” nhiều thịt vào bát bột/cháo của con. Việc này vô tình ủng hộ bọn trẻ chú trọng đến việc ăn thịt nhiều hơn, vô tình khiến chúng dễ nghiện sự “đậm đà” của các loại gia vị chúng ta tẩm ướp vào thịt hơn. Khi nghiện các món ăn với thịt, thì mâm cơm có cả thịt và rau, hiếm hoi lắm chúng mới động đũa đến món rau “nhạt nhẽo”. Hoặc nếu có sự thúc ép của bố mẹ, chúng sẽ chan vội chút canh và nuốt cho xong.
Ở lớp học của con gái tôi, các cô giáo nói rằng, một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là do chúng ăn quá nhiều thịt. Vì người lớn vô tình khuyến khích nên có những đứa trẻ luôn ăn nhiều thịt hơn ăn rau., vì đã quen với gia vị từ khi còn ăn dặm.
Thay thế bằng ngũ cốc nguyên cám và đạm từ thực vật
Có khá nhiều loại củ, hạt có thể cung cấp đạm cho con (lạc, đậu nành…) để “thế chân”… thịt. Để “cai nghiện” món thịt vốn quá hấp dẫn với trẻ, các bà mẹ có thể sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám như đậu: đậu đỏ, đậu đen, đậu gà, đậu lăng… Bởi lẽ, các loại hạt nguyên cám với lượng vitamin và chất xơ phong phú sẽ kiềm chế bớt cảm giác thèm đạm và thèm vị ngọt giả tạo của đường, mì chính, hạt nêm. Lâu dần, trẻ sẽ cân bằng lại thói quen ăn uống của mình. Những loại ngũ cốc này cũng khá phong phú trong cách thức chế biến, có thể nấu lẫn cùng với cơm, hầm nhừ nấu canh hoặc ngâm mềm trong nước và kho như bất kỳ một loại thịt nào từ động vật.
Hãy điều chỉnh lại thói quen ăn uống của con trước khi trẻ lưu giữ thói quen ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng này trong tương lai.
Bài: Hương Ngân
Xem thêm: Làm gì khi con lấy trộm tiền của mẹ?