Đứng ngồi không yên với bệnh “lạ” - Tạp chí Đẹp

Đứng ngồi không yên với bệnh “lạ”

Tin Tức

Bà Nguyễn Thị Soi – một người dân ở xã Ba Điền – đang chữa trị bệnh “lạ” tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ – Ảnh: M.Thanh

Điều đáng nói, cách đây không lâu Bộ Y tế từng công bố đã tìm được căn nguyên và khống chế được bệnh “lạ”, đồng thời coi đây là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành y tế năm 2012.

Cả dân lẫn cán bộ đều lo

Người dân thôn Kà Khú (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) những ngày qua đang sống trong thấp thỏm lo âu trước việc vợ chồng ông Đinh Văn Hoàn (63 tuổi) và bà Đinh Thị Lơ (57 tuổi) nhập viện với biểu hiện bệnh “lạ” giống ở huyện Ba Tơ. Y sĩ Đinh Thị Bình, trạm y tế xã Sơn Ba, cho biết: “Trạm y tế chẳng biết bà Lơ, ông Hoàn bị bệnh gì. Hai ông bà ấy bị hôm tết, lở chân tay, ngứa, lên trạm xá cứ nghĩ là ngứa lở bình thường. Trạm cho bà thuốc về bôi và uống. Mấy ngày sau bà bị sốt, đưa xuống Quảng Ngãi mới biết đó là bệnh “lạ” như ở Ba Tơ. Cán bộ và dân bắt đầu thấy lo!”.

Ghé nhà bà Lơ ông Hoàn, cô con gái Đinh Thị Đê nói: “Anh em trong nhà đi rẫy hết rồi. Bố mẹ em mắc bệnh “lạ” nên sợ lắm. Bên Ba Tơ bị nhiều người, đã chết nhiều người rồi, không sợ sao được!”. Nghe tin hàng xóm bị bệnh “lạ”, ông Đinh Văn Tép (65 tuổi), ở kế nhà ông Hoàn bà Lơ, xanh mặt, miệng lẩm bẩm: “Không biết nó có lây sang tận bên này”. Dù được một cán bộ y tế trấn an: “Không sao. Sẽ chữa khỏi mà” nhưng ông Tép vẫn không khỏi hoang mang.

“Chẳng lẽ bó tay”

Tại huyện Ba Tơ – nơi có 24 người chết vì căn bệnh này – người dân cũng rất hoang mang. Từ đầu năm đến nay đã có năm trường hợp ở xã Ba Điền mắc bệnh “lạ”. Tất cả cùng ở làng Rêu – “quê hương” của bệnh “lạ”, đều cùng chung biểu hiện lở loét ở tay và chân.

Ông Phạm Văn Bút, chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết ngày bệnh “lạ” tái phát, dân ăn ngủ không yên. Mấy ngày qua, ông phải đôn đáo khắp ngõ làng Rêu, đến từng nhà để thăm hỏi động viên. Lãnh đạo huyện Ba Tơ cũng đến tận làng căn dặn bà con hễ ai có biểu hiện lạ là phải báo ngay cho cán bộ y tế. “Trước tết nghe nói dịch bệnh đã khống chế được rồi, ai cũng mừng. Giờ bệnh tái phát dân làng lo lắm. Người được chữa khỏi năm ngoái sợ tái phát. Người chưa bị bệnh thì nơm nớp sợ bệnh “hỏi thăm” – ông Bút thở dài. Theo ông Bút, trước đây dân làng Rêu có rất nhiều người đi xét nghiệm để kiểm tra bệnh “lạ”, nay vận động đi thì họ lại lắc đầu. “Họ nói rút máu mãi mà không hết bệnh thì rút làm gì!” – ông Bút nói.

Không chỉ riêng xã Ba Điền có người mắc bệnh “lạ”, ở xã Ba Vinh cũng có ba người mắc bệnh “lạ” đang nằm tại Trung tâm y tế huyện. Cả ba đều đen đúa gầy gò, chân tay đều nổi sần. Nằm chung phòng với những người này là bà Phạm Thị Soi, một người dân của xã Ba Điền. Năm ngoái, gia đình bà Soi có bốn người mắc bệnh “lạ”. Con gái và cháu ngoại của bà không qua khỏi. Con rể bà là anh Phạm Văn Đét đang là cán bộ xã Ba Điền cũng mắc bệnh nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời. Nhắc đến con gái và cháu ngoại, bà Soi lại khóc: “Con mất, cháu mất đau lòng lắm. Dân làng chết nhiều rồi nên giờ sợ lắm. Thân già này giờ không biết sống chết ra sao”.

Cả ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ lẫn ông Đinh Văn Nho – bí thư huyện – như đứng ngồi trên lửa trước tình trạng dịch bệnh tái phát. “24 trường hợp chết ở Ba Tơ trong hai năm qua là quá thương tâm rồi. Y học giờ hiện đại như thế chẳng lẽ bó tay” – ông Phong trăn trở.

Theo ông Phong, ngành y tế vội vàng công bố việc chữa trị bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi là thành tựu đã vô tình làm người dân và chính quyền địa phương có tâm lý chủ quan. “Nói làng Rêu bị bệnh là do nguồn nước nhưng nước đã được thay, nói do gạo ẩm mốc thì gạo cũng được Nhà nước cấp phát cho dân rồi… Vậy mà bệnh vẫn tái phát”.

Lỗi tại ai?

Việc có thêm năm bệnh nhân ở huyện Ba Tơ được xác định mắc bệnh “lạ” viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân, nâng tổng số người mắc bệnh từ cuối tháng 2 đến nay lên 12 người ở hai huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi đang làm cả giới chức Bộ Y tế, tỉnh Quảng Ngãi và những người quan tâm tới sự việc này lo lắng. Lo, bởi so với năm 2012 – năm thứ hai bệnh “lạ” được phát hiện, bệnh “lạ” dù có tính chất mùa rõ rệt nhưng đã xuất hiện sớm hơn, ngay từ cuối tháng 2 (năm 2012, đến tháng 4 bệnh mới gia tăng mạnh), gia tăng khá nhanh và có những biểu hiện “lạ”: 3/6 bệnh nhân đầu tiên của mùa dịch năm nay không có kết quả tăng men gan, vốn là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh “lạ” trong thời gian qua.

Hoạt động đối phó với bệnh “lạ” của giới chức các cấp khá ồ ạt. Ngày 6-3 đoàn cán bộ y tế hơn 20 người tổ chức khám sàng lọc tại xã Ba Điền. Trước đó, ngày 25 và 26-2, một đợt khám sàng lọc, vệ sinh môi trường cũng đã tổ chức tại hai xã Ba Điền và Ba Ngạc. Ngày 25-2, một đợt khám và hướng dẫn vệ sinh môi trường cũng được tổ chức tại xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Dự kiến tuần tới đây, sẽ có thêm một đoàn công tác với nhiều chuyên gia từ T.Ư về xác minh bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi. Số lượng đoàn đến nhiều, nhưng tình hình vẫn luẩn quẩn ở khám sàng lọc, xem men gan có tăng, đề nghị cấp gạo mới, bổ sung vitamin… nói chung là tương tự những biện pháp đã áp dụng năm 2012. Điều này cho thấy chưa có biện pháp can thiệp mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về bệnh “lạ”, có ý kiến từ Bộ Y tế cho rằng cần phải huy động sự tham gia tích cực hơn từ chính quyền địa phương. Trong khi đại diện từ địa phương lại cho rằng họ đã hướng dẫn người dân làm rất đúng phác đồ phòng và chữa bệnh của Bộ Y tế, nhưng bệnh vẫn trở lại. Vậy lỗi tại ai?

Bộ Y tế đã công bố “phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm dày sừng da lòng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi”. Reo vui chưa lâu thì dịch quay lại, chưa kể căn nguyên bệnh “lạ” dù công bố đã tìm ra nhưng thực tế lại rất mù mờ, do nấm mốc độc hại có trong gạo ủ, gạo mốc nhưng cụ thể nấm mốc đó tên là gì, tác hại ra sao thì chưa được chỉ ra.

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

11/03/2013, 08:53