Biển Đông dậy sóng… Các ca sĩ thì cùng nhau quay MV hay tham gia live show hướng về biển đảo, các nhạc sĩ thì góp thêm những ca khúc mới…
Còn những nghệ sỹ nhạc thính phòng thì có thể làm gì?
Cuối tuần này, tôi sẽ có mặt tại “điểm cầu” Trường Sa – Hoàng Sa (Đà Nẵng) để tham gia cầu truyền hình hướng về biển đảo do VTV thực hiện, tại 3 điểm cầu trong cả nước. Ở đó, tôi sẽ cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia và ca sĩ Tấn Minh trình diễn một ca khúc về Mẹ…
Là một nghệ sỹ, ai cũng muốn nói lên một điều gì đó lúc này, để cất giọng và hòa giọng. Không phải lúc nào cũng có thể có được sự hòa giọng đó. Và hiển nhiên, tôi yêu điều ấy.
Tuy nhiên, nếu để được ước mong nhiều hơn thế, thì tôi vẫn mong rằng, chúng ta (không cứ là nghệ sỹ) hãy yêu nước một cách vô điều kiện. Nghĩa là, không phải khi đất nước “có chuyện”, chúng ta mới nhớ đến lòng yêu nước. Nếu có thể, hãy yêu nước hàng ngày, từ những việc làm nhỏ nhất, nơi mỗi chúng ta là một giá trị sống và rộng ra, sẽ là chân dung sống của cả một dân tộc. Tôi thường nhìn thấy điều đó ở người Nhật, ngay trong những cư xử thường nhật của họ, cách họ ứng xử với nhau, hay làm một cá nhân có ý thức nơi công cộng… Tôi nghĩ, khi con người ta ứng xử có tình với nhau, ủng hộ nhau, tôn trọng nhau, cũng như tôn trọng không gian sống của mình, thì đó cũng chính là khởi thủy của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
“ Khi con người ta ứng xử có tình với nhau, ủng hộ nhau, tôn trọng nhau, cũng như tôn trọng không gian sống của mình, thì đó cũng chính là khởi thủy của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc”
Khi tôi quyết định về nước thay vì chọn con đường ở lại, có nhà báo cũng đã hỏi tôi: Đó có phải chính là… lòng yêu nước? Tôi sẽ không dám nói về điều to tát đó, dù sâu xa ra, có thể đó cũng là một trong những lý do (mà đôi khi chính tôi cũng không nhận ra): Tôi muốn được về lại mảnh đất tôi đã sinh ra và tôi luôn thuộc về. Nhưng tôi cũng không dám nói về điều đó, vì tôi biết, có những người chọn con đường khác tôi, không có nghĩa là họ không yêu nước. Có những nghệ sỹ sống xa quê hương, nhưng tôi biết, tâm trí họ luôn đau đáu về nguồn cội và họ có những cách trở về của riêng họ.
Trở về, có những niềm vui và cả những cái khó của nó. Trong đó, có cả chuyện không phải lúc nào bạn cũng may mắn gặp được những cái nhìn khích lệ. Và điều có thể giúp hóa giải, là thời gian, và sự cố gắng có được niềm tin của bạn.
Đôi khi, tôi tự hỏi, có phải chúng ta đang sống với nhau có phần xét nét quá không, thay vì dành cho nhau những cái nhìn bao dung, trìu mến hơn. Hay lúc này là thời của truyền thông, và “soi” là động thái không thể thiếu? Đến nỗi, việc một nghệ sỹ nổi tiếng ăn vận như thế nào trong lúc tang gia bối rối, cũng có thể trở thành một đề tài để bàn luận. Dù đó hiển nhiên đó là một trong những quyền riêng tư cần được tôn trọng, nhất là trong lúc họ cần nhận được những cái nhìn sẻ chia ấm áp hơn bao giờ hết. Được quan tâm, ai chẳng muốn, nhưng quan tâm một cách thái quá như vậy, nên chăng, nếu như bạn thử đặt mình vào tâm trạng của họ? Nên chăng, chĩa mũi tên (hay ống kính) vào một người đang gặp chuyện buồn, lại là một nghệ sỹ lớn đã có nhiều đóng góp nghiêm túc cho nghệ thuật?
Theo như tôi quan sát, hồi còn ở Nga, thì báo chí phương Tây, thường người ta rất tránh đưa tin về đám tang theo kiểu ồn ào như vậy. Đám cưới thì có, nhưng đám tang thì không, và nếu có, thì thường là những dòng tin rất cô đọng.
Vậy, trước khi nghĩ đến những điều lớn lao, chúng ta hãy dành cho nhau những điều nhỏ bé, nhỏ bé nhưng rất cần thiết và quan trọng với mỗi chúng ta: Đó là tình người, trong cách chúng ta nhìn nhau, hàng ngày. Giúp ai đó (và cũng là chính mình) có được một bầu khí quyển dễ chịu để thở, bằng việc góp thêm vào đó một ánh nhìn yêu thương, trìu mến, chẳng phải là việc đáng làm hơn sao? Hãy yêu những người sống quanh mình, trước khi nghĩ xa hơn về lòng yêu nước…
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “
trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.
Nghệ sỹ Violin Bùi Công Duy