Sáng 25/9, trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Văn Hải-Trưởng ban quản lý dự án thủy điện 3-chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2 nói rằng: “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện”.
Khi đọc được những lời này của đại diện chủ đầu tư, những người dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của những đợt động đất kích thích, liên tiếp với cường độ ngày càng mạnh hơn mà nguyên nhân, đến nay đã được các nhà khoa học và cả chủ đầu tư thừa nhận, đó là do tác động của công trình Thủy điện sông Tranh 2, nhất là khi đã tích nước sẽ lấy làm bất bình. Bởi sự hi sinh của họ, cho đến nay không phải là nhỏ.
Theo thống kê của chính quyền huyện Bắc Trà My-khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các trận động đất liên tiếp gần đây, dù chỉ mới thống kê thiệt hại tại các xã Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Tân và thị trấn Trà My nhưng đã có 119 nhà dân bị hư hỏng, xuống cấp, nứt nẻ do các trận rung chấn. Có nhiều hộ dân đã phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn mình đang sinh sống, canh tác để vào rừng, ra đồng… làm lều ở tạm với điều kiện sinh hoạt tệ hại: thiếu nước, thiếu thức ăn, không có điện… Vậy thì ông Trần Văn Hải còn muốn dân phải hi sinh đến thế nào nữa? Họ phải lên trên núi, làm nhà trong hang núi, khe núi để tránh một nguy cơ, một hậu quả nếu như đập thủy điện Sông Tranh 2 có vấn đề gì, như không chịu nổi tác động của các trận động đất do chính nó gây ra, với cường độ lớn hơn?
Cho đến giờ này, dù đoàn khảo sát của Viện Vật lý địa cầu chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng hầu hết các nhà khoa học đã đến hiện trường nghiên cứu, khảo sát và cả một số thành viên trong đoàn đã khẳng định khâu khảo sát, thăm dò địa chất trước khi đầu tư, xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 là sơ sài. Cho nên, những nguy cơ, bất lợi… cho việc vận hành một nhà máy điện ở đây đã không được tính toán đầy đủ, chính xác và đến nay, dù mới đưa vào vận hành chưa lâu, nó đã thực sự gây nên những hậu quả có thể đo, đếm được và cả những hậu quả chưa thể đo đếm được.
Công trình Thủy điện sông Tranh II cũng chỉ là một công trình thủy điện nhỏ, ra đời trong phong trào đua nhau khai thác thủy điện (cho dù nhà máy này có trong quy hoạch phát triển nguồn điện). Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 có công suất lắp đặt 190MW (gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 95MW), tổng vốn đầu tư khoảng 5000 tỷ đồng.
Với thực tế hiện nay, nguy cơ xảy ra một thảm họa là có thể thì việc đặt ra một khả năng phải đóng cửa nhà máy này là một việc đã cần tính đến vào thời điểm, cho dù, với số vốn đầu tư đã bỏ ra như vậy, việc đình chỉ, dừng lại nhà máy cũng gây nên những hệ lụy không nhỏ khác: làm trầm trọng thêm những khó khăn, thua lỗ đang rất nặng nề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; khắc phục các vấn đề về môi trường, dòng chảy… như thế nào.
Ở đây, việc đặt vấn đề “dân cần chia sẻ và hi sinh cho thủy điện” của đại diện chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh rõ ràng là không phù hợp với thực tế. Mà chính phải đặt vấn đề ngược lại: phải hi sinh công trình thủy điện vì lợi ích, sự an toàn của vạn người dân trong khu vực bị ảnh hưởng , với những căn cứ, cơ sở cho những lo ngại xảy ra một hậu quả nghiêm trọng hơn tại khu vực công trình này, một khi, các trận động đất, có thể lớn hơn, xảy ra và không kiểm soát nổi.
Không chỉ ở huyện Bắc Trà My, phạm vi ảnh hưởng của công trình Thủy điện Sông Tranh 2 là khá rộng lớn: các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An bởi dù công suất không lớn nhưng hồ chứa Thủy điện của công trình này hiện là lớn nhất khu vực miền Trung với lưu vực rộng lên tới 1100 km2, lưu lượng hồ chứa là 730 triệu m3 nước.
Một vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam cũng đã phát biểu: “Phải xem lại thủy điện Sông Tranh 2. Chất lượng đập kém, công trình phụ trợ trường học, đường giao thông, nhà dân tái định cư… cũng chẳng ra chi. Công trình này tạo nên quá nhiều bức xúc cho địa phương, rốt cuộc chỉ dân là khổ. Sắp tới nếu cấp trên không giải quyết rốt ráo, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ bỏ hẳn thủy điện này để dân đỡ khổ”.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, phiên họp cuối năm 2012 về công trình này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói: “Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo tuyệt đối an toàn, nếu phát hiện không an toàn thì kiên quyết dừng”.
Trên thực tế, ở Việt Nam và nhiều nước, có không ít công trình Thủy điện đã phải đình chỉ, ngừng hoạt động do có nguy cơ gây tác động xấu về môi trường. Tại Việt Nam, như Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết tại kỳ họp Quốc hội cuối năm trước, Bộ này đã rà soát, loại bỏ 52 dự án thủy điện nhỏ do không phù hợp với quy hoạch, do ảnh hưởng xấu đến môi trường nhưng chưa có dự án nào đang triển khai phải ngừng hoạt động.
Cách đây gần 2 năm,Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã ra lệnh đình chỉ 2 dự án trên sông Dương Tử của nước này, với đánh giá cho rằng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường mặc dù 2 dự án đó đang triển khai với tổng vốn lên tới hàng tỉ USD.
Để đi đến quyết định có đình chỉ công trình Thủy điện Sông Tranh 2, có lẽ còn phải chờ thêm thời gian khi đoàn khảo sát, nghiên cứu của viện Vật lý địa cầu và Hội đồng nghiệm thu nhà nước về các công trình xây dựng đưa ra kết luận cuối cùng. Nhưng trong thời điểm này, khi người dân đang rất hoang mang, lo lắng, đang phải vận lộn với những khó khăn do nhịp sống, sinh hoạt, công việc bị đảo lộn do ảnh hưởng của các trận động đất gây ra, thì việc chủ đầu tư đòi hỏi người dân phải hi sinh lúc này là một phát biểu gây phản cảm.
Người dân đã phải chia sẻ, hi sinh quá nhiều cho công trình này rồi, khi phải di dời, chuyển nhà, tìm nơi ở mới, nơi trồng cấy mới… để phát quang, có chỗ đặt nhà máy Thủy điện. Đừng bắt họ phải hi sinh thêm nữa!
Theo Vietnamnet