“Mọi chúng ta đều có nỗi sợ về điều không biết (the unknown). Thái độ để xử lý nỗi sợ đó tạo nên cái khác biệt trong định mệnh mình.” Lillian Russell
Một bạn đọc trung niên bay từ Nghệ An vào xin gặp tôi. Anh nói anh không đi công tác hay thăm gia đình mà chỉ vào thành phố HCM để hỏi tôi một câu duy nhất, “Tương lai nào sẽ đến với Việt Nam, gần và xa?”
Thay vì trả lời anh, tôi nhâm nhi ly cà phê trong một buổi sáng khá thanh bình cạnh Nhà hát Lớn, và kể cho anh nghe chuyện xứ Argentina.
Xứ Argentina và quá khứ vàng son
Tôi đến Buenos Aires lần đầu giữa thập niên 80’s và thấy một quyến luyến thân thiện với cảnh quan và người dân xứ này. Thành phố uy nghi tráng lệ với những kiến trúc cổ Tây, môi trường sống phong cách và khoáng đạt, hành xử của mọi người kiêu hãnh và văn minh. Tôi không ngạc nhiên vì khi đọc qua lịch sử Argentina, tôi biết sau thế chiến thứ Hai, Argentina có mức GDP trung bình mỗi đầu người ngang hàng với Mỹ và hơn xa Âu châu vừa bị chiến tranh tàn phá. Người tỵ nạn và di dân Âu chọn Argentina làm điểm đến nhiều ngang xứ Mỹ.
Cũng vào thời điểm này, Juan Peron xuất hiện như một chính-trị-gia-kiêm-anh hùng. Ông dựng lên chù nghĩa Peronism chính yếu là lấy tiền dân giàu chia cho người nghèo và các quan chức. Cùng với các bà vợ (Eva và Isabel), ông rất được dân Argentina yêu mến và dòng họ phe nhóm theo ông thay nhau đắc cử Tổng Thống như một triều đình phong kiến.
Nhưng sau vài chục năm dưới Peronism, tiền người giàu cạn kiệt vì họ đã ngưng làm việc (không ai muốn làm cho người khác hưởng) và các quan chức càng ngày càng đông, càng tham lam hơn và trở nên một gánh nặng tài chính cho quốc gia. Cử tri thì lúc nào cũng đòi những bữa ăn miễn phí. Ngân sách quá tải vì lãng phí và việc in tiền bừa bãi khiến nạn lạm phát cũng như tỷ giá ở Argentina trở nên trò cười cho thế giới.
Ngày nay, sau khi đã quỵt nợ của thế giới 3 lần trong 30 năm, thu nhập trung bình của 45 triệu dân Argentina chỉ vào khoảng 10 ngàn US đô la, chưa bằng 1/4 Âu Mỹ và thua xa Đài Loan hay Hàn Quốc. Mọi chuyên gia kinh tế đều tin rằng sự tụt hậu sẽ tiếp tục cũng như các khủng hoảng tài chính kinh tế sẽ diễn ra dài dài, nếu Argentina không có những thay đổi sâu rộng về cơ chế.
Tôi cũng nhấn mạnh với anh bạn tôi, nếu anh đến Buenos Aires ngày nay, anh sẽ thích thú với những di tích lịch sử, những quán cà phê lộ thiên thơ mộng, những người con gái tóc vàng xinh xắn…Nhưng anh sẽ nhận ra một điều là các thanh niên thiếu nữ năng động của xứ sở này đã tìm đường xuất ngoại gần hết, bỏ lại một nền kinh tế què quặt với một dân số già nua và một số lượng quan chức luôn luôn gia tăng. Sau cùng, nếu có một đo lường về chỉ số hạnh phúc, tôi nghĩ người dân Argentina sẽ đạt số điểm rất cao.
Sẽ chẳng ai chết cả
Bài viết trước đây của tôi về kinh tế Việt Nam đề nghị một giải pháp đơn giản cho chính phủ là đừng làm gì cả khi được các ngân hàng kiến nghị về nợ xấu, các doanh nghiệp nhà nước xin thêm đầu tư hay bù lỗ, và các doanh nghiệp tư nhân la làng về bất động sản và hàng tồn kho. Tôi khuyên, “Hãy để chúng chết đi” ; và dĩ nhiên, nhiều bạn đọc lo ngại về những thiệt hại gây ra cho xã hội, từ thất nghiệp đến bất ổn.
Tôi xin nói thêm là các bạn đừng lo. Hiểu rõ cơ chế xứ này và phương thức vận hành của hệ thống, tôi chắc chắn là, “Sẽ không ai chết cả”.
Hoang tưởng về phép mầu?
Dù phải đối diện thường trực với những thay đổi đến từ môi trường bên ngoài cũng như thôi thúc nội tâm, không ai trong chúng ta thực sự muốn thay đổi cả. Nhất là khi tư duy đã bị bịt kín trong một chiếc hộp nhỏ bé quá lâu và đã bén rễ sâu cùng với sự an phận lẫn tính già nua.
Khi họp với những nhà đầu tư nước ngoài, tôi thường nói về tiềm năng đáng kể của tài nguyên thiên nhiên và dòng sinh lực từ một thế hệ trẻ của Việt Nam. Tôi hay phân tích cho họ về khả năng “hóa rồng” của nền công nghệ thông tin cũng như sự “sáng tạo bền vững” có thể hiện thực của ngành nông nghiệp thời Internet. Tôi thực sự tin vào tương lai của Việt Nam và sự thay đổi trong tư duy và hành động để chúng ta cùng đột phá.
Nhưng mỗi lần về lại đây, chỉ sau vài ngày và vài cuộc họp hành, tôi lại tự hỏi có lẽ mình đã sai?
Tương lai nào cho Việt Nam?
Tôi chào tạm biệt anh bạn từ Nghệ An và nói tôi không có câu trả lời cho bất cứ dự đoán nào. Tuy nhiên, tôi hơi lo ngại vì Argetina bắt đầu từ đỉnh và trượt dốc từ từ. Chúng ta đang ở dưới đáy. Một người dân Singapore có GDP trung bình gấp 33 lần người Việt. Nếu họ tiếp tục đi lên và chúng ta đi xuống, thì so sánh với Argentina cũng là một tự sướng quá lộ liễu.
Sau khi nhận được Email cám ơn của anh, tôi gởi lại một link về bài hát ngày xưa của The Beatles,” Let it be”. Nhưng tôi lại liên tưởng đến một bài hát khác, rất phổ thông phát từ một vở kịch tại Broadway về Eva Peron, “Don’t cry for me, Argentina”.
Không biết có ai đặt lời Việt cho bài này chưa nhỉ?
Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
Theo Vietnamnet