Khung cảnh ấn tượng cuối buổi ra mắt BST Xuân Hè 2015 của Chanel
Dùng hàng hiệu đòi nữ quyền
Các siêu mẫu diện những trang phục mới nhất của thương hiệu Pháp, nhưng điều khác biệt là thay cho việc vỗ tay tán dương NTK thời trang, họ giương cao khẩu hiệu làm ai cũng phải liên tưởng đến đòi hỏi của phong trào nữ quyền. Cara Delevingne, Gisele và Kendall Jenner đi đầu trong cuộc biểu tình của giới sành điệu, hô qua loa phóng thanh khẩu hiệu quen thuộc “Chúng ta cần gì?”. Hẳn phải được hiểu là “cần gì nữa?”, ngoài nước hoa, mỹ phẩm, túi xách và trang phục Chanel mà họ đang mặc trên người. Karl Lagerfeld – người từng nói “Tôi lúc nào cũng nói đùa” lại đùa, hay Chanel “lăng xê” nữ quyền cho một tương lai tươi đẹp? Phải chăng ý nghĩa của chuyện ngay cả loa phóng thanh cũng được trang trí bằng mô típ Chanel là việc nếu không có thương hiệu nổi tiếng, thì tiếng hô khẩu hiệu đòi quyền tự do bình đẳng của phụ nữ chắc gì đã được ai nghe thấy?
Đây cũng chính là một thái cực trong những tranh luận đã diễn ra không ngớt gần đây về mối liên quan giữa thời trang và nữ quyền ngay từ trước show diễn của Karl Lagerfeld. Tuy đúng là phải sau khi NTK thuê đội quân người mẫu hùng hậu hô khẩu hiệu thì điều này mới được đông đảo công chúng để ý đến. Ý kiến tranh luận thường dao động giữa hai thái cực. Một là chỉ trích thời trang lăng xê nữ quyền như một xu hướng để kiếm lời – và vì thời trang vận hành dựa trên sự thay đổi của gu, chẳng bao lâu nữa nó cũng sẽ hạ bệ đấu tranh bình đẳng giới như bao xu hướng khác. Ngược lại, không ít người cho rằng, khi thời trang – nền công nghiệp vốn thường được đánh đồng với sự phù phiếm và ước muốn sống trong nhung lụa – nhắc đến nữ quyền, nó đã đem khái niệm không dễ hiểu và không mấy dễ chịu này đến cho những người và nhóm xã hội thường chẳng bao giờ bận tâm đến bình đẳng giới. Điều này có thể chỉ khiến người ta “chạm” vào những vấn đề bề nổi của nữ quyền mà thôi, nhưng “méo mó có hơn không”, hoặc như người phương Tây thường nói “There is no such thing as bad publicity” (Tạm dịch: Không có sự lăng xê nào là xấu cả). Chẳng ai có thể “chạy trốn” khỏi thời trang, họ lập luận – vậy thì tốt hơn cả là nữ quyền, hay đấu tranh bình đẳng giới, cũng cần phải hiện diện bên cạnh trang phục và đồ dùng hàng hiệu.
NTK Karl Lagerfeld đi giữa những người mẫu đang giương cao các biểu ngữ nữ quyền
Mặc đẹp để đấu tranh
Câu chuyện về ăn mặc đẹp và đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ tại phương Tây bắt đầu – hay nói chính xác hơn, được ghi thành văn bản vào năm 1852. Susan B. Anthony chỉ trích Elizabeth Oakes Smith rằng, một người ăn mặc đẹp như bà Smith không thể đại diện cho những phụ nữ lao động cực nhọc ở Mỹ thời bấy giờ, trong khi cả hai đều là những người đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Các tác giả của cuốn “Fashion Cultures: Theories, Explorations and Analysis” (Văn hóa thời trang: lý thuyết, khảo sát và phân tích) nhắc đến hai nhà nữ quyền cuối thế kỷ 19 Elizabeth Cady Stanton và Amelia Bloomers là những người đầu tiên đề xuất ý tưởng trút bỏ áo xống rườm rà, nặng nề của thời Victoria, giải phóng cơ thể và qua đó, giải phóng cả tinh thần cho phụ nữ. Nếu như hiểu ý nghĩa văn hóa của trang phục là thể hiện sự phục tùng các vai trò, khuôn mẫu xã hội áp đặt lên cá nhân, thì các nhà nữ quyền đầu tiên đã đặt người phụ nữ lên trên hết khi cổ súy cho những trang phục “phù hợp với ý muốn và nhu cầu của phụ nữ”. Bloomers (quần buộc túm ống kiểu phương Đông) đã được những người ủng hộ nữ quyền sở hữu từ lâu trước khi Paul Poiret (người được tôn vinh là “ông hoàng thời trang” nước Pháp) lăng xê phong cách phương Đông ở Paris vào đầu thế kỷ 20. Tuy lịch sử thời trang vẫn ghi nhận Paul Poiret và Coco Chanel là những người giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi những ràng buộc của trang phục. Ai nghĩ rằng người ủng hộ nữ quyền cũng là “trendsetter” cho thời trang hàng hiệu?
Thiết kế trong BST Xuân Hè 2015 của Chanel
Vào thập kỷ 1980, những chiếc áo vest phong cách “power dressing” (thời trang quyền lực), với vai rộng như vai áo vest của đàn ông, trở thành đồng phục của phụ nữ trong đời sống xã hội – những người càng ngày càng tự tin chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong kinh tế và xã hội phương Tây. Vai áo vest là biểu tượng cho sức mạnh không thua kém đàn ông của phái đẹp. Đồng thời, những chiếc áo vest “quyền thế” này chỉ được giới kinh doanh và chính trị chấp nhận khi mặc cùng chân váy ngắn nhằm vẫn khẳng định sự nữ tính của người phụ nữ. Thời trang đem lại sức mạnh cho phụ nữ trong thập kỷ 1980, theo tiến sĩ Joanne Entwistle (tác giả cuốn “The Fashioned Body: Fashion, Dress and Modern Social Theory”), vẫn “thể hiện chính kiến bảo thủ – người ta không thể để vị trí độc tôn của nam giới bị đe dọa”. Thời trang nữ trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 không còn quá bận tâm đến việc mặc hay không mặc trang phục của đàn ông. Ngược lại, cơ thể phụ nữ trở thành “bãi chiến trường” trong cuộc chiến mới về giới. Thời trang cổ súy cho việc phơi bày da thịt và tạo dáng sexy với lòng tin người phụ nữ có thể làm chủ hoàn toàn cơ thể mình – sự sở hữu đem lại cho họ sức mạnh và khoái cảm. Nhưng đồng thời, cơ thể người phụ nữ không còn được bảo vệ trước cái nhìn của đàn ông – cái nhìn mà người ủng hộ nữ quyền cho rằng đã và đang chiếm đoạt, hạ thấp phẩm chất của phụ nữ.
Khi quần áo thể hiện quan điểm
Những ai yêu thời trang nhưng cũng không thờ ơ với bình đẳng giới không thể không tìm câu trả lời cho câu hỏi hóc búa của hai blogger Mimi Thi Nguyen và Minh-Ha T. Pham: “Thời trang là một công cụ của sự áp bức giới như thế nào và đồng thời cũng là hình thức giải phóng phụ nữ như thế nào?”. Blog iheartthreadbared.wordpress.com của họ không chỉ đề cập đến những mâu thuẫn và phức tạp của tình “chị em” giữa thời trang và nữ quyền; mà còn dành nhiều “megabyte” cho việc tranh luận về thời trang như một lĩnh vực kinh tế – xã hội toàn cầu, với các chủ đề liên quan đến sản xuất, bóc lột sức lao động, chiếm đoạt văn hóa hay các vấn đề giới, chủng tộc.
Các thiết kế mang đậm dấu ấn nữ quyền mở màn trong buổi ra mắt BST Xuân Hè 2015 của Chanel
Thời trang là một trong những lĩnh vực kinh tế sớm đem lại cho người phụ nữ sự độc lập tài chính và thăng tiến trong xã hội tư bản, điều mà Coco Chanel đã chứng minh bằng những ý tưởng sáng tạo và cấp tiến trong thiết kế mốt và kinh doanh thời trang. Tuy vậy, NTK Pháp nổi tiếng không phải là người duy nhất cho rằng, cuộc sống của người phụ nữ không thể trọn vẹn khi thiếu tình yêu (của đàn ông). Thời trang cũng chính là lĩnh vực của sự áp bức giới, thể hiện không chỉ qua quan điểm phụ nữ ăn mặc cơ bản là để giành tình cảm và thỏa mãn cái nhìn của phái mạnh. Nói theo cách của các nhà hoạt động xã hội, áp bức có thể diễn ra khi ai đó không có một cơ thể hoàn hảo như các nhà thiết kế mốt hình dung, không đủ thu nhập cao như các nhà kinh doanh thời trang mong đợi, hoặc xuất thân từ những nền văn hóa ngoại vi, khi những biểu tượng văn hóa, trong đó có trang phục cổ truyền, có thể dễ dàng bị “chiếm đoạt” để mua vui cho ai đó, hay gây chú ý cho BST thời trang nào đó.
Ngành công nghiệp thời trang cho rằng phụ nữ không những “có quyền” ăn mặc và trang điểm đẹp, mà thậm chí họ còn được lợi khi làm điều đó. Vẻ đẹp thời trang giúp họ dễ dàng xoay xở trong công việc và cuộc sống riêng tư. Cũng có nghĩa là sự tự do và khả năng thăng tiến của phụ nữ vẫn nằm trong tay những người đặt ra chuẩn mực của cái đẹp. Thời trang tạo ảo tưởng của tự do lựa chọn một vài xu hướng sành điệu để chúng ta chưng diện trong một mùa. Nhưng đây là sự lựa chọn bắt buộc nếu muốn được xem là có gu ăn mặc, điều được coi là đồng nghĩa với sự tân tiến và văn minh.
NTK Coco Chanel – người đi đầu trong phong trào nữ quyền của làng thời trang
Đẹp-thời-trang tức là phải dùng mỹ phẩm, mua đồ hiệu, hoặc ít ra là đọc báo để biết những kiến thức thời trang mới nhất, giúp chúng ta tuân thủ một cách thuần thục hơn các chuẩn mực đem lại thu nhập cho ngành công nghiệp thời trang. Và để trở thành người-đẹp-thời-trang – vẻ đẹp có thể đem lại sự tự tin và sức mạnh, theo bà Brenda Weber, giáo sư trường Đại học Indiana, người ta sẽ phải tuân thủ hoàn toàn theo những chuyên gia thời trang quyền lực. Câu chuyện về giới và sự sành điệu trở thành câu chuyện về những người “có quyền” hơn những người khác, bất kể họ là nam hay nữ. Tại sao chúng ta cứ phải nghe lời các nhà thiết kế mốt, biên tập viên, người mẫu hay stylist thời trang khi mà chính Coco Chanel – “bà hoàng” của thời trang đã nói: “Sành điệu là sự khước từ”? Hãy hiểu là không những từ chối tuân thủ các quy chuẩn làm đẹp của ngành thời trang, mà còn khước từ việc đúc thêm những khuôn mẫu mới.
Bài: Thành Lukasz