Có người đưa ra thống kê ước lượng con số đó khoảng 300 – 500 tấn. Đó là con số tính trên số lượng vàng đã xuất – nhập của mấy năm qua, không bao gồm tính toán lượng vàng mà trong dân chúng đã tích luỹ mà nếu tính gộp có thể lên tới cả ngàn tấn. Nguồn lực rõ ràng rất lớn. Nhưng không nên huy động vàng qua đề án NHNN đang xây dựng, cho dù nguồn lực đó lớn tới đâu. Khối lượng vàng đó có thể tương đương với khoảng 50-60 tỉ USD, tức là bằng 1/2 GDP VN.
Thử hỏi, nếu huy động được khối lượng vàng giá trị khổng lồ ấy vào nền kinh tế, các cơ quan có trách nhiệm đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia.
Câu hỏi gốc vẫn là làm thế nào để bảo đảm được an toàn lượng tài sản khổng lồ ấy của dân, của nước? Hiện chưa thấy quốc gia nào dám… đụng tới vàng.
Nói cách khác rất ít chính phủ hay ngân hàng T.Ư nào đứng ra huy động vàng của dân.
Fed của Mỹ cũng đứng ngoài thị trường phức tạp này dù vàng đã là căn bản của chế độ kim bản vị của thế giới trong nhiều thế kỷ… Sự lao đao mới đây của vài cá nhân lãnh đạo ngân hàng trong việc bán khống một số vàng lớn ở mức 1.550-1570 USD/ounce cách đây vài tháng đã đem lại vài món nợ khổng lồ cho họ, các ngân hàng của họ và là một bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc quản lý thị trường vàng tương lai.
Cho nên, xét đến cùng, NHNN không nên tính đến câu chuyện huy động vàng vì rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia là rất lớn.
Nếu cần thiết phải hạn chế về mặt thanh toán, để nâng cao sự ổn định và vị thế cho đồng tiền Việt Nam, chỉ nên ra các quy định hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán, như điều mà NHNN đã làm rất tốt với việc ổn định ngoại tệ, chống đô la hoá trên thị trường thời gian vừa qua.