Đừng đợi mất bò rồi mới làm chuồng - Tạp chí Đẹp

Đừng đợi mất bò rồi mới làm chuồng

Một “kịch bản”, hai “ending”

Một ngày tháng 10, chiếc Mitsubishi Jolie biển số 34K… đang lưu thông trên đường Lạc Trung (Hà Nội) thì tự dưng bốc cháy dữ dội, tới mức những người ngồi trên xe chỉ còn kịp chạy thoát ra ngoài trước khi toàn bộ chiếc xe 7 chỗ bị thiêu trụi. Nguyên nhân trực tiếp được xác định là do rò rỉ đường ống dẫn xăng lên động cơ. Ngay lập tức, các thủ tục bảo hiểm được tiến hành. Một tháng sau tai nạn, chủ xe đã được công ty bảo hiểm Bảo Minh bồi thường mức cao nhất bằng trị giá toàn bộ chiếc xe tại thời điểm đó là 300 triệu đồng. Đồng thời, công ty Bảo Minh cũng nhận ủy quyền của chủ xe, gặp gỡ phối hợp với nhà sản xuất (Mitsubishi) tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Trong trường hợp lỗi do sản xuất, phía nhà sản xuất sẽ phải chịu khoản đền bù này (300 triệu đồng).

Nếu lỗi do người sử dụng gây ra thì phía công ty bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm. Vậy là, do đã mua bảo hiểm vật chất toàn bộ xe, dù lỗi có thuộc về ai thì chủ chiếc Jolie cũng được nhà cung cấp bảo hiểm bồi thường hoàn toàn tiền để mua xe khác và không mất thời gian đeo đuổi tiếp sự vụ. Không may mắn như vậy, chiếc Zace biển số 29Y… cũng bất ngờ bốc cháy khoang động cơ khi đang lưu thông trên đường, nhưng chẳng những không nhận được khoản bồi thường hoàn nào từ các công ty bảo hiểm mà chủ xe còn phải lao vào “hành trình kiện tụng” vì nhà sản xuất từ chối nhận trách nhiệm. Đến lúc này bụng mới bảo dạ, nếu không ỉ xe vẫn trong thời hạn bảo hành nên không mua bảo hiểm vật chất xe, thì giờ này đâu phải mang lấy bực bội, buồn phiền vào thân!

Không ít người suy nghĩ đơn giản và… tiết kiệm giống như khổ chủ chiếc xe Zace kể trên, như: nếu mới mua xe thì xe đang trong thời kỳ bảo hành có gì xảy ra nhà sản xuất chịu, nếu đã lái xe vài năm thì mình lái xe “ngon” rồi làm sao có chuyện, hoặc giả có sự cố thì tự giải quyết vẫn gọn nhẹ hơn… Trên thực tế, sự cố và tai nạn chẳng chừa một ai và việc chọn mua bảo hiểm cho xe cũng chẳng khác gì việc lo làm chuồng cho con bò của bạn: tốt nhất có bò phải lo làm chuồng ngay, nói cách khác, khi bạn đã mua xe, việc mua bảo hiểm cho xe là vô cùng cần thiết.

Thế nhưng, không phải cứ vung tiền mua bảo hiểm là bạn đã hoàn toàn an tâm. “Chợ dịch vụ bảo hiểm” có vô số sản phẩm khác nhau. Bạn sẽ mất tiền toi nếu mua những dịch vụ không phù hợp, ngược lại bỏ qua những dịch vụ thiết thực với mình. Và nếu không nghiên cứu kỹ các qui định ràng buộc ở từng loại dịch vụ bảo hiểm thì nhiều khi tiền mất nhưng tật vẫn mang khi công ty bảo hiểm từ chối. Không phải ai cũng biết đúng và biết rõ về các loại hình bảo hiểm ôtô để lựa chọn loại hình nào phù hợp cũng như cách thức bảo vệ quyền lợi của mình trong các trường hợp.

Bảo hiểm bắt buộc: chớ quên!

Để xe được phép lưu thông, bạn phải mua một loại bảo hiểm bắt buộc – Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, với mức tối thiểu là 50 triệu đồng/người và 50 triệu đồng/tài sản đối với một vụ tai nạn. Tất cả các cá nhân, tổ chức (gồm cả cá nhân người nước ngoài) sở hữu xe hơi tại Việt Nam đều phải mua loại bảo hiểm này. Khi mua bảo hiểm này, chủ xe cơ giới sẽ được công ty bảo hiểm thanh toán số tiền mà họ phải bồi thường theo Luật dân sự về những thiệt hại đã gây ra cho người thứ ba và hành khách trên xe theo hợp đồng vận chuyển do việc sử dụng xe cơ giới gây ra.

Đối với những trường hợp thiệt hại về người, bảo hiểm sẽ thanh toán các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, mai táng phí hợp lý… và mức độ lỗi của chủ xe. Đối với tài sản, khoản thanh toán được tính trên cơ sở thiệt hại thực tế và lỗi của chủ xe. Ngoài ra, chủ xe còn được thanh toán chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan đến vụ tai nạn đó như gọi cứu hỏa, sử dụng bình chữa cháy…

Cần phải hiểu rõ, đây không phải là bảo hiểm cho chiếc xe của bạn (và những người ngồi trên xe lúc xảy ra tai nạn) mà bảo hiểm cho xe và người có liên can. Cụ thể, nếu xảy ra va chạm, sự cố giữa xe bạn với xe hoặc người khác mà lỗi thuộc về bạn, thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả khoản đền bù này, tối đa là 50 triệu đồng/vụ và 50 triệu đồng/người/vụ, nếu tai nạn gây tổn thất lớn hơn khoản này thì bạn phải “móc túi” trả nốt phần chênh lệch. Loại hình bảo hiểm này chính là trách nhiệm của bạn đối với cộng đồng khi tham gia giao thông.

Loại bảo hiểm bắt buộc có giá trị không lớn (xe không kinh doanh dưới 6 chỗ ngồi: 300.000đ/năm, 6-11 chỗ: 600.000đ/năm, 12-24 chỗ: 960.000đ/năm, trên 24 chỗ: 1.380.000đ/năm, xe pick-up: 705.000đ/năm; nếu xe có kinh doanh vận tải khoản tiền này cao hơn khoảng 30-40%), ngay khi mua xe bạn đã được nhắc nhở chi trả dịch vụ bảo hiểm này. Tuy nhiên bảo hiểm trách nhiệm dân sự cần được mua nhắc lại hàng năm và nhiều người rất hay quên chuyện này. Nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới hoặc quá hạn bảo hiểm mà vẫn chạy xe, bạn sẽ vi phạm luật giao thông và gặp rắc rối với… các chú công an, cụ thể bạn sẽ bị phạt tiền, giữ giấy tờ, thậm chí là giữ xe hoặc bấm lỗ bằng lái tùy theo mức độ vi phạm.
 
Để khỏi quên, bạn nên ghi lại ngày hết hạn bảo hiểm và dán lên chỗ dễ nhìn thấy nhất trên cabin (có thể ngay trên vô lăng). Nên mua tái bảo hiểm ngay khi gần tới hạn chót, vì chỉ cần quá hạn 1 ngày là bạn đã phạm luật. Thủ tục mua bảo hiểm loại này cực kỳ đơn giản, chỉ cần mang theo cà vẹt xe (giấy đăng ký xe) tới các điểm bán bảo hiểm đặt ở rất nhiều nơi trong thành phố, các cây xăng.

Một điểm cần lưu ý, giao thông ở Việt Nam hiện nay có tỷ lệ rủi ro va chạm rất cao bất chấp bạn lái giỏi và cẩn thận, bởi vậy mức trách nhiệm 50 triệu đồng là khá thấp trong khi trách nhiệm của chủ xe đối với thiệt hại cho bên thứ ba có thể lớn hơn rất nhiều. Một ví dụ, nếu bạn để xảy ra va chạm với một chiếc xe xịn như Mercedes hay BMW mà lỗi thuộc về bạn thì trách nhiệm bồi thường có thể lên đến hàng trăm triệu, chứ không phải 50 triệu đồng. Như vậy bạn cũng nên xem xét mua các mức trách nhiệm cao hơn vì phí sẽ không tăng nhiều, trong khi bạn lại được bảo vệ ở mức cao hơn hẳn.


Chợ bảo hiểm tự nguyện: đừng hoa mắt!

hư đã nói ở trên, bảo hiểm bắt buộc có thể xem như là loại bảo hiểm “mua cho người khác”. Còn để bảo hiểm cho chính chiếc xe và bản thân mình, bạn phải mua một trong số các loại hình bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm tự nguyện gồm 3 hình thức: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe; Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe. Nếu như bảo hiểm bắt buộc chỉ có một loại, bạn có thể “nhắm mắt mà mua”, thì bảo hiểm tự nguyện có rất nhiều gói dịch vụ khác nhau, ngay trong từng loại bảo hiểm. Vì vậy, bạn cần phải tìm hiểu kỹ và lựa chọn loại bảo hiểm nào phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, tiết kiệm chi phí, tránh tình trạng cái cần không mua, cái mua lại không cần.

Thông thường, với xe sử dụng cho mục đích cá nhân và gia đình, thì bảo hiểm vật chất xe rất đáng được quan tâm. Với loại hình bảo hiểm vật chất xe, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của bạn như đâm, va quệt, lật hoặc đổ xe, hỏa hoạn, cháy nổ, những tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên (bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, mất toàn bộ xe).

Thời gian gần đây, một số công ty bảo hiểm còn đưa thêm ra những dịch vụ bảo hiểm vật chất xe thiết thực với nhiều người như bảo hiểm xe đi vào vùng ngập nước, bảo hiểm mất cắp bộ phận… Bảo hiểm này sẽ được mua trên cơ sở giá trị thực tế thị trường. Nếu là xe mới thì rất đơn giản, bạn sẽ mua bảo hiểm trên cơ sở đúng giá mua xe của bạn. Tuy nhiên nếu là xe cũ thì phải có sự thống nhất chung giữa chủ xe và công ty bảo hiểm. Và khi tổn thất xảy ra, bên bảo hiểm sẽ bồi thường cho bạn trên cơ sở giá trị thực tế tại thời điểm xảy ra tổn thất chứ không phải giá trị khi bạn mua. Bởi vậy khi mua loại bảo hiểm này, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

– Về tổn thất phải thay thế bộ phận: Nếu bồi thường theo đúng nguyên tắc trên thì bạn sẽ phải thay 1 bộ phận cũ tương đương trước lúc tai nạn chứ không phải cái mới. Nếu thay mới thì bạn sẽ phải tự trả phần chênh lệch giữa cũ và mới. Để tiện lợi, bạn nên đề nghị công ty bảo hiểm đưa vào điều khoản Bồi thường, Thay mới tổn thất bộ phận.

– Về tổn thất toàn bộ: công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho bạn theo giá trị thực tế tại thời điểm xảy ra tổn thất, thường thấp hơn so với giá trị bạn khai báo mua bảo hiểm ban đầu do giá xe giảm theo thời gian, do thị trường biến động,.. nhưng nhiều khi là do bạn đã mua bảo hiểm với giá trị quá cao. Trường hợp này thường xảy ra khi bạn mua bảo hiểm cho xe cũ, thường thì công ty bảo hiểm muốn bạn mua với giá trị càng cao càng tốt, họ sẽ thu được nhiều phí hơn trong khi trách nhiệm của họ không tăng lên. Tốt nhất bạn nên tham khảo trước giá, chủ động đưa ra giá trị xe và yêu cầu công ty bảo hiểm chấp nhận thay vì để họ làm điều đó.

Đối với loại bảo hiểm tai nạn lái xe và người ngồi trên xe: Nếu bạn đã có bảo hiểm tai nạn hay bảo hiểm y tế thì không nhất thiết mua phần này. Vì nguyên tắc bảo hiểm là bạn chi ra bao nhiêu, sẽ chỉ được bồi thường tối đa bấy nhiêu. Bạn chỉ có thể đòi được bồi thường từ một trong hai đơn bảo hiểm ôtô hoặc đơn bảo hiểm tai nạn mà thôi, trừ khi tổng chi phí y tế điều trị vượt quá giới hạn bảo hiểm của ít nhất một bảo hiểm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua bảo hiểm chi phí thuê xe sau tai nạn do xe phải sửa chữa hoặc bị công an giữ. Loại hình này chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng khá tiện dụng. Công ty bảo hiểm sẽ giới thiệu xe cho bạn thuê một thời gian và chi trả những chi phí đó.

Sau khi đã chọn mua loại hình bảo hiểm phù hợp, cũng cần lưu ý tất cả những điều khoản bắt buộc trong hợp đồng để đảm bảo rằng bạn không vi phạm hợp đồng bảo hiểm (nếu không, công ty bảo hiểm sẽ từ chối chi trả) như bằng lái xe hợp lệ, biên bản xác nhận của công an khi xảy ra sự cố, thông báo kịp thời cho công ty bảo hiểm… Khi xảy ra tai nạn, cần hết sức bình tĩnh và làm đúng qui định trong hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài giá trị bảo hiểm (được quy ra bằng tiền) thì chất lượng dịch vụ là vô cùng quan trọng. Khi gặp phải sự cố, tai nạn mà gặp phải công ty bảo hiểm “ấm ớ”, thì bạn sẽ phải chịu trận. Bởi vậy việc lựa chọn những công ty bảo hiểm lớn, có uy tín lâu năm trong lĩnh vực này luôn là sự lựa chọn khôn ngoan.

Những công ty này phải có đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ với lực lượng hỗ trợ khách hàng thường xuyên. Họ cũng phải có đối tác là hệ thống garage chuyên nghiêp, có uy tín. Một kinh nghiệm của các chủ xe là nên chọn cho mình một garage “thân thiết” và mua loại hình bảo hiểm garage tự chọn. Khi đó, nếu xảy ra sự cố, thủ tục sửa chữa, thay thế sẽ được làm nhanh gọn hơn. Đặc biệt, khi bạn là phụ nữ, hãy tránh xa mệt mỏi, rắc rối của các sự cố càng nhiều càng tốt.

Thực hiện: depweb

10/11/2008, 20:28