Vipassana là một trong những kỹ thuật thiền cổ xưa nhất và được đánh giá là khó nhất của Ấn Độ. Mỗi ngày 12 tiếng ngồi thiền, bắt đầu từ 4 rưỡi sáng cho đến 9 giờ tối, xen kẽ là những khoảng thời gian ngắn ngủi cho các bữa ăn. Tôi không được giao tiếp với những học viên khác bằng lời nói, ánh mắt hay cử chỉ, không đọc, không xem, không viết lách… Tất cả chúng tôi lặng lẽ như những cái bóng, mọi hoạt động diễn ra trong sự im lặng tuyệt đối – “Noble silence”.
5 ngày đầu tiên, tôi vật lộn với cái nóng và sự nhàm chán, sau đó là hàng giờ ngồi thiền không nhúc nhích. Thử thách lớn nhất với tôi là cảm giác ngứa ngáy, mồ hôi ướt đầm lưng áo khiến người tôi nóng ran như có hàng ngàn con kiến đang bò khắp nơi. Đến ngày thứ 6, thứ 7, tôi bắt đầu nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra trong mình, như có dòng nước mát thanh khiết theo hơi thở lan tỏa khắp tâm trí và cơ thể.

10 ngày dài cuối cùng cũng trôi qua, chúng tôi bước ra khỏi thiền viện với một tâm trạng hân hoan khó tả. Rời Sarnath, chúng tôi đạp xe quay lại Varanasi với sự phấn khích như thế. Guim quyết định nghỉ lại đây 3 ngày trước khi tiếp tục hành trình đi lên phía Tây Bắc.
23/5
Chúng tôi rời Lucknow – thủ phủ của bang Uttah Pradesh, một thành phố xinh xắn với những công trình kiến trúc và văn hóa mang đậm phong cách Hồi giáo, để đến Kanpur, một thị trấn đông dân cách đấy khoảng 130 km. Giống như nhiều nơi khác ở Ấn Độ mà chúng tôi từng đi qua, Kanpur là một thị trấn nghèo với những con phố gồ ghề nhằng nhịt xe cộ đi lại, mỗi mét vuông vỉa hè trở thành “nhà” của những người vô gia cư, người may mắn thì có manh chiếu rách, người thì chỉ có độc bộ quần áo trên người.
Len lỏi giữa con phố chật hẹp, chúng tôi đã gặp hai chàng trai trẻ Lucky và Sunny. Lucky kể cho chúng tôi nghe về người vợ chưa cưới của anh: “Theo phong tục truyền thống, bố mẹ sẽ chọn vợ cho tôi. Tôi sẽ không được biết mặt cô dâu cho đến tận ngày cưới. Tôi chỉ biết cô ấy đang học tại New Delhi”.

“Tuy nhiên, chúng tôi thỉnh thoảng có thể gọi điện cho nhau. Ở Ấn Độ, hôn nhân thường được sắp xếp giữa hai gia đình có cùng một đẳng cấp xã hội. Nếu tôi yêu và muốn cưới một người không thuộc đẳng cấp của mình, gia đình tôi sẽ từ chối có mặt trong đám cưới, và tất nhiên họ không hỗ trợ bất cứ gì cho cuộc sống tương lai của hai vợ chồng. Giống như anh bạn Sunny của tôi đây, cưới một cô vợ thuộc tầng lớp thấp hơn, và đã 3 năm rồi, bố mẹ Sunny vẫn từ chối gặp mặt vợ cậu ấy. Vậy thì, tốt nhất cứ nghe lời bố mẹ thôi”, Lucky nói.
“Nhưng anh sẽ làm gì nếu đến ngày cưới, anh phát hiện ra rằng cô gái này không hấp dẫn anh chút nào cả?”. “Ồ, tình yêu sẽ đến theo thời gian, tôi không lo điều đó. Vài ngày nữa tôi sẽ thu xếp lên Delhi để gặp cô ấy. Chúng tôi phải tuyệt đối giữ kín chuyện này, vì gặp mặt trước ngày cưới là điều cấm kỵ”.
Thật khó tin vào những gì chúng tôi vừa được nghe, nhưng cả tôi và Guim đều chúc cho Lucky gặp may mắn. Chia tay Lucky và Sunny, chúng tôi rời khỏi Kanpur với bao thắc mắc về sự trói buộc của đẳng cấp và những hệ lụy của nó.
27/5
Bạn bè tôi từng nói rằng: “Đừng đến Ấn Độ vào tháng 5, tháng 6, bạn sẽ không thể chịu nổi nắng nóng khắc nghiệt ở đây đâu”. Vậy mà chúng tôi cũng đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của hành trình. Mùa mưa càng đến gần, thời tiết càng trở nên oi nồng.
Cái nắng gắt 50°C trên đường cao tốc khiến nhịp thở của chúng tôi dường như ngắn lại, những vòng xe quay ngày một nhanh hơn nhưng cũng không thoát khỏi hơi nóng hầm hập bủa vây tứ phía, ánh nắng chói chang khiến hai mắt tôi cay xè.
Suốt một tuần lễ, chúng tôi đạp xe vượt qua hơn 600 km, và cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Agra – thánh địa tình yêu với ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, một trong 8 kỳ quan của thế giới. Taj Mahal níu chân chúng tôi ở lại Agra vài ngày trước khi tiếp tục đóng gói hành lý lên đường đến thủ đô New Delhi, chặng dừng chân cuối cùng của chúng tôi tại Ấn Độ.
Theo Đẹp 150