Đừng để ngượng với tương lai!

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Ngày 26/2/2013, Nhá báo Trần Đăng Tuấn – Nguyên Phó TGĐ Đài THVN đã qua báo Dân trí gửi thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Nội dung bức thư phản ánh tình trạng quá chậm trễ trong việc thi hành Quyết định 60/2011/QĐ-Ttg. Sau 14 tháng, Quyết định cấp thiết trên vẫn… nằm trên giấy.
 
Theo Quyết định này, mỗi trẻ mầm non 3-4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 120.000đ/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều đó cũng có nghĩa là một quyết định mang tính cứu trợ khẩn cấp của Thủ tướng vẫn còn nằm trên giấy.
 
Đọc bức thư của Nhà báo Trần Đăng Tuấn, lòng như nghẹn lại bởi sự thương cảm và chua chát.
 
Có thể nói, Quyết định 60/2011/QĐ-Ttg của Chính phủ không chỉ thể hiện tinh thần hết lòng chăm lo cho nhân dân các dân tộc vùng cao mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Không dừng ở đấy, nó còn biểu lộ sự cảm thông và thấu hiểu với những khó khăn, vất vả mà các em học sinh thân yêu đang phải gánh chịu.
 
Hình ảnh những ngôi trường dột nát, gió lùa tứ tung, bàn ghế lỏng chỏng và xiêu vẹo mà không khỏi mủi lòng. Nhớ lại những gương mặt trẻ thơ xám nghoét vì đói và lạnh những ngày rét quay, rét quắt vừa qua mà không khỏi rơi nước mắt.
 
Nhìn những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng với muối, đói thịt đến mức phải bắt chuột về ăn cho khỏi thèm thịt như trong một phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam mà không khỏi xót xa.
 
Rồi câu chuyện cô bé người Mông Hầu Thị Ly – học sinh lớp 7 Trường THCS Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai thường xuyên bị ngất xỉu, gia đình “cúng ma” vì cho rằng cô bé bị “ma làm”. Thế nhưng có một chi tiết thật đau lòng, Hầu Thị Ly không ăn thịt. Lý do là vì đã từ tết năm ngoái, cô bé đã “quên” mùi vị của một miếng thịt. Biết đâu, căn bệnh ngất xỉu của Hầu Thị Ly lại chẳng bắt đầu từ những bữa ăn “chay trường” quanh năm (?!).
 
Người xưa có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.  Thế mà đã hơn một năm qua, dù tiền đã có, tức là “cơm” đã treo lơ lửng song chỉ vì chi thiếu một cái thủ tục có tên là “thông tư” gì đó mà để cho hàng vạn những “con mèo trẻ thơ” phải nhịn đói có gì đó như là một sự nhẫn tâm.
 
Chợt nhớ câu hỏi của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm 7/1 vừa qua: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.
 
Vâng, tại sao vậy?
 
Ở đây có lẽ chỉ có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là sự vô trách nhiệm đến vô cảm trước nỗi khổ của đồng loại. Thứ hai, do trình độ quá non kém của một số công chức, viên chức được giao nhiệm vụ này nên có mỗi cái thông tư mà triển khai 14 tháng không xong. Nguyên nhân thứ ba, cũng không loại trừ là không ít công chức được giao có cả hai ‘phẩm chất” trên.
 
Được biết ngay sau khi đọc thư ngỏ của Nhà báo Trần Đăng Tuấn, sáng 27/3, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã cho họp khẩn, kiểm điểm các bộ phận liên quan và yêu cẩu giải quyết ngay. Đây là tinh thần trọng thị của lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
 
Tuy nhiên, để tránh xảy ra những điều tương tự, có lẽ Bộ cần phải xem lại công tác cán bộ. Nếu cần, hãy dũng cảm loại bỏ loại “công chức 30%”, có cũng được mà không cũng được ra khỏi cương vị hiện nay.
 
Xin đừng để một lần nữa phải “ngượng khi nhìn vào mắt trẻ thơ!” như lời trong thư của Nhà báo Trấn Đăng Tuấn.

Theo Dân trí


From the same category