Đối với nhiều chị em, việc đi khám sức khoẻ định kỳ vẫn còn là một khái niệm xa lạ do tâm lý có bệnh mới phải đến bác sĩ.
Thực tế khi thấy trong người khoẻ mạnh, thoải mái nhiều người nghĩ rằng không có bệnh tật gì, nhưng sự thật lại có những bệnh mà thời gian ủ bệnh rất lâu, đến khi phát hiện thì đã muộn và lúc ấy “nước xa khó cứu được lửa gần”.
Tuổi 20
Đây là độ tuổi sung sức nhất trong cuộc đời mỗi con người, bạn ít khi thấy mệt mỏi hay có biểu hiện bệnh gì trầm trọng và chẳng thấy có lý do gì phải đi bác sĩ cả. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu bạn phớt lờ đến sức khoẻ của mình trong độ tuổi này bởi đây là giai đoạn thường tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại về sau.
Những căn bệnh liên quan đến lượng cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các phụ nữ trẻ, đặc biệt với những người có nguy cơ béo phì, những người phải ngồi nhiều hoặc trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh.
Do vậy, việc đi khám là không thể bỏ qua. Có rất nhiều căn bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh.
Khám cổ tử cung
Hiện nay, ung thư cổ tử cung là một trong 5 căn bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Đông Nam Á. Các nhà khoa học đã có những bước tiến quan trọng trong việc tìm ra phương pháp điều trị nhưng mới chỉ dừng lại ở những bệnh nhân khởi phát giai đoạn đầu tiên. Do đó, việc đi khám nhằm phát hiện sớm những tai biến bất thường trong tử cung là rất quan trọng.
Với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, 3 năm phải đi khám cổ tử cung 1 lần. Việc khám nghiệm rất an toàn, nhẹ nhàng và không hề ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hàng ngày của bạn.
Kiểm tra nước tiểu
Kiểm tra lượng protein trong nước tiểu sẽ giúp phát hiện những vấn đề về thận, viêm đường tiết niệu hoặc máu (nhất là khi nước tiểu được kiểm tra trong thời điểm ngoài chu kì kinh nguyệt sẽ cho kết quả chính xác những căn bệnh như viêm thận, sỏi thận, viêm đường tiết niệu), lượng gluco thông báo cho bạn khả năng bị tiểu đường và một số bệnh viêm nhiễm khác.
Việc kiểm tra nước tiểu hiện có ở tất cả các bệnh viện, đối với những ai có triệu chứng tái phát những bệnh về viêm nhiễm cần thường xuyên đi kiểm tra. Nếu có vấn đề về thận bạn cần làm thêm một xét nghiệm về máu.
Kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục
Có thể nhiều bạn sẽ phớt lờ khi đọc đến đây vì cho rằng chỉ có những người quan hệ tình dục bừa bãi, tình dục không an toàn mới mắc phải những bệnh ấy. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyên chúng ta nên đi kiểm tra, đặc biệt với những bạn trẻ sắp kết hôn, vì chỉ cần một lần quan hệ tình dục không an toàn là bạn có thể nhiễm bệnh.
Rất nhiều trường hợp những người không biết mình nhiễm bệnh sau khi kết hôn đã vô tình truyền bệnh cho bạn đời. Việc đi khám và thử máu là cần thiết.
Kiểm tra lượng đường trong máu
Đây là việc làm để phòng tránh bệnh tiểu đường, những người có hàm lượng đường trong máu cao sẽ tăng nguy cơ mắc tiểu đường, căn bệnh gây tử vong cao và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Do thói quen ngồi nhiều và chế độ ăn uống quá nhiều chất đường, chất béo ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ mắc bệnh tiểu đường. Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, béo phì hoặc gia đình có tiền sử người mắc bệnh tiểu đường cần đi khám mỗi năm một lần.
Kiểm tra các bệnh viêm gan siêu vi A&B
Mục đích là xem bạn có mang mầm bệnh hay cơ thể đã được miễn dịch. Viêm gan siêu vi B cấp tính có thể dẫn đến xơ gan thậm chí ung thư gan. Nếu cơ thể chưa được miễn dịch bạn phải tiêm vắc xin phòng bệnh.
Những phụ nữ sống và làm việc trong môi trường thiếu vệ sinh sẽ dễ mắc chứng viêm gan siêu vi A còn đối với viêm gan siêu vi B thì tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tuổi 30
Nếu chuẩn bị có con bạn cần kiểm tra cả về tâm lý lẫn sức khoẻ. Kiểm tra tâm lý giúp bạn có tâm trạng thật thoải mái, một điều rất quan trọng trong quá trình thụ thai và mang thai sau này.
Dựa vào kết quả kiểm tra phụ khoa và kiểm tra máu các bác sĩ sẽ kết luận về tình trạng nội tiết tố, xem cơ thể bạn có gì bất thường không, có mang bệnh tiềm ẩn hay có lỗi gì trong gen gây ảnh hưởng đến đứa trẻ sau này không. Kiểm tra trước giúp bạn tránh được tối đa nguy cơ sinh ra trẻ bị khiếm khuyết.
Kiểm tra chức năng gan
Ở tuổi 30, việc kiểm tra xem gan hoạt động tốt hay không đóng vai trò khá quan trọng. Chế độ ăn có hàm lượng béo cao và lạm dụng quá nhiều rượu bia, thức uống có cồn sẽ làm tăng nguy cơ gan bị phá hủy. Nếu ở lứa tuổi 30 đã bị kêu là béo thì bạn nhất thiết phải đi kiểm tra gan vì hàm lượng chất béo bão hòa trong cơ thể đang ở mức cao, rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
Kiểm tra lượng cholesterol trong máu
Thức ăn ngày nay chủ yếu xoay quanh thịt, cá trứng, đồ ăn nhanh, đồ hộp. Nếu trong thức ăn có chứa nhiều cholesterol, lượng cholesterol trong máu sẽ tăng và kéo theo nguy cơ những bệnh về tim mạch. Đặc biệt tỷ lệ người Việt Nam mắc những bệnh do cholesterol đang ngày càng tăng nên bạn không nên bỏ qua việc kiểm tra cholesterol.
Đối với những phụ nữ có tiền sử bị tim, huyết áp cao đã từng được chẩn đoán là hàm lượng cholesterol cao cần đi kiểm tra mỗi năm một lần. Còn với những người được chẩn đoán bình thường thì khoảng 3 đến 5 năm đi kiểm tra một lần.
Để duy trì mức cholesterol ổn định, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, bỏ dần những món ăn ưa thích nhưng nhiều cholesterol và nhớ thường xuyên tập luyện thể thao.
Lượng cholesterol lý tưởng là khoảng dưới 200mg/dl. Cholesterol có 2 loại LDL là loại có hại cho cơ thể, không được vượt quá mức160mg/dl, còn HDL là cholesterol có ích giúp giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cần được duy trì ở mức tối thiểu là 60mg/dl.
Kiểm tra máu trong phân
Ung thư ruột kết-trực tràng là căn bệnh gây tử vong cho phụ nữ cao thứ 2 trong số các loại ung thư, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 20% số ca mắc bệnh.
Các cuộc điều tra đã đưa ra kết luận những phụ nữ trên 35 tuổi, hoặc những người có thâm niên hút thuốc lá, có biểu hiện đột ngột sút cân, cơ quan đường ruột thay đổi bất thường cần phải đi khám thường xuyên.
Siêu âm kiểm tra vùng xương chậu
Mục đích là để kiểm tra những bất thường nếu có về tử cung và buồng trứng.
Những phụ nữ trên 35 tuổi đặc biệt là những người có vấn đề về kinh nguyệt hoặc có những dấu hiệu bất thường như kinh nguyệt không đều, đau lưng suốt thời gian kinh nguyệt…
Kiểm tra sẽ giúp bạn tránh được những triệu chứng khác khi bước vào tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh sau này.
Kiểm tra huyết áp
Ngay cả khi còn trẻ chúng ta cũng nên thường xuyên kiểm tra huyết áp vì huyết áp cao làm tăng nguy cơ bị tim và những bệnh liên quan đến động mạch vành.
Đối với người lớn huyết áp 110/70-120/80mmHg được coi là lý tưởng, khoảng 140/90mmHg hoặc hơn là cao và cần được theo dõi thường xuyên. Phụ nữ tuổi càng cao càng cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Trên 40
Ở tuổi này người ta dễ mắc bệnh hơn vì sức đề kháng kém đi rõ rệt. Với phụ nữ, một trong những việc cần làm là đi chụp X quang nhằm xác định các khối u vùng ngực. Đây là tầm tuổi mà bệnh ung thư vú xuất hiện nhiều nhất, nếu phát hiện sớm khả năng chữa trị sẽ cao hơn. Phụ nữ 40-50 tuổi cần đi khám mỗi năm một lần, trên 50 tuổi 2 năm/lần. Nếu trong gia đình có người bị ung thư vú thì cần kiểm tra sớm hơn.
Kiểm tra tỉ trọng xương
Độ tuổi của người phụ nữ tỉ lệ nghịch với lượng khoáng trong xương của họ. Lượng khoáng giảm khiến xương ngày càng giòn và chóng bị loãng xương, làm tăng nguy cơ xương dễ bị thương tổn, chỉ cần một chấn động nhỏ cũng dễ dẫn đến gãy nứt xương.
Kiểm tra mật độ khoáng trong xương giúp bạn xác định sự chắc chắn của xương, nhất là ở xương hông, xương cổ tay, xương cột sống. Những phụ nữ ở lứa tuổi mãn kinh là những người có nguy cơ loãng xương cao nên đi khám đều đặn và tăng cường bổ sung canxi.