Từ bỏ những thói quen và mối liên hệ ảo
“Chồng ơi, em bán smartphone rồi” – “Thế em định lên đời thành iPhone 6 à? Đã tham khảo kỹ chưa?” – “Không, em chỉ cần điện thoại bàn phím cơ, và chính xác là chức năng nghe gọi. À, cả nhắn tin, hẹn giờ và báo thức – đương nhiên!”. Chồng tôi sặc nước. Anh bị sốc. Cô vợ “váy mỏng giày cao” của anh lại theo trào lưu đồ cổ hay sao?
Chỉ có 3 người bạn gọi trực tiếp cho tôi, hỏi vì sao họ thấy tài khoản facebook của tôi bị khóa. Hay là tôi bị hack? Tôi trả lời rằng quá nhiều liên hệ ảo khiến tôi thấy mình mệt não và vô bổ. Số còn lại, hơn 400 người trong cái friendlist chi chít ngày nào cũng “chia sẻ” đủ loại vui buồn, tuyệt nhiên không một ai nhận ra sự vắng mặt của tôi. Hoặc giả, có chăng họ biết, thì giữa hàng trăm cái status mỗi ngày tràn lên new feeds, hỉ nộ ái ố từ nhảm nhí đến triết lý lòng vòng, chắc chắn là họ sẽ quên thôi. Quên nhanh lắm. Cái thế giới ấy, ai thích nói gì thì nói, thích thể hiện bản thân ra sao thì thể hiện. Chỉ có con gái tôi thiệt thòi, khi mẹ không trả lời mỗi khi nó hỏi. Mẹ ngồi với nó nhưng khi nó kể chuyện được cô giáo khen thông minh thì mẹ cười rúc rích với smartphone (chắc là smartphone còn thông minh hơn nó?!)… Nhiều khi tôi không nhớ nổi một người bạn sẵn sàng nghe mình nói, trừ “bạn” facebook ra. Có thể ai đó sẽ khoát tay, tặc lưỡi, đó chỉ là hệ quả tất yếu của đời sống hiện đại thôi, nghĩ nhiều quá cũng thay đổi được gì. Nhưng chắc chắn sẽ không ai muốn làm gương cho con cái mình cách đó: thu hẹp mối quan hệ thật, say sưa với thế giới ảo, chìm đắm trong những lời chúc mừng, thăm hỏi ảo và ngày nào cũng sống nương nhờ vào mấy vạch sóng và vạch pin. Mà trẻ con thì bắt chước rất nhanh. Con gái 2 tuổi của tôi có thể mở Youtube nhoay nhoay, xem hoạt hình, robot triền miên…
Hạn chế cho trẻ xem quảng cáo
Đứng sau smartphone, có lẽ các chương trình quảng cáo là “bạn thân” của trẻ em hiện đại. Quảng cáo sôi động, giàu hình ảnh, tiết tấu nhanh, và lưu giữ rất lâu vào tâm trí. Đặc biệt là tâm trí trẻ em. Nhưng điểm hạn chế lớn nhất là ở chỗ, quảng cáo kích thích người mua bằng cảm giác được làm trung tâm, được nổi bật, “đánh nhanh thắng nhanh” và “đè bẹp” đối thủ một cách tuyệt đối. Trẻ em rất dễ bị kích động bởi lối thể hiện này. Thậm chí, những đứa trẻ càng nhỏ, càng chưa hiểu hết những câu nói, những hành động yêu thương từ bố mẹ, chúng lại càng dễ bị thu hút bởi quảng cáo, và trở nên thiếu kiên nhẫn, khó cảm thụ những chi tiết nhỏ bé, giản dị và ý nghĩa của đời sống thực.
Quảng cáo cũng dạy cho trẻ suy nghĩ tiêu cực về đời sống, đề cao vật chất và biểu hiện bề ngoài. Một chiếc ôtô là để trở nên đẳng cấp, chiếc điện thoại là để cho tất cả phải ngước nhìn, chiếc áo đến trường là phải trắng tinh, lóa mắt… Sự hấp dẫn giới tính trong quảng cáo cũng được bộc lộ thô thiển, lộ liễu, thông qua những lối phục trang thái quá và phản cảm. Các cô gái, chàng trai thường gây ấn tượng mạnh bởi yếu tố hình thể và trang phục, sự ngưỡng mộ, thèm khát đến bất chấp tất cả để xông đến, đạt được như những người ấy là kiểu quảng cáo được nhiều nhà sản xuất tận dụng. Công dụng của các sản phẩm bị “làm quá” đến trở thành lố bịch, thần kỳ, không thực tế. Trẻ em luôn cảm thấy quảng cáo là thế giới hấp dẫn của những người hùng. Ở đó không hề có sự hài hòa và kiên nhẫn. Thế giới ấy phân định quá rõ sự thắng – thua, hơn – thiệt, nhấn mạnh sự nổi bật cá nhân, phủ nhận tất cả những gì xung quanh và luôn bóng bẩy. Tưởng như người ta có thể hèn kém đi nếu không có sự bóng bẩy ấy cho mình.
Có thể nhiều người phản ứng với tôi, cho rằng tôi làm quá, rằng trẻ con thì ngày nào cũng đều xem quảng cáo và thế giới vẫn tồn tại bình thường. Tôi thì lại cho rằng những việc mất kiểm soát với những phương pháp giáo dục phi truyền thống bởi sự bận rộn của đời sống hiện đại mới đáng để chúng ta lo lắng vì chưa có nhiều người thật sự trải nghiệm được rằng giao phó con cho các thiết bị hiện đại như vậy, điều gì sẽ xảy ra.
Định hướng cho trẻ về các giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật truyền thống
Không dễ gì nói với các ông bố, bà mẹ hiện đại rằng nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, các làn điệu dân gian và trò chơi dân gian… sẽ rất tốt cho con của họ. Người ta có thể gặp tràn lan các em bé chỉ 2,3 tuổi hát những bài hát có phần vũ đạo bắt mắt, cách thể hiện sexy nhưng nếu đề cập đến việc cho các em thưởng thức một tiết mục nghệ thuật truyền thống, tham gia một trò chơi dân gian sẽ bị cười là “âm lịch”. Thật ra, không thể bảo tồn di sản văn hóa dân gian truyền thống, khi mà quá nhiều người trẻ hiện đại không cảm nhận được giá trị của nó, chưa kể đến việc tuyên truyền về sự bảo tồn vốn văn hóa ấy cũng rời rạc, cứng nhắc và mệt mỏi.
Nhưng tình hình sẽ khác, nếu những ông bố, bà mẹ trẻ hiểu rằng trẻ sẽ thông minh hơn, sẽ có sức khỏe tốt hơn rất nhiều nếu không chỉ được nghe mà còn được tham gia biểu diễn, được thực hiện các hoạt động trên nền nghệ thuật dân gian và ứng dụng các trò chơi dân gian. Chúng không những có thể múa, hát, nhún nhảy mà còn diễn xuất, đóng vai, tưởng tượng và rút ra cho mình những bài học về đời sống. Chính trong lúc tham gia diễn xuất ấy, chúng có thêm cảm nhận về ngôn từ, về ý nghĩa của thứ ngôn ngữ mẹ đẻ mà chúng đang sử dụng hàng ngày, nhất là khi thứ ngôn từ ấy được sắp xếp thành nhịp phách, vần điệu, lí lơi, ngơi nghỉ… Trẻ cũng học được vô số các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, sự khéo léo, hòa nhập trong trí tuệ dân gian thông qua các trò chơi vận động: kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống, ô ăn quan, đánh chuyền…
Tuổi thơ của trẻ không quay về lần nữa, và lẽ nào chúng ta để con mình có ký ức tuổi chỉ là nhà trẻ – 8 tiếng kỷ luật sắt với giọng nói lạnh lùng, cứng nhắc của cô giao, những bữa cơm ngồi thật thẳng lưng, yên lặng cho cô xúc và về nhà là youtube, quảng cáo… hay sao?
Bài: Trúc An
Xem thêm: Hãy để con tự làm tự chịu