Dũng Đà Lạt: “Nếu không gặp Linh, tôi chỉ suốt ngày cười tếu táo”

Uyên Linh – Dũng Đà Lạt: “Chúng tôi từng là một phần giông bão của đời nhau”

Dũng Đà Lạt là một tay guitar thượng thặng ở Sài Gòn, còn Uyên Linh là một giọng ca mới nổi lên 5 năm trước và ngày càng chiếm lĩnh thị trường bằng lựa chọn riêng không vội vã của mình. Họ đến với nhau trong một “cơn bão” và nhận thấy rõ mình hơn trong “ánh chớp của số phận”. “Dư chấn” để lại là một sản phẩm chung mà hai người gọi là kỷ niệm, còn thị trường âm nhạc trong nước biết thêm một cặp đôi nhạc sĩ – ca sĩ mới.

Lần đầu tiên họ chia sẻ về mối duyên trong âm nhạc và đời sống một cách trực diện và thẳng thắn…

Đọc thêm

Ca sĩ Uyên Linh: Nói tôi kéo anh ấy ra “ánh sáng”, tôi ngượng lắm!

Có cô ấy, tôi mới viết được

– Điều gì đã nhấc anh từ Đà Lạt xuống Sài Gòn?

– Tôi xuống Sài Gòn cuối năm 2000. Trước đó, tôi chơi guitar trong vai trò nhạc công của đoàn ca múa nhà nước. Tôi ấp ủ rời Đà Lạt từ lâu, nhưng vì là con trai duy nhất trong nhà nên mẹ tôi không cho đi đâu cả.

“Em là vua rồi, em muốn làm gì anh sẽ làm theo hết”
Tôi lỡ nhiều chuyện, nhưng cũng gặp may mắn nhiều chuyện. Thời ở Đà Lạt, có một người đàn ông đến từ Anh muốn nhận tôi làm con nuôi, đưa qua bên đó cho đi học nhạc, nhưng mẹ không đồng ý. Năm sau ông ấy lại quay lại Đà Lạt với đề nghị đó, tôi nói dối ông là mẹ tôi đồng ý để ông về Anh làm thủ tục. Đáng tiếc, chuyến bay từ Việt Nam về Anh lần đó của ông gặp nạn. Tôi dừng giấc mơ sang Anh học từ đó.

Sau lần đi Anh bất thành, tôi quyết tâm xuống Sài Gòn với lời giới thiệu của nhạc sĩ Bảo Phúc để có một chỗ làm. Tôi ôm mục tiêu phải đi học nhạc ở một ngôi trường đàng hoàng, có bằng cấp đàng hoàng, vì hồi giờ tôi toàn tự học qua bạn bè, sách vở một cách chắp vá. Rồi tôi thi vào được Nhạc viện Tp.HCM, tháng 9/2001.

Phải tự mưu sinh để theo đuổi việc học, tôi làm đủ nghề, chơi nhạc ở quán, chép nhạc… – đủ cả. Nhưng ngày đó lịch học ở trường nhạc rất khắt khe, nên tôi phải dừng học để mưu sinh. Tôi tiếp tục với công việc làm nhạc, rồi được bước chân vào phòng thu, cứ thế dần dần đi qua mười mấy năm rất sôi động để đến ngày hôm nay (cười).

– Từ khi nào thì anh bắt đầu tự tin với tất cả mọi thứ mình có ở Sài Gòn?

– Thực ra cho tới giờ tôi vẫn chưa được tự tin lắm, mỗi ngày đều có những điều mới mà mình chưa đoán được, hoặc chưa cập nhật được, dù tôi đã sống ở đời với số tuổi nhất định rồi. Nhưng thực ra, một nghệ sĩ chuẩn bị bước lên sân khấu, nếu họ vẫn còn giữ được sự hồi hộp và chút lo lắng, thì nghĩa là người đó vẫn còn chưa bị chai sạn cảm xúc. Mà còn hồi hộp tức là chưa tự tin mấy!


– Điểm mạnh của con người nghệ sĩ trong anh là gì?

– Tôi đam mê thực sự chứ không vì một lý do gì. Bên cạnh đó, tôi có khả năng học được từ người đối diện hoặc bạn bè xung quanh mình khá nhanh.  

– Thế rồi, anh cũng có một đĩa nhạc riêng, do một quán quân Idol thể hiện, cũng chính là người anh yêu thương. Đâu phải nhạc công nào cũng sở hữu được những điều ấy!

– Đúng! Vì có cô ấy, tôi mới viết được. Chứ bình thường tôi cứ cười đùa tếu táo thế này thôi (cười). Thực ra, các nhạc công đều sáng tác, dù chỉ 1, 2 bài, nhưng đa số họ đều viết rồi… cất vào ngăn tủ.

– Một người thích cười đùa tếu táo thế mà Uyên Linh lại bảo, cô ấy nghe thấy trong tiếng đàn của anh rất nhiều nỗi buồn!

– Thì ông Charlie từng nói, người cười nhiều nhất là người buồn nhiều nhất đấy thôi. Vẻ ngoài người đó đôi khi chỉ là phản ứng tự vệ của họ để chống lại những gì thực sự bên trong. Nên sự vui vẻ của tôi bên ngoài cũng đôi khi là để chống chọi với nỗi buồn, và nó vận vào tiếng đàn. Ở bên trong, tôi là người có nhiều tâm sự. Có lẽ vì thế, Linh đúng!

– Vậy anh có bao giờ buồn chuyện: Những nhạc công như anh ở Việt Nam thường không mấy khi được công chúng biết tới, dù có tài ba cách mấy. Chỉ đến khi các anh gắn với một giọng ca nào đó, mà cũng phải là nổi đình nổi đám thì mới được nhắc tên. Theo cách đó, cái tên Dũng Đà Lạt từ nay sẽ gắn liền sau tên Uyên Linh?

– Người làm nhạc là người thầm lặng phía sau ca sĩ, nhưng đương nhiên họ cũng mong muốn được mọi người biết tới. Tôi nghĩ cách một nhạc công hay nhạc sĩ nói tôi không cần ai biết tới có lẽ chưa trung thực lắm. Tuy nhiên, công chúng luôn thấy tên họ ở phía sau tên ca sĩ, thì tôi thấy điều đó cũng dễ hiểu, bởi ca sĩ là người đến gần với công chúng hơn. Vậy nên, tại sao lại đi đòi hỏi sự công bằng mà không vui với thành quả mình tạo dựng?

Tôi biết, hiện tại có nhiều anh em chơi nhạc cực hay, nhưng cũng không ai biết đến cả. Nếu họ cứ sân si thì đâu còn thời gian để sống với đam mê. Nên chuyện tôi gắn với tên Uyên Linh sau khi làm đĩa nhạc chung với cô ấy, tôi thấy chẳng sao cả, vui chứ!

Đi cạnh cô ấy mà chẳng làm gì ra hồn, chán lắm!

– Điều lớn nhất anh nhận được khi làm chung cùng Uyên Linh là gì?

– Ý tưởng album “Ước chi ta chưa gặp nhau” là do Uyên Linh nghĩ ra. Tôi là người khá nhát nên khi cho Linh nghe những bài hát mình viết, tôi chỉ nghĩ nếu phù hợp thì sẽ đưa vào từng sản phẩm riêng lẻ của Linh sau này chứ không bao giờ có ý định làm một đĩa riêng, vì thấy nó mang tính cá nhân quá. Đùng cái Linh bảo muốn làm thành một đĩa để kỷ niệm. Tôi mới nói vui với Linh: “Em là vua rồi, em muốn làm gì anh sẽ làm theo hết” (cười). Linh là vậy, rất quyết liệt.

Bạn bè trước giờ chỉ nghĩ tôi đánh guitar thôi, tất nhiên đa số nhạc công ai chẳng sáng tác một vài bài… dù chỉ để “cất vào tủ”, thỉnh thoảng lôi ra ngắm chơi. Tôi cũng vậy. Lúc thu âm xong bạn bè trêu đùa dữ lắm, nhưng thực ra ai cũng ủng hộ tôi. Họ chưa cần biết album hay dở thế nào, nhưng họ hiểu mỗi bài trong đĩa nhạc này đều là cảm xúc thật của tôi. Album có 7 bài, 2 bài tôi viết từ lâu, còn lại đều là viết cho riêng Linh.

– Nghe đâu 5 bài viết riêng cho Linh là lúc thế giới nội tâm của anh đang dậy sóng?

– Có điều chắc chắn, nếu không có Linh, tôi không viết ra nhiều được như thế, tôi sẽ chỉ cười cười và đàn đúm bạn bè mỗi ngày thôi.

Nhiều người nói họ viết bài A hay bài B cho nàng thơ trong tưởng tượng, nhưng tôi không tin đó chỉ là tưởng tượng. Tôi tin họ phải có tình cảm thực sự mới viết ra được những bài hát như thế. Tôi may mắn gặp được nàng thơ của mình. Chưa có ai như Linh, chưa ai làm tôi phải suy nghĩ nhiều thế (cười). Ví dụ bài “Ước sao ta chưa gặp nhau” tôi chỉ viết từ 1 – 4 giờ sáng là xong. Linh là người cho tôi nhiều cảm xúc nhất, dù trước đó tôi cũng yêu vài cô gái rồi. Gặp Linh rồi, tôi nhận ra, con người ta có thể từ bỏ nhiều thứ chỉ vì một người nào đó, mặc dù biết có thể chẳng đi tới đâu, nhưng mình vẫn sẵn lòng làm mọi thứ vì người đó. Trong cuộc đời một người cần phải có những biến động như thế, cần có cảm giác đó một lần, dốc hết lòng vì một người nào đó như là quên đi chính mình. Đó là chất xúc tác để mình đi tiếp được. 

– Rồi sau những phút giây “quên đi chính mình” ấy, lúc tỉnh lại, anh có thấy mình đã mất tất cả không?

– Không, lúc mình chọn xả thân thì sẽ chẳng cảm thấy mất mát gì cả. Tôi rất yếu đuối nhưng trong sâu thẳm lại là người vô cùng can đảm và liều lĩnh. Tôi thấy điều đó thống nhất ở trong mình, từ khi quyết định nói dối mẹ để suýt đi Anh rồi.

Trước giờ, người ta hay liên tưởng con thiêu thân là các cô gái yếu đuối, họ đâu biết, nhiều đàn ông là thiêu thân lắm…


Phải làm điều gì đó trả lại công bằng cho Linh

– Sau album chung đầu tiên, cuộc đồng hành tiếp theo sẽ là gì?

– Dĩ nhiên tôi muốn làm một cái gì đó cho Linh để bước đường sự nghiệp của cô ấy có nhiều màu sắc hơn. Tôi phụ Linh những việc nhỏ như chọn bài hoặc nhờ nhạc sĩ viết bài, tìm người làm hòa âm, phối khí. Rồi tôi cũng sẽ viết nhạc cho Linh, nhưng phải là cô ấy thích. Tôi muốn đó là sự hãnh diện cá nhân của mình chứ không phải cứ đi cạnh cô ấy mà chẳng làm cái gì ra hồn, suốt ngày cứ đứng đó và cười cười thì chán lắm.

– Tức là nhạc công Dũng Đà Lạt sẽ bước đầu chuyển sang vai trò nhà sản xuất âm nhạc?

– Không hẳn. Trước Linh, tôi cũng đã viết một số bài cho Phương Thanh hát. Tôi cũng đã làm giám đốc âm nhạc một số show của Phương Thanh. Tôi cũng đã làm hòa âm, sản xuất đĩa cho vài người. Nhưng khi làm với Uyên Linh mọi người mới biết nhiều. Tôi coi đó là may mắn. Tôi cũng mong thời gian trôi qua, mình sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để mang điều đó giúp cho Linh.

– Nhiều người theo dõi đời sống âm nhạc Sài Gòn cho rằng, anh có thể trở thành một nhà sản xuất, một người làm hòa âm, nhưng dù vậy, tất cả đều không bằng chỉ để Dũng Đà Lạt là một tay guitar?

– Họ có lý do riêng. Không phải một nhạc công giỏi nào cũng sẽ làm hòa âm hay, hoặc một người làm hòa âm hay chưa chắc là một nhà sản xuất giỏi, thậm chí một nhà sản xuất giỏi không cần biết sáng tác nhạc là gì – họ chỉ cần nắm bắt được xu hướng thời đại thôi. Nên nhận xét đó tôi không thấy buồn, mình phải đi và lắng nghe những nhận xét đó, nếu muốn có sản phẩm tốt hơn.

– Sự đồng điệu có đủ để hai người cùng nhau đi tiếp với nhiều kế hoạch chung lớn hơn?

– Linh là một cô gái quyết liệt và vô cùng cá tính. Là phụ nữ, tất nhiên Linh cũng có lúc yếu đuối, chẳng hạn ngày gặp và yêu tôi. Nhưng chúng tôi không kỳ vọng nhiều quá, vì sẽ rất dễ thất vọng và cáu gắt. Riêng mình, tôi thấy được cho đi đã là vui, tôi không chờ mong quá nhiều.

– Tại sao anh ít tự tin về mối quan hệ này thế?

– Không phải tôi không tự tin mà là không kỳ vọng. Cuộc sống thay đổi nhanh lắm, tôi đủ trưởng thành để hiểu nó rồi. Nghề của chúng tôi nhiều biến động, nên mọi thứ càng không bao giờ như mình tưởng tượng. Tôi luôn sẵn sàng, có việc gì đó xảy ra cũng không sao cả.

Khi còn có thể đồng hành, tôi chỉ luôn cố gắng chân thành nhất với cô ấy. Tôi luôn sẵn sàng nấu nướng mọi thứ trong nhà để ngủ dậy cô ấy có đồ ăn. Tôi đi chợ hay làm gì đều được. Ví dụ, cô ấy bảo: “Anh ơi viết hộ em bài phối để mai tập”, thì tôi trả lời: “Đợi anh kho nồi cá xong đã rồi anh vào viết” (cười).

– Khi so sánh cặp đôi Dũng Đà Lạt – Uyên Linh với các cặp Anh Quân – Mỹ Linh, Quốc Trung – Thanh Lam, Linh nói: “Họ từng hoặc đang là vợ chồng, còn chúng tôi có thể sẽ không bao giờ là vậy cả”. Nhưng, tôi lại thấy những điều anh đang làm cho Linh còn ấm áp hơn sự chia sẻ giữa vợ chồng?

– Đúng rồi. Tôi chỉ có vốn quý là sự chân thành. Đôi khi mình làm mọi thứ chỉ để mua một nụ cười hay sự hài lòng của người mình yêu thương thôi. Vậy cũng là hạnh phúc rồi.


– Vậy còn điều dịu dàng nhất Linh dành cho anh là gì?

– Linh là phụ nữ mà, nên ắt có những dịu dàng riêng. Ví dụ một sự quan tâm nào đó của cô ấy là dịu dàng rồi, mặc dù âm thanh nghe có thể không dịu dàng cho lắm (cười). Nhưng với tôi thế là đủ. Bảo Linh sến súa chắc cô ấy làm không được, mà tôi cũng không cần thiết như vậy. Tôi chỉ cần thông cảm, rộng lượng với nhau, thế là tuyệt vời rồi.

– Thế mà Linh bảo cô ấy là một con mèo! 

“Ví dụ cô ấy bảo: ‘Anh ơi viết hộ em bài phối để mai tập’, thì tôi trả lời: ‘Đợi anh kho nồi cá xong đã rồi anh vào viết’…”
– Cô ấy đúng là một con mèo. Mèo là loài vật có cá tính rất bí hiểm, lúc nào mình cũng muốn tìm hiểu con mèo đó đang nghĩ gì hoặc “âm mưu” việc gì. Mèo vô cùng thông minh và có thể rất tốt bụng hoặc cực ác độc. Nhưng Linh thì chẳng bao giờ ác độc với tôi, cô ấy chỉ nghiêm khắc thôi.

– Để có thể chia sẻ về nàng thơ của mình một cách thẳng thắn như hiện tại, hẳn anh và Linh phải mất nhiều thời gian. Người ta bảo, anh đã phải đánh đổi mối nhân duyên này bằng việc chấp nhận sự đổ vỡ của một gia đình. Sự thật là thế nào?

– Chỉ có ở trong gia đình đó người ta mới biết cái gì đã đổ vỡ, cái gì chưa và nó đổ vỡ từ lúc nào. Có thể theo logic, người ta sẽ nghĩ là chúng tôi đã đánh đổi bằng điều đó. Nhưng thực ra những thứ đó không liên quan gì cả. Tôi chỉ muốn nói, Linh đã chịu rất nhiều điều tiếng, mà đều do lỗi của tôi. Tôi đã vô tình mang họa đến cho Linh, lúc nào trong suốt quãng thời gian qua tôi cũng cảm thấy mình đã mang đến cho cô ấy nhiều hơn những nỗi buồn, nhưng thật khó giải thích cụ thể. Giờ tôi chỉ nghĩ phải làm điều gì đó trả lại công bằng cho Linh, vì Linh không đáng phải chịu những tai vạ đó…


– Sở thích nào của Linh mà chỉ mình anh biết?

– Linh thích ngủ và không thích ai thức hết! (cười)

  Thực hiện: Thục Khôi

logo


From the same category