Những “chú ong” Vespa cổ đã mấy chục năm tuổi đang cùng bạn ngao du khắp nẻo đường bỗng một ngày “trở chứng”. Nhẹ thì đứt dây các loại, khó nổ, không nổ được máy, nặng thì kẹt cần đạp hỏng bi cơ, hỏng chữ thập số.
Thông thường nếu chiếc xe của bạn đồng bộ khung và máy, các bộ phận trong máy còn “zin” thì xe ít khi hỏng vặt, nhưng đa phần vì tuổi đời quá lâu nên nhiều bộ phận cũ hỏng đã được thay mới. Do sự không đồng bộ và ăn khớp giữa cũ và mới đôi khi cũng gây nên những sự cố. Dân đi Vespa cổ hầu như ai cũng biết sửa một vài bệnh vặt xế yêu của mình. Một phần vì thợ có thể sửa được dòng xe này không hề phổ biến, phần thứ 2 vì đam mê, đã chơi xe là phải biết sửa xe, đó là luật bất thành văn của dân “mê ong”.
Trong khuôn khổ bài viết này, Đẹp sẽ giới thiệu với những tín đồ của dòng xe “phong cách Ý” này những dụng cụ và đồ dùng cần có trong cốp xe mỗi khi “ong” lăn bánh trên đường.
Nhớt 2T (2 thì)
Do cấu tạo động cơ 2 thì nên các dòng Vespa cổ đều phải dùng nhớt pha vào xăng. Xe đời cũ như “tăng đa”, Super, Sprint… thì người dùng phải tự pha nhớt vào xăng mỗi lần đổ, các dòng xe sau này thì đã có bộ phận pha nhớt tự động. Tựu chung lại đã chơi “ong” là phải luôn có nhớt 2T trong cốp.
Có khá nhiều loại nhớt 2T trên thị trường, loại rẻ thì chỉ khoảng 70.000 đồng/bình 800ml, loại đắt hơn thì khoảng 150.000 đồng/bình. Luôn nhớ là phải dùng nhớt 2T, nhiều bạn chơi xe ban đầu thường không để ý nhớt vì thế có lúc mua hoặc đổ nhầm nhớt 4T vào xăng. Điều này có thể gây hại rất lớn đến bộ hơi của xe, nhẹ thì bó máy hỏng xéc-măng, nặng thì “đi” luôn cả pít-tông, xi-lanh.
Thông thường tỷ lệ nhớt vào xăng dao động trong khoảng 2%-5% tùy thuộc điều kiện đường xá, nhiều bạn ban đầu chưa căn được lượng nhớt thì mỗi lần đổ có thể mang theo cốc đong. Đổ một lượng xăng nhất định, tính tỷ lệ phần trăm rồi đong đúng lượng nhớt cần thiết. Đi trong điều kiện đường phố thì tỷ lệ thường là 3%, đường trường là 5%-6%.
Dây rợ các loại
Có 3 loại dây bạn luôn phải mang theo khi đi Vespa cổ là 2 dây số, dây côn và dây ga, nếu cẩn thận mang theo cả dây phanh. Trong đó hay đứt nhất là dây côn và dây số. Để công việc thay dây được dễ dàng và dây bền hơn thì bạn nên mang theo một ít mỡ bò, dùng để bôi trơn khi luồn dây vào vỏ và nhiều mục đích khác nữa.
Bu-gi dự phòng và đồ mở
Dân đi Vespa cổ vẫn thường nói: “thứ nhất là tại bu-gi, thứ nhì là tại cái gì bên trong”. Bu-gi không tốt có thể “lăn quay” chết bất cứ lúc nào, do đó bạn luôn phải có một chiếc dự phòng. Thông thường dân đi nhiều hay chọn loại bu-gi platinum vì độ bền và khả năng đánh lửa khỏe của chúng.
Dụng cụ để mở bu-gi bao gồm tuýp chữ T. Khi mở và vặn bu-gi bạn nhớ chờ máy nguội rồi mới thực hiện thao tác tránh trường hợp bỏng, chú ý lực siết vừa phải tránh làm hỏng ren. Cần kiểm tra bu-gi xem bị hỏng hẳn hay do muội than bám nhiều dẫn tới đánh điện kém, nếu bị bẩn thì có thể dùng giấy ráp để đánh sạch, dùng tuốc-nơ-vít để moi dầu cặn ở xung quanh điện cực. Một số bạn dùng đèn xì đốt bu-gi thật nóng cho khô dầu bám rồi làm sạch cũng có thể dùng thêm được một thời gian.
Các dụng cụ khác
Dụng cụ để mở bánh xe bao gồm tuýp chữ T 13 (theo bu-lông và ê-cu nguyên bản), 2 chiếc kìm để căn chỉnh dây số. Tuốc-nơ-vít 4 cạnh và 2 cạnh, cờ-lê 6-8-10-12-14-17, chữ T hoặc tuýp 11, chòng 17, 19 hoặc 21 dùng để mở ê-cu trục bánh khi cần thiết phải tháo cả bánh xe, tuýp 14 dùng để mở ê-cu giữa bộ côn.
Bên cạnh đó, hãy nhớ luôn kiểm tra lốp dự phòng trước mỗi cuộc hành trình để đảm bảo có thể thay thế bất cứ lúc nào. Nếu một chuyến đi dài bạn cần mang theo bơm và đồ vá săm để có thể xử lý những trường hợp thủng lốp giữa đường vắng. Nếu còn chỗ thì mang theo vam mở mâm điện và đoạn dây điện nhỏ để xử lý trường hợp liên quan đến điện, hành trình dài nên mang thêm cả bộ ma-vít đề phòng trường hợp bề mặt ma-vít bị “rỗ”. Khi đi xa trong đoàn nên mang theo một đoạn dây ti-ô xăng dài chừng 60-80cm dùng để rút xăng xe này chuyển sang xe khác khi cần kíp.
Một vài đôi găng tay lao động loại bằng vải mỏng sẽ rất hữu dụng khi bạn phải sửa chửa hay chỉnh côn số. Không chỉ tránh bị bẩn tay, găng sẽ bảo vệ tay tránh chạm vào các chi tiết máy đang nóng, lúc siết các bu-lông, ê-cu cũng không làm đau tay.
Bạn cần mang thêm một chiếc khăn kiểu như khăn mặt gia đình loại vừa để lau chùi hoặc trải ra giữa đất để các chi tiết máy dính đất cát bẩn lúc tháo ra, hoặc kê vào phần cốp khi bạn cho xe nằm nghiêng tránh trầy xước sơn. Một chiếc đèn pin nhỏ giúp bạn những lúc trời tối, chai nước khoáng và áo mưa sẽ đủ bộ cho đồ bảo hộ dùng “trị bệnh” cho “ong”.
Bên cạnh đó, dù bạn có đủ dụng cụ nêu trên thì việc quan trọng nhất vẫn là trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và niềm đam mê “ong” thật lớn. Cùng với đó là những mày mò sáng tạo, học hỏi từ những người bạn cùng chung sở thích. Bạn có thể tìm kiếm những người bạn chung sở thích ở các hội Vespa cổ để hiểu thêm về xế yêu của mình.
Cuối cùng, bạn nên có trong danh bạ điện thoại những số điện thoại của bạn bè, của xe cứu hộ, tiệm sửa xe ở những nơi bạn sẽ đi qua lúc cần ứng phó khẩn cấp. Những “chú ong” sẽ mang bạn đi khắp thế giới, khám phá những vùng đất mới nếu bạn biết cách chăm sóc và “trị bệnh” cho chúng.