Đừng coi thường sốc nhiệt mùa hè ở trẻ

Sốc nhiệt – ít để ý nhưng có thể rất nguy

Sốc nhiệt là hiện tượng có thể đe dọa tính mạng của em bé, thường xảy ra khi cơ thể em bé bị quá nóng và không thể tự hạ nhiệt do nhiều yếu tố. Trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị sốc nhiệt (dân gian hay gọi là cảm nắng/cảm nóng) nếu ở quá lâu trong môi trường không khí quá nóng, hoặc mặc quá nhiều quần áo.

Những dấu hiện ban đầu cho thấy em bé có thể bị sốc nhiệt bao gồm: bé hay khát nước hơn bình thường, mệt mỏi hơn, da bé trở nên ẩm và lạnh (do bị mất nước nhanh vì cơ thể quá nóng). Với các bé lớn (thường từ trên 8 tháng), sẽ có thể không chịu ngồi im, quấy khóc vì khó chịu do tê chân.

Bạn cần phải cực kỳ để ý nếu đo được thân nhiệt bé trên 39,4 độ nhưng cơ thể lại không đổ mồ hôi chút nào, da bé nóng và ửng đỏ bất thường, nhịp tim đập nhanh, phản ứng bồn chồn, bé đau đầu, chóng mặt (thường biểu hiện là nôn trớ), thở dốc, lơ mơ (không phản ứng khi gọi tên chẳng hạn) và nặng hơn là bị ngất lịm. 

Nếu phán đoán bé bị sốc nhiệt, bố mẹ cần giúp bé hạ nhiệt càng nhanh càng tốt bằng cách cho bé vào chỗ râm mát – lý tưởng nhất là phòng có quạt mát, không được đưa bé vào phòng điều hòa lạnh ngay để tránh bị hạ nhiệt đột ngột cũng gây nguy hiểm. Tiếp đó, hãy cởi quần áo của bé ra từ từ từng lớp một nhưng không nên cho bé uống nước liền nhé.

Còn nếu bé chỉ đơn giản là khó chịu vì quá nóng thì đơn giản hơn, bạn cho bé vào phòng điều hòa, cởi bớt quần áo cho bé hạ nhiệt từ từ. Cho bé bú mẹ hay bú bình càng nhiều càng tốt đề bù điện giải (nếu bé dưới 4 tháng), hoặc cho bé uống 1 chút nước lọc (nếu bé trên 4 tháng). Nếu không có điều hòa, bố mẹ cũng có thể tắm cho bé để giúp bé làm mát cơ thể, và tốt nhất là nên giữ bé trong nhà cho tới khi bé ổn định trở lại.


Phòng tránh con bị sốc nhiệt

Mùa hè, bạn nên cho bé mặc đồ thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Cho bé uống nhiều nước hơn bình thường, nếu bé đang bú sữa thì có thể tăng cữ. Còn bé lớn thì nên cung cấp thêm nhiều nước, nhớ là sử dụng nước không có gas và ít đường. Đồ uống có gas và nhiều đường chỉ khiến cơ thể bị thoát nhiệt nhiều hơn và bé càng thấy nóng hơn mà thôi.

Bạn cũng không nên cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời quá 2 tiếng nếu nhiệt độ trên 36 độ C. Tốt nhất các hoạt động ngoài trời chỉ nên diễn ra trước 10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều. Còn nếu nhiệt độ trên 38 độ C thì tốt nhất là ở trong nhà, đừng đi đâu cả nhé!


Cẩn thận khi quấn hay ủ bé sơ sinh để tránh sốc nhiệt 

Quấn bé vừa mới chào đời được áp dụng từ thế kỷ 18 tại các nước như Anh, Mỹ, Hà Lan. Tuy nhiên, ở các nước châu Âu, việc quấn trẻ em ngay sau khi chào đời đã dần được loại bỏ. Hãy cùng thử xem những lợi – hại khi quấn bé nhé.

Lợi ích của việc quấn bé:

– Quấn bé được cho là để giúp bé đỡ giật mình, bớt khóc và bớt quấy hơn khi vừa chào đời, nhất là với những bé sinh non, khi mà các cơ thể chưa thật sự hoàn thiện thì quấn chặt bé cũng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tự hoàn thiện của các cơ quan trong cơ thể bé. Theo một vài nghiên cứu, thì các bé được quấn ngay từ khi vừa chào đời có thời gian ngủ ngày dài hơn. Nghiên cứu cũng giải thích lý do là khi được quấn chặt, trao đổi hô hấp của các bé cũng bớt, và các hoạt động thể chất giảm đáng kể khiến bé dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ và ngủ sâu.

– Việc quấn bé giúp làm tăng nhiệt độ cơ thể. Một nghiên cứu đã so sánh nhiệt độ cơ thể của các bé sinh non được quấn ủ chặt ngay sau sinh với những bé chỉ được nằm trong túi ngủ đơn thuần trong 48 tiếng. Kết quả cho thấy là các bé được quấn 2 lớp sẽ có thân nhiệt cao hơn 0,2 độ so với các bé không được quấn ủ, và từ đó sẽ bớt phải nằm lồng ấp hơn. 

– Việc quấn bé ngay từ khi chào đời cũng giúp con bớt khóc hơn, nhất là với các bé khóc nhiều, khóc lâu. 

– Nếu quấn chặt phần gót chân của bé, có thể giúp làm giảm đau trong một số trường hợp. 
Tuy nhiên, quấn bé cũng có thể gây ra những tác hại:

– Với các bé khỏe mạnh sinh đủ tháng, nếu bé được quấn ủ quá nhiều lớp sẽ dẫn đến thân nhiệt của các bé tăng cao hơn hẳn so với bình thường.

– Việc quấn bé quá chặt, quá lâu ngay từ khi mới sinh cũng có thể dẫn đến hiện tượng loạn sản xương hông, nghĩa là các con sẽ không thể hoạt động vùng hông đùi bình thường và hiệu quả được. 

– Theo nghiên cứu, nếu bé được quấn quá chặt có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi và nhiễm khuẩn đường hô hấp cao gấp 3 – 4 lần. Do các bé bị quấn sẽ bị giảm hoạt động hô hấp 12% so với các bé bình thường. Thậm chí có thể gây ra xẹp phổi nếu bé bị quấn quá cao (trên ngực).

– Quấn con nhiều, không cho con ra ngoài trời cũng là một nguyên nhân khiến bé bị thiếu vitamin D, và từ đó gây ra còi xương.

– Các bé được quẩn ủ cũng sẽ tăng cân chậm hơn các bé được mẹ ấp ủ sớm ngay sau sinh. 

Tóm lại, việc quấn ủ bé sơ sinh  nên được làm linh hoạt theo môi trường và theo tính cách của bé. Nhưng cũng không nên quấn ủ con quá mức  với trang phục 2-3 lớp trong tiết trời mùa hè gần 35 – 37 độ để tránh hiện tượng sốc nhiệt. Theo các mẹ có kinh nghiệm, nên luôn sờ đầu – là nơi thoát nhiệt của con để kiểm tra thân nhiệt của con để có các điều chỉnh phù hợp. Cố gắng đừng đưa con từ ngoài đường vào nơi có lạnh điều hòa đột ngột hay ngược lại. 

Nguyễn Tú Anh

Tổng hợp từ Pediatrics, healthychildren, babycenter, thebump


logo


From the same category