Đừng bỏ cuống rốn đi!

 

Tháng 10 năm 1988, bác sĩ Eliane Gluckman ở bệnh viện Saint Louis (Paris, Pháp) đã chữa trị thành công cho bé trai 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi bằng cách sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn từ em gái sơ sinh của bệnh nhân. Nhiều năm qua, tình trạng sức khỏe của bé trai này vẫn rất ổn định. Đây là cột mốc quan trọng khiến nền y học thế giới nhìn nhận máu cuống rốn như của để dành quý giá, chữa trị nhiều bệnh hiểm nghèo chứ không phải là một loại rác thải y tế. Tại Việt Nam, vài năm gần đây, lưu giữ tế bào gốc máu và màng cuống rốn mới bắt đầu được nhiều gia đình lựa chọn như một cách mua bảo hiểm sinh học cho con.

Của để dành hay bảo hiểm sinh học

Máu cuống rốn là máu có trong nhau thai và dây rốn, chứa nhiều tế bào gốc tạo máu, sản sinh ra hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu… Đây là nguồn nguyên liệu quý giá, được dùng để ghép tủy xương trong điều trị các bệnh lý ác tính về máu. Tủy của người mắc những bệnh này không tự sản sinh ra máu. Khi ghép các tế bào gốc tạo máu có trong máu cuống rốn vào xương người bệnh, các tế bào này sẽ sinh ra nguồn tủy mới. Phương pháp này cho kết quả sau 4-5 tháng. Ngoài ra, máu cuống rốn còn đặc biệt giúp ích trong việc chữa trị các bệnh nhi khoa.

Để điều trị các bệnh về máu, theo phương pháp truyền thống, phải tiến hành ghép tủy, huy động máu ngoại vi từ những người khỏe mạnh, uống thuốc tăng cường, kích thích tủy hoạt động. Bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn. Hơn nữa, điều khó khăn nhất là phải tìm được tủy ghép phù hợp, độ tương thích phải ở mức tuyệt đối 6/6. Trong khi đó, việc cấy ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn chỉ cần độ tương thích 4/6 – tương đương tỷ lệ 80%.

Tế bào gốc từ máu cuống rốn có tính năng vượt trội là sản sinh các tế bào mới có tính năng tốt và đặc biệt ít bị thải ghép. Điều đáng nói, việc lưu trữ máu cuống rốn không chỉ đảm bảo sức khỏe cho đứa bé là chủ nhân của dây rốn trong tương lai nếu bé không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị, mà còn giúp ích cho cả người thân, anh chị em của bé. Trong tương lai gần, loại tế bào gốc này có thể được biệt hóa thành da, xương, sụn, dây thần kinh, gan và tim để ứng dụng điều trị các bệnh lý về não, thần kinh, tiểu đường, cấy ghép nội tạng…

Bà Trương Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc MekoStem, đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ lưu trữ tế bào máu cuống rốn, cho biết: “Tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành các tế bào chuyên biệt để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể và thay thế các tế bào ở mô, cơ quan bị mất đi do lão hóa, chết tự nhiên hoặc bị tổn thương. Do đó, tế bào gốc có thể được sử dụng để tạo ra các tế bào mới, thay thế tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại triển vọng chữa được nhiều bệnh nan y”.

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Tp.HCM, cũng cho biết thêm: “Ghép tế bào gốc tạo máu có hai phương pháp chính là tự ghép tế bào gốc và dị ghép tế bào gốc (hay ghép đồng loại, nghĩa là ghép của người khác phù hợp với HLA của bệnh nhân). Trở ngại rất lớn của phương pháp dị ghép là việc tìm người cho tế bào gốc phù hợp với bệnh nhân ngay tại thời điểm cần ghép. Với các anh chị em ruột, tỷ lệ phù hợp HLA hoàn toàn là 25%; 50% phù hợp một nửa và 25% hoàn toàn không phù hợp. Thông thường, các ca ghép tế bào gốc phải thuận hợp HLA 90-100%. Tuy nhiên, gần đây kỹ thuật Haploidentical transplantation gọi tắt là HAPLO, ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA từ nguồn cho của người thân trong gia đình, đã được áp dụng trên thế giới, với phương pháp HAPLO tỷ lệ thuận chỉ cần 50%”.

Máu cuống rốn được lấy như thế nào?

Ngay sau khi sản phụ sinh em bé, bác sĩ sẽ lấy máu cuống rốn trên tĩnh mạch cuống rốn của nhau thai. Trước tiên, đầu cuống rốn được kẹp lại trong khoảng 15 giây ngay sau khi sinh, sát trùng cuống rốn. Tiếp theo, bác sĩ dùng ống tiêm để rút máu từ tĩnh mạch cuống rốn rồi cho vào túi dung dịch chống đông, mang đi bảo quản ở nhiệt độ -196oC bằng dung dịch DMSO 10%. Toàn bộ quá trình mất chưa đến 10 phút. Những thao tác này không gây ảnh hưởng gì đến em bé và người mẹ vì chỉ được thực hiện khi việc sinh nở đã hoàn tất.

Ai cũng cần lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn?

Hiện tại, trên thế giới đã có rất nhiều ngân hàng máu cuống rốn và cũng đã thực hiện thành công nhiều ca máu cuống rốn đồng ghép, dị ghép. Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng máu cuống rốn quốc tế (NETCORD) cho thấy, tính đến quý 2 năm 2011, có 194.121 đơn vị máu cuống rốn được lưu trữ trong các ngân hàng máu cuống rốn thuộc hệ thống NETCORD và 9.358 trường hợp ghép tế bào gốc máu cuống rốn tiến hành trên bệnh nhân trẻ em và người lớn từ nguồn người cho có quan hệ đồng huyết thống hoặc không đồng huyết thống được thực hiện trên khắp thế giới từ các đơn vị tế bào gốc máu cuống rốn lưu trữ tại các ngân hàng máu cuống rốn thuộc hệ thống NETCORD.

Tại Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem Tp.HCM, hiện nay có hơn 2.000 mẫu tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ. Tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Tp.HCM, có hơn 3.000 mẫu tế bào gốc cuống rốn. Trường hợp bệnh nhân được chữa trị gần đây nhất là một bé bị bạch cầu cấp, giờ đã qua cơn nguy kịch, vẫn đang được theo dõi. Rõ ràng, máu cuống rốn có những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bất cứ lựa chọn nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét nhiều mặt.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) không khuyến khích lưu giữ máu cuống rốn cho những gia đình không có tiền sử bệnh. Lý do là vì nghiên cứu vẫn chưa xác định được khả năng một đứa trẻ sẽ cần các tế bào gốc của chính mình khi nào, cũng không khẳng định được việc cấy ghép bằng cách sử dụng tế bào tự thân hay tế bào từ một người thân/người ngoài là an toàn hơn hoặc hiệu quả hơn. Theo AAP, việc lưu trữ máu cuống rốn của mình như một phương pháp bảo hiểm sinh học là không khôn ngoan. Tuy nhiên, việc lưu giữ cần được xem xét nếu có một thành viên trong gia đình đang có nhu cầu hoặc có nhiều khả năng phải thực hiện việc cấy ghép tế bào gốc.

Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết: Tế bào gốc không phải là thần dược có thể chữa được bách bệnh. Ở nước ta, tế bào gốc được dùng điều trị các bệnh lý ác tính về huyết học, bệnh di truyền, bệnh bẩm sinh. Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương còn dùng tế bào gốc để điều trị bệnh về da. Ngoài các lĩnh vực trên, ứng dụng điều trị vẫn còn rất hạn chế.

Chi phí không dành cho số đông

Tại Việt Nam hiện nay có các ngân hàng lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn của: Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Tp.HCM; Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm MekoStem. Chi phí lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn không dành cho số đông vì tương đối cao so với thu nhập bình quân của người lao động ở nước ta.

Cụ thể:
– Tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Tp.HCM: Hợp đồng lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn được thực hiện trong 18 năm (sau đó có thể gia hạn). Bạn có thể đóng theo gói 5 năm: 36 triệu đồng, hoặc 10 năm: 50 triệu đồng, và 18 năm: 72 triệu đồng.
– Tại Trung tâm Tế bào gốc MekoStem: Đây là trung tâm duy nhất tại Việt Nam nhận lưu giữ cả tế bào gốc máu cuống rốn và màng cuống rốn (dùng để chữa trị các bệnh về da, giác mạc). Hợp đồng trong 18 năm. Phí dịch vụ năm đầu tiên: máu cuống rốn: 25,3 triệu đồng; màng cuống rốn: 15,8 triệu đồng; cả máu và màng cuống rốn: 39 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm đóng 2,1 triệu đồng cho dịch vụ giữ máu hay màng cuống rốn. Nếu giữ cả máu và màng cuống rốn, đóng 3,2 triệu đồng.

Địa chỉ cho bạn
• Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Tp.HCM
201 Phạm Viết Chánh, Q.1
ĐT: (08) 39571342
• Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem
Tại Hà Nội: 95 Láng Hạ, Q. Đống Đa
ĐT: (04) 35143535
Tại Tp.HCM: 297/5 Lý Thường Kiệt, P.15, Q.11
ĐT: (08) 38686546
• Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Phòng 508, tầng 5, tòa nhà T, 14 Trần Thái Tông, P. Yên Hòa,
Q. Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (04) 37824267
• Bệnh viện Nhi Trung ương
18/879 La Thành, Q. Đống Đa, Hà Nội
ĐT: (04) 62738873

 


From the same category