Đừng bắt “Mùa oải hương năm ấy” như “Căn hộ số 69”

Một số khán giả vốn yêu thích “Căn hộ số 69” có ý không hài lòng với bộ phim nặng tính “Hàn Quốc” này…

Trong phim thay vì nói “Anh ấy đang yêu” thì thể loại này sẽ phải sử dụng những ngôn ngữ khác như âm nhạc, cảnh, hành động của nhân vật… Đối với dạng phim này, tiết tấu phim nó sẽ chậm hơn, góc máy sẽ đẹp hơn, ngôn ngữ điện ảnh sẽ nhiều hơn.

Nhiều người nhận xét, tự nhiên lại mất mấy phút để nghe bài hát “Oh my love” của John Lennon (trong tập 2) và để Bảo Anh, Thiên Vũ “lậm bàn” về bài hát này. Đơn giản, vì Bảo Anh đang yêu (An Nhiên) nên đây là bài hát thể hiện tâm trạng của nhân vật này. Tương tự, vì mang tính chất điện ảnh nên những chi tiết trong phim sẽ khắc họa nên nhân vật, là tiền đề cho xung đột ở những tập sau.

Minh Hy là cô gái thực dụng, vật chất. Không thích hoa hòe hoa sói. Chỉ thích “vitamin T”. Minh Hy ném hoa dại để trước cổng (mà Thiên Vũ đem lại) với câu thoại “Thời này mà còn có kiểu tặng hoa dại biến thái như vậy!” Và cô dùng chân đạp  lên hoa lavender trồng trước cửa quán cà phê Phin Deli vì giận Bảo Anh. Thậm chí nếu mọi người còn nhớ tập 1, Minh Hy còn trề môi dè bỉu vì bó hoa lavender bị bầm dập như vậy mà An Nhiên vẫn trân trọng cắm trong bình.

Trái ngược với Minh Hy, An Nhiên là cô gái sống nội tâm, yêu cái đẹp (vì cô là Họa sĩ), thích hoa (đặc biệt là lavender). Nếu theo như phim “bi kịch lớn nhất trong tình yêu là yêu người không yêu mình”, thì có thể hiểu: sẽ có mối tình tay ba (thậm chí là tay tư) giữa Bảo Anh, Minh Hy và An Nhiên.

Sự khác nhau về cá tính sẽ tiền đề cho xung đột mạnh mẽ giữa 2 cô gái sống cùng nhà và yêu cùng một chàng trai. Chắc những tập sau sẽ rõ.

Vì không có trường quay nên lâu lâu lại có tiếng chó sủa, hay xe chạy ầm ầm – nên lồng tiếng là chuyện bắt buộc. Mà lồng tiếng thì đúng là tai họa cho phim. Vì chúng ta biết rõ giọng của nhân vật đó (trong phim khác) nên sẽ cảm thấy “kỳ kỳ” khi thấy có giọng “ở trên trời rơi xuống”.

Nhiều ý kiến tôi đọc được trong youtube, phản đối giọng (lồng) cho Minh Hy sao nó chua quá. Theo tôi, đây là điểm thành công cho ê-kíp (khi chọn được giọng lồng đúng ý), đã làm cho người xem ghét nhân vật này.

Cảnh quay có lẽ là không cần phải bàn. Đẹp và lãng mạn như chính bộ phim. Chưa có phim truyền hình nào mà được đầu tư như vậy. Góc máy cũng vậy. Rất sáng tạo và chỉnh chu. Đây là điểm để níu chân tôi tiếp tục theo dõi. Và đó là sự khác biệt với “Căn hộ số 69”.

Nghĩa là nếu bạn thích giải trí, cười dễ dãi; thì có lẽ “Căn hộ số 69” là chọn lựa đúng. Còn nếu bạn muốn thưởng thức một tác phẩm (tôi muốn dùng chữ “điện ảnh”) với câu chuyện tình lãng mạn; thì “Mùa oải hương năm ấy” sẽ dành cho bạn…

Còn một ý mà tôi thích ê-kíp của bộ phim này. Đó là đưa nhân vật thật ngoài đời ông chủ thị trấn Mỹ PhinDeli vào trong phim. Tất nhiên, ai cũng hiểu đây là quảng cáo.

Nhưng cách quảng cáo mà NamCito đưa vào rất là sáng tạo. Nó không “bắt ép” người xem phải “uống PhinDeli cà phê làm nước Mỹ tỉnh giấc” hay xài mỹ phẩm thiên nhiên Purité. Bởi lẽ, 2 thương hiệu này đã được lồng ghép ngay từ đầu vào trong nhân vật (Bảo Anh), bối cảnh (quán cà phê PhinDeli, shop Purité). Tuy nhiên, nhiều người đã cảm thấy phim quảng cáo nhiều quá. Lý do mà nghĩ như vậy (theo tôi) là do phim ngắn quá (chỉ có khoảng 25 phút) và ít tình huống quá (không như “Căn hộ số 69”)….

Và lý do này cũng là điểm mà tôi không thích phim này. Ước gì 2 tập được nhập làm một.

 

Nhưng có một điều, mọi người nên biết. Đừng bắt “Mùa oải hương năm ấy” như “Căn hộ số 69”!

 

Bài: Bảo Trân


From the same category