Đừng anh!

Sau lần tăng giá xăng thứ n từ đầu năm, dạo này tôi hay nằm mơ linh tinh. Lúc thì nằm mơ thấy buổi sáng mình bị hàng phở quen mắng cho một chặp vì tội tại sao xăng tăng giá mà không biết tiết kiệm, sáng ra vẫn đi ăn phở. Hôm thì mơ thấy nước miếng mình nhỏ tong tỏng vì thèm cà phê quá mà còn phải để tiền đi xe không dám uống. Nói chung là những giấc mơ hết sức quái dị và thiết thực.
Nhưng đỉnh cao là giấc mộng hãi hùng đêm qua. Tôi mơ thấy mình đang bay bổng cùng bạn gái trong một khung cảnh lãng mạn hiếm có. Chúng tôi nằm dài trên bãi biển Waimea ở Hawaii, bãi biển đẹp nhất thế giới, vào lúc bình minh còn đang ngái ngủ. Chúng tôi đắm đuối bên nhau, nắm tay nhau và trao nhau những nụ hôn rất ngọt. Thế rồi, trong giây phút tưởng chừng có thể làm mọi việc điên rồ nhất nhưng cũng hạnh phúc nhất khi Waimea còn chưa có một bóng người, tôi trườn lên người nàng, dự định khiến cho nàng mãi mãi không thể quên giây phút nóng bỏng trong khung cảnh có một không hai…
Đột nhiên mắt nàng đang khép bỗng mở. Nàng đẩy tôi ra và kêu lên: “Đừng anh!”.
“Sao thế em? Chẳng phải khoảnh khắc này ta đã đợi từ lâu ư?” – Trong mơ, tôi thấy mình  thốt ra những lời như Romeo.
“Không được đâu anh. Xăng lại tăng giá rồi, anh phải tiết giảm các nhu cầu, kể cả nhu cầu này”. Đấy là những lời nàng nói, tôi nhớ như in từng từ. Hình như khi cơn choáng váng còn chưa bùng nổ khiến tôi giật mình tỉnh dậy, tôi đã kịp thấy nàng giông giống một vị quan chức đang lạnh lùng phát biểu “Đừng kêu ca với chúng tôi, hãy tự triệt tiêu các nhu cầu không có cũng không chết ai của các anh trước đi!”.
Và tôi hoảng hồn bật dậy, mồ hôi đầm đìa khắp người. Hơn 100 tỉ tế bào thần kinh trong não cùng rung lên đồng thời, ngân nga theo một giai điệu nào đó không hề quen thuộc, đúng hai từ: “Đừng anh!”.

Hồi còn là một thanh niên mới lớn, mới bập vào chuyện yêu đương, thật ra tôi rất hâm mộ “Đừng anh!”. Ý tôi là hai từ được phát ra một cách quyết đoán, với ý nghĩa chúng-ta-stop-ở-đây. Chứ không phải “Đừng anh!” như trong các phim truyền hình Việt Nam, nó lại có ý đồ rõ rệt là chào mời chàng trai tiến xa hơn, thậm chí còn hổn hển mang đầy tính khiêu khích anh-mà-đừng-thật-anh-không-phải-đàn-ông. Còn gì vui sướng hơn với một anh chàng chưa hề trải nghiệm yêu đương, biết rằng cô gái của anh ta luôn tự biết đâu là điểm dừng, không để cho bản năng thôi thúc làm chuyện vượt rào khi chưa đến thời điểm thích hợp. Đấy là một cô gái trong mơ, cô gái của mối quan hệ bền vững, của một tình yêu vĩnh cửu mà loài người luôn mong hướng đến từ thủa hồng hoang.

Khi đã võ vẽ dăm ba miếng trong tình trường, quan điểm của tôi bắt đầu có sự thay đổi. Tại sao lại cứ “Đừng anh!” khi cả hai đều mong muốn giây phút dắt nhau vào chốn bồng lai tiên cảnh, hoa bướm dập dìu, thần tình yêu đã bắn tên chi chít? Tôi đã được học rằng tình dục là sự thăng hoa của tình yêu, sao cứ mãi bắt tình yêu hạ thổ? Thậm chí có nàng, tôi đã cảm thấy rõ một sự run rẩy đến tội nghiệp, các cơ quan chức năng đang phải gồng mình chống chọi sự xâm thực ngoại lai, vẫn cố gắng “Đừng anh!” một cách phi thường.
Ở một số giai đoạn trong cuộc đời, đàn ông không bao giờ hiểu được phụ nữ. Phụ nữ cần gì, họ nói họ muốn gì và họ thực sự muốn gì là một thách thức khủng khiếp hơn cả việc giành được huy chương vàng Olympic. Với đàn ông chỉ đọc sách báo nhiều mà tưởng mình đã hay như tôi hồi đó, đấy thậm chí còn hơn cả thách thức nữa, đấy là một bức tranh trừu tượng mang đặc tính triết học mà muôn đời anh không thể hiểu nổi những vạch ngang vạch dọc đầy màu ấy có ý nghĩa gì.
May thay, rốt cục tôi cũng tìm được lời giải. Đó là khi tôi biết đến luận thuyết tình yêu kinh điển của các triết gia Hi Lạp cổ đại, mang tên “L’amour platonique”.
Luận thuyết “Tình yêu kiểu Platon” này vốn không phải của nhà triết học vĩ đại Platon (427-347 TCN) phát biểu, nhưng nó chính là sự phát triển trên cơ sở các luận điểm về mỹ học của ông. “L’amour platonique” đề cập đến dạng tình yêu trong sáng, thuần khiết, không chút xác thịt. Nói chung là lành mạnh tuyệt đối. (Khi Britney Spears hay Justin Bieber khoe vòng tay trinh tiết, tôi từng nghĩ chắc họ cũng đang tìm hiểu về “L’amour platonique” và hâm mộ nó như tôi, nhưng cuối cùng có vẻ các ngôi sao này chẳng phải dạng đệ tử trung thành của Platon gì cho cam).

Tôi tuyệt đối tin rằng phàm là đàn ông, nên một lần tìm hiểu qua về “L’amour platonique”. Phụ nữ nên tìm nó và đưa cho người đàn ông của mình tham khảo. Nó sẽ giúp cho bạn: 1. Không phải giải thích lằng nhằng khi thật sự thốt ra từ đáy lòng hai tiếng “Đừng anh!”; 2. Người đàn ông của bạn sẽ biết cách phân biệt “Đừng anh!” thật và “Đừng anh!” trong phim truyền hình Việt Nam 

(Trên thực tế điều này rất quan trọng. Nhiều lúc, khi anh ta “đừng” thật, bạn không thể nào nói với anh ta rằng “Sao anh lại nghe lời em nói, sao anh không nhìn vào mắt em để hiểu rằng “đừng” này là đừng dừng lại, hãy cứ thế phát huy”? Lúc đấy bạn chỉ có thể thở dài não nuột, tiếc cho một cuộc phiêu bồng đã nhanh chóng tan nát bởi một người đàn ông không thấu hiểu tâm can phụ nữ).
Trong câu chuyện tình yêu, một trong những điểm khác biệt của đàn ông với phụ nữ, đó là đàn ông thì không bao giờ nói “Đừng em!” khi mọi việc đang diễn tiến theo quy luật tự nhiên. Không phải vì đàn ông tham lam, không có gì để thiệt – mong bạn đừng nghĩ thế – mà chính bởi vì định kiến về giới buộc đàn ông không thể thốt ra lời nào có thể làm giảm sút sự mạnh mẽ mà tự nhiên quy định, xã hội quy định, và cả phụ nữ cũng luôn quy định như vậy. 
Đàn ông mà nói “Đừng em!” sẽ bị phụ nữ ngờ vực về bản chất ẻo lả, không biết chừng còn bị phụ nữ hận suốt đời vì đã khiến cô ta cảm thấy mình đang bị người đàn ông coi thường, đánh giá là loại phụ nữ bị bản năng làm cho mờ mắt.
Nhưng phụ nữ “Đừng anh!” thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Tôi đảm bảo nếu bạn theo luận thuyết “L’amour platonique”, người đàn ông của bạn cũng không hề cảm thấy chán nản (trừ khi mục đích của anh ta chỉ là quẳng bạn lên giường). Nếu bạn bắt chước phim truyền hình Việt Nam, trong mắt đàn ông, sự quyến rũ của bạn thậm chí còn tăng thêm năm bảy lần…
Có điều, khi cảm thấy tình yêu đã đủ để thăng hoa, bạn nên mang chủ nghĩa “L’amour platonique” ra xét lại. Tình yêu bất biến thì vui, chứ tất cả các chi tiết trong tình yêu mà đều bất biến, xem chừng rất khó vững bền.
Lúc ấy, việc chuyển thể “L’amour platonique” thành tên một bộ phim truyền hình Việt Nam là chuyện nằm trong tầm tay bạn. Người đàn ông nào của bạn cũng mong đợi giây phút anh ta được cụ thể hóa tình yêu mãnh liệt của mình với bạn. Dù bạn vẫn “Đừng anh!”, anh ta đủ nhạy cảm để nhận ra đã có sự thay đổi trong bạn về cách phát âm và giai điệu này hoàn toàn mềm mại. 
Giống như tôi đủ nhạy cảm để nhận ra hai tiếng “Đừng anh!” trong giấc mơ Waimea của mình đã mang rất nhiều hỏa dược, tiến vào chắc chắn mang họa sát thân.
Một trong những điều phụ nữ hay sợ trong một mối quan hệ là bị đàn ông đánh giá về giá trị bản thân nếu cô ta chủ động tỏ ra khao khát yêu đương. Còn đàn ông lại thường e ngại sự vồ vập của mình khiến phụ nữ ớn lạnh và nghi ngờ tình yêu của mình dành cho cô ấy chỉ có mỗi vấn đề thể xác.
Nên hai tiếng “Đừng anh!” sẽ vẫn là một thứ vũ khí tốt trong giai đoạn tình yêu lên đến cao trào. Nó giúp phụ nữ bớt ngượng ngùng, lại giúp đàn ông tiến dần theo từng bước. Nó giống như một account đã để ngỏ password, hoàn toàn chỉ còn cần dựa vào hơi thở để nhấn nút login.
Và cửa thiên đàng bật mở. Không phải đấy là điều bạn đang muốn sao?

Bài: Đức Long

logo  

xóa hết dấu vết trước khi về nhà

Tác giả Đức Long qua nét vẽ của họa sĩ Kim Duẩn 

Nguyễn Đức Long, sinh năm 1980, cung Bọ Cạp. Tốt nghiệp khoa Báo chí trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, hiện anh là biên tập viên Tạp chí 2! Người Trẻ Việt, 2! ĐẸP của báo Sinh Viên Việt Nam-Hoa Học Trò.

“Hiệp sĩ Gió” Đức Long là tác giả của “Xóa hết dấu vết trước khi về nhà” – một tuyển tập bài viết tâm lí giới tính nhìn dưới góc độ đàn ông đã đăng trên báo, tạp chí. Anh cũng là người giữ chuyên mục “Cabin Hiệp sỹ Gió”, nơi giải đáp những tò mò khó nói của phụ nữ trên một tạp chí dành cho phụ nữ.

Ngoài ra, Đức Long còn là người biên soạn chính tủ sách Người Trẻ Việt bao gồm rất nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu thích như: “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”, “Tuổi Mới”, “Trái tim dẫn lối”, “Hẹn với xuyến xao mùa hè năm ấy”…


From the same category