Đức Trí: Nghệ sĩ làm gì thì chẳng ai đoán được đâu! - Tạp chí Đẹp

Đức Trí: Nghệ sĩ làm gì thì chẳng ai đoán được đâu!

Sao

Cứ nghĩ Đức Trí sẽ cho tôi “leo cây” sau một tiếng chờ đợi dài đằng đẵng ở một quán cà phê vắng vẻ trên đường Minh Khai, nhưng không, cuối cùng anh cũng đến. Với nụ cười nhăn tít mắt, anh nói như cầu hòa: “Thông cảm giùm mình. Xách túi ra khỏi nhà mấy bận rồi mà con gái cứ níu lại, bảo ba ngồi chơi với con nên… không nỡ đi! Con gái mình quấn quít bố lắm!”. Nghe anh nói vậy, có lẽ đang giận cách mấy cũng chẳng ai để bụng nổi với Đức Trí… Để chiếc túi xách xuống, gọi một ly đen đá, người đàn ông được mệnh danh là “hit – maker” của nhạc Việt hỏi tôi chủ đề bài viết này là gì và nhập cuộc một cách nhanh chóng. Anh trả lời các câu hỏi về âm nhạc, chuyện nghề… một cách hào hứng, hóm hỉnh và súc tích nhưng chỉ cần đụng đến chuyện riêng một chút thì Đức Trí lại “tránh né” một cách rất duyên dáng bởi: “Tôi không thích nói chuyện gia đình, vợ con mình trên mặt báo!”

 

Người ta có quyền sáng tạo riêng trong lúc yêu

– Đầu tiên xin được phép hỏi anh, sau khi lập gia đình, sinh con thì có một sự thay đổi nào trong các sáng tác, định hướng âm nhạc của anh không?

– Tôi nghĩ là không! Thay đổi ở đây là theo lứa tuổi thôi chứ không phải là gia đình hay bất cứ một tác nhân nào. Nghệ sĩ luôn rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Lúc nào họ cũng luôn canh cánh thoát khỏi sự ràng buộc, nguyên tắc, những cái gì lặp đi lặp lại. Tôi thấy những ràng buộc về mặt vật lý chỉ có sự tương đối thôi.

– Từng phát biểu trên một tờ báo rằng, anh xem việc sáng tác bài hát tặng cho vợ là một việc rất sáo rỗng và Đức Trí chưa bao giờ làm điều đó. Tôi hơi lấy làm lạ bởi anh từng viết bài hát tặng cô ca sĩ này, giai nhân nọ nhưng với vợ thì lại… “phân biệt đối xử” như vậy!

– Sáng tác tặng vợ à? Không quan trọng bởi tôi thấy câu hỏi đó chẳng nói lên được điều gì cả! Tôi từng nhìn thấy những người yêu nhau gần cả chục năm rồi nhưng thậm chí họ chưa bao giờ tặng nhau dù chỉ là một cành hoa nữa kìa. Tuy nhiên tình cảm mà họ dành cho nhau thì sâu đậm lắm.

Với tình yêu, là người trong cuộc tôi không thích những việc mà ai cũng làm được, tôi không thích tự biến mình thành “nô lệ” của những điều do chính nhân loại đặt ra như tặng hoa, quà… vào những ngày lễ. Ai cũng nghĩ rằng tình yêu của mình là duy nhất, tôi cũng vậy nên tôi rất không muốn làm những chuyện mà ai cũng có thể làm được (cười). Mỗi người đều có quyền tự sáng tạo riêng trong lúc yêu mà. Nghệ sĩ làm gì thì chẳng ai đoán được đâu!

– Anh có nghĩ một ngày nào đó mình sẽ chuyên tâm vào viết nhạc gia đình như anh Ngọc Lễ đã từng làm trước đó?

– Tôi từng nghĩ điều này rồi chứ, lúc mới lấy vợ tôi nghĩ biết đâu sau này mình sẽ sáng tác nhạc cho thiếu nhi, tuy nhiên cho đến thời điểm này thì tôi chưa viết được bài nào cả. Công việc của người nghệ sĩ là sáng tạo, ai cũng muốn cái mình làm được là duy nhất. Tôi luôn đi tìm cá tính của mình và thể hiện qua sản phẩm mình làm được. Sáng tạo về mỹ thuật thể hiện qua màu sắc, kiến trúc bằng kết cấu còn âm nhạc thì bằng âm thanh.

Trong những năm sáng tác vừa qua tôi đã được người ta nhìn ra “màu sắc” riêng của mình, vậy nên bây giờ tôi cũng đang tiếp tục phát triển không ngừng cái màu sắc ấy…

 

Nghệ thuật và giải trí phải đi đôi với nhau

– Âm nhạc Việt Nam hiện nay đang ở vùng trũng, các thể loại âm nhạc phát triển một cách loạn xạ mà không hề có đường lối, định hướng nào, nhà nhà đua nhau làm ca sĩ, người người chạy đua làm nhạc sĩ, sản xuất… Là một người làm nhạc, sống bằng âm nhạc, anh có cảm thấy bức bách trước tình hình này?

– Tôi thấy là để nhận ra giá trị của nghệ thuật thì bắt buộc con người ta phải có nền tảng văn hóa. Dường như người Việt mình quên mất, hay có lẽ là chẳng để ý đến điều này, đa phần chỉ xem đó là một món giải trí mà quên mất tính nghệ thuật. Đối với cá nhân tôi, nghệ thuật và giải trí luôn phải gắn liền với nhau, tuy có lúc cái này phải nhường vị trí quan trọng cho cái kia và ngược lại; nếu chỉ có một trong hai thì âm nhạc sẽ diệt vong. Một là rẻ rúng còn hai là sẽ không có đời sống, không có công chúng. Đã rất lâu rồi dường như mọi người đã quên mất điều này. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, giúp các bạn trẻ (nên bắt đầu từ độ tuổi 10 – 15) nhìn được cái đẹp trong âm nhạc, cái đẹp trong cả hai: nghệ thuật và giải trí để có một sự trân trọng âm nhạc đúng mức.

– Tức là anh thấy không chỉ riêng công chúng mà những người làm nhạc hiện nay mải chạy theo giải trí mà quên mất tính “nghệ thuật” của nó?

– Tôi thấy mình ngày xưa đi học rất may mắn khi gặp được những thầy cô giáo yêu nghề, đời sống âm nhạc giải trí lúc đó cũng chưa mạnh, người ta chỉ nghĩ đến cách “làm đẹp” âm nhạc thôi chứ chưa nghĩ đến việc làm giàu, vụ lợi như bây giờ!

Các bạn trẻ bây giờ đi làm ca sĩ chỉ để trở thành ngôi sao, người nổi tiếng thông qua âm nhạc thôi. Nếu chỉ muốn nổi tiếng mà không có hành trang về nghề, không có sự trân trọng nghệ thuật thì đó chỉ là giấc mơ ảo thôi vì các bạn không có nền tảng. Từ một giấc mơ đẹp, con người ta đã tự biến nó thành bi kịch cho bản thân mình rồi tự đau khổ vì không đạt được mong muốn. Cái mưu sinh bằng nghề nó khác với hoài bão nghề nghiệp. Tôi vẫn nghĩ rằng mình yêu nghề trước cái đã. Nếu bản thân đủ giỏi thì nghề sẽ tự khắc nuôi sống mình thôi!

– Tỉnh lại đi, làm sao mà có thể bắt cả cộng đồng của anh nhận ra điều đó!

– Bởi vậy tôi mới nói là mình may mắn khi được học tập, rèn luyện cùng những người đi trước tâm huyết với nghề. Tôi cảm nhận được ở họ sự yêu nghề lớn vô cùng. Tôi cảm ơn họ vì đã dạy dỗ, chỉ bảo cho mình sự đàng hoàng, tử tế và quan trọng là biết yêu cái đẹp của nghề nghiệp. Điều đó không tự nhiên mà con người ta có được!

Tôi nhớ một lần, năm lớp 8 thì phải, tôi viết được một bài hát. Một dịp các chú Trần Văn Khê, Tô Vũ, Lưu Hữu Phước… đến nhà dùng cơm thân mật với gia đình tôi, được các tiền bối khen là có năng khiếu, tôi mạnh dạn khoe sáng tác mới của mình thì bị dội ngay một gáo nước lạnh vào mặt. Các chú bảo bài hát của tôi không có gì sáng tạo mà chỉ là sự lặp lại của những người đi trước, nhạc sĩ Tô Vũ còn bảo tôi là: “Dẹp cái kiểu này đi, đừng có làm như vậy nữa!…” Với một cậu bé 13 tuổi đang háo hức khoe sáng tác của mình mà bị như thế tôi cũng ức lắm chứ, sao họ không động viên mình… Nhưng sau này càng lớn tôi càng nhận thấy họ nói đúng, bài hát đó của mình còn non nớt, kém chất lượng nghệ thuật lắm. Bởi vậy những lời chê đúng mực thường ẩn chứa bên trong nó điều tốt!

– Nhân nói đến chuyện sáng tác lúc trẻ của anh, tôi chợt nghĩ đến chương trình Bài hát Việt, nơi anh ngồi vị trí hội đồng nghệ thuật chấm điểm hàng tháng. Có phải tiêu chí của chương trình hai năm nay là sự tìm tòi và nâng đỡ những nhân tố trẻ?

– Chưa bao giờ Bài hát Việt nói là tìm nhân tố trẻ cả mà cốt lõi của chương trình là tìm ra những tác phẩm có giá trị, không chỉ trong âm nhạc và nghệ thuật mà còn về mặt đại chúng nữa. Một bài hát đạt giải, được chúng tôi lựa chọn phải thỏa mãn các yếu tố trên. Có vài trường hợp bài hát rất hay trượt giải bởi đảm bảo tính học thuật, sáng tạo nhưng lại thiếu yếu tố xã hội.

Theo Mỹ thuật

Thực hiện: depweb

24/09/2012, 17:11