Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã trở lại Việt Nam - Tạp chí Đẹp

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã trở lại Việt Nam

Hậu Trường
Trong hành trình trở lại Việt Nam từ ngày 21/9 đến 3/11/2015, Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa sẽ viếng thăm nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Tp.HCM. Ngài cử hành các Pháp hội quán đỉnh cầu nguyện hòa bình thế giới, quốc thái dân an, đại lễ cầu siêu, khiển trừ chướng ngại, tăng phúc trường thọ. Tất cả diễn ra trong không gian nghệ thuật Phật giáo Kim Cương thừa linh thiêng với tâm điểm là Đại Pháp hội Kim Cương thừa Gia trì cát tường và An vị Xá lợi Phật, trình diễn Vũ điệu Tám Hóa Thân Liên Hoa Sinh tại Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) (từ ngày 25/9 đến 27/9).



Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa 

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là một người theo chủ nghĩa nhân đạo đầy năng động và là bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Drukpa – một trong những Truyền thừa Phật giáo chính của vùng Himalaya. Ngài áp dụng triết lý Phật giáo cổ để giải quyết các vấn đề của thế giới hiện đại. Truyền thừa Drukpa hiện vẫn duy trì hệ thống khoảng 1000 tự viện tại các vùng miền trên dãy Himalaya như: Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Lahaul, Kinnaur, Nepal, Bhutan, Sikkim… và còn được hoằng truyền rộng khắp thế giới với sự hiện diện của các trung tâm tại châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam), châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Monaco, Thụy Sỹ Tây Ban Nha, Ba Lan), châu Mỹ La tinh (Argentina, Peru, Mexico) và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ. 

Hơn 30 năm truyền giảng Phật pháp trên toàn thế giới, ngài đã khởi xướng nhiều dự án nhân đạo, đúng với tôn chỉ phụng sự nhân loại và vũ trụ của Truyền thừa Drukpa. Một trong những dự án tiêu biểu nhất là Tổ chức từ thiện quốc tế Live to Love (Sống để yêu thương), nhằm hướng đến các mục tiêu trong 5 lĩnh vực: bảo vệ môi trường, cứu trợ, giáo dục, dịch vụ y tế và bảo tồn di sản.



Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa nhận giải thưởng “Vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” 

Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của con người và xã hội, ngài đã được đón nhận nhiều giải thưởng quan trọng như: giải thưởng vinh danh của Liên hiệp quốc “Vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” vào tháng 9/2010. Tháng 12/2010, ngài lại đón nhận giải thưởng “Anh hùng xanh” do Tổng thống Ấn Độ trao tặng và tiếp tục sau đó là giải thưởng “Thành tựu trọn đời”. Mỗi năm, ngài đều dẫn đầu “Eco Pad Yatra” (Bộ hành vì môi trường), cùng hàng trăm tình nguyện viên đi bộ hàng tháng trời trên khắp vùng Himalaya để nhặt rác thải và khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

Cũng trong năm 2010, các thành viên và  tình nguyện viên của Truyền thừa Drukpa đã phá Kỷ lục Guinness thế giới về trồng cây tại Himalaya trong thời gian ngắn nhất: 50.033 cây được trồng trong 33 phút. Năm 2013, Liên hiệp quốc tiếp tục vinh danh Đức Pháp Vương là “Người bảo hộ của vùng Himalaya” và trao tặng giải thưởng “South – South Awards” vì những nỗ lực nhân đạo và sự đóng góp của ngài vào việc bảo tồn môi trường thế giới.

Ngoài ra, ngài cũng để lại dấu ấn trong nhiều dự án tiêu biểu, trong đó có ngôi trường mang tên Druk White Lotus ở Ladakh, Ấn Độ. Công trình này đã được trao rất nhiều giải thưởng quốc tế về thiết kế bền vững, trong đó có 3 giải thưởng Kiến trúc thế giới (năm 2002) và giải thưởng Thiết kế xuất sắc của Hội đồng Anh về Môi trường Học đường (năm 2009).

Tất cả những bài giảng và chia sẻ của ngài đều được đón nhận một cách đặc biệt trên toàn thế giới. Với nhiều người, đó là bí quyết để tìm lại bản ngã, để sống một cuộc đời hạnh phúc, bình an và cùng chung tay xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Một số giáo pháp của Truyền thừa Drukpa và bài giảng của ngài đã được tập hợp thành các bài viết dành cho độc giả thời hiện đại trong cuốn sách mới xuất bản của ngài là “Giác ngộ mỗi ngày: Tiến bước trên con đường đi tới chân hạnh phúc trong thế giới hiện đại”. Sách được phát hành trên toàn cầu, bao gồm cả phiên bản Kindle trên amazon.com.

Những câu nói đáng nhớ của ngài

1. Thông thường, có rất nhiều việc chúng ta làm theo thói quen, đó là “tôn giáo” của chúng ta. Chẳng hạn như tôi ăn hai ngày một lần, ngủ mỗi ngày bốn tiếng, nghe nhạc và xuống phố hàng ngày. Tôi gọi tất cả những việc này là “tôn giáo”, cuộc sống hàng ngày có thể được coi là một hình thức “tôn giáo”. Đây là suy nghĩ của tôi. Như vậy, bạn không nhất thiết phải thay đổi màu sắc trang phục, không cần phải cắt tóc cạo đầu, không cần thay đổi tập quán hàng ngày, từ bỏ vợ chồng con cái, rời xa gia đình hay chối bỏ tiền nong tài sản để thực hành tôn giáo.

2. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm giữ sạch môi trường vì lợi ích của bản thân và muôn loài. Ở đây cần nói rộng ra, khi đề cập tới môi trường, có thể nhắc tới ba hay bốn cách hiểu về môi trường. Môi trường bên trong chính là tâm chúng ta, là quan niệm và cách chúng ta nhìn nhận mọi việc, cần phải rất tích cực, trong sáng và lạc quan. Môi trường bên ngoài là những gì chúng ta nhìn thấy ở ngoài kia: không khí, nhà cửa, núi rừng… đều cần được giữ gìn sạch sẽ, lành mạnh. Tất cả chúng ta đều biết rác thải không phân hủy đang ngập tràn khắp nơi, gây ô nhiễm từ nông thôn đến đô thị. Những rác thải nhựa và rác không tự phân hủy này sẽ làm tổn hại đến môi trường sống bên ngoài và điều này được khoa học công nhận rộng rãi chứ không phải thuần túy một quan điểm tín ngưỡng hay duy tâm.

3. Đời sống của chúng ta cần phải được vạch hướng đi đúng đắn bằng chính hành động của chúng ta. Những hành động này không bừa bãi bản năng mà phải dựa trên động cơ tích cực. Cần hiểu biết rằng không chỉ loài người mà rất nhiều loài động vật khác đều có quyền làm chủ thế giới này. Bởi vậy, cần hành động một cách hiểu biết, trân trọng quyền làm chủ và bảo vệ sự tồn tại của mọi loài.

4. Bất kể bạn đang làm gì, nếu đã cần, nhất định bạn vẫn phải làm, cho dù bạn có theo tôn giáo và có trưởng dưỡng tâm linh hay không. Cho dù bạn không trưởng dưỡng tâm linh, không tin vào Chúa, không tin Phật cũng chẳng hề gì. Bạn vẫn tin vào trà, vào bữa ăn sáng. Vậy thì hãy dùng một bữa sáng ngon lành! Hãy ăn một bữa sáng điều độ! Bạn muốn sống mạnh khỏe. Đó chính là giác ngộ! Bạn muốn có những người bạn tốt, sẵn sàng giúp bạn. Bạn muốn sống trường thọ, vậy bạn phải uống nước nhiều; bạn phải uống nước có lợi cho sức khỏe; bạn phải ăn những món sạch và lành; bạn cần phải sinh hoạt điều độ, hãy đồng thời biết nghĩ về hạnh phúc cá nhân và của mọi người quanh mình. Có thể bạn không coi đó là tôn giáo, song đó vẫn là tôn giáo. Bạn không nhất thiết phải gọi đó là giác ngộ, song đó vẫn là cấp độ giác ngộ của riêng bạn, vì bạn biết thức uống nào nên hay không nên dùng. Hiểu biết và hành xử đúng đắn – đó chính là giác ngộ mỗi ngày.

5.Hạnh phúc hiện diện trong mỗi phút giây của cuộc sống. Đó là món quà từ nguyên thủy, vẫn luôn sẵn có. Bạn không biết trân trọng điều này nên đau khổ là lẽ tự nhiên. Vì vậy, nếu đặt hạnh phúc như một mục tiêu để tìm kiếm bên ngoài thì bạn đã sai lầm.

6. Nếu muốn có sự kiên nhẫn và tấm lòng bao dung, trước hết phải trải qua quá trình tư duy và thấu hiểu sâu sắc. Điều tôi muốn nói không phải là từ bỏ một cách dễ dàng, hoặc là không có phản ứng gì khi người khác đối xử tệ bạc với bạn. Tôi muốn nói rằng khi bạn có sự kiên nhẫn, tâm trí bạn sẽ trưởng thành hơn, không dễ dàng từ bỏ hoặc mất đi dũng khí. Sự vật bên ngoài sẽ không còn khống chế, làm chủ bạn được nữa.

7. Một bản ngã mạnh kỳ thực sẽ khiến ta mềm yếu. Bởi khi chấp ngã (cái tôi) không muốn thay đổi, cứ giữ lấy những cách tư duy và cách nhìn cuộc sống cứng nhắc, thì sẽ rất dễ tổn thương. Ngay cả khi tín niệm của ta đối diện với những công kích và thách thức nhỏ nhất, bản ngã cũng sẽ vì thế mà bị tổn thương.

8. Biểu hiện bên ngoài của ngạo mạn là sự tự tin, nhưng thực ra đó là cảm giác không an toàn trốn sau lớp mặt nạ. Ngạo mạn chưa bao giờ mang tính thiện. Nếu như một người không thể đối đãi tốt với người khác, thì sao có thể đối tốt với bản thân.

9. Rất nhiều người sợ cảm giác tự yêu bản thân, bởi cho rằng đây là ích kỷ và buông lỏng bản ngã. Nhưng trước khi tu từ bi, phải hiểu rằng cần yêu bản thân trước. Tôi không phải đang nói bạn cần thổi phồng bản ngã, mà khuyên bạn nên suy nghĩ về cuộc sống, chú ý từng giờ từng phút đến động cơ của bản thân và biết ơn giá trị cuộc sống.

10. Chúng ta không những phải loại bỏ những rác thải không phân hủy trong môi trường bên ngoài, mà còn phải loại sạch rác thải trong tâm.

Bài: Như Thảo
logo

Thực hiện: depweb

23/09/2015, 16:07