Sau nhiều năm bôn ba trên xứ người, Đức Huy, chàng nhạc sỹ, ca sỹ với những bản tình ca lãng mạn như Đừng xa em đêm nay, Đường xa ướt mưa, Và con tim đã vui trở lại… đã quyết định trở về quê hương sinh sống. Đó là nơi mặt trời mọc – với anh lúc này. Đó cũng là nơi anh tin mình sẽ sống quãng đời còn lại đầy ý nghĩa, bỏ lại sau lưng tất cả những đau khổ, muộn phiền, mất mát…
Tôi đã vỡ mộng trên đất Mỹ
Hành trình đến “phía mặt trời lặn” của anh đã bắt đầu như thế nào?
Thoáng qua cũng đã 30 năm rồi. Tôi bỏ lại quê hương để đi theo gia đình. Nhưng họ đi sớm hơn, tôi ra đến sân bay thì đã trễ. Khi gia đình đã qua tuốt miền Đông, tôi vẫn bị kẹt ở trại tị nạn Phi Luật Tân. Do học Đại học Văn khoa, khoa Văn chương Anh, nên tôi tự nguyện gia nhập tổ chức giúp người tị nạn. Tình cờ gặp anh phóng viên người Mỹ đã quen từ khi ở Sài Gòn. Qua anh ta, tôi nhận lời giúp hai cô nhi lai Việt Nam để không phải ở trong trại lâu. Đó là chuyến bay dài nhất, khó quên nhất trong đời tôi. Chưa làm cha, vậy mà cùng một lúc tôi phải chăm sóc hai đứa trẻ 7 tháng tuổi, cứ vài tiếng lại cho chúng ăn một lần, rồi cho đi vệ sinh, dỗ nín khóc, ru ngủ… Đến khi đặt được chân lên nước Mỹ, thì tôi bị dội ngay một gáo nước lạnh: nơi đây không phải thiên đường, chỉ có vui chơi, tình yêu như mình xem phim. Trong túi còn đúng 30USD, tôi hoang mang, sợ hãi, thấy tương lai thực sự rất mơ hồ.
Đâu là trạm dừng chân đầu tiên của anh?
San Francisco. Anh bạn phóng viên đã giới thiệu tôi đến ở nhà bạn của anh ta. Nhưng ở đến ngày thứ 3 thì họ nói: “Anh phải đi kiếm việc làm, chứ chúng tôi không thể nào giúp anh thêm được!”.
Và anh bắt đầu lên kế hoạch cho 30USD?
Tôi giữ kỹ 30USD trong túi và cân nhắc tiêu từng cent. Gọi một cuộc điện thoại chỉ có 10 cent, nhưng phải đắn đo như một quyết định trọng đại. Số tôi cũng may mắn, đọc trên trang vàng, tìm được một Nhà hàng Việt Nam. Họ hỏi tôi có kinh nghiệm làm nhà hàng không? Tôi nói dối là có và xin làm bất cứ việc gì, miễn cho tôi ngày hai bữa cơm và một chỗ nằm. Thế là họ cho tôi vào trong bếp. Ông bếp chính là một tay cờ bạc bên Tây trốn nợ không biết tiếng Mỹ, mà ông ấy thích nhậu và cần bạn. Tôi có chút tiếng Tây, nói ông ấy khoái quá, thế là hai bác cháu tỉ tê với nhau, từ đó ông ấy dạy tôi nấu ăn. Cũng nhờ khá tiếng Anh, lại nhanh nhẹn, nên 1 tuần sau tôi được lên chức phục vụ viên.
Những ngày ảm đạm nhất của anh trên đất Mỹ cũng chỉ là bị “mời khéo” ra khỏi nhà với 30USD trong túi?
Trước khi tìm được việc làm, tôi đã ở phòng dành cho những người trẻ bần cùng nhất. Cái phòng mà sáng thức dậy vươn vai thì hai tay đụng vào hai bên tường. Đi ăn phải xếp hàng vào Nhà thờ. Vì từ năm 4 tuổi tôi đã phải lang thang sống hết với cô lại đến bác, nên tôi lì lợm lắm, chưa bao giờ biết khóc. Cho đến ngày vào Nhà thờ xếp hàng xin ăn, tôi thấy sự tự lập của mình chưa đủ để đối chọi, và lần đầu tiên trong đời tôi đã khóc, mà khóc thê thảm, khóc rống lên vì tủi phận. Lúc kẹt, xếp hàng xin ăn cũng không sao, nhưng những hình ảnh diễn ra trước mắt làm tôi không thể dằn lòng được. Đói quá, họ cướp giật của nhau, cả đám loạn lên, như không còn là đồng loại của nhau nữa. Khóc xong, tôi lang thang ngoài công viên. Gặp người bạn Cu Ba, tôi than phiền. Anh bạn đó lại dội một gáo nước lạnh làm tôi tỉnh hẳn người: “Này anh, tôi cũng cực khổ như anh. Nếu chúng ta cực khổ, rồi không đi lên được thì chúng ta sẽ rơi xuống hố. Còn nói chuyện buồn, thì anh đừng gặp tôi nữa nhé!”. Từ sự thức tỉnh đó, tôi đi tìm việc làm, đi học trong một trạng thái hết sức tươi vui.
Có những lúc buồn quá, tôi khóc… không ăn được!
Anh gặp Thảo My và “Con tim đã vui trở lại”?
Nhờ chơi nhạc và nổi tiếng từ khi còn ở Việt Nam, nên qua một người Đại Hàn, tôi gia nhập giới chơi nhạc San Francisco, vừa hát vừa đàn cho một ban nhạc ngoại quốc ở Hollyday in. Rồi tôi trở thành người du mục, hết sống ở San Francisco, chuyển qua Cali, Hawaii, rồi lại về Cali. Trong những chuyến đi đó, tôi gặp, yêu và cưới Thảo My. Chúng tôi đã có những năm tháng hạnh phúc với 3 đứa con xinh xắn. Hai vợ chồng mở phòng thu, được 10 năm thì kỹ thuật vi tính phát triển, việc làm ăn trở nên khó khăn. Tình hình ban nhạc ở Mỹ cũng rất ảm đạm, chỉ có trung tâm lớn mới sống sót, mình bé nhỏ càng trở nên oặt ẹo. Chúng tôi quay sang mở nhà hàng, trong đó tôi đóng đủ vai trò, từ nấu bếp, dọn dẹp, bưng bê đến trình diễn văn nghệ. Một cuộc chia tay thường bắt đầu từ tình hoặc tiền. Cuộc chia tay của chúng tôi rơi vào lí do thứ hai!
Khi hôn nhân tan vỡ, người ta vẫn quen đổ lỗi cho đồng tiền, và cố tình quên trách nhiệm, tình cảm của mình?
Thôi, lỗi của tôi nhiều, gần như hoàn toàn! Công việc không quen, lại cực nhọc, tất cả chồng chất lên vai, lúc nào tôi cũng lo lắng, không viết được nhạc. Tôi trở thành con người nóng nảy, nói chuyện với đồng nghiệp, với vợ thiếu nhỏ nhẹ, luôn tạo nên sự căng thẳng. Càng ngày chúng tôi càng cảm thấy xa nhau. Xa quá, đến một ngày giật mình không biết mình có phải người lạ hay không? Muốn cứu vãn nhưng đã trễ. Tôi nhận lỗi của mình, và gắng để tâm hồn được bình an. Bây giờ tôi mê thuyết Phật, cố tu, kiểm soát sự nóng giận của mình.
Sao anh không níu kéo hôn nhân khi biết đó là lỗi của mình?
Khi nhận ra được thì người ta đã leo lên xe, và chiếc xe đã chở cô ấy đi rồi. Tôi chạy theo vẫy, mồ hôi vã ra mà chỉ có bụi, xe vẫn cứ đi. Thảo My đã có người khác. Chúng tôi chia tay tốt đẹp, trở thành hai người bạn, cùng lo cho hạnh phúc và sự ấm no của 3 đứa con, hai bé gái 13 tuổi và 9 tuổi, bé trai 7 tuổi.
Để lại các con ở Mỹ, anh về nước. Vì với anh, tự do ngọt ngào hơn con cái?
Các con là tất cả đối với tôi. Đến giờ, cái thiếu sót lớn nhất của cuộc đời tôi là không được sống gần con. Tôi đã phải dứt lòng khi ra đi. Ở Mỹ làm đĩa nhạc đã khó, còn những cái không phải nhạc thì lại khó làm, nhất là đối với một người như tôi, không đủ can đảm và kiên nhẫn để ngồi làm việc trong văn phòng. Vậy nên tôi phải làm cái gì đó để vừa cứu mình, mà lại lo được cho con, đó là về Việt Nam. Hành động này cụ thể và trách nhiệm hơn nhiều. Hiện tại, tôi đang lên kế hoạch đầu tư thương vụ, có thể là xuất nhập cảng, để bố con có điều kiện gặp nhau thường xuyên hơn. Bây giờ, thường một tháng, hay hơn, tôi mới có dịp gặp con. Kỳ này tôi đi lâu quá, đã hơn 3 tháng rồi mà vẫn chưa được gặp các con.
Điều bất an nhất của anh khi các con anh có một người bố khác?
Lo cái mình không giải quyết được thì không cần lo, còn cái mình giải quyết được cũng không nên lo. Tôi chỉ gắng làm tốt cái trong tầm tay của mình, là hàng tháng gửi tiền trợ cấp cho các con, còn những cái khác tôi không lo nữa. Giờ đây, tôi chỉ lo làm sao để mỗi ngày phải là một ngày vui, không vui cũng phải cố giữ bình ổn tinh thần, nếu u ám quá thì gắng không để rơi vào trạng thái đó lâu.
Phải can trường lắm anh mới có được “phép thắng lợi tinh thần” này?
Tháng 9 năm ngoái, khi biết không thể nào cứu vãn được hôn nhân, tôi đã trở về Việt Nam và rơi vào trạng thái gần giống 30 năm trước: xem ti vi, nghe một bài hát, nhớ mấy đứa bé là tôi lại khóc. Bạn thương, rủ đi nhậu, hát karaoke, thấy hình ảnh trẻ con, tôi nhớ quá trời, rồi lại khóc, khóc không… ăn được, bạn nhìn thấy tôi như vậy cũng khóc theo, chẳng còn ra thế nào nữa. Một tháng sống như thế, tôi cảm thấy mình không phải là mình nữa. Tôi bình tĩnh gắng tự mình vươn lên. Phải làm cái gì mới để cuộc đời mình tươi vui trở lại, đó là viết nhạc. Và tôi quyết định đi về phía mặt trời mọc!
Tôi đang sống lại tuổi trẻ
Với anh, Việt Nam là nơi mặt trời mọc?
Đúng vậy. Mẹ tôi bị tai biến, 24 giờ đồng hồ sau mấy đứa em tôi mới biết, lúc đó mẹ đã bị tím hết người. Đêm Giáng sinh qua Tết dương lịch năm ngoái, tôi ở trong nhà thương với mẹ. Ở cái nhà thương toàn người già, tôi nhìn mà thấm. Cuộc đời không tránh khỏi sinh – lão – bệnh – tử. Mẹ tôi là một phụ nữ khỏe mạnh, cho đến năm 84 tuổi, đi đâu, ở đâu cũng một mình, không thích nhờ vả ai. Giờ bị tai biến, phải nằm xuống, cái gì cũng phải nhờ người khác. Ở viện dưỡng lão, bệnh nhân, y tá đều là người ngoại quốc, không ai nói tiếng Việt, lúc nào cũng chực chờ con cái, họ hàng vào thăm. Đặt vào địa vị của mẹ, tôi nghĩ mình phải về Việt Nam. Đó là quê hương, văn hóa của mình, để sống phần đời còn lại. Khi bạn có tuổi, dù khỏe hay không cũng sẽ có ngày nằm xuống vì đủ thứ bệnh tật của người già… Ở trong môi trường đó một tuần, nhìn xung quanh sẽ thấy sự thực của cuộc đời là như thế nào. Tuổi trẻ như các bạn hạnh phúc lắm, bình minh trải dài phía trước, con đường thênh thang để bạn đi.
Nhận ra điều đó vì anh đang thèm khát tuổi trẻ?
Tôi không khát, mà đang sống lại tuổi trẻ rồi. Ai cũng có giây phút huy hoàng nhất, nếu mình chấp nhận được nguyên tắc tuần hoàn thì thời gian không thành vấn đề với mình nữa.
Một người mà sự đào hoa toát ra từ phong thái, tâm hồn, giọng hát như anh, chắc ít khi tình yêu bị “bỏ đói”?
Nhiều người, nhất là phụ nữ, họ hay nói “chúng tôi rất thích những bài hát của anh”, chứ ít ai nói “tôi thích anh”. Đào hoa phải là người bảnh bao, cao ráo, biết chơi, tối đến chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Còn tôi, không bảnh bao, không cao ráo, không thích chỗ đông người, thường “trở về với riêng ta một mình”
Nếu “riêng ta một mình” thì không phải anh đang “sống lại tuổi trẻ”?
Tôi không chủ trương tự cô lập hóa cuộc đời mình, hoặc tự đặt điều kiện chấm dứt yêu sớm quá. Có những lúc tôi muốn tu, nhưng chưa dứt bỏ được bụi trần. Vì vẫn sợ cô đơn. Tuy nhiên, trong tình yêu phải chờ đợi. Bởi tình yêu luôn cổ điển, chóng đến sẽ chóng đi. Mà một trong những điều tôi không muốn xảy đến nữa, là khổ vì tình yêu. Điều đó không cần thiết trong cuộc sống, có thể tránh được thì nên tránh.
Một người đàn ông nhạy cảm và cần nhiều cảm xúc để sáng tác như anh liệu có sợ đau khổ đến mức không dám yêu?
Tôi có kinh nghiệm đi xe bus, và tôi quan niệm: người đàn ông thông minh phải nhìn rõ điểm đến của chuyến xe bus, và nhìn rõ bác tài có đáng tin cậy không, chứ cứ thấy xe bus là hí hửng leo lên, đi được nữa đường, phát hiện ra mình nhầm và xin xuống thì mệt lắm.
Kinh nghiệm đi xe bus của anh bắt đầu từ những lần đi nhầm xe bus?
Hồi mới qua Mỹ, tôi yêu một cô gái ngoại quốc, và đã nghĩ đến việc lập gia đình. Nhưng cuối cùng, chỉ vì trong một bữa ăn, cô ấy nhăn mặt chê món mắm tôm. Từ đó, mấy người bạn Việt Nam lấy ra làm ví dụ về sự khác biệt văn hóa, và họ cảnh báo tôi phải coi chừng. Rồi tôi cân nhắc lại: yêu người ta quá, kể ra mình không ăn mắm tôm nữa cũng được. Đó là điều rất nhỏ, nhưng mai mốt lại nảy sinh ra cái khác thì sao? Khi mà sự khác biệt văn hóa có thể đẻ ra hàng tỉ vấn đề. Cuối cùng chúng tôi chia tay.
Chưa tìm được người chia sẻ, trong khi cùng một lúc phải lo cho mẹ và những đứa con, gánh nặng đó có làm anh oải không?
Nếu cứ nằm đó nghĩ đến gánh nặng của mình thì chẳng giúp ích gì cả. Tôi coi đó là một phần cuộc đời mình. Tôi nghĩ, mình còn sung sướng hơn bao nhiều người, nên luôn vui và tận hưởng cuộc sống. Những chuyện buồn tôi kể ra chỉ là một ký ức, còn đầu tôi luôn hướng về phía sáng. Tôi đặt niềm tin vào cuộc đời và nghĩ ngày mai luôn sáng hơn hôm nay!/.