Thành cổ với dãy tường cao nổi bật nhất phía Đông Bắc Địa Trung Hải, trông như một viên ngọc trai trắng mờ dưới ánh bình minh nếu nhìn qua cửa sổ máy bay, và như một trái tim đỏ thắm đang đập sôi nổi giữa nắng gió đại dương nếu nhìn từ cáp treo lơ lửng trên mặt vịnh, hay từ những du thuyền đậu dưới bến vào giữa trưa. Nhưng khi tới đây mùa hè qua, tôi thích nhìn Dubrovnik nhất từ một góc khác, để tin rằng không phải do ảo giác, mà chính những cảm xúc thật đã khiến Bernard Shaw* gọi đây là chốn thiên đường giữa trần gian.
Khu dinh thự Kupari Complex bị bỏ hoang
Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.
Đến một nơi hoang phế
Nếu không đi xe, bạn có thể lang thang trên những con đường đất chạy ngoằn ngoèo dưới nắng chói chang, một bên núi và một bên là biển. Hè đã qua một nửa, bông hồng bông giấy đang ở thời kỳ rực rỡ nhất, ô liu đã kết trái từng chùm xanh biếc, cảnh vật không thể hiền hòa và êm đềm hơn thế. Khó mường tượng được chỉ cách các bãi tắm nhộn nhịp không xa là những ngôi làng nhỏ rất thưa người. Những giàn nho lúc lỉu quả chỉ chực chờ rụng xuống vì không ai hái, những giếng nước khô cạn, những cánh cổng đóng im ỉm trong giấc ngủ trưa dài dặc tới tận 4 giờ chiều. Dường như bị lây cảm giác say ngủ, chúng tôi lạc bước vào một nơi vắng lặng lúc nào không hay. Các bảng hiệu đề tên khách sạn trước những tòa nhà cao tầng cửa ngõ mở toang như muốn chào đón khách, nhưng lối vào ngập cỏ dại, không rõ bao nhiêu năm không có người qua lại. Nhìn xa thêm chút nữa là cổng của một khu dinh thự có tường bao kiên cố và ba-ri-e. Nhưng tuyệt nhiên không có người, các vọng gác trống không.
Một công trình kém may mắn
Không nén nổi tò mò, chúng tôi thử bước qua thanh ba-ri-e đã hoen gỉ để vào trong khuôn viên của quần thể hoang tàn ấy. Hoa trong vườn vẫn nở tưng bừng cùng cỏ dại dọc theo những lối đi rải sỏi hay lát đá bề thế. Dù bị bỏ hoang, phong cảnh nơi đây không lộ vẻ tàn phai, mà có phần ngăn nắp bài bản, gợi không khí uy nghiêm một thời. Các tòa nhà đặc biệt đồ sộ, có mặt ngoài trang trí cầu kỳ theo phong cách hậu Phục hưng. Phía trong dù đầy dấu tích tan hoang của một cuộc tháo chạy, vẫn tỏ ra kiên cố vững chắc. Sao không có ai vào đây tìm nơi trú ngụ nhỉ? Nếu ở một nước đông dân như Việt Nam, thì chắc chắn không còn bất kỳ mẩu gạch đá nào không bị phá dỡ hay không có căn phòng kiên cố nào bị bỏ không. Vậy mà tất cả đồ vật ở đây có vẻ như không được ngó ngàng tới. Vẫn biết rất nhiều thị trấn của châu Âu hiện nay thiếu nhân lực và khá trì trệ, nhưng khó lòng hiểu nổi vì sao một nơi đẹp đẽ dường này, nằm ngay trên dải bờ biển nước trong vắt soi bóng những cây thông xòe tán uốn lượn trong gió, và chỉ cách những khách sạn sang trọng của Dubrovnik chừng dăm bảy cây số, lại có thể bị bỏ rơi như vậy.
Mặt trong và ngoài một bảo tàng
Thực ra câu chuyện về Kupari Complex vẫn luôn được nhiều người quan tâm đến du lịch Đông Âu biết tới. Đây vốn là một khu nghỉ dưỡng dành cho cán bộ quân đội cao cấp của Liên bang Nam Tư cũ. Khi Liên bang này tan rã sau những cuộc ly khai và giao tranh khá tàn khốc đầu thập niên 1990, cả quần thể đã bị phá hỏng, nhiều phần bị đánh bom, pháo kích hay hỏa hoạn. Dù không có nhiều thông tin chi tiết về các cuộc tàn phá – diễn ra khi nào và do đâu – nhưng những gì còn lại 20 năm sau đủ bày ra trước mắt quang cảnh náo loạn khi quân Serbia rút đi và vội vã mang theo bất cứ thứ gì còn có thể mang được, bỏ mặc những đổ nát sau lưng. Tổn thất do chiến tranh là chuyện dễ hiểu, nhưng điều lạ lùng ở đây là những tàn phá ấy đã nằm nguyên như vậy suốt 20 năm, dường như không được quan tâm khôi phục. Tự nhiên thấy may mắn là đã tới đây đúng vào lúc này, một tháng sau ngày Croatia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng Bảy năm 2013. Không biết 5, 10 năm sau, sự yên tĩnh tột cùng ở đây có còn gợi lại những huyên náo và đổ vỡ tuy đã mấy mươi năm trước nhưng như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Không biết mọi sự có thay đổi nhờ sự gia nhập này, liệu các nước EU có hào phóng với Kupari Complex như đã hào phóng với thành cổ Dubrovnik?
Ngoài chuyện vốn liếng và tiền bạc, thì chỉ là vấn đề muôn thuở – con người. Nước cộng hòa non trẻ với vỏn vẹn 4 triệu dân, và mỗi thị trấn chỉ chừng vài ngàn người vẫn ở vào tình trạng thiếu nhân lực. Ngoài ra, còn có thể là vấn đề cung cầu. Những người đang chơi đùa trên bãi biển ngoài kia không cần đến một khu nghỉ dưỡng sang trọng như vậy. Cả dân địa phương và khách du lịch thường đến đây bằng xe hơi vào sáng sớm rồi nhanh chóng rời khỏi vào chập tối. Nếu có ngủ lại thì cũng ở những nhà trọ tư nhân đặc biệt thân thiện và sạch sẽ, với giá mềm chỉ khoảng 50-60 euro mỗi tối. Lấy gì làm kinh phí cho một dự án thiếu tính thuyết phục và khả thi, gồm cả vài ngàn phòng khách sạn và khu cắm trại mùa hè?
Để tìm hi vọng sau những bức tường
Ngược lại với cảnh hoang tàn của Kupari, thành cổ Dubrovnik (được xây dựng từ thế kỷ 13) và những công trình lân cận lại rất đông du khách và được sửa sang cẩn thận sau nhiều cuộc tàn phá trong lịch sử. Con đường trên cao chạy quanh cả khu thành cổ, những con phố, những bậc đá, những ngôi nhà và hàng quán cheo leo trên dốc, và cả bến thuyền dưới chân tháp cổ Minceta đều đã được trùng tu kỹ lưỡng, dường như không còn một vết tích nào của vụ động đất năm 1667 và cuộc nội chiến đầu những năm 1990. Mặc dù nhiều phần được xây dựng lại, bức tường thành màu xám trắng vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính và an ninh cẩn mật. Con đường thành trên cao này chạy dài khoảng hơn 2km, dày 4-6m, càng về phía đất liền càng mỏng hơn. Du khách chỉ cần trả 12 euro (90 kuna) là có thể dạo quanh một vòng ngắm những tháp chuông yên bình, và mường tượng phần nào không khí tù túng của cuộc vây hãm 7 tháng, khi người dân Dubrovnik bị giam lỏng trong thành.
Tuy rất ít những tòa nhà theo kiến trúc Phục hưng “sống sót” sau trận động đất năm 1667, nhưng những nhà thờ, tu viện và cả thư viện được tái thiết qua nhiều giai đoạn khác nhau vẫn thể hiện toàn bộ phong cách kiến trúc của tòa thành di sản. Kiểu dáng của từng công trình trong thành cổ Dubrovnik tuy không quá độc đáo vì chịu ảnh hưởng nhiều của kiến trúc dưới thời Cộng hòa Venezia, song kết hợp lại thì tạo ra một quần thể có một không hai, không giống với bất cứ tòa thành nào trên cả bán đảo Balkan và những đô thị ven bờ Địa Trung Hải. Có thể kể đến tòa nhà Phục hưng đẹp nhất là Sponza Palace được xây dựng từ thế kỷ 16, nay là trụ sở Lưu trữ Quốc gia; rồi Rector Palace, một tòa nhà Gothic với những đường khắc chạm và ốp lát tinh xảo nay được dùng làm bảo tàng. Hình ảnh tòa nhà này được họa lại trên mặt sau của tờ tiền 50 kuna phát hành năm 1993 và 2002. Ngoài ra còn có nhà thờ Cứu thế và tu viện thánh Francisco, nơi có thư viện cổ lưu giữ khoảng 30 ngàn đầu sách và nhiều hiện vật tôn giáo, những cây thánh giá bằng bạc có lai lịch từ Jerusalem.
Dubrovnik nhìn từ cửa sổ xe buýt
Năm nay người dân địa phương vừa kỷ niệm 400 năm ngày sinh của một nhân vật ưu tú, Stjepan Gradic. Gradic được lịch sử ghi nhận là nhà triết học, thiên văn học và cũng là một học giả nhân đạo. Sau khi tốt nghiệp khóa học thần học ở Roma, ông làm quản lý thư viện ở Vatican và tham gia tích cực vào việc xây dựng lại Dubrovnik sau trận động đất năm 1667, và được coi là người có công đầu khi tổ chức cầu nguyện quyên góp để xây dựng lại nhà thờ, tu viện và các công trình khác trong thành cổ. Một người bán sách vui vẻ kể câu chuyện về nhà hiền triết này khi giới thiệu với khách bộ tem “những người Croats nổi tiếng” có chân dung của ông, bằng tiếng Anh rất lưu loát.
Tôi đã để ý đến trình độ Anh ngữ của người Croatia từ khi thăm thủ đô Zagreb mùa đông trước, nhưng lần nào nói chuyện cũng không khỏi ngạc nhiên về cách diễn đạt rất sáng rõ, khúc chiết và thái độ niềm nở của họ. Tôi gặp Jasenka, một giáo viên tiếng Anh người Croats trong một khách sạn gia đình trên đường lái xe dọc Balkan, chị vui vẻ mời món dâu đất tẩm đường và tặng tôi một tấm bản đồ Liên bang Nam Tư cũ, bảo là “quý lắm đó, bây giờ người ta không xuất bản nữa đâu”. Không hiểu sao bất cứ người Croats nào với tôi đều có vẻ thông minh đặc biệt, từ chị bán khăn thêu đến những cậu bé câu cá trên bến thuyền ở chân thành cổ. Liệu sự thông minh của họ có làm nên chuyện, có bù đắp được khoảng trống dân số của quốc gia này, để khôi phục những khu nghỉ mát như Kupari Complex, như đã khôi phục thành cổ Dubrovnik? UNESCO đã bỏ tiền để họ khôi phục di sản vào năm 1979, liệu còn công ty nào sẽ bỏ tiền khôi phục Kupari Complex?
Hai câu chuyện tưởng chừng không liên quan, nhưng vẫn không nằm ngoài hai vấn đề kinh phí và nhân lực. Jasenka vừa trộn mứt dâu vừa khẳng định rằng nếu dưới thời Liên bang Nam Tư đã có một Kupari Complex được dựng nên, thì người Croats ngày nay cũng có thể làm những việc tương tự. “Cứ nhìn tòa thành Dubrovnik mà hình dung khả năng của chúng tôi, chúng tôi hiểu rõ những gì mình có thể làm được. Nếu bạn đọc các bài báo viết năm 1993, thì sẽ thấy việc tái thiết Dubrovnik tưởng chừng vô vọng. Nhưng cần phải hi vọng chứ, Dubrovnik đã được tái sinh, thì những công trình khác của Croatia cũng sẽ dần dần sống dậy”.
Trong một nhà thờ cổ
Sau món tráng miệng ngọt ngào, chúng tôi dạo bước lần nữa quanh thành cổ ngập tràn ánh trăng, qua phố chính lúc nào cũng đông người, qua Big Onofrios Fountain – đài phun nước từ thế kỷ 15 bên cổng thành, qua bức tượng cổ khá hài hước tạc một phụ nữ đang nắm đầu một quý ông ở phía ngoài thành. Mùi thơm nhẹ của cà phê Balkan tỏa ra từ các căn tiệm nhỏ, và làn gió mát thổi vào những ngõ hẻm thưa thớt người, chỉ có những chú mèo lười nhác ngủ gật trên các bậc thềm. Tôi tự nhủ sẽ cố xác định xem thành cổ Dubrovnik thực ra có màu gì khi ngắm nhìn nó thêm một lần trước khi chia tay nơi này. Nhưng tôi đã quên, cái nóng Balkan lại làm tôi thiu thiu ngủ khi máy bay cất cánh, hệt như lúc máy bay hạ cánh tháng trước, xuống niềm hi vọng của Croatia.
Đài phun nước gần cổng thành
Thành cổ nhìn từ vòng tường trên cao
Các dãy phố trong thành
* George Bernard Shaw (1856-1950): nhà viết kịch và phê bình người Ireland
Kỳ sau: Berat – Thành phố ngàn cửa sổ
Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh
Xem thêm: Bạn có thể đón đọc “Con đường Hồi giáo” của tác giả Phương Mai ngay trên Đẹp Online