Bạn đã từng khó chịu khi gặp một đứa trẻ với vẻ mặt vênh vênh và nói với con bạn khi chúng chơi với nhau: “Nhà cậu nghèo thế, thua xa nhà tớ. Nhà tớ có cả ôtô và mấy người giúp việc. Nhà tớ có đầy bánh kẹo, ăn phát chán lên và tớ chỉ cần quát một tiếng là ai cũng phải nghe lời”. Bớt hợm hĩnh hơn, sẽ có những đứa trẻ luôn mồm nói: “Bố tớ là công an, bố tớ chỉ cần giơ súng lên là bố cậu thua ngay”.
Không chỉ là con hàng xóm, đôi khi, chính con bạn cũng có những lúc “nổ”: Con biết thừa (cái này hay cái nọ), sao mà mẹ cứ phải nói nhiều làm gì nhỉ!
Những đứa trẻ luôn khoe khoang rằng mình biết tuốt, rằng mình hơn người có thể khiến những người xung quanh khó chịu. Tuy nhiên, tính khoác lác, huênh hoang của trẻ có thực sự nguy hiểm đến thế?
Đã bao giờ bạn nghĩ, tại sao đứa trẻ này lại hay kể lể, thể hiện gia cảnh như sự giàu có, bố làm to hay quyền lực của bản thân nó với người xung quanh? Có những đứa trẻ bị ảnh hưởng từ cha mẹ, những người thực sự hay lên mặt với người xung quanh, với cấp dưới, người làm trong nhà…
Trẻ quan sát cách xử sự của người lớn và “ứng dụng” triệt để trong các tình huống với bạn bè, thầy cô… Chúng thấy mình có ưu thế hơn người khác. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hoàn toàn như vậy. Có những đứa trẻ nói khoác, nói quá sự thật về chúng chỉ để che giấu nhược điểm nào đó của bản thân hoặc sự thiếu tự tin. Chúng muốn che lấp, muốn cho người khác thấy cái mà chúng vẽ ra nhiều hơn chúng có.
Đôi khi, trong những hoàn cảnh gia đình đặc biệt, đứa trẻ sinh ra và lớn lên bên cạnh những “cái bóng” quá lớn: một ông bố, bà mẹ nổi tiếng, một người anh, chị, em giỏi giang, đi đâu cũng được mọi người khen ngợi hết lời. Những điều đó cũng khiến một đứa trẻ phải tự “trang bị” cho mình bằng cách tô vẽ cho bản thân: “Tôi biết hết mọi thứ” hay “Tôi chẳng kém cạnh ai”.
Khi đứa trẻ càng cố tỏ ra mình luôn ở thế mạnh, thế trên người khác thì càng chứng tỏ sự thiếu tự tin vào bản thân, bị tổn thương, yếu đuối, thiếu hụt.
Những việc trẻ làm và cố thể hiện chỉ để chứng minh rằng trẻ đang cố bù đắp lại cái mà chúng thiếu hoặc muốn được như thế. Do đó, để giảm bớt tính khoác lác của một đứa trẻ, cha mẹ và những người nuôi dạy phải tìm hiểu rõ nguyên nhân xuất phát tính cách này để có những phương pháp phù hợp.
Có thể bắt đầu từ một vài quy tắc thiện chí như
– Hãy tập cho trẻ thói quen lắng nghe: Trong mọi tình huống, trẻ khoác lác hay có thói quen “đè bẹp” người khác bằng những thành tích, những điều giỏi giang của chúng. Vì vậy, bước đầu tiên là phải biết “phanh” trẻ trong mọi tình huống. Hãy dẫn dắt để trẻ biết nghe người khác nói trước khi tự thể hiện.
– Tập cho trẻ cắt đứt những câu chuyện đề cao bản thân: Trước kia, bé chỉ kể những chuyện liên quan đến “cái tôi vĩ đại”. Cha mẹ hãy hỏi trẻ về câu chuyện của các bạn cùng lớp, bạn hàng xóm… Trẻ sẽ phải hình thành thói quen tìm hiểu chuyện của các bạn để về kể cho bố mẹ nghe. Dần dần, bé sẽ quên những câu cửa miệng với danh xưng “Con…” mà sẽ chuyển thành “Bạn con…”.
– Nếu thực sự tâm lý, bạn phải tìm cách trao cho con lòng tin về những ưu điểm mà bé vốn có, thay vì giảm bớt ưu điểm của chúng một cách thô thiển bằng việc chê bai. Đôi khi, bạn nghĩ rằng hạ thấp bớt ưu thế của trẻ để chúng đỡ “tinh vi”. Nhưng đó là sai lầm. Nếu ức chế, hạ thấp ưu điểm hoặc sự tự khẳng định của trẻ, bạn đã dồn con đến gần với sự tiêu cực, thu mình. Điều đó đe dọa sự phát triển nhân cách lành mạnh của trẻ.
– Cuối cùng, nếu trẻ thực sự có khả năng nổi trội và có hơi khoác lác một chút thì cũng không có gì phải lo lắng quá. Tại sao? Vì nếu trẻ có khả năng, cớ gì lại bắt trẻ không được thể hiện mình? Tại sao phải che lấp mình bằng tính khiêm tốn giả tạo nào đó? Vấn đề là hai mặt của tính khoác lác ở trẻ đều cần cha mẹ và những người nuôi dạy phải thật tâm lý và sáng suốt để định hướng đúng mức cho quá trình phát triển tính cách ấy chứ không đơn giản là xóa bỏ hay để kệ trẻ tự phát triển, thể hiện quá mức.