Đưa làn điệu Xoan cổ đến với du khách dịp Lễ hội Đền Hùng 2016

Các nghệ nhân hát Xoan trình diễn những làn điệu cổ độc đáo và đặc sắc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước chỉ có ở vùng đất Tổ – Phú Thọ và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.

Về cội nguồn nghe làn điệu Xoan cổ

Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2016 ghi dấu hát Xoan Phú Thọ sau 5 năm được UNESCO vinh danh, là năm cuối cùng để Phú Thọ đưa hát Xoan thoát ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2016, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản hát Xoan đến đồng bào cả nước để người dân hiểu thêm về văn hóa trên quê hương đất Tổ Vua Hùng.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, tại sân trung tâm lễ hội sẽ diễn ra các buổi biểu diễn hát Xoan và dân ca Phú Thọ; tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì cũng sẽ diễn ra các buổi liên hoan hát Xoan của thanh, thiếu niên nhằm khẳng định hát Xoan đã được trao truyền và lan tỏa không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở cả thế hệ trẻ.
Tại các bảo tàng ở thành phố Việt trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng được tổ chức triển lãm trưng bày các hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt tại các làng Xoan cổ ở xã Kim Đức, Hùng Lô sẽ diễn ra chương trình “Hát Xoan cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa. Các tiết mục hát Xoan do những nghệ nhân kế cận biểu diễn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ xây dựng các tour du lịch “Khám phá di sản văn hóa vùng đất Tổ,” “Hành trình về cội nguồn” đưa du khách về với Đền Hùng – nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam như một nét đẹp văn hóa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Về với đất Tổ, du khách sẽ làm lễ dâng hương và cầu bình an tại Đền Mẫu Âu Cơ; dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc long Quân – tri ân công đức Tổ tiên, các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước và được tham quan làng cổ Hùng Lô với ngôi đình cổ có niên đại trên 300 năm và thưởng thức những làn điệu hát Xoan Phú Thọ – di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại…

Loại hình nghệ thuật phát tích từ thời đại Hùng vương

Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm. Từ thời các vua Hùng dựng nước, hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng.

Chương trình văn nghệ biểu diễn Hát Xoan Phú Thọ chào mừng năm mới. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Từ lâu, hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.
Theo các nhà nghiên cứu, hai di sản hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tuy hai mà một, gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được, trong nghi thức có hát Xoan.
Hàng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Giêng Âm lịch, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ ở trước miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần 3 tháng.
Trải qua năm tháng, khúc hát ấy vẫn mãi mãi trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được 31 cửa đình thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ (9 huyện) và 18 xã có hát Xoan (trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về hát Xoan. Hiện nay đã có 11/30 đình làng – không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Hát Xoan – còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đó có 4 phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu (Phú Thọ) hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị của hát Xoan.

Nỗ lực đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp

Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, giờ đây hát Xoan đã thực sự hồi sinh và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy cho 62 nghệ nhân kế cận để đến năm 2015 có thể cùng với lớp nghệ nhân già hiện nay kế tục truyền dạy cho lớp trẻ tương lai và truyền dạy cho hơn 100 thiếu niên tại các phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái và xã Phượng Lâu.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ.”
Với nỗ lực truyền dạy hát Xoan ra cộng đồng, đến nay tổng số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường và 23 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh là 1.148 người, chưa kể có hàng trăm người tham gia không thường xuyên khác, tăng khoảng hơn 20 lần so với năm 2010.

Từ năm 2012 đến 2015 đã có 51 người được Nhà nước xét phong tặng Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ. Cuối năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức xét và phong tặng “nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần thứ hai. Nhiều di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì được tập trung đầu tư tu bổ; các tục lệ hát Xoan truyền thống tại các di tích có hát Xoan phục hồi…
Trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho các Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Thọ, với những giải pháp quyết liệt trong thời gian qua, có thể khẳng định di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ đã thoát ra khỏi tình trạng khẩn cấp.
Tại Hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tổ chức ở Namibia cuối năm 2015, Ủy ban Liên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất ra một quyết định đặc cách cho hát Xoan được lập hồ sơ đề cử di sản vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đệ trình trước ngày 31/3 vừa qua để UNESCO xem xét vào năm 2017.
Với những kết quả đạt được, mục tiêu đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2017 của Phú Thọ sẽ trở thành hiện thực.

Hát Xoan sẽ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân đất Tổ nói riêng và của cộng đồng người dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Theo VietnamPlus

From the same category