Nếu thực đơn đã được chọn sẵn thì bạn không cần dành thời gian cho việc chọn món. Nhưng rượu thì bạn có thể tự chọn (hoặc chủ tiệc đảm nhiệm việc này) sao cho hợp với món ăn, với mình và với cả những người bạn xung quanh. Thông thường, rượu trắng dùng khi khai vị và rượu đỏ đi cùng với những món thịt. Trong trường hợp phải tự chọn thực đơn, bạn cần biết bữa tiệc thường gồm 3-4 món: súp, sa-lát, món chính và tráng miệng. Món súp nổi tiếng, mang đậm phong cách Pháp là súp nấm truffle hoặc súp hành tây. Lựa chọn tiếp theo khá phong phú – có thể là patê gan ngỗng, cá hồi sống, trứng cá hồi, đùi vịt chiên hay sò điệp tái chanh… Món chính được chia làm ba nhóm: hải sản (tôm, cá, cua…); thịt đỏ (bò, cừu, vịt… phi-lê, đùi hoặc thăn); thịt trắng (gà, heo…). Tráng miệng, đừng bỏ qua các món đặc trưng của Pháp: soufflé, crème brulée… Đặc biệt, người Pháp còn có thói quen tráng miệng bằng các loại phô-mai như assiettede hay fronages. Những loại này kết hợp với rượu nhẹ sẽ cho ra một khẩu vị cuối cùng rất tuyệt.
Đã đến lúc bắt đầu thưởng thức từng món. Bàn tiệc có sẵn các loại bánh mì và bơ, là món để nhâm nhi trong suốt bữa tiệc. Do đó, đừng dùng hết sạch bánh mì “cho xong” để rồi khó nạp nổi những món kế tiếp. Thông thường, sau khoảng 10 phút, món mới sẽ được mang ra. Đừng tỏ vẻ vội vàng trong những bữa tiệc như thế này bởi đó là khoảng thời gian vừa ăn, vừa thong thả chuyện trò. Sự ý nhị cũng được thể hiện rất rõ trong lúc này khi bạn cần biết quan sát những người xung quanh để ăn nhanh hay chậm hơn, vì những người phục vụ chỉ dọn món cũ đi để chuẩn bị món mới khi tất cả mọi người trong bàn cùng ăn xong.
Đến món chính, lúc này, dạ dày của bạn đã khá đầy, và lưỡi cũng đã nếm đủ các loại gia vị. Bữa tiệc Pháp sẽ dành cho bạn một món đặc biệt, như một cách làm tươi mới lại khẩu vị gần “quá tải”: đó là món socbet, thường là socbet dâu hoặc xoài, hoặc một số loại trái cây khác. Món có vị chua dịu nhẹ, rất thanh và hơi lạnh, tan nhẹ trên đầu lưỡi.
Khoảng thời gian chuẩn bị cho món tráng miệng là lúc bạn có thể đề nghị người phục vụ mang thêm trà hay cà phê. Người Pháp cũng có thói quen dùng một ít rượu vang vào lúc này để làm giảm lượng bơ hay dầu mỡ và một số gia vị trong các loại thức ăn.
Bữa tiệc kết thúc không phải ở ngay bàn ăn mà mọi người cùng kéo nhau ra sofa chuyện trò, uống thêm một chút rượu và hút xì gà. Đây vừa là cách thắt chặt thêm tình thân, vừa là giải pháp hữu hiệu làm tiêu bớt lượng thức ăn đã nạp vào cơ thể. Một điều quan trọng là bạn cần biết điểm dừng đúng lúc cho mọi chuyện nhưng đừng bao giờ là người đòi về trước trong bữa tiệc. Bạn cũng chớ nên ép rượu những người khác và đừng uống rượu hết chai này đến chai khác bởi đây là thức uống được dùng với mục đích tiêu vị.
Những người được mời tham dự, nếu không hiểu ý nghĩa của bữa tiệc hoặc các phép tắc cơ bản trên bàn ăn, sẽ bị nhiều điểm trừ bởi sự lúng túng hoặc không biết gì nên cứ vô tư thể hiện sai quy cách. Hãy để ý thêm một chút, bởi đó chính là bộ cánh thanh lịch nhất mà bạn không khó để có được…