Được cấp súng đâu phải để đeo chơi, cho phép dùng khi cần thiết. Nay một đề xuất được nêu thêm: dự thảo nghị định “cho nổ súng” bắn kẻ chống người thi hành công vụ.
Ảnh minh họa
Tầm nghị định, hướng dẫn triển khai. Mới là đề xuất, còn chờ duyệt, đã làm rôm các quán cà phê đầu ngõ, trong hẻm.
Phần lớn ngại. Là ngại hậu quả, nếu dự thảo được duyệt và triển khai vào cuộc sống. Quyết liệt ra tay dẹp tiêu cực tốt rồi, chỉ ngại tên rơi đạn lạc, nhỡ tay, cướp cò, ngại bị “vận dụng” khi “triển khai”, ngại dễ vào khó ra…
Thế nào là “chống”, là “thi hành công vụ”… còn lóng ngóng. Nhỡ bức bối, vùng vằng khi được “mời” về đồn… có khi lại bị nổi đóa quy là “chống” thì sao?
Tết rồi, một Việt kiều Mỹ về kể chuyện: Ở bển, cảnh sát được bắn nếu “có dấu hiệu” chống người thi hành công vụ. Bị cảnh sát “vịn”, lái xe phải nghe lệnh, để hai tay lên vô lăng, ra khỏi xe với hai tay giơ lên để chứng minh không có vũ khí, “có dấu hiệu” cựa quậy sẽ bị cho là lấy súng chống trả, bị “đòm” liền…
Cảnh sát chịu trách nhiệm từng động tác. Sai một ly, hôm sau ra tòa ngay, bình đẳng trước luật với kẻ chống người thi hành công vụ. Tòa xét nghiêm, phán liền kẻ đúng người sai và trừng trị.
Xứ Mỹ ai cũng có quyền mang súng, dùng súng nên phải rõ ràng, quyết liệt thế. Có dấu hiệu thôi là “xử” liền, khỏi chờ tai hoạ.
Ở ta, dự thảo nghị định nay đề nghị được phép nổ súng khi thấy “dấu hiệu”, tức phán án tử và thi hành ngay, giống xứ Mỹ.
Chống đối gây nguy hiểm, lao xe vào, dùng vũ khí tấn công người thi hành công vụ… rõ là phải bắn, “phòng vệ một cách tương xứng” như quy định trong Bộ Luật Hình sự.
Không chỉ công an, nhiều lực lượng khác cần quy định chung, cho phép bảo vệ người thi hành công vụ: biên phòng, hải quan, cảnh sát biển, kiểm lâm, giữ trật tự, giải phóng mặt bằng…
Thi hành công vụ còn có cả người ngành y, ngành giáo, ngành kinh tế, văn hoá… Thỉnh thoảng vẫn thấy nhân viên các ngành này bị tấn công, đe doạ mà không có gì tự vệ.
Tăng quyền nổ súng dễ hơn kiểm soát thực tiễn. Nội quy, kỷ luật dùng súng có đủ, cái có vẻ còn thiếu là cơ chế kiểm soát minh bạch.
Thà bắn lầm còn hơn bỏ sót là chuyện thời xưa. Câu hỏi thời nay là: nếu nóng giận, lỡ tay, cướp cò (như từng xảy ra), hay lạm quyền … sẽ chịu, liên đới chịu, và chịu trách nhiệm như thế nào?
Lường, ngừa được mọi chiều mới là văn bản pháp quy có uy.
Trần Giang Phương
Ảnh: ST