Du lịch thoi thóp vì thủy điện: Kỳ 1: Sa Pa sẽ thành nghĩa địa thủy điện?

Một di tích quốc gia là bãi đá cổ Sa Pa cũng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Nếu xây thủy điện, những tảng đá cổ với các hình chạm khắc chứa đựng ký ức của các tộc người ở Sa Pa có nguy cơ bị nhấn chìm xuống đáy nước – Ảnh: Hà Hương

Một nhà máy thủy điện sẽ mọc lên giữa di tích quốc gia. Đó là dự án nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa) sẽ được xây dựng trong khu vực bãi đá cổ Sa Pa – được công nhận di tích quốc gia năm 1994.

Dự án qua cửa các ban ngành trót lọt cho đến khi được gửi đến Sở VH-TT&DL Lào Cai. Thủy điện đã nằm trong quy hoạch, Sở VH-TT&DL không thể phản bác lại tỉnh, đành phải cầu cứu Bộ VH-TT&DL. Suốt một năm qua, những người làm văn hóa và du lịch đang phải đấu tranh đòi ngừng xây dựng nhà máy thủy điện giữa di tích mà tỉnh Lào Cai đang dự định lập hồ sơ di sản thế giới.

Không xây được thủy điện thì… kiện

Tranh cãi, công văn qua lại trong suốt một năm vẫn không đưa đến kết quả. Nhà đầu tư kiên quyết giữ nguyên địa điểm với lý luận không làm ảnh hưởng đến một viên đá nào. Trong khi đó, Sở VH-TT&DL cho rằng cần phải đánh giá tác động đến di sản và cả môi trường cảnh quan. Đó là chưa nói việc xây đập thủy điện sẽ cho chìm xuống lòng hồ những viên đá chưa được khai quật khảo cổ học. Những viên đá đã phát lộ lại nằm bên lở của dòng suối, luôn phải đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm.

Việc mời một đoàn chuyên gia khảo sát di tích này được coi là việc “cực chẳng đã” sau nỗ lực thuyết phục không thành. Chuyến khảo sát được một phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai gọi một cách chua xót là “tour khám phá thủy điện” diễn ra giữa tháng 8. Tại cuộc thảo luận sau chuyến khảo sát, đại diện các bên đã có những tranh cãi gay gắt về việc dừng hay không dự án thủy điện tại địa điểm nhạy cảm này.

Ông Phạm Hải Hà – tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long, nhà đầu tư thủy điện Sử Pán 1- nói: “Bãi đá đường xuống chẳng có, chúng tôi làm đường xuống, kiến nghị làm hàng rào bảo vệ xung quanh. Chúng tôi sai ở chỗ nào, xâm hại di tích ở chỗ nào. Việc xây đập nước thủy điện, có hồ nước theo cảm quan chúng tôi là tốt. Chúng tôi chưa làm gì xấu đến mấy viên đá cổ của các anh cả. Hàng chục tỉ chúng tôi bỏ ra, bây giờ các anh bảo dừng. Sao các anh không bảo dừng ngay từ đầu. Không lẽ chủ đầu tư kiện Sở VH-TT&DL, sở thua là chắc”.

Muốn làm di sản thế giới hay không?

Ông Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai, khẳng định phải nhìn cảnh cả một thung lũng trù phú tan hoang vì xây dựng thủy điện chứ không chỉ nhìn chuyện mấy hòn đá. Khách du lịch bỏ đi, chuyên gia nước ngoài cảnh báo mà thủy điện vẫn mọc lên. Khi chúng tôi làm việc gay gắt, Sở Công thương không thích, ủy ban không ưa, doanh nghiệp càng không ủng hộ. Nhưng ai dám chắc khi xây đập nước, sạt lở không tổn hại đến di tích, tài nguyên du lịch đến bao giờ được phục hồi đúng theo hứa hẹn của các anh?

Đặt câu hỏi cho tỉnh Lào Cai, đại diện Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) nói: “Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho bãi đá cổ Sa Pa. Không thể khoanh từng hòn đá mà đi làm hồ sơ di sản được. Nó phải hài hòa trong tổng thể, mà tổng thể đó đang bị chất lên năm cái thủy điện. Vậy hiện nay tỉnh còn muốn làm di sản thế giới hay không để chúng tôi còn báo cáo lại?”.

Trong khi đó, PGS Đặng Văn Bài, phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định: “Lào Cai bắt buộc phải lựa chọn. Nếu chỉ muốn kinh tế thì hãy bỏ khát vọng làm du lịch và di sản thế giới đi. Bây giờ Sa Pa là sản phẩm du lịch nhưng 50 năm nữa sẽ thành một nghĩa địa thủy điện”.

Thủy điện còn, du lịch không còn

Thủy điện không chỉ là nỗi sợ của riêng những hòn đá ở bãi đá cổ Sa Pa mà các bản làng nổi tiếng về du lịch cộng đồng cũng thấm đòn đau của thủy điện. Số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL Lào Cai cho thấy lượng khách đến tham quan và lưu trú tại các điểm du lịch có thủy điện như Tả Van, Bản Hồ giảm mạnh đến hơn 80% so với năm 2006 – thời điểm bắt đầu xây dựng các nhà máy thủy điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, cảnh báo: “Đã đến lúc cần xem xét kỹ các dự án thủy điện. Ở góc độ du lịch, không nên chấp nhận các dự án thủy điện nữa. Sa Pa đã bị cảnh báo rất nặng nề về vấn đề này nhưng đáng tiếc là cả Sa Pa, Lào Cai và ngay cả các tỉnh phía Bắc đã không hề lắng nghe”. Từ khía cạnh nhà đầu tư, ông Phạm Hải Hà phản bác: “Tại sao thủy điện hoàn toàn xấu cho du lịch. Nếu không có thủy điện Hòa Bình thì chẳng ai biết đến tỉnh này! Nếu ngăn đập làm hồ, Sử Pán 1 có thể tạo nên một vùng tiểu khí hậu phù hợp với du lịch sinh thái”.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng thủy điện không thể đồng hành với du lịch sinh thái bởi vì cái du khách muốn là cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa thì đã bị thủy điện hủy hoại.

Một con suối gánh 5 thủy điện

Cả thung lũng suối Mường Hoa với bãi đá cổ, cầu Mây, ruộng bậc thang đang bị xẻ thịt để làm thủy điện. Đào núi, ngăn dòng, điện đâu chưa thấy còn những bản làng trù phú hút khách du lịch thì vắng hoe. Năm thủy điện đang khẩn trương tiến hành vẫn còn là con số quá nhỏ so với 19 thủy điện trong quy hoạch ban đầu. Một trong số năm thủy điện này, thủy điện Sử Pán 1 sẽ chạy dọc bãi đá cổ Sa Pa, từ Hầu Thào đến Bản Hồ và cũng gần khu danh thắng Cầu Mây. Có nghĩa là thủy điện này cùng với những hệ lụy của nó sẽ ôm trọn phần đẹp nhất của thung lũng Mường Hoa – vốn được xác định là trọng điểm du lịch.

PGS Đặng Văn Bài cảnh báo: “Phải đánh giá tổng thế tác động của cả năm thủy điện. Việc xây dựng chừng ấy nhà máy thủy điện trên con suối nhỏ thể hiện thái độ của chính ta đối với bà mẹ thiên nhiên. Nếu không tính toán thì từ bây giờ chúng ta đã ăn mất phần của con cháu sau này”.

(còn tiếp)

Theo Tuổi trẻ


From the same category