Trong khoảng thời gian ngành du lịch toàn thế giới đang đóng băng, điện ảnh có thể sẽ là lời giải đáp thú vị cho những kẻ lữ hành không nguôi nhung nhớ cảm giác được xê dịch và du hành qua những cung đường và khung trời mới.
Cùng một thành phố có thể là đối tượng tri ân của lá thư tình nồng nàn và say mê trong bộ phim này, nhưng lại là mê cung không lối thoát của đời sống vật chất và tinh thần trong bộ phim khác. Và như thế, khi “đi du lịch” thông qua những bộ phim điện ảnh, người xem cùng lúc cũng được du hành qua những cuộc đời khác, những miền tâm tưởng khác, hòa mình vào dòng chảy của nền văn hóa khác trong một bản ngã mới.
Trong thời gian này, mời bạn cùng Đẹp điểm qua những tựa phim với các thành phố trong đó cũng chính là nhân vật trung tâm không kém con người. Thay vì xách ba lô lên và đi, ta sẽ ngồi lại và chìm đắm trong hành trình tinh thần qua không gian và thời gian, đến với một New York, Paris, hay Hong Kong rất riêng qua lăng kính điện ảnh.
“Tôi có thể làm việc bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu” là câu trả lời của cựu binh sĩ Travis Bickle khi đi xin việc cho vị trí tài xế taxi và được hỏi liệu anh có muốn chạy ca đêm tại những khu vực nóng của tệ nạn ở New York như Bronx hay Harlem.
Xoay quanh những cuốc chạy xe không ngừng nghỉ dọc các đại lộ mệt nhoài của New York sáng rực, ồn ào, nhưng tăm tối, cô độc, “Taxi Driver” mở ra trước mắt người xem một New York hoàn toàn khác biệt với những viễn cảnh hoa lệ thường thấy, những Giấc mơ Mỹ từ lâu đã đóng đinh trong tâm trí không ít người. Có thể nói, New York trong “Taxi Driver” là một New York của tầng lớp lao động, của thế hệ hậu Thế chiến lạc lõng đang cố gắng oằn mình hòa nhập với những chuyển biến xoay vần trong tư duy văn hóa, nghệ thuật, lẫn chính trị.
Xuất hiện không dưới một lần trong các tác phẩm của đạo diễn nổi tiếng (và tai tiếng) Woody Allen, thành phố không ngủ này lần nào cũng được trình diện dưới hình hài của một nàng thơ vĩnh cửu. Thế nhưng, sự mến mộ của vị đạo diễn đối với nguồn cảm hứng bất tận mang tên New York chưa bao giờ rõ nét và huy hoàng như trong “Manhattan”, bộ phim được đặt theo tên khu vực phồn hoa đô hội bậc nhất thành phố.
Phân đoạn mở đầu này đã thành huyền thoại của “Manhattan” đưa người xem đi qua những lát cắt kiến trúc trắng đen đặc quánh trong nền nhạc “Rhapsody in Blue“, cùng lời dẫn của chính vị đạo diễn thông qua nhân vật Isaac Davis về một New York mà ông yêu, một thành phố phức tạp trong hệ tầng văn hóa xã hội, lãng mạn trong cốt cách, và không ngừng mời gọi đầy kiêu hãnh.
Thông qua “La La Land“, đạo diễn Damien Chazelle tri ân Kỷ nguyên Vàng của điện ảnh Hollywood và hoài niệm về thành phố thiên thần trong chiều kích lịch sử trên phim của nó, đưa người xem theo chân cặp đôi Mia và Sebastian đi qua vô số các khung cảnh quen thuộc của kinh đô điện ảnh và sống những ngày tháng ngập tràn trong tiếng nhạc Jazz cùng giấc mơ màn bạc.
Ở Los Angeles, ta thấy bản thân nhích từng đoạn trên những con đường cao tốc nổi tiếng kẹt cứng người và xe, nắm tay nhau nhảy múa ở đài quan sát thiên văn Griffith, dạo bộ trên con đường dốc trải dài những hoa và các ngôi nhà xanh vàng, giao lưu tại một buổi tiệc ngoài trời dưới tán cọ ở Sunset Boulevard, hay phóng tầm mắt về phía thành phố lấp lánh toàn sao và hy vọng từ một góc đồi Griffith. Và dù là ở đâu hay làm gì, ta cũng không thể ngừng tự hỏi liệu thành phố của những vì sao có đang chiếu sáng cho riêng mình.
Là một trong những tựa phim kinh điển của “French New Wave” (Làn sóng Mới của điện ảnh Pháp vào những năm giữa thế kỷ 20), “The 400 Blows” phần nào tái hiện lại tuổi thơ đầy sóng gió của đạo diễn Francois Truffaut thông qua nhân vật Antoine Doinel.
Trong phim, cậu bé Antoine dành phần lớn thời gian chạy trốn khỏi sự trách phạt liên tục của gia đình và nhà trường, lang bạt khắp các nẻo đường Paris cùng với người bạn thân. Những con đường của thành phố dường như trở thành một ngôi nhà thứ hai, thân mật và ấm áp hơn cho cậu bé vốn thiếu hụt tình yêu thương đúng cách từ gia đình. Ở “The 400 Blows”, người xem có thể thấy rõ sự nối kết sâu sắc giữa hình ảnh Paris và ký ức tuổi thơ của Truffaut, và vì thế, sự hoa lệ thường thấy của thành phố ánh sáng đã phải nhường chỗ cho những khoảnh khắc đời thường và gần gũi như một cái ôm vỗ về.
Khái niệm du lịch qua phim ảnh dường như càng trở nên sát thực hơn bao giờ hết khi những nhân vật trong phim cũng chính là những kẻ lang thang trên miền đất lạ. Đến với “Before Sunrise“, phần đầu tiên trong bộ ba phim nổi tiếng của đạo diễn Richard Linklater về hai người lạ thân mật Jesse và Celine, người xem được đi theo những bước chân khoan thai trong chuyến hành trình kép của bộ đôi khi cả hai cùng lúc khám phá không chỉ một Vienna mơ màng đầy nghệ sĩ tính mà còn là thế giới quan mới lạ của người còn lại.
Những đoạn đối thoại thú vị liên tục nối nhau trên những con đường mà họ đi qua, để rồi khi bình minh ló dạng ở cuối phim, Vienna đã ở lại trong lòng cả nhân vật lẫn người xem như một kỷ niệm dịu dàng không thể quên.
Trong một bộ phim mà phần thưởng của kẻ giết người là một chuyến du lịch, thì điểm đến của cuộc hành trình đó chắc hẳn là nơi kẻ lữ hành bị buộc phải giác ngộ và nhận lấy sự trừng phạt. “In Bruges” là một bộ phim hài kịch đen đầy nghịch lý, mà nghịch lý dễ thấy đầu tiên đó là việc địa điểm được lựa chọn để hàng loạt những diễn biến tăm tối trong phim diễn ra lại là Bruges, thành phố kênh đào cổ tích của nước Bỉ.
Dù xuyên suốt phim là tông màu trầm mặc và biểu cảm ảm đạm của hai kẻ giết người thuê Ray và Ken, “In Bruges” lại hài hước đến bất ngờ trong từng lời thoại giờ đây đã đi vào hàng kinh điển đối với nhiều người yêu phim. Chủ đề về tội lỗi và sự trừng phạt được đạo diễn Martin McDonagh khai thác thông qua việc tương phản khung cảnh bình yên, nên thơ của Bruges với nội tâm gào thét, mệt mỏi của nhân vật do Colin Farrell thủ vai, khiến thành phố càng như khoác lên mình vai diễn của một vị thẩm phán thầm lặng.
Bộ phim xoay quanh những dòng suy tưởng chắp vá của nhân vật nhà văn tuổi xế chiều Jep Gambardella (Toni Servillo) khi anh tự vấn bản thân về sự vô nghĩa của những buổi tiệc triền miên trên những tòa cao ốc giữa lòng thành phố Rome, từ đó dần nhận ra cái đẹp thi vị mà thủ đô nước Ý thật sự ấp ủ.
“The Great Beauty” không chỉ là bản phác thảo chân dung nhân vật mà còn là chân dung của một thành phố với nét hòa trộn đầy tinh tế giữa sôi nổi và trầm mặc, hiện đại và cổ kính, hiện tại và quá khứ. Đi dọc theo thế giới tâm tưởng của nhân vật chính, người xem sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc thị giác thịnh soạn mà đạo diễn Paolo Sorrentino bày ra trước mắt để tôn vinh vẻ đẹp đa chiều của Rome.
“Lost in Translation” của đạo diễn Sofia Coppola là bộ phim thứ hai trong danh sách mà nhân vật chính cũng là những vị khách du lịch trong một thành phố lạ. Trong phim, hai nhân vật chính người Mỹ gặp nhau tình cờ trên đất Nhật và cùng chia sẻ với nhau một điều duy nhất có ý nghĩa: sự cô đơn.
Tokyo của “Lost in Translation” là thành phố sầm uất được vẽ ra bởi những đường thẳng của những tòa nhà chọc trời nối nhau, và đường cong của vô số những con chữ trên biển quảng cáo được giăng kín mọi ngóc ngách. Hơn hết, Tokyo trong phim là hình ảnh phản chiếu của một thế giới khác lạ, nơi hai nhân vật nhận thấy rõ sự tách biệt của bản thân khỏi những gì đang diễn ra xung quanh, văn hóa, ngôn ngữ, những cuộc trò chuyện, những con người mà họ gặp, và—quan trọng nhất—chính cuộc đời mà họ đang sống.
Được chắp bút bởi nữ văn sĩ nổi tiếng Marguerite Duras, “Hiroshima, Mon Amour” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Làn sóng Mới Điện ảnh Pháp. Cả bộ phim được dệt nên từ chuỗi ký ức của đôi tình nhân đang trên bờ chia xa—họ là Her, nữ diễn viên người Pháp, và Him, chàng kiến trúc sư người Nhật. Cuộc trò chuyện cuối cùng trước khi cả hai lên đường bước tới những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời kéo dài 36 tiếng đồng hồ. Và trong những dòng ký mải miết đuổi nhau, một Hiroshima tang tóc và đau thương hiện lên, nhắc nhớ về những mất mát to lớn của Nhật Bản sau vụ đánh bom hạt nhân kinh hoàng vào năm 1945.
Theo nhiều cách khác nhau, bộ phim của đạo diễn Alain Resnais đã tái cấu trúc lại góc nhìn về mất mát, chiến tranh, và sự đổ vỡ thông qua những cải tiến điện ảnh quan trọng—điều đã làm nên thương hiệu của Làn sóng Mới Điện ảnh Pháp vào cuối thập niên 50 thế kỷ trước.
Với “Chungking Express” (tựa Việt: “Trùng Khánh Sâm Lâm“), đạo diễn Vương Gia Vệ kể về cuộc sống của những người trẻ đơn độc và vô định giữa một Hong Kong đang phát triển chóng mặt với những luồng văn hóa được du nhập cùng đầy rẫy những câu hỏi mà cá nhân không thể lý giải. Hai câu chuyện riêng biệt trong phim được kết nối với nhau chỉ bằng 0,01cm khoảng cách giữa những tâm hồn lạc lõng, tuyệt vọng trong chuỗi ngày tìm kiếm tình yêu giữa biển người chật kín.
Xuyên suốt bộ phim, người xem như hòa mình vào dòng người và xe không ngừng chảy xuôi ngược trong vô vàn những ánh đèn neon sáng lóa. Thang cuốn, hàng quán, phố thị Hong Kong mọc lên kéo khoảng cách vật lý giữa người và người lại gần hết mức có thể, nhưng rồi tất cả dường như lại chỉ xuất hiện và biến mất trong đời nhau sau một cái chớp mắt.