1. Myanmar là xứ sở của Phật giáo nên người ta rất thành kính thiêng liêng tại những nơi như chùa chiền. Tất cả ngôi chùa đều yêu cầu không được mang giày dép, tất vớ từ ngoài sân chứ không phải chỉ có nơi chánh điện. Dù trời mưa rét buốt hay nắng chói chang, người dân đều phải đi chân trần khi bước vào cổng chùa. Trước chùa có bảng thông báo khá rõ, cô hướng dẫn viên bản địa cũng giải thích điều này. Cô chỉ vào đôi tất một anh chàng và đề nghị tháo tất ra. “Makeno”, chàng mình cứ thản nhiên hiên ngang mang tất đi vào mặc cho cô hướng dẫn viên tần ngần nhìn theo. Lý do: bữa đó trời vừa mưa xong, đi chân trần là mất vệ sinh!
Rồi khách được đưa đến một nhà hàng khá đẹp. Những món ăn bài trí rất bắt mắt. Chai nước suối và chén cơm được bọc trong những cái giỏ đan bằng lá cây trông rất dễ thương. Một anh chàng ăn vận bảnh bao nhanh tay lượm một giỏ cho vào túi của mình. Người phục vụ bàn trờ tới cửa vừa đúng khoảnh khắc “nhạy cảm” này. Bốn mắt nhìn nhau, vẻ bất ngờ hiện rõ trên gương mặt cô gái. Nghe nói mấy bữa sau anh này cũng quăng mất cái giỏ đựng cơm vì “mang về cũng chẳng biết làm gì”.
Bản Kho Mường ở Pù Luông (Thanh Hóa) là một điểm được khách tây rất thích vì hoang sơ và vị thế đẹp khi nằm lọt thỏm giữa ngọn núi. Ảnh: TusA (PNTD)
2. Gần đây, các tour du lịch hành hương như Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ… có vẻ rất được giới nhà giàu ưa chuộng mặc dù giá cả không mềm chút nào. Tây Tạng có nhiều thiền viện, chùa chiền cổ kính, cũ kỹ. Ngoài việc phải mua vé tham quan, nhiều nơi quy định muốn chụp ảnh một số thứ đặc biệt bên trong thì phải trả thêm tiền, chẳng hạn như những bức tranh Mạn-đà-la làm bằng cát do các nhà sư tạo nên hoặc là các vật dụng nấu món trà bơ truyền thống nằm trong góc bếp. Tới đoạn này thì mới thấy tinh thần phát huy cao độ. Không biết do tiếc năm đôla hay là do không thích thú nên nhiều người chỉ nhìn nhìn rồi thôi. Thế nhưng khi một người trong nhóm đóng tiền chụp ảnh thì hàng loạt máy ảnh cùng máy quay phim bắt đầu lia lịa bấm, quay. Các sư thầy hiền lành không ngăn cản nổi. Ở góc kia, một nhà sư đề nghị không được quơ tay lên những ngọn nến để lấy hơi vuốt lên đầu “lấy hên”. Ông giải thích ngọn lửa này đang thắp cho những bậc tôn quý. Một bà khách lật đật “Sorry, I don’t know” (Xin lỗi, tôi không biết) nhưng nhà sư vừa đi khuất thì bà vội vàng… làm thêm cái nữa, chắc để hên nhiều hơn!
Khách đi tour Campuchia thường hay được giới thiệu tiết mục massage vì phải đi bộ rất nhiều. Một suất massage ở đây khá rẻ, khoảng 70 ngàn đồng. Có lần anh hướng dẫn dặn việc gửi tiền típ chỉ 1-2 USD. Đến khi chuẩn bị ra về, một cô bé phục vụ cứ tần ngần như muốn nói gì đó với anh hướng dẫn viên. Sau khi hỏi chuyện, anh quay qua hỏi trong đoàn “Có ai đó đã gửi nhầm tờ 5.000 đồng tiền Việt cho nhân viên massage không?”. Không ai nhận là mình nhầm. Cuối cùng, cô bé phục vụ cũng nhận được tiền típ 2 USD từ anh hướng dẫn viên tự bỏ tiền túi.
3. Người nhà ta trẻ trung, năng động nên đi đó đi đây thường khoái vui, tụ tập và thích tiện nghi. Chỗ nào không có mấy thứ trên thì phải “phổ cập” để phát triển cho đồng đều.
Bản Lác ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nằm lọt giữa những ngọn núi với những ngôi nhà sàn xinh xắn, khách đến đây ăn ngủ cùng với chủ nhà. Tối đến, những cô gái, chàng trai người Thái múa hát rồi cùng với khách nhảy sạp, say chén rượu cần. Những buổi chiều, khách tản bộ hay đạp xe qua những con đường nhỏ xen trong bản. Kiểu du lịch homestay như thế này rất được khách nước ngoài ưa thích, sau này khách Việt cũng thích. Có điều, du khách nước ngoài thích yên tĩnh, mộc mạc, nguyên sơ, còn ta thì khoái vui nhộn. Phải sôi động thì mới gọi là một chuyến đi chơi! Có lần một trường chuyên về đào tạo du lịch tổ chức cho sinh viên đến đây vừa chơi vừa học. Thế là hôm ấy bản Lác như… vỡ chợ vì các bạn trẻ nhà ta tổ chức những trò chơi tập thể ngoài đường. Mấy ông cụ, bà cụ sống trong bản lắc đầu: “Trước khi chúng nó đến, ở đây yên tĩnh lắm!”.
Ngày nọ, một công ty dược nghĩ ra cách vô cùng hiệu quả nhằm chống lại sự yên tĩnh ở bản Lác là hát karaoke tại nhà. Nào nhạc sang, nào nhạc sến, nào rock, nào dân ca ba miền… được các ca sĩ, ca lẻ nhà ta hát tận tình tới hơn 11 giờ đêm… Bản Lác toàn là nhà sàn “vách thưa hàng rào thấp, gió lùa vào từng cơn” cho nên bên này hát là những nhà bên cạnh cũng được “hưởng xái” như đang có sân khấu tại gia. Trong một ngôi nhà khác, mọi người cũng rôm rả so tài “quýnh” bài và nhậu. Thức khuya lại nhậu nhẹt, hát hò mất sức nên hôm sau, trưa trời trưa trật thảy mới lờ đờ thức dậy. Đi vòng vòng cho biết mặt mũi cái bản, anh trưởng nhóm vừa nói vừa ngáp: “Chỗ này chả có gì chơi nữa, thôi về!”.
4. Anh chủ cửa hàng lưu niệm ở Hội An bộc bạch: “Nói ra thì bảo phân biệt đối xử chứ tui thích khách Tây hơn, dù khách mình ngày nay còn chơi sang hơn nhiều”. Nhà anh có cửa hiệu bán quần áo tại khu phố cổ. “Khách Tây sẽ ngắm thật kỹ rồi mới hỏi mua, còn không thích thì bỏ đi. Nhưng khách mình thì lục tung, moi ra cho hết, đòi xem mọi kích cỡ, màu sắc. Hình như họ xem cho đã thôi nhưng mình thì phải liên tục sắp xếp lại đống đồ họ vứt ngổn ngang”. Một số phòng tranh ở Hội An lưu ý khách không chụp ảnh vì đây là loại tranh sáng tác, tối kỵ chuyện bị sao chép nhưng “Hễ nhắc nhở thì họ cũng dẹp máy ảnh rồi tìm cách chụp bằng điện thoại. Chụp cho vui vậy thôi chứ không phải vì tình yêu nghệ thuật bao la, bát ngát đâu”, anh cười.
Có một bữa bỗng nhiên tôi nằm mơ thấy mình vác ba lô khám phá vùng đất lạ. Chủ nhà nở nụ cười thật tươi: “Mời vào. Du khách Việt dễ thương, văn minh lắm!”, nghe thiệt sướng cái tai…
Tú Nguyễn
(Theo PL TPHCM Xuân Quý Tỵ)