Dù “độc đạo”, Tùng Dương vẫn “giăng tơ” tới Pháp - Tạp chí Đẹp

Dù “độc đạo”, Tùng Dương vẫn “giăng tơ” tới Pháp

Giải Trí

ca sĩ Tùng Dương 

Tùng Dương trong đêm “Độc đạo”

“Live concert” là đây     

Không quá lời khi nói “Độc đạo”, chương trình vào tối 24/11/2013 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, là một bữa tiệc âm thanh thịnh soạn. Khán giả có mặt không ngớt bày tỏ sự hưng phấn và dành nhiều lời khen tặng cho phần âm nhạc mà các nghệ sĩ mang lại. Bởi vậy, để định nghĩa về một “live concert” thực sự thì cần lấy “Độc đạo” ra làm chuẩn, chứ không phải rất nhiều đêm nhạc thời gian qua tự gắn tên, tỏ vẻ “sang”.

Đêm hoà nhạc có ánh sáng đẹp, âm thanh được đầu tư tử tế, các nghệ sĩ góp mặt không chỉ tài năng mà còn riêng biệt, tất cả tạo hiệu quả cho phần nghe. Trên nền đó, không gian âm nhạc mà Tùng DươngNguyên Lê mở ra thực sự văn minh, cuốn hút và mênh mông – giống chất nhạc mà họ theo đuổi.

Như con tằm mải miết nhả tơ mấy năm liền, đến “Độc đạo”, Tùng Dương không chỉ dệt được cho mình chiếc khăn Piêu sặc sỡ mà còn cả tấm màn nhung lộng lẫy. Ngỡ có sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi ánh đèn sân khấu bật sáng, đạo diễn ánh sáng Julian Hogson bố trí cho Tùng Dương hát sau tấm màn được bắn ánh sáng đẹp mắt, từ “Chiếc khăn Piêu” (Doãn Nho) đến “Cuộn” (Sa Huỳnh). Đến ca khúc chủ đề “Độc đạo”, tấm màn ánh sáng chính thức được mở, với Tùng Dương và toàn bộ sân khấu hiện diện trước mắt khán giả.

ca sĩ Tùng Dương

Tùng Dươn
g trong đêm “Độc đạo”

Ngay từ những lời ca đầu đầu tiên cất lên, sau “Độc đạo” (Lưu Hà An) đến “Thể đơn bào” (Sa Huỳnh), hẳn nhiều khán giả đã có thể nhận ra thời điểm rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Tùng Dương chính là đây. Không phải bây giờ ca sĩ này mới thể hiện những ca khúc khó.

Năm, sáu năm trước, album riêng thứ hai của Tùng Dương là “Những ô màu khối lập phương” cũng trúc trắc, nhiều suy tư và triết lý không kém. Chỉ có điều đến giờ, anh hát điềm tĩnh hơn, có sự hoà trộn với chất nhạc đa tầng, đa dạng, mang tính quốc tế nhiều hơn; chứ không chỉ là nhạc điện tử. Điều này so với cả album thứ ba là “Liti” trước đó.

Độ chín của Tùng Dương cũng bộc lộ qua nhiều ca khúc khác trong đêm diễn, dù đó là ca khúc xưa và cũ được làm mới như “Bài ca trên núi” (Nguyễn Văn Thương), “Quê nhà”, “Sen hồng hư không” (Trần Tiến), “Con cò” (Lưu Hà An) hay những ca khúc mới như “Con ốc” (Lưu Hà An), “Ánh trăng khuya” (nhạc Nguyên Lê – lời Sa Huỳnh)…

Với nội lực có sẵn, từ lâu Tùng Dương luôn là ca sĩ hát đôi ăn ý với với nhiều giọng nữ, giọng nam khác nhau; nhưng chỉ đến “Độc đạo” mới là dịp để Tùng Dương khoe tiếng hát của mình cùng các giọng ca “khủng” quốc tế. Bởi lẽ, “Độc đạo” không chỉ có độc Tùng Dương mà còn có hai nữ ca sĩ của dòng nhạc jazz, soul, world music là Julia Sarr và Himiko Panganott.

Ca sĩ người Nhật Himiko thể hiện các ca khúc trong đêm “Độc đạo”

Hát và bè ngẫu hứng cùng Julia Sarr, cả hai đã mang đến cho ca khúc “Giăng tơ” (Lưu Hà An) một tinh thần mới: tinh thần world music. Tới đây, khán giả đã có thể thực sự “ngấm” chất liệu âm nhạc mang tính đa văn hóa, vừa đương đại lạ tai vừa phảng phất âm hưởng dân gian quen thuộc.

Đến “Redemption Song”, tác phẩm từng được Tùng Dương thể hiện không ít lần, nay có sự hoà giọng cùng nữ ca sĩ người Pháp gốc Senegal khiến “bài ca cứu rỗi” này hoàn toàn có khả năng vươn xa ngoài phạm vi Việt Nam.

Với “Độc đạo” thì không còn nghi ngờ, đây chính là những gì gần với thiên hướng, con đường âm nhạc của Tùng Dương nhất. Những gì anh bước qua lâu nay, chỉ là những chặng dừng chân để tiến tới cái đích này, với thứ âm nhạc vừa rõ tính bản thể, vừa mang tính quốc tế rõ ràng hơn.

Nhạc sĩ Nguyên Lê 

Không chỉ “nhập” vào lối hòa thanh trùng điệp của Nguyên Lê và ban nhạc đến từ Pháp, ngân nga với nghệ sĩ jazz ra chất, Tùng Dương đã cùng những người đồng điệu đưa ca khúc của thần tượng Bjork lên sân khấu. “All is Full of Love”, ca khúc từng được nhiều ca sĩ cover nay được cả Tùng Dương – Julia và Himiko thể hiện với một tinh thần mới.

Vẫn còn những điều đáng tiếc

Hợp tác với Nguyên Lê để có được những sản phẩm âm nhạc mắt thấy tai nghe, đo đếm được như hiện tại là may mắn lớn với Tùng Dương. Với con đường riêng của mình, mà như ca sĩ này tự cho là “độc đạo”; thì việc thu hút được uy danh và chất nhạc của Nguyên Lê có nghĩa là “con cò” Tùng Dương đã gặp hồ cá lớn.

Nói cách khác, công sức và sự kiên định với lý tưởng âm nhạc Tùng Dương theo đuổi bây lâu nay đã được đền đáp và ở đây, lý tưởng của Tùng Dương gặp tư tưởng của Nguyên Lê. Không ngồi yên chờ đợi mà vận động kiếm tìm đến một ngày, Tùng Dương “kết duyên” với một “huyền thoại âm nhạc” như cách anh gọi, thì đó là điều xứng đáng.

Nhìn vào thực tế làng nhạc Việt, khó có thể tìm ra ca sĩ đại chúng nào khác hiện nay có con đường đi và tư duy âm nhạc khớp với hình thức, màu sắc âm nhạc theo hướng tạm gọi là “world music” của Nguyên Lê. Chỉ có Tùng Dương, một ca sĩ có thực lực, từ lâu đã chủ động theo đuổi và gom được khá nhiều ca khúc có âm hưởng dân gian, mang chất liệu văn hoá dân tộc khá rõ mà vẫn có tiết tấu, giai điệu đương đại. Chính “nguồn lực” này, cộng thiên hướng riêng, giúp Tùng Dương tạo nên một thành tố có thể lắp ráp khá ăn khớp, nhịp nhàng với “âm nhạc kiểu Nguyên Lê”.

ca sĩ Tùng Dương

Tùng Dương trong đêm “Độc đạo” 

Dẫu vậy, xem và nghe “Độc đạo”, vẫn còn luyến tiếc về “vốn liếng” mà Tùng Dương có để “hoà âm”. Kể từ lần đầu hát và ngân nga ngẫu hứng cùng Nguyên Lê tại The Rooftop trong “Âm nhạc trên tầng cao”; cho đến hai năm sau, trong “Độc đạo”, Tùng Dương đã có nhiều ca khúc để kết hợp hơn. Tuy nhiên, những ca khúc mới nằm trong album cùng tên chưa thể gọi là xuất sắc về ca từ, triết lý, giai điệu. Nghe chúng qua bản thu sẽ hợp hơn trình diễn trước đám đông, nếu không hòa thanh cùng ban nhạc “xịn” của Nguyên Lê.

Cũng chính Tùng Dương, dù anh đang chín; nhưng đến độ “sắc ngọt”, tinh tế như tiếng guitar mê hoặc của nghệ sĩ nhạc jazz gốc Việt thì chưa. Thỉnh thoảng anh mải mê trưng trổ, lấn át bạn diễn, kể cả khi đó là giọng hát đầy mãnh lực nhưng biết tiết chế của nữ ca sĩ da màu Julia Sarr. Điều này cũng giống cách anh thường mải mê chăm chút về áo quần, hình thức.

Vẫn luôn thấy được Tùng Dương tràn đầy năng lượng và riêng “Độc đạo”, năng lượng ấy còn có thêm sự hứng khởi. Bởi vậy, anh cứ thế bùng cháy, thắp lửa, khiến chương trình lúc nào cũng ngùn nhụt. Chính lối hát to và tư thế sẵn sàng bật lên, lắc lư, trình diễn của anh từ đầu đến cuối chương trình khiến cho khán giả thấy rất “đã” khúc đầu nhưng dễ “ứ” ở khúc sau. Với cách ấy, nghe Tùng Dương hát “Trên đỉnh phù vân” (Phó Đức Phương), khán giả thấy giọng nhưng không thấy được tình.

Dẫu vậy, vẫn thấy được ca sĩ “Độc đạo” đã “giăng tơ” ra ngoài Việt Nam, tới Pháp. Vẫn còn nhiều không gian để “con cò” Tùng Dương lặn lội và một “sớm mai khi mặt trời thức giấc, lại khát khao, lại bay lên…”. 

Bài: Danh Anh
Ảnh: Hải Bá

Cả nền ca hát đi trong an toàn của những thói quen chung, thì Tùng Dương – với nhu cầu phô diễn cá tính và cái Tôi mạnh mẽ, đã nhắc người ta về giá trị của sự khác biệt. 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

25/11/2013, 10:07