“Dụ” con đọc sách - Tạp chí Đẹp

“Dụ” con đọc sách

Sống

Khi bạn nhắc con mang sách ra đọc thì con nhăn nhó? Bạn cảm thấy bất lực vì ngay từ khi con còn bé, bạn đã dành nhiều thời gian để đọc sách cùng, thế nhưng bạn vừa mới đọc được vài dòng, ngẩng lên thì con đã chạy biến ra chỗ khác… Vậy làm thế nào để con thích đọc sách?

Không nên

Nếu bạn từng ra lệnh “Đọc truyện đi!” với con, thì đừng bao giờ lặp lại điều này thêm nữa. Nói như Daniel Pennac, tác giả của “Như một cuốn tiểu thuyết” thì đừng bao giờ chia động từ “đọc” ở thức mệnh lệnh. Ông cũng đưa ra một loạt cái gọi là “quyền đọc” của trẻ con để nhấn mạnh với các phụ huynh: Đứa trẻ cần được đối xử như một người lớn. Hãy để chúng tìm đến sách bằng sự tự nguyện và niềm vui. Đứa trẻ hoàn toàn có quyền “không đọc”. Đứa trẻ có quyền cầm trên tay một cuốn sách và đọc nhảy cách trang. Đứa trẻ không nhất thiết phải đọc hoàn chỉnh một cuốn sách.

Ông kể rằng, ông cũng chỉ đọc lướt cuốn “Chiến tranh và hòa bình”. Và trên hết, việc đọc không nên mang tính áp đặt, nghĩa là hãy để đứa trẻ đọc bất cứ thể loại nào mà chúng yêu thích. Bên cạnh đó là một vài “quyền đọc” khác, ví như chúng có thể đọc ở bất cứ chỗ nào, trong đám đông hay ở một góc yên tĩnh… Sẽ chẳng thu được kết quả tốt đẹp gì khi bạn ra lệnh cho con: “Vào trong phòng, đóng cửa lại, và đọc sách đi”. Đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng điều đó là bắt buộc và chúng sẽ tìm cách chống đối. Ví dụ như giở sách ra nhưng không đọc mà hí hoáy làm việc khác cho đến khi nghe thấy tiếng chân của mẹ mới vội vàng nhìn vào trang sách, ra vẻ như đang đọc rất say sưa…

Nếu bạn đã từng đưa cho con – một đứa trẻ không thích đọc sách – cuốn truyện và giao hẹn: “Con đọc đi rồi chốc kể tóm tắt lại…” thì cũng nên dừng lại. Bạn đã tạo áp lực cho con và ngay từ đầu đứa trẻ đã mất hứng với việc đọc. Hãy khéo léo hơn bằng cách đưa truyện cho con, thủ thỉ nói qua về những điều thú vị, hấp dẫn trong cuốn sách. Thế rồi sau đó bạn có thể đặt các câu hỏi xung quanh nội dung. Đây cũng là cách bạn được nghe con kể lại…

Nên

Đối với những đứa trẻ thờ ơ với sách thì thời gian đầu tiên, hãy chọn những cuốn phù hợp với tính cách của chúng. Nếu con hiếu động thì hãy chọn những cuốn truyện mà phần lời có diễn biến nhanh, kịch tính và hồi hộp. Bước đầu, bạn hãy ngồi đọc cùng và khơi dậy trí tưởng tượng của con bằng cách bảo con dừng lại để quan sát hình ảnh sau phần lời vừa đọc.

Nếu đấy là một đứa trẻ lười (thậm chí ghét) đọc sách vì chúng thấy các trang sách thật buồn tẻ, không có hình ảnh động và âm thanh… thì bạn hãy rủ con đọc những cuốn truyện có phần lời thật ngắn; hoặc khi đọc, bạn hãy giản lược lời. Bạn có thể đặt trước mặt con một vài cuốn để con lựa chọn. Khác với những gì bạn hình dung, đứa trẻ, với tâm lý “được tự chọn” sẽ cảm thấy hãnh diện và sẽ biết ngồi yên, chấp nhận việc đọc. Sau đó, bạn quan sát sự tiến bộ của con để tiếp tục chọn những loại sách có phần lời dài hơn cho những lần tiếp theo…

Con bạn đã biết đọc thành thạo nhưng lại đọc sách theo kiểu đối phó. Bằng chứng là khi con đọc xong, bạn bảo tóm tắt lại thì con không làm được. Nếu bạn nổi cáu, con sẽ càng chán đọc. Trong trường hợp này, bạn nên ngồi đọc cùng con. Hãy bảo con đọc ngắt quãng giữa các đoạn hay trang để đặt những câu hỏi đan xen. Đó là cách để trẻ đọc chậm lại, có thời gian hiểu nội dung và có khoảng trống để đặt cho bạn câu hỏi về các từ hay cụm từ không hiểu.

Con bạn chưa biết đọc? Bạn đã rất cố gắng tạo cho con thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, nhưng bé không chịu ngồi yên? Nhiều mẹ vẫn than phiền là lấy sách ra, chưa đọc hết trang đầu tiên, ngẩng mặt lên, con đã chạy biến đi đâu mất tiêu. Ở đây cũng cần có phương pháp mới “dụ dỗ” trẻ được. Với những đứa trẻ còn bé và lúc nào cũng ngọ nguậy, chạy nhảy, bạn cần rủ rê một cách khéo léo. Hãy mở trang sách to, đặt lên bàn, chọn một trang bất kỳ, có hình ảnh và màu sắc sinh động, gần gũi với đời thường của con. Chẳng hạn như bạn hãy bảo con lại xem mèo uống sữa có giống con không này, cún con có cái ô tô tải màu gì, con có không… Chỉ khi nào đứa trẻ bắt đầu chấp nhận thói quen làm bạn với sách thì bạn hãy đọc lời y hệt trong truyện, cũng đừng quên ngắt quãng, dừng lại để đặt câu đố hay câu hỏi cho con… Đọc sách cùng với con đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian và rất kiên trì.

 

7 “bí kíp” giúp con thích sách

1. Không bao giờ là quá sớm trong việc cho trẻ làm quen và gần gũi với sách. Ngay từ khi con biết ngồi, bạn đã có thể đặt vào tay con những cuốn sách nhỏ đầu tiên để tạo mối quan hệ “sơ giao” – sờ. Nên thay đổi các chất liệu sách khác nhau (bìa, vải, gỗ…) để con khám phá và cảm nhận. Thậm chí, bạn hãy tìm mua những cuốn sách bằng nhựa để con chơi trong chậu tắm. Nhờ vào các hình ảnh này mà đứa trẻ nhanh chóng nhận ra mối quan hệ giữa những lời kể của bạn với các chữ hay hình ảnh in trên trang sách. Bắt đầu từ 2 tuổi trở đi, đứa trẻ đã có khả năng theo dõi được một câu chuyện ngắn và đơn giản.

2. Đặt báo và tạp chí cho con. Đứa trẻ sẽ háo hức chờ đợi tờ báo của mình trong hòm thư gia đình, và khi nhận được chúng sẽ rất vui, vội vàng mở ra xem, thậm chí là trước cả bố mẹ.

3. Ngay cả khi con đã vào lớp một, đã được học và luyện đọc ở trường, bạn cũng đừng để con mất thói quen đọc sách ở nhà. Hãy tiếp tục duy trì nếp đọc truyện cùng con trước khi ngủ. Tiếp tục rủ con cùng khám phá các cuốn sách mới.

4. Hãy lắp cho con một giá sách riêng. Rủ con đi hiệu sách để chọn mua sách rồi về nhà hướng dẫn con xếp sách lên giá.

5. Đừng phê phán truyện tranh. Thực chất, đây là một công cụ tuyệt vời. Hình ảnh nhiều nên truyện tranh sống động và lôi cuốn trẻ con hơn. Phần lời của truyện tranh tuy ngắn nhưng đủ và dễ đọc. Từ truyện tranh, đứa trẻ sẽ gần gũi với sách và sẽ dần khám phá, chuyển sang các thể loại sách khác… Cuối cùng, chúng sẽ coi sách như đồ vật quen thuộc hàng ngày.

6. Hãy dẫn con đi thư viện và làm thẻ thư viện cho con. Con độ 7- 8 tuổi trở đi là bạn đã có thể tặng con những cuốn sách có liên quan đến sở thích và đam mê (nếu như con có).

7. Hãy thường xuyên đọc sách báo trước mặt con. Đấy không chỉ là cách nêu gương mà còn là sự chia sẻ và trao đổi. Bạn có vui không khi con thấy bạn cầm cuốn sách bèn hỏi: “Mẹ đang đọc truyện gì thế?”.

Bài & ảnh: Đỗ Hà Chi



Thực hiện: depweb

11/10/2012, 16:18