Mùa thu Paris hay mưa. Những cơn mưa dịu êm, man… mát (mẻ) nếu đi đoạn gần, nhưng đủ ướt nếu đi đoạn xa. Mưa thu Tây rất đẹp, nhưng đó là chuyện kể của mấy nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ; còn chị nhớ mãi buổi mưa thu vì chuyện khác: Bốn giờ rưỡi chiều là giờ tan học của những trường mẫu giáo. Các học sinh be bé thường được ông bà, hoặc bảo mẫu – nhận biết qua phong thái, màu da khác biệt – đến đón, vì cha mẹ còn bận đi làm. Buổi đó cũng trời mưa, hình ảnh chị nhớ là hai dáng người đi phía trước: cô bảo mẫu tre trẻ cầm dù đỏ tay phải, tay trái dắt cu cậu trạc bốn tuổi đi lủn tủn bên cạnh. Cô bảo mẫu hồn nhiên không nhớ ra em bé đang nằm ngoài bán kính cây dù, tệ hơn, đang bị những giọt mưa từ biên vải rơi ton tỏn trên… tóc! Nhà chị đi hướng khác nên chị không biết họ còn đi tiếp bao xa, và thằng bé sẽ bị ướt đến đâu; nhưng trí nhớ chị thì ghi mãi một bố cục quá… cười-buồn!
Một tình huống “cười-buồn” khác được bạn U. kể trong chuyến du lịch Phú Quốc: Lúc ở sân bay Tân Sơn Nhất, U. gặp một cô gái rất xinh, dáng đẹp, da trắng, ăn mặc khá sành điệu. Khi máy bay đi qua biển, cô gái vô tư mở điện thoại nói rất to, âu yếm: “Alo, em đang bay. Đang bay qua biển anh nhé!”. Cô xinh ung dung cất máy, không biết hành khách xung quanh nhìn cô như vật thể lạ ngoài vũ trụ! Thêm một cười-buồn nữa: Sau chuyến đi Dubai, bạn chị viết trên trang cá nhân tường thuật khá dài, trong đó có đoạn: “Đàn ông Trung Đông ghét nhất là phụ nữ mở miệng khi không được phép. Hôm xuất cảnh ở Abu Dhabi, trong khi xếp hàng chờ đến lượt hải quan đóng dấu, một anh tên T. trong đoàn tôi nói cười khá lớn tiếng, mấy chị sau lưng anh ta phải nhắc anh nói nhỏ lại. Tôi thấy anh hải quan liếc về hàng chúng tôi khó chịu. Ánh mắt sâu thẳm khiến không ít người mê mệt bỗng trở nên lạnh lẽo, khinh miệt một cách ám ảnh. Anh T. đoàn tôi vẫn luyên thuyên. Tôi suỵt suỵt mấy phát nhưng anh ta mặc kệ, còn cố ý la to: ‘Ở đây có bảng cấm nói lớn không? Miệng của tui! Tui nói lớn tui chịu!’.”
Làm sao trách cá nhân anh T. khi mà “cái miệng” to lớn mang danh công quyền ở Việt Nam là… loa phường vẫn ngày đêm làm chuyện phản văn minh, quê kệch bất luận muôn tiếng kêu ca bất mãn, căm ghét. Báo mạng Vietnamnet có trích câu nói rất… đau và hay của một cụ già “nạn nhân” loa phường Hà Nội: “Đau đầu lắm, ngày nào nó cũng khoan vào óc thế đấy (…). Những hôm khỏe còn cố chịu, những ngày mệt thì thật chẳng khác chi bị tra tấn. Giá như nhà mình là cái thuyền thì tôi đã chèo đi chỗ khác rồi”! Bạn tôi không phải… thuyền nên đành chịu đựng người đàn ông “Miệng của tui! Tui nói lớn tui chịu!” trong vài tiếng. Trong khi nạn nhân của loa phường phải chịu đựng nhiều tháng hoặc nhiều năm… Đã có vô miên bài viết, ý kiến, truyện ngắn, thơ ca, phim ảnh… kêu than về sự phiền nhiễu do hệ thống loa phường, loa xã gây ra ở thời bình, nhưng tất cả đều vô tác dụng. Đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong thời chiến, tại sao hệ thống loa công cộng vẫn tồn tại vô nghĩa, vô duyên, vô ích đến thế trong thời bình và phát triển công nghệ thông tin? Có người bảo đây là nguồn tạo công ăn việc làm cho thân nhân một số cán bộ phường xã, nên họ nấn ná ghìm giữ cái chính họ biết vô nghĩa. Và một lý do chắc chắn nữa là những người chủ trương, điều phối, lãnh lương của các loại loa này đều ở… xa cái loa!
Thực ra không chỉ loa phường, bất cứ lúc nào ra phố người ta đều có thể tận tai nghe mớ âm thanh huyên náo phát ra từ mọi không gian, ngóc ngách: tiếng còi xe xuyên óc, âm thanh xé tai của ống xả xe máy, tiếng rao hàng rong được ghi âm sẵn, hệ thống loa của miên man hàng quán với thứ âm nhạc điện tử đơn điệu phóng ra mời khách… Không cần Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, ai cũng nhận biết nạn ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng sống của chúng ta thế nào. Tiếng ồn gây tổn hại sức khỏe, suy tim mạch, gây ù tai, mất tập trung, gây căng thẳng mà đôi khi hậu quả là những vụ giết người do stress…
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Trung Lương do va chạm giữa xe khách và xe bồn tưới cây xảy ra cách đây một năm giờ vẫn khiến chị còn ám ảnh, không phải bởi nó xảy ra trên đường về quê ngoại chị, cũng không phải do trong số nạn nhân có nhiều khách du lịch là cư dân trên đất nước chị tạm cư, mà cái chính là sự “ung dung một cõi” của chiếc xe bồn đi tưới nước. Sau tai nạn có hai luồng ý kiến, một cho xe bồn là nguyên nhân gây tai nạn khi rà rê tưới cây trên đường cao tốc – nơi về nguyên tắc phương tiện giao thông không được phép đi chậm. Ý kiến thứ hai quy tài xế xe khách không làm chủ tốc độ. Chị không tham gia tranh luận đúng sai, nhưng khi tận mắt nhìn thấy chiếc xe du lịch nát dúm trên xa lộ vì đâm đuôi xe tải bị hư đậu ở ven đường trong đêm tối, thì chị hiểu rằng bi kịch, thậm chí tội ác đôi khi từ những ích kỷ, vô ý thức, hồn nhiên nho nhỏ. Và cho dù được bênh vực thoát tội, thì những người ung dung chạy chậm ở làn tốc độ cao, và chủ chiếc xe tải bị hư sẽ không ngủ yên cả một đời…
Bài: Việt Linh