Dự án Luật đất đai: “Cứ tù mù, còn khiếu kiện”

 

Tám năm vẫn chưa nhận được nền đất tái định cư, người dân bị giải tỏa trong dự án Trung tâm thương mại Bình Điền (TP.HCM) giai đoạn 2 phải chịu cảnh sống tạm bợ trong khu tạm cư – Ảnh: Thuận Thắng

Thay vì quy định “sát giá thị trường” như luật hiện hành, dự án Luật đất đai (sửa đổi) nêu rõ “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy vẫn mơ hồ, thiếu cơ sở.

Thế nào là “phù hợp”?

“Thực tế, bảng công bố giá tại các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Mức cao nhất trong bảng giá đất của Hà Nội và TP.HCM là 81 triệu đồng/m2, cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ. Trong khi giá chuyển nhượng trên thị trường là hàng trăm triệu đồng/m2, cá biệt có nơi hàng tỉ đồng/m2”

Trích báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Luật đất đai 2003

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, dự thảo luật quy định nguyên tắc định giá đất như vậy vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có giá thị trường. Dự thảo luật cũng quy định khung giá của Chính phủ cho từng loại đất phù hợp với từng vùng. Trên cơ sở khung giá của Chính phủ, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá của địa phương. Khung giá đất, bảng giá đất ổn định, chỉ điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có thay đổi lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển bình luận: “Không biết giá thế nào được gọi là phù hợp, nguyên tắc nào để định giá phù hợp. Hiện nay đang tranh cãi nhau như thế nào là sát giá thị trường. Bây giờ nói Nhà nước đưa ra một giá và khẳng định nó phù hợp nhưng tôi là dân tôi bảo giá đó không phù hợp thì giải quyết thế nào?”.

Câu hỏi “thế nào là phù hợp với giá thị trường?” cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra. Theo ông, tồn tại lớn nhất hiện nay là vấn đề giá, đền bù, giải tỏa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


“Đã gọi là kinh tế thị trường thì giá thị trường khi nó hình thành mới có. Bây giờ mình định giá theo thị trường nào, thị trường thời điểm định giá hay thị trường lúc thu hồi, thị trường lúc quy hoạch sử dụng đất hay thị trường lúc lập dự án, hay thị trường lúc đấu giá? Có nhiều loại thị trường lắm. Vậy căn cứ vào đâu? Ví dụ giá đền bù áp tại thời điểm mới lập quy hoạch, thậm chí là khi chưa lập quy hoạch, đến lúc lập quy hoạch rồi thì biết chỗ này làm đường, chỗ kia là khu đô thị thì giá khác, đến khi tiến hành triển khai dự án, làm một con đường thì giá lại khác nữa… Vậy thời điểm đền bù, giải tỏa thì trả cho dân theo giá thị trường cũ hay giá thị trường mới được xác lập?” – ông Hùng đặt ra hàng loạt vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nói là căn cứ nguyên tắc thị trường nhưng không xác định được đâu là giá thị trường và giá thị trường ở thời điểm nào thì thành ra căn cứ vào cái mơ hồ. “Nếu cứ tù mù thì còn nảy sinh khiếu kiện” – ông Hùng nói.

Người dân khu quy hoạch dự án tiểu thủ công nghiệp Tây Huề (Mỹ Hòa, Long Xuyên, An Giang) không đồng tình với mức đền bù nên chưa bàn giao đất – Ảnh: Đức Vịnh

“Quy định như thế thì chết rồi!”

Đất nông nghiệp: giao 50 năm, tích tụ gấp 10 lần hạn điền

Dự thảo luật quy định thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân với thời hạn 50 năm để nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ. Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như vậy là hợp lý.

Nội dung mới trong dự thảo luật lần này, theo ông Quang, là quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”, sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Đối với dự án sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án.

“Thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất – quy định như thế thì chết rồi” – Chủ tịch Quốc hội bình luận. Theo ông Hùng, như vậy có thể hiểu là khi có quy hoạch thì thu hồi đất ngay. Cần làm rõ quy hoạch làm căn cứ thu hồi đất là quy hoạch nào? Thu sớm quá thì quỹ đất dư nhiều. Hiện tại nhiều khu công nghiệp chưa lấp được 30-40%, trong khi dân không có đất sản xuất, cũng chưa có việc làm. Ông Hùng bày tỏ: “Cứ treo dự án lên là thu hồi à? Hiện nay có tình trạng dự án treo lâu quá nên vẫn phải để dân xây nhà, trồng trọt bên trong dự án đó. Thu hồi sớm quá sẽ khó giải quyết vấn đề đền bù, giải tỏa, thậm chí khiếu kiện có thể tăng lên. Tôi hoan nghênh quy định người có đất bị thu hồi phải có nhà, có đất, có việc làm thì mới tiến hành giải tỏa, đền bù”.

Không thể dễ dãi thu hồi

“Thông qua luật này có giải quyết được tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai không? Có giải quyết được nạn tham nhũng về đất đai không?” – trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đặt câu hỏi. Theo bà Nương, mặc dù hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, nhưng cũng thừa nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức là tài sản. Thực tế các quyền này đã tiệm cận với quyền sở hữu. Tài sản thì không bị quốc hữu hóa, Nhà nước chỉ có thể trưng mua, trưng dụng. Đối với đất nông nghiệp, nhiều chuyên gia pháp lý cũng như chính người dân cho rằng căn cứ thu hồi đất quá rộng, dễ dãi, chưa có đủ cơ chế để thu hồi đất thì đền bù đúng giá theo cơ chế thị trường, nên nhiều trường hợp thiệt thòi thuộc người nông dân. “Phải quy định chặt chẽ điều kiện để thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp” – bà Nương đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định: “Tôi thấy các quy định trong dự luật nghiêng về phía Nhà nước định đoạt là chủ yếu, chưa giải quyết đầy đủ lợi ích của người dân, nhà đầu tư”. Ông đề nghị phải làm rõ quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với từng loại đất chứ không phải quy định chung chung: “Chúng ta đã khẳng định quyền sử dụng đất là một tài sản. Vậy phải phân loại tài sản ấy ra, đất nông nghiệp phải khác đất ở, khác đất giao cho doanh nghiệp. Nếu không phân biệt rõ thì không thể đáp ứng được hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.

Không được liên kết xuất bản hồi ký

Chiều 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối về dự án Luật xuất bản (sửa đổi). Theo đó, sẽ công nhận và cho phép hoạt động liên kết xuất bản bằng các quy định chặt chẽ hơn.

Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: theo quy định của Luật xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng thực tế đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản mà thường thiếu sự thẩm định nghiêm túc.

Bên cạnh việc chấn chỉnh tình trạng trên thì cần công nhận để quản lý chặt chẽ một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm. Đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng. 

Chính phủ góp ý dự thảo hiến pháp (sửa đổi)

Chiều 17-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp chuyên đề, thảo luận về dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với dự thảo hiến pháp (sửa đổi).

Chính phủ nhất trí cao với các điểm mới quan trọng của dự thảo hiến pháp (sửa đổi) như: đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng như nguyên tắc chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn hiến pháp; nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước với sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, dự thảo còn thể hiện sự lúng túng trong việc thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo vẫn thể hiện tư duy “tĩnh” và chưa tính đến các trường hợp ngoại lệ, nhiều thiết chế được quy định chỉ phù hợp để hoạt động trong điều kiện bình thường, chưa dự liệu được cách thức điều hành đất nước trong những điều kiện đặc biệt mà mọi quốc gia đều phải sẵn sàng đương đầu trong thế giới hiện đại.

Về kỹ thuật lập hiến, dự thảo vẫn còn nhiều nội dung được quy định quá chi tiết, làm thay chức năng của các đạo luật; một số điều vẫn giữ nguyên văn phong nghị quyết, nhất là ở chương I và chương III, làm giảm phần nào tính quy phạm của hiến pháp… 

Theo TTXVN

From the same category