DTAP - Nhóm nhà sản xuất của ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”: "Làm nhạc với Hoàng Thùy Linh như làm toán" - Tạp chí Đẹp

DTAP – Nhóm nhà sản xuất của ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”: “Làm nhạc với Hoàng Thùy Linh như làm toán”

Giải Trí

Tại một buổi họp báo vào trung tuần tháng 6, khi những hình ảnh cuối cùng của MV “Để Mị nói cho mà nghe” khép lại, nhường ánh đèn cho buổi giao lưu với Hoàng Thùy Linh, những phóng viên âm nhạc nhìn nhau như có cùng một nhận định: “Thành hit chắc rồi!”.

Nhưng ai đã đặt tên cho ca khúc này? Câu trả lời chẳng dễ suy đoán, nếu chủ nhân sự kiện ngày hôm đó không dắt 3 chàng trai trẻ lên sân khấu, giới thiệu đây là nhóm nhà sản xuất đã đưa Mị đến gặp cô. Họ, rất trẻ với tuổi đời trải từ 21 đến 23, là DTAP.

Cái tên DTAP ngoài ý nghĩa “Double Tap” (thao tác nhấn yêu thích trên Instagram) thì còn có một lớp nghĩa thú vị khác: “Đệ tử anh Phong”. Cả ba hào hứng giới thiệu họ là thực tập sinh của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong.

“Khi có một ý tưởng nào đó, tôi sẽ ghi lại và bắt đầu định hướng về mặt hình ảnh, câu chuyện cho ca khúc rồi mới cùng mọi người triển khai”, Thịnh Kainz, sinh năm 1996, là người lớn tuổi nhất nhóm, nói về vai trò sản xuất của mình.

Khi có ý tưởng rồi, Kata Trần (sinh năm 1997) là người thực hiện, cậu có khả năng của một nhạc sĩ. Khâu hoàn thiện cuối cùng sẽ do Tùng Cedrus (sinh năm 1998) đảm nhận để tạo nên thành phẩm.

“Nếu Thịnh là người khá bay bổng với những ý tưởng thì tôi sẽ hiện thực hóa mọi thứ sao cho gần gũi với khán giả hơn mà vẫn đủ mới lạ. Nhưng chúng tôi hay cãi nhau trong lúc làm việc lắm!”, Kata Trần kể.

Tùng, em út ít nói, chăm chỉ và hiền lành nhất nhóm là người hòa âm phối khí. Cậu không bao giờ tham gia vào những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Thịnh và Kata.

Điều đặc biệt là khi cả ba gửi ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” đến Hoàng Thùy Linh, họ hoàn toàn giấu chuyện đang là thực tập sinh của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong vì muốn tự tìm cơ hội và phát triển độc lập.

Chưa từng nghĩ Hoàng Thùy Linh sẽ hát ca khúc của mình

Rốt cuộc thì Mị đã đến tìm các bạn trong hoàn cảnh như thế nào?

Ý tưởng về Mị đến trong lúc chúng tôi ngồi nghĩ xem nên viết gì tiếp theo. Thịnh bất ngờ nhớ đến câu “Mị still young, Mị wanna party” của nhiều bạn trẻ trên Facebook. Thế là chúng tôi nghĩ tại sao mình lại chưa viết một tác phẩm nào về “Vợ chồng A Phủ”, về cô Mị nhỉ, trong khi Mị là một nhân vật mạnh mẽ và có nhiều yếu tố để khai thác. Thế là cả ba bắt đầu với câu hát “đinh” đầu tiên: “Để Mị nói cho mà nghe”, rồi từ đó hình thành bài và hòa âm phối khí.

Thực ra chúng tôi rất băn khoăn vì ai cũng biết đến Mị rồi, việc tạo nên một sản phẩm mới mẻ và thu hút là không dễ. Nhưng chúng tôi có một câu hỏi: vì sao Mị phải chịu cảnh bó buộc, chờ A Phủ đến cầm tay mới dám vùng lên mà không tự giành lại công bằng cho mình? Phụ nữ dù ở thời đại nào cũng có quyền tự quyết định cuộc sống của mình mà không cần chờ ai đó đến giải thoát.

Chúng tôi chỉ mất khoảng 2 tiếng để viết xong phần giai điệu và lời. Nhưng tất nhiên, ca khúc chưa thể hoàn chỉnh ở đó, vẫn phải sửa thêm nhiều lần nữa để ra bản cuối cùng sau khi chị Linh nhận lời.

Làm “đệ tử anh Phong” sẽ có những đặc quyền gì?

Anh Phong không đưa ra ý tưởng hay định hướng sản phẩm nhưng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị làm nhạc. Quan trọng hơn hết, anh Phong trở thành người truyền cảm hứng cho chúng tôi về tư duy làm nhạc mang đậm bản sắc Việt Nam. Bất kể chúng tôi theo đuổi dòng nhạc gì, nó cũng phải chất chứa văn hóa và giai điệu dân gian Việt Nam.

Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng muốn vị trí của mình được nhìn nhận đúng chứ không chỉ đứng sau âm thầm.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cảm thấy thế nào sau khi “Để Mị nói cho mà nghe” trở thành hit, các bạn có biết không?

Anh Phong vui lắm, anh còn khóc luôn mà. Anh có hai hoài bão lớn: một là đào tạo âm nhạc, hai là xây dựng mô hình nhóm sản xuất. Bài hát này đã chứng minh cho mọi người thấy những điều tưởng chừng như không làm được, giờ đây đã có thể thực hiện được. Anh Phong rất mừng vì mô hình sản xuất âm nhạc theo nhóm đã thành công, và chất liệu dân gian trong âm nhạc của chúng tôi được khán giả đón nhận.

Kata Trần (sinh năm 1997)

Vì sao các bạn biết chắc Hoàng Thùy Linh sẽ thích ca khúc này?

Người chúng tôi nghĩ đến đầu tiên thật ra không phải là chị Hoàng Thùy Linh. Mặc dù cũng bay bổng, mơ mộng lắm nhưng chúng tôi không dám nghĩ một ngày nào đó chị Linh sẽ hát ca khúc của mình. Vậy mà sau khi gửi mail, chúng tôi được chị nhận lời liền. Đó thực sự là một cái duyên không ngờ. Sau đó, chúng tôi gặp chị Linh, ngay lập tức mọi người đều có cảm giác rất ăn ý và quyết định tiếp tục hợp tác cùng nhau trong dự án album vol.3.

Chị Linh là người sinh ra để làm nghệ thuật, chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó. Nghệ sĩ tính trong chị rất cao, chị ấy chấp nhận sự mạo hiểm và sẵn sàng hợp tác với những người mới như chúng tôi.

Showbiz chào đón các bạn như thế nào sau khi “Để Mị nói cho mà nghe” được yêu thích rộng rãi?

Nhiều người tìm tới chúng tôi hơn nhưng sau “Để Mị nói cho mà nghe”, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác cùng chị Linh để thực hiện một chuỗi dự án nữa nên chưa thể nhận lời. Từ đây đến cuối năm, chị Linh sẽ lần lượt phát hành các sản phẩm đó.

Tùng Cedrus (sinh năm 1998)

Cách làm nhạc của những người học marketing

Đều học về marketing, kinh tế chứ không phải chuyên ngành âm nhạc, điều này tạo nên sự khác biệt nào trong cách làm nhạc của các bạn?

Tư duy của người học marketing có ảnh hưởng lớn đến những sản phẩm âm nhạc của chúng tôi. Ví dụ chúng tôi thường xây dựng bài hát bắt đầu từ những câu “viral”, những “hot trend” trên mạng xã hội và còn xem xét kỹ lưỡng về đối tượng khán giả hay thời điểm ra mắt.

Tính toán quá nhiều trong âm nhạc có ảnh hưởng đến tính nghệ sĩ?

Âm nhạc chia làm hai trường phái: một kiểu là nhạc sĩ thích gì viết đó, một kiểu thì tính toán tác phẩm sẽ nằm ở đâu trên thị trường. Đối với “Để Mị nói cho mà nghe”, nếu chỉ dành nhiều cảm xúc vào thôi thì không đủ gây chú ý trong thời đại này. Chúng tôi và chị Linh phải đặt ra mục tiêu cho ca khúc từ chất liệu âm nhạc, cách đặt vấn đề, nội dung… Nó cũng giống như một chiến lược marketing thực thụ.

Chị Linh nói chúng tôi hãy “làm nhạc như làm toán”. Và đó rất có thể sẽ là slogan làm việc của nhóm. Chúng ta đã đi qua thời đại chỉ cần ôm cây đàn, ngẫu hứng hát và viết xuống giấy những cảm xúc mình nghĩ.

Thịnh Kainz (sinh năm 1996)

Có thể nói đây là thời đại mà producer bước ra ánh sáng khi được các nghệ sĩ đề tên bên cạnh sản phẩm, và khán giả cũng quan tâm đến họ nhiều hơn. Các bạn có thấy áp lực?

Chúng tôi nghĩ đó là một tín hiệu đáng mừng. Khi vai trò của người đứng sau được thể hiện rõ hơn thì giá trị của sản phẩm sẽ được trân trọng hơn thôi. Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng muốn vị trí của mình được nhìn nhận đúng chứ không chỉ đứng sau âm thầm. Tất nhiên áp lực sẽ nhiều hơn rồi, để không làm ra những sản phẩm thiếu chất lượng.

Cát-sê dành cho nhạc sĩ, nhà sản xuất ở Việt Nam không quá cao. Là một nhóm nhà sản xuất, các bạn chia sẻ điều đó như thế nào?

Trên thế giới, khi nhà sản xuất sở hữu một bản hit, họ có thể sống được tới cuối đời, còn ở Việt Nam chưa có chuyện đó. Dạo gần đây, người ta bắt đầu tôn vinh vai trò của người đứng sau nhiều hơn nên số tiền cát-sê mà producer nhận được cũng không phải là quá thấp. Mọi người vẫn thường cho rằng làm nhạc sĩ thì không đủ sống nhưng cán cân âm nhạc đã bắt đầu chuyển dịch, ngay cả cách khán giả tiếp cận các sản phẩm giải trí cũng vậy. Ngày càng có những trung tâm bảo vệ bản quyền, quyền tác giả xuất hiện. Đó thực sự là một tín hiệu tích cực, song để sánh ngang với thị trường thế giới thì vẫn còn là một chặng đường dài.

Cảm ơn các bạn!

HOÀNG THỦY LINH: NGƯỜI LEO NÚI ĐÃ VỨT HẾT NHỮNG HÒN ĐÁ NẶNG

Chỉ tính riêng khoảng thời gian trở lại với âm nhạc sau biến cố, với điểm khởi đầu là album mang tên mình, Hoàng Thùy Linh sắp đi hết một thập kỷ. Cảm giác Linh vẫn chưa có dấu hiệu mệt mỏi nào sau chừng ấy năm, trái lại, cô vẫn tràn đầy năng lượng, tự xem mình như một cô gái sinh năm 2000 (nghĩa là trẻ hơn thực tế tới… một giáp), và luôn háo hức trước mọi thử thách mới mẻ.

Linh thông minh ở chỗ cô biết giấu niềm tự hào rất đúng lúc. Thay vì thể hiện sự hài lòng sau thành công của “Để Mị nói cho mà nghe”, Linh lại đặt ra thách thức cho chặng đường 10 năm tiếp theo của mình với khởi đầu là album vol.3. Nếu thành công, Linh sẽ là nghệ sĩ hiếm hoi có thể tạo ra cuộc cách mạng hình ảnh tại V-pop, nơi đang quá phụ thuộc vào những sản phẩm riêng lẻ như MV hay single.

Trên hành trình mới, Linh đã vứt được hết những nặng nề của quá khứ. Cô như một người leo núi tự do. Đồng hành cùng Linh ở bước đầu của chặng đường này là những chàng trai rất trẻ đến từ DTAP, bộ ba nhà sản xuất – nhạc sĩ – hòa âm phối khí cho ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” và album vol.3 của Linh sắp tới.

Tổ chức: Duy Vũ – Sản xuất: Hellos
Nhiếp ảnh: Tang Tang – Trang điểm: Hiwon
Trợ lý sản xuất: Huey

Đọc thêm
– Hoàng Thùy Linh: “Văn hóa dân gian Việt Nam là vũ khí giúp tôi trở nên đặc biệt”
– DTAP – Nhóm nhà sản xuất của ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”: Làm nhạc với Hoàng Thùy Linh như làm toán
– Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Linh không bao giờ chọn hướng đi an toàn

Trang phục: Haberman

Tác giả: Hạnh Moon - Phương Linh

14/08/2019, 07:00