Vậy mà có một số thứ mãi mãi bất biến ở mảnh đất này, cho dù thời cuộc biến thiên. Không phải hoa nhài Tràng An. Cũng không chắc phở tái gầu. Nét thanh lịch thơm thể hoa nhài kia thay đổi theo quan niệm xã hội. Phở Hà Nội biến tướng nhiều kiểu, chỗ đậm mì chính chỗ chế thêm rau sống, nguyên liệu khác xa phở vài thập niên trước. Thứ bất biến ấy là tinh thần hoài cổ.
Trong quán Cộng
Nhưng điều đáng nói là người ta hoài cổ về cái thời họ từng sống chưa xa xôi gì, thời họ là nhân chứng lịch sử. Đó là thời bao cấp, và thời này đang trở thành một cái thú sành điệu của những người hoặc đã no đủ, hoặc không tìm thấy đồng cảm trong khuynh hướng thời trang bày ra hàng tuần ở cửa kính trưng bày của khách sạn Metropole hoặc vụ cả nghìn người tranh cãi xếp hàng từ đêm hôm trước để đổi máy tính bảng Samsung cũ lấy mới. Vụ việc hỗn loạn đến mức chương trình tiếp thị này đã bị hủy bỏ. Một khi đã lên tới hàng nghìn người theo đuổi thì sự sành điệu lại không còn ý nghĩa nữa. Với dân Hà Nội, sành điệu nghĩa là phải in ít kẻ theo thôi, và vừa đủ để tụ thành một nhóm “chúng mình với nhau”.
Thời bao cấp! Nói đến thời này thì có cả một kho đồ vật đã thành biểu tượng. Biểu tượng cho sự khó khăn và vượt qua thử thách của người Hà Nội. Biểu tượng cho những phẩm chất tồn tại khó tin của người Hà Nội, mà đến giờ họ lục lại, lau bụi, đánh gỉ, và trưng bày ra để ký thác nỗi niềm về một phần đời “nghèo mà đáng nhớ” của mình. Những triển lãm về thời bao cấp cách đây sáu, bảy năm có lẽ không chỉ mở đầu cho cuộc “phục hưng” ký ức của dân Hà Nội, mà còn của cả trào lưu trưng bày lưu giữ đồ cũ của cộng đồng.
Tự nhiên người ta thấy, ồ, những thứ đồ cổ lỗ sĩ, mốc meo của cái thời tem phiếu lại có sức lay động hơn bao giờ hết. Và những món đồ ấy vào tay một số người có tài vặt lại biến thành thứ vẫn hoạt động được. Rồi người ta thấy các quán cà phê lại treo ảnh cũ, dựng mấy cái xe đạp gióng ngang tróc sơn, dăm cái xe máy bình bịch hình thù cổ quái. Khi mà tất cả các album ảnh cưới đều cho chú rể đội mũ bê rê, mặc quần gấu lơ vê có dây đeo vai, và cô dâu nối tóc dài buộc trễ kiểu gái Hà Nội xưa đã hóa ra màu bình dân, thì các nhà tạo mốt lại đẻ ra xu hướng chú rể đèo cô dâu tết tóc đuôi sam, mặc áo cánh, quần lụa đen, cầm hoa lay ơn trắng trên xe đạp đi qua khu tập thể. Xu hướng này hãy còn ít, vì có vẻ cực đoan quá, mặc dù Trần Nữ Yên Khê đã mặc như thế lên phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” từ cuối thế kỷ trước rồi.
Tức là cái đẹp của đồ cũ những năm bao cấp, khoảng thời gian có thể mở rộng ngược lên tận thời Pháp thuộc, đã chẳng trôi qua vô ích trong mắt các nghệ sĩ khi chúng không còn vai trò sử dụng nữa. Những thứ đồ vật không năm tháng ấy đã cho thấy một Hà Nội ít có sự thay đổi vật chất, áo hết đời anh dùng thì “đêm cuối cùng anh để lại cho em”, xe đạp Phượng Hoàng mẹ không đi nữa thì làm của hồi môn cho con gái lấy chồng, như thể những món đồ gia bảo quý tộc Anh vậy. Chỉ hai thập niên đổi mới, người ta đã ngơ ngác với sự trống vắng những món đồ này giữa sự biến đổi vật chất ngoạn mục của đời sống thị dân. Công cuộc tìm kiếm và lưu giữ đồ thời bao cấp giúp cho những kẻ có “chất chơi” cảm thấy mình có một cái căn cốt vững vàng trước những cuộc thăng trầm tiền tài kia. Và chúng trở thành “phẩm chất Hà Nội”.
Cảm hứng bao cấp
“Ba triệu thôi.” Lâm suy tính. Tôi lắc đầu, nghĩ nhỡ đâu có cảnh hàng nghìn người bỏ chạy ngoài đường để tránh bị đâm phải. Người chủ xe cũng lắc đầu và bảo: “Thôi chú đừng mua, cái này anh bán đồng nát vậy.”
Bài: Trương Quý
Sành điệu một thời Các bài viết trong chuyên đề: |