Trong thời gian này, bên cạnh phong cách ăn mặc của các ngôi sao hay những xu hướng “hot hit”, thì việc 3 thương hiệu thời trang lớn liên tiếp bổ nhiệm người mới cho vị trí giám đốc sáng tạo cũng đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc thảo luận. Các gương mặt mới này gồm Seán McGirr (Alexander McQueen), Chemena Kamali (Chloé) và Davide Renne (Moschino).
Hằng năm, giới mộ điệu chứng kiến nhiều cuộc bổ nhiệm mới vào vị trí giám đốc sáng tạo hay giám đốc nghệ thuật. Đây là điều tất yếu do tính chất vận động liên tục và không ngừng thay đổi của ngành công nghiệp thời trang. Điều đặc biệt là chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, đã có đến 3 thương hiệu thời trang lớn thông báo về các vị tân giám đốc sáng tạo. Sự kiện này dĩ nhiên đã trở thành chủ đề nóng hổi trên báo chí lẫn mạng xã hội. Vì người dẫn dắt sáng tạo mới đồng nghĩa với tinh thần thời trang mới, phong cách mới, thậm chí có thể là cả một thời đại mới cho thương hiệu.
Dù không phải ai cũng đều đã quen mặt với công chúng, nhưng 3 vị giám đốc sáng tạo mới được đề cập dưới đây đều là những người có chuyên môn sâu rộng và rất dày dặn kinh nghiệm. Họ đều nhận được sự kỳ vọng rất cao trong việc định hướng cho các thương hiệu lớn này phát triển và gia tăng con số lợi nhuận trong tương lai.
Tân giám đốc sáng tạo của Alexander McQueen – Seán McGirr không phải là gương mặt quá quen thuộc. Anh là NTK đầu tiên của hãng chưa từng làm việc với nhà sáng lập Lee McQueen. Giám đốc điều hành Gianfilippo Testa đã khẳng định rằng chính kinh nghiệm, cá tính và năng lượng sáng tạo của McGirr đã đưa anh trở thành cái tên sáng giá có thể đảm đương vị trí đầy thách thức này. Trên thực tế, NTK đến từ Ireland này đã sở hữu nền tảng kiến thức vững chắc và kinh nghiệm làm việc cực kỳ phong phú, đủ để các “gã khổng lồ” ngành xa xỉ phẩm sẵn sàng “đặt cược” cho anh vào vị trí dẫn dắt một thương hiệu tầm cỡ như Alexander McQueen.
Seán McGir từng được đào tạo tại trường Central Saint Martins (trực thuộc Đại học Nghệ thuật Luân Đôn – là cơ sở đào tạo thời trang và nghệ thuật cực kỳ danh tiếng). Đây cũng chính là ngôi trường mà cả Lee McQueen và cựu giám đốc sáng tạo Sarah Burton từng theo học. Anh đã tốt nghiệp khóa học Thời trang MA vào năm 2014. Được biết, cả NTK Alexander McQueen và Seán McGirr đều được giảng dạy bởi cố giáo sư Louise Wilson.
Sau tốt nghiệp, Seán McGir chính thức gia nhập ngành thời trang với nhiều vị trí và vai trò khác nhau. Từ năm 2014 đến năm 2018, anh đã tham gia vào quá trình hợp tác liên tục giữa Uniqlo với cựu NTK của Hermès, Christophe Lemaire. Anh từng làm việc cho thương hiệu Dries Van Noten với tư cách là nhà thiết kế trang phục nữ. Gần đây nhất, McGir là người chịu trách nhiệm cho toàn bộ dòng thời trang may sẵn của JW Anderson. Điều này cho thấy anh có kinh nghiệm thiết kế cho cả nam và nữ. Ngoài ra, tân giám đốc sáng tạo của Alexander McQueen cũng từng thực tập tại Burberry và Vogue Hommes Nhật Bản.
Chemena Kamali là nữ nhà thiết kế tiếp theo sau Gabriela Hearst chịu trách nhiệm dẫn dắt sáng tạo Chloé. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Riccardo Bellini chia sẻ: “Tài năng sáng tạo phi thường, kinh nghiệm sâu rộng cũng như mối liên hệ độc đáo với di sản và giá trị của thương hiệu đã giúp cô trở thành sự lựa chọn hoàn hảo cho vị trí này. Tầm nhìn của cô được lấy cảm hứng từ tình yêu dành cho thương hiệu, thứ tôn vinh DNA độc đáo của Chloé”. Chemena Kamali sẽ ra mắt BST đầu tiên của mình trên cương vị mới vào tháng 1/2024 tại Paris.
Bắt đầu sự nghiệp của mình tại Chloé, nữ NTK người Đức đã có cơ hội làm việc trong nhóm của Phoebe Philo. Trong thời gian này, cô nhận bằng Thạc sĩ tại trường Central Saint Martins dưới sự hướng dẫn của giáo sư Louise Wilson. Sau đó, Chemena Kamali gia nhập đội ngũ nhà thiết kế tài năng của Alberta Ferretti và Strenesse ở Milan. Từ năm 2013 đến 2016, cô quay trở lại Chloé để làm việc dưới sự chỉ đạo của Clare Waight Keller, lần này là với tư cách giám đốc thiết kế. Kết thúc 3 năm tại Chloé, Kamali tiếp tục được Saint Laurent chiêu mộ dưới thời của giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello. Tại đây, cô tiếp quản vị trí giám đốc thiết kế dòng Ready-to-wear nữ.
Vậy là sau hơn 20 năm, Chemena Kamali đã quay lại đúng “cái nôi” từng nâng đỡ những bước chân đầu tiên của cô trên con đường thiết kế thời trang xa xỉ. Bản thân NTK cũng phải thừa nhận: “Kể từ khi tôi bước chân qua cánh cửa của Chloé vào hơn 20 năm trước, trái tim tôi đã luôn thuộc về nó”.
Sau Alexander McQueen và Chloé, Moschino là thương hiệu tiếp theo thông báo về việc bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới. Cái tên được xướng lên lần này là Davide Renne – người đã thiết kế các BST dành cho nữ trong hai thập kỷ tại Gucci. Anh sẽ giám sát trang phục của cả nam và nữ cùng phụ kiện cho dòng sản phẩm chính của Moschino. BST đầu tiên của anh sẽ ra mắt trong Tuần lễ Thời trang Milan vào tháng 2/2024.
Massimo Ferretti, Chủ tịch điều hành của Aeffe SpA cho biết: “Tất cả chúng tôi đều bị ấn tượng bởi tầm nhìn cực kỳ tinh tế của Davide về sức mạnh của thời trang trong việc tạo ra cuộc đối thoại sống động với thế giới, cũng như sự hiểu biết sâu sắc của anh về di sản và các nguyên tắc của Moschino. Chúng tôi tin rằng anh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của Moschino, một thương hiệu toàn cầu mang trái tim Ý và là một DNA thực sự độc đáo trong ngành công nghiệp xa xỉ.”
Davide Renne sinh ra và lớn lên tại Follonica (Ý). Anh theo học Đại học Polimoda – một trong những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về thời trang hàng đầu của Ý. Sau khi tốt nghiệp, Renne làm việc tại Alessandro Dell’Acqua, với Alessandro là người thầy và người cố vấn đầu tiên. Tiếp đó, anh chuyển sang Gucci trong hai thập kỷ với tư cách là NTK chính cho dòng thời trang nữ. Đến với Moschino trên một cương vị đặc biệt quan trọng, Davide Renne đã khẳng định sẽ tái hiện lại đầy đủ tinh thần sáng tạo cốt lõi mà nhà sáng lập Franco Moschino đã đặt ra: sự vui vẻ, niềm phấn khích khi được khám phá và trải nghiệm thế giới. Anh đã bày tỏ thẳng thắn về quan niệm thời trang của mình: “Thời trang, giống như cuộc sống, là khám phá chính mình. Tôi không thích thời trang quyết định câu trả lời. Tôi có xu hướng tìm ra câu hỏi phù hợp hơn, sau đó câu trả lời sẽ đến trong cuộc đối thoại của nhà thiết kế với khán giả: vì thời trang vốn dĩ đã mang tính “độc bản”.