Dòng Dòng là một thương hiệu thời trang bền vững với các sản phẩm túi xách làm từ bạt cũ tái chế. Từ khi bắt đầu, kim chỉ nam của thương hiệu luôn là tái sinh những thứ được cho là bỏ đi và kể tiếp câu chuyện đời của chúng.
Trước khi bắt đầu thương hiệu, những nhà sáng lập của Dòng Dòng nhận thấy thực tế rằng Việt Nam luôn lọt top những nước có lượng xuất khẩu tôm lớn nhất trên thế giới. Nhưng sự phát triển của ngành kinh tế xương sống này cũng đi đôi với một lượng rác thải nông nghiệp không nhỏ, và một trong số đó là bạt lót ao tôm.
Theo thống kê, diện tích nuôi tôm trên cả nước đạt 737,000 ha (trong đó Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 92.4%), và bạt lót ao tôm sử dụng mỗi năm rơi vào con số đáng kinh ngạc là khoảng 1,7 – 2,6 tấn/ha. Nhưng hiện tại, chưa có một giải pháp xử lý khả thi trên diện rộng nào. Ngoài một số ít được dùng lại để lót ao cá, trùm chuồng gia súc, phơi lúa,… phần lớn bị đốt bỏ ngoài trời.
Trước vấn đề đó, chị Trần Kiều Anh, CEO và nhà sáng lập của thương hiệu chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình: “Tái chế bạt tôm thành túi xách thời trang có nhiều thử thách về mọi mặt: từ thu gom, làm sạch đến thiết kế sản phẩm nhưng là một việc phải và đáng làm. Không chỉ vì đây là một vấn đề môi trường, mà còn vì đây là một ví dụ của việc biến rác thải thành một sản phẩm có giá trị hơn, thông qua sáng tạo và thiết kế.”
Khi bắt đầu, thương hiệu cũng gặp khó khăn là tỉ lệ tái sử dụng bạt tôm khá thấp vì việc xử lý không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, do bạt bết sình lâu năm và rất khó làm sạch.
Chính vì thế, Dòng Dòng đã phải thiết lập quy trình thu gom bạt tôm từ Sóc Trăng về xưởng Sài Gòn, phân loại và làm sạch, sàng may thành túi xách ròng rã trong vòng 8 tháng.
Ưu điểm của bạt lót ao tôm là khả năng tái chế cao, chống thấm, chống ẩm và chịu lực rất tốt, ngoài ra còn có chất liệu dẻo dai nhưng cũng rất cứng cáp. Nhận ra được những đặc tính này, Dòng Dòng đã sử dụng bạt tôm để làm khung xương cho dòng túi công sở – sản phẩm mới chuyên dùng để đựng những vật dụng có giá trị cao, chỉn chu về thiết kế và hình dáng, với yêu cầu chống sốc và chống mưa.
Quá trình thiết kế đã tiêu tốn khoảng 3 tháng thử nghiệm có cả thất bại và thành công. Hiện Dòng Dòng cho ra mắt mẫu túi này với hai khổ khác nhau, Tôm (túi lớn) và Tép (túi nhỏ), như một sự gợi nhắc trực tiếp đến vòng đời trước đây của nguyên liệu.
Bằng việc sử dụng chất liệu này, Dòng Dòng tin rằng sẽ luôn có cách để mở rộng phạm vi và khả năng tái chế của mình. Trước mắt là nương theo chất liệu để may thành túi và sau đó là phát triển thêm kĩ thuật chuyển đổi sang một dạng chất liệu với nhiều công năng hơn.
Hiện tại các sản phẩm đều đã có mặt trên website và các cửa hàng ký gửi của Dòng Dòng.