“Tôi tham gia cách mạng sau anh Mười khá lâu. Trước đó, tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường nên ít có dịp được gần anh nhưng tiếng tăm và công tích cống hiến cho cách mạng của anh tôi đã được nghe kể nhiều nên sớm mến phục anh. Anh Đỗ Mười tham gia phong trào dân chủ năm 1936, vào Đảng Cộng sản năm 1939. Anh bị Pháp bắt năm 1941, kết án 10 năm tù ở Hỏa Lò, tháng 3 năm 1945 anh vượt ngục.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và khi miền Nam được giải phóng Tổ quốc thống nhất, anh được giao nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch ở nhiều tỉnh, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu, Tư lệnh khu Tả Ngạn sông Hồng, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu 3, Phó Chủ nhiệm Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương thời chống Mỹ, trực tiếp tổ chức chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất anh Đỗ Mười lại nhận những trọng trách mới: Bộ Thương nghiệp, Bộ Nội thương, Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban vật giá, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản … Phó Thủ tướng nhiều khóa, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1986-1991, rồi Thường trực Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.
Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và hòa bình xây dựng, anh được tôi luyện, thử thách trong thực tiễn trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ở anh thực tiễn và lý luận quyện chặt nhau, thể hiện giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng và chính quyền, giữa Đảng, chính quyền và nhân dân tạo nên chất xám trong anh, góp phần quan trọng khi anh đề xuất các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn phù hợp lòng dân được nhân dân ủng hộ.
Yêu mến và quý trọng anh Mười từ rất lâu nhưng mãi đến năm 1991 khi tôi rời chiến trường Cam-pu-chia về công tác ở Bộ Quốc phòng, được tham gia Ban Chấp hành Trung ương rồi tham gia Ban Bí thư, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tôi mới được gần anh Đỗ Mười, học anh và hiểu anh nhiều hơn. Anh Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến nửa khóa VIII. Anh là Tổng Bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương nên chúng tôi được gặp, làm việc với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn. Tôi nhận ra ở anh Đỗ Mười là một con người sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm. Đỗ Mười là một con người của hành động.
Trong công tác xây dựng Đảng, anh Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường. Kiên quyết, kiên định chịu lắng nghe, chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng. Còn nhớ, khi tôi là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sau một số lần anh cùng dự sinh hoạt với Quân ủy Trung ương, lắng nghe tôi phát biểu, cùng tranh luận, ít lâu sau anh Mười đề nghị với Quân ủy Trung ương dành thời gian thích đáng để tôi được tham gia trực Đảng cùng với đồng chí Đào Duy Tùng. Khi cả anh và anh Đào Duy Tùng đi công tác vắng anh gọi tôi đến và giao tôi trực Đảng. Anh nói việc này mới đối với đồng chí, nhưng cứ làm rồi quen dần. Tôi hiểu, đây là cách đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Không chỉ riêng tôi mà trong nhiều trường hợp khác, qua cách chọn cán bộ, giao việc của anh Mười tôi thấy anh là người luôn chăm lo đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước, nhất là những cán bộ đã kinh qua chiến đấu ở các chiến trường, con em các đồng chí cách mạng lão thành, con em các đồng chí thương binh, liệt sĩ.
Không chỉ trong xây dựng Đảng mà trong xây dựng và phát triển kinh tế anh Đỗ Mười được phân công phụ trách nhiều mũi quan trọng. Anh rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, tài chính ngân hàng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận ở các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở. Anh say sưa tranh luận đến cùng từng sự việc nên không phải không có lúc người ta tưởng anh có tư tưởng áp đặt, mất dân chủ. Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh, tôi càng thấy ở anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị, có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả trong những con người cụ thể. Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở.
Ở cương vị cao nhưng anh Đỗ Mười luôn chịu khó đọc sách, tích lũy kiến thức từ những chuyến đi cơ sở. Ngay cả lúc đã nghỉ, tuổi đã cao nhưng nhiều lần đến thăm anh tôi vẫn thấy anh còn miệt mài đọc sách, anh là độc giả số một, đọc nhiều sách nhất của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật. Câu chuyện trong những lần gặp gỡ ấy không có gì ngoài những băn khoăn làm thế nào để công tác xây dựng Đảng ngày càng tốt hơn để ngày càng giảm đi những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất, mất lòng dân. Làm thế nào để chọn đúng những cán bộ chủ trì Đảng, Nhà nước, xứng tầm với sự lớn mạnh của Đảng, sự phát triển của đất nước.
Là Tổng Bí thư nối tiếp anh, khi cả hai người đều đã nghỉ tôi càng nhớ lại khi anh còn làm Tổng Bí thư, trong họp bàn về chủ trương cũng như nhân sự cụ thể, khi còn có ý kiến khác nhau thì anh là người đấu tranh mạnh mẽ, nói rõ quan điểm của mình. Tinh thần đó đã làm cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả Trung ương đều tranh luận sôi nổi, tranh luận để đi đến thống nhất chứ không một chiều, “độc diễn” độc đoán.
Tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, đến nay tuổi đã gần 100 nhưng anh Đỗ Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người cộng sản trung kiên, một con người của hành động. Anh vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân ở một số vùng. Anh buồn vì một số tồn tại, yếu kém trong Đảng, trong một số cán bộ Đảng và chính quyền các cấp chậm được khắc phục. Tôi quý trọng và học tập tinh thần cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, mãi mãi tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân của anh Đỗ Mười.