Donald Trump lên nắm quyền, nước Mỹ liệu có thành truyền hình thực tế?

Trong suốt chiến dịch tranh cử, dường như để ngoài tai phản ứng trái chiều từ dư luận, Donald Trump không ép mình thể hiện một hình ảnh khác với những gì người ta vẫn nghĩ về ông. Ông đưa ra quan điểm chính trị cũng giống như tư duy kinh doanh của mình: thẳng thắn, rõ ràng, có lợi thì làm và gạt đi những mối nguy tiềm ẩn. Còn cách ông thể hiện trước truyền thông thì đúng kiểu của các ngôi sao truyền hình thực tế: có phần ồn ào, khiến dư luận xôn xao. Vậy nên không khó hiểu khi nhiều người vẫn chưa nhìn nhận Trump dưới tư cách một chính trị gia, mà vẫn là “ông Trump đi làm chính trị”.

Ảnh: NBC News

Độ phổ biến với công chúng của Donald Trump không dừng lại ở phạm vi cá nhân ông, mà còn là chuyện đời tư gia đình phức tạp. Vốn từ lâu, người dân Mỹ đã bàn tán về những cuộc hôn nhân lắm điều tiếng của ông, thậm chí đưa chúng lên các chương trình ăn khách trên truyền hình. Hiếm có tỷ phú nào lại “được” công chúng nhòm ngó như vậy, khoan nói gì vội đến chiếc ghế trong Nhà Trắng mà Trump đã tích cực chạy đua trong thời gian qua để giành lấy. Người ta có thể chỉ biết đến đệ nhất phu nhân Michelle Obama sau khi Barack Obama nhậm chức, nhưng chỉ cần mở TV ngồi xem chương trình hài kịch “Saturday Night Live” mấy năm về trước, một bà nội trợ cũng đã có thể biết vợ mới của Trump là ai, con cái của Trump thế nào – dù là qua lăng kính hài hước.

Dẫu rằng hình tượng của gia đình nhà Trump hiện lên trong mắt khán giả đại chúng không mấy tích cực, không ai có thể phủ nhận một điều là chúng vẫn góp phần rất lớn kéo Trump gần lại với người dân Mỹ hơn bất cứ ứng viên nào từng tham gia tranh cử tổng thống trước đây. Từ lúc mới nghe tin ông đứng ra ứng cử, đã chẳng có người nào thắc mắc Donald Trump là ai. Thậm chí đối với những người sống ở nửa bên kia địa cầu, tên tuổi của ông vẫn lan toả đến từng ngóc ngách từ rất lâu trước đó. Và những gì truyền thông đưa đến phần lớn cũng chỉ là thông tin nhắc lại từ vô vàn các câu chuyện về Trump đã có sẵn trên sách, báo, phim ảnh, chương trình truyền hình…

Ảnh: The New York Times

Nếu chuyện chính trị ở thập niên trước còn là thứ gì đó cao siêu và chỉ dành cho những người am hiểu bàn tán, thì với sự phát triển thần tốc của công nghệ, đến cả Obama trong thời kỳ đương nhiệm còn phải tham gia các talkshow, lên mạng xã hội để tạo sự thân thiện, gần gũi. Vô hình trung, sự “quen mặt” của Trump trong tâm trí người dân lại ăn khớp với hình ảnh của một tổng thống thời đại mới như thế. Đó đã không còn là một “ông vua” ngồi trên ngai vị, chỉ biết thông qua các chính sách vĩ mô, thỉnh thoảng lại đi “vi hành”. Mà “ông vua” này phải biết rõ người dân đang bàn tán những gì, nắm được điều người dân đang quan tâm, và chứng minh mình cũng quan tâm đến các vấn đề đó như họ.

Quả thực, trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump không mất thời gian để nói cho truyền thông biết mình là con người như thế nào, vì điều đó chẳng hề cần thiết khi Trump quyết giữ lấy bản sắc cá nhân của mình. Ông đề cập thẳng vào các vấn đề nóng hổi của thế giới một cách không kiêng nể, và bê nguyên xi hình ảnh “ông Trump truyền hình” đến với mọi nhà, một lần nữa. Giống như việc dõi theo một ai đó mình đã quen biết từ lâu, một mặt người ta vẫn ngạc nhiên khi Trump “dám” làm thế, mặt khác lại gợi nhắc sự thân quen trong họ vì tính cách, con người của Trump chẳng sai khác so với những gì họ từng biết về ông.

Ảnh: The Telegraph

Nhờ chiến lược dựa trên sự “quen mặt” và “phổ biến” ấy, Trump nhanh chóng trở thành nhân vật trung tâm trong cuộc đua tổng thống. Những người vốn dĩ đã không thích Trump thì thể hiện ngay sự chống đối dữ dội, mãnh liệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính họ cũng tình cờ đẩy các ứng viên khác thành “nhân vật phụ” trong câu chuyện này bằng cách tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ứng viên khác chỉ vì một lý do duy nhất: người đó không phải là Trump!

Còn với những người vốn đã chấp nhận hình ảnh vẽ ra về Trump từ trước đó thì sao? Hình tượng về Trump chắc chắn không còn là điều họ quan tâm nữa, vì họ đã biết quá rõ rồi. Họ đồng thời cũng hiểu được phần nào cách Trump tư duy, biết tự đặt mình vào Trump, thấy được sự tương đồng giữa những điều Trump hứa hẹn với lợi ích mà Trump – và kể cả họ – có thể đạt được khi Trump lên làm tổng thống. Đó không còn là việc bầu ra tổng thống cho nước Mỹ nữa. Kỳ thực, họ thấy mình có quyền lựa chọn để nhận lấy lợi ích về cho bản thân mình.

Ảnh: Infobae

Donald Trump tìm đường đến ngai vị tổng thống với câu khẩu hiệu: “Make America Great Again!” (tạm dịch: “Làm nước Mỹ vĩ đại lần nữa!”), cũng chính là chỉ rõ cái lợi ích mà người dân xứ sở cờ hoa có quyền chọn lấy, chỉ cần bỏ phiếu cho ông. Chưa bao giờ cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ lại gay cấn như thế, khi Trump đã khiến cả những người ủng hộ và chống đối ông đều phải quyết tâm giành chiến thắng về phía mình. Nếu ví cuộc tranh cử tổng thống lần này như một chương trình truyền hình, thì Trump chính là nhân tố khiến khán giả phải theo dõi chương trình đó đến cùng. Cho dù đối với nhiều người trong số họ, ông có thể đang sắm vai “phản diện” đáng ghét, lì lợm ở lại cho đến tận cùng.

Và rồi, đầy bất ngờ như bao chương trình truyền hình thực tế khác, kết quả thắng cuộc cuối cùng lại thuộc về Trump. Điều đó chỉ khiến người ta tiếp tục bàn tán không ngớt, vì ai cũng muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi “chương trình” kết thúc. Donald Trump, rốt cuộc, có thể đem thật nhiều lợi ích về cho người dân nước Mỹ hay không?

Ảnh: E!

Cả một quá trình nhìn lại, chúng ta phải công nhận Donald Trump đã từng bước một khôn khéo biến mình trở thành nhân vật chính của đường đua tổng thống Mỹ năm nay. Chiến thắng của ông có thể khiến nhiều người hụt hẫng, lo âu về một nước Mỹ ở thì tương lai. Thế nhưng, dù Trump có tiếp tục là nhân vật trung tâm trong 4 năm phía trước của nhiệm kỳ hay không, chiến thắng của ông cũng đồng thời nói lên một điều mà người ta có thể dễ dàng quên mất. Đó là, dẫu thế nào, nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Là xứ sở của những “giấc mơ Mỹ”. Là mảnh đất mà dù bạn là ai, bạn là người như thế nào, bạn vẫn có thể tạo dựng được những điều lớn lao, giành lợi ích về cho chính bản thân mình.

Nước Mỹ đã ở đó hàng trăm năm, thật hơn bất cứ chương trình “thực tế” nào trên truyền hình, ôm một giấc mộng lớn của vô vàn số phận con người, và vẫn luôn chứa trong mình biết bao biến động. Bất kể là ở ngai vị nào chăng nữa, cũng chẳng ai có thể thay đổi được sự thật đó. Chúc mừng Donald Trump đã trở thành tổng thống thứ 45 của xứ cờ hoa. Và hãy chờ xem, “ông Trump làm chính trị” sẽ biến “giấc mơ Mỹ” của mình: khiến nước Mỹ vĩ đại lần nữa – trở thành hiện thực bằng cách nào.

Bài: Trung Đăng
logo

 

 

 


From the same category