Dồn dập tăng giá, lạm phát khó giữ 7% - Tạp chí Đẹp

Dồn dập tăng giá, lạm phát khó giữ 7%

Tin Tức

Hậu quả của tăng giá liên tiếp

Đầu năm nay, Chính phủ co kéo mục tiêu lạm phát năm 2012 từ 8- 9% xuống trên dưới 7%. Tháng 4, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Chính phủ, có lưu ý, lạm phát thấp hơn dự kiến, phải cẩn trọng vì nền kinh tế có thể suy giảm.

Tháng 5, Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (Đại học Kinh tế Hà Nội) công bố báo cáo kinh tế Việt Nam 2012 đưa ra 2 kịch bản kinh tế, trong đó, kịch bản thấp nhất là CPI cả năm 4,6% với GDP 4,4%, kịch bản lạc quan là CPI 6,2% và GDP 5,1%.

Hai tháng 6-7, CPI âm, không ít chuyên gia kinh tế bình luận, Việt Nam đứng trước nguy cơ suy giảm kép.

Đầu tháng 8, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh, Chính phủ nên kiểm soát lạm phát mục tiêu trong vòng 6%. Trung bình mỗi tháng trong quý IV, CPI chỉ nên tăng 0,5- 0,8%/tháng.

Nhưng đến thời điểm này, mọi dự báo trên đều đã bị “lệch”. Thậm chí, khuyến cáo con số 6% của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng không thể áp dụng được nữa. Lạm phát bỗng diễn biến đảo ngược đến mức, ngay cả cơ quan thống kê quốc gia cũng bất ngờ.

Hôm 24/9, Tổng Cục Thống kê công bố CPI tháng 9 tăng tới 2,2% so với tháng 8. Tính từ đầu năm, CPI đã tăng 5,13%.

Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nói: “Trước đây, khi CPI âm, chúng tôi từng dự báo đó chỉ là mức giảm tạm thời và sẽ tăng trở lại vào các tháng cuối năm. Nhưng không ngờ CPI tháng 9 lại vọt mạnh đến thế, vì ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ, mức tăng sẽ vào khoảng 1,5%”.

Ông Thức khẳng định: “Với đà này, rất khó khăn để từ giờ đến cuối năm giữ được lạm phát 7%!”

Bốn nhóm hàng tăng giá vừa qua đã có tổng mức tăng tới 2,1%, đều mang tính thời vụ, hoặc xuất phát từ chủ trương, chính sách thị trường hóa ngành hàng hay từ các quyết định hành chính của Chính phủ.

Ông Thức nói: “Khi hai bộ Tài chính- Y tế bàn về viện phí hay Bộ Giáo dục bàn vấn đề học phí, cũng đều biết sẽ tác động tăng giá nhưng tác động tăng mạnh như hiện nay thì có lẽ, các bộ cũng không thể lường được”.

Ví dụ, thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 17,02% và riêng dịch vụ y tế, tăng tới 23,87%. Không ai có thể hình dung được mức tăng kỷ lục này dù cho, khi áp dụng Thông tư số 4 của Liên bộ Tài chính- Y tế về điều chỉnh viện phí, hầu hết các ý kiến đều rất lo ngại về mức tăng kịch trần lên 80-96% so với trước.

Đầu năm học mới, nhiều tỉnh đồng loạt tăng mạnh học phí nhưng mùa khai giảng những năm trước, CPI nhóm này thường chỉ 5-6% chứ không đến mức hơn 10%. Bên cạnh đó, giá xăng, gas, giá điện tăng liên tiếp đã ngấm sâu vào giá vận tải, giá hàng hóa nói chung, khiến CPI các nhóm này đều tăng 2-3%.

Nếu không chịu sức ép dồn dập cùng lúc cả 4 nhóm hàng tăng giá mạnh thì nỗi lo lạm phát năm 2012 đã không lớn như bây giờ.


“Trong điều hành chung của Chính phủ, các nhà lãnh đạo cần phải có một cái nhìn tổng thể về các tác động của chính sách, phải có sự phối hợp giữa các Bộ. Còn nếu chặt từng khúc ra để quyết định riêng thì sẽ khó đạt kết quả chung cho điều hành vĩ mô”, ông Thức nói.


Phải kiểm soát chặt chẽ luồng tiền

Không như hồi giữa năm, giữa lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia kinh tế đã có sự đồng thuận trong nhìn nhận về mối nguy lạm phát hiện nay.

“Chắc chắn từ nay đến cuối năm, lạm phát chỉ có tăng và sẽ không dừng lại ở mức 6%. Chính phủ phải làm sao giới hạn CPI chỉ nên trong vòng 0,5%- dưới 1%/tháng cho 3 tháng còn lại”, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.

Để phòng ngừa đà tăng lạm phát, ông Kiêm phân tích: “Ngân sách cho đầu tư công, các chính sách tài khóa và tiền tệ đã bắt đầu nới lỏng. Cuối năm cũng chính là thời điểm sản xuất kinh doanh cần nhiều vốn. Vì vậy, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ luồng tiền tung ra. Lượng tiền này đưa ra cho xây dựng cơ bản, cho các dự án công tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng… thì phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng. Nếu tiền lại rơi vào những chỗ rủi ro thì lạm phát sẽ bùng lại ngay”.

Trong lúc này, vai trò của ngân hàng là rất quan trọng. Khi khống chế được luồng tiền thì sẽ vừa chống được lạm phát, vừa giữ được GDP ở mức hợp lý.

Tổng cục trưởng Đỗ Thức cũng cho biết lo ngại lớn nhất của ông là kiểm soát luồng tiền. Đây là vấn đề cốt tử trong tình hình hiện nay.

Ông cho biết, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng lên khá nhiều trong mấy tháng vừa rồi, gần đây là 10%. Có thể lúc này, nợ tín dụng chưa tăng mạnh nhưng dù sao, tăng trưởng tín dụng chỉ ảnh hưởng vấn đề lạm phát một cách gián tiếp, vì còn qua khâu sản xuất, kinh doanh… Nhưng khi M2 tăng, nó tác động trực tiếp vào lạm phát.

Ông Thức nhấn mạnh: “Nếu Chính phủ đặt mục tiêu CPI cả năm trong vòng 7-8% thì cũng phải tính toán rất kỹ càng các chính sách điều hành sắp tới. Những cảnh báo vừa qua của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia là không thừa”.

Ngay đầu tháng 8, cơ quan giám sát tài chính quốc gia đã bày tỏ quan điểm không thể chủ quan với lạm phát. Đỗ trễ của lạm phát bao giờ cũng nằm trong khoảng 6 tháng. Nếu để lạm phát bình quân 1%/tháng vào 4 tháng cuối năm thì lạm phát bình quân theo năm sẽ là 2 con số. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô vào năm 2013.

Trong khi đó, CPI tháng 9 tăng 2,2% đã là gấp đôi mức tăng mà cơ quan này khuyến cáo. Dư địa cho CPI 3 tháng còn lại của năm sẽ chỉ còn trung bình 0,6%/tháng. Rõ ràng, thời gian tới, có quá nhiều yếu tố bất lợi để hãm phanh CPI như vậy.

Sang tháng 10, học phí, viện phí có thể còn tiếp tục tăng ở một số tỉnh, thành. Giá xăng dầu, giá gas phụ thuộc giá thế giới, nếu bên ngoài tăng thì giá trong nước cũng không tránh khỏi tăng theo. Chính sách thị trường hóa các mặt hàng cơ bản đag cho phép, giá xăng được phép 1 tháng tăng 3 lần. Giá điện có “quyền” tăng ít nhất 5% kể từ tháng 10 tới, đồng nghĩa, giá than sẽ tăng theo.

Riêng về điểm này, ông Đỗ Thức đã ước tính, nếu giá điện tăng sẽ đẩy CPI cả năm sẽ vào khoảng 8%. Thêm vào đó, chu kỳ tăng của giá gas cũng thường 1-2 lần/tháng.

Những chính sách giá của Chính phủ là đảm bảo mục tiêu theo cơ chế thị trường nhưng khi thực hiện dồn dập, sẽ tạo ra sức ép tâm lý, gây ra hiện tượng tăng giá “ảo”. Chưa kể, đặc tính thời vụ không thể bỏ qua là CPI tháng giáp Tết thường ở mức cao vì cầu tăng.

Dự báo mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa phải điều chỉnh cho thấy, CPI có thể vượt 7%. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 5,1- 5,2%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu là 6-6,5%. Dù sao, mục tiêu Chính phủ yêu cầu phải kiểm soát lạm phát năm nay dưới 2 chữ số là vẫn đạt được.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

25/09/2012, 11:05