Sáng 26/2, đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới sân ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) với sự bảo vệ nghiêm ngặt của cận vệ. Ngay khi nhà lãnh đạo Triều Tiên bước vào ô tô, dàn vệ sĩ mặc trang phục vest màu đen đã chạy bộ tháp tùng ông Kim Jong-un như thường lệ.
Lực lượng đặc vụ tinh nhuệ này của Triều Tiên gây ấn tượng khi chạy bộ không kém các vận động viên chuyên nghiệp, tập hợp đội ngũ bảo vệ nhà lãnh đạo nước mình.
Trước đó, trong hai lần gặp gỡ thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018, Chủ tịch Kim Jong-un cũng được dàn vệ sĩ mặc vest đen bảo vệ nghiêm ngặt xung quanh. Các cận vệ này tạo nên hàng rào bảo vệ dày đặc xung quanh nhà lãnh đạo số một Triều Tiên. Được biết, đây là các vệ sĩ trực thuộc “Văn phòng Trung ương số 6” được sàng lọc cẩn thận từ quân đội Triều Tiên và phải đảm bảo đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
1. Tuyển lựa nghiêm ngặt
Tiêu chí tuyển chọn các cận vệ của ông Kim Jong-un vô cùng nghiêm ngặt và kỹ lưỡng. Một trong những yêu cầu bắt buộc với họ là phải có chiều cao tương đương với ông Kim, không được có khiếm khuyết nào về thị giác. Ngoài ra, những cận vệ này phải đạt được các thành tích xuất sắc trong quân đội hoặc sử dụng thành thạo các kỹ năng như bắn súng, võ thuật, chiến đấu,…
Cuối cùng, họ phải trải qua một cuộc điều tra lý lịch gắt gao. Những người được tuyển chọn sẽ được kiểm tra lý lịch 2 đời. Nhiều vệ sĩ được cho là có quan hệ họ hàng với gia tộc Kim hoặc xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa của Triều Tiên.
2. Quá trình khổ luyện khắc nghiệt
Để trở thành vệ sĩ thân cận của lãnh đạo Triều Tiên, các binh sĩ đều phải trải qua quá trình khổ luyện khắc nghiệt. Họ được đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của Lực lượng Biệt kích – nhóm có nhiệm vụ tấn công phủ đầu các cứ điểm trọng yếu ở Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Một số bài tập quen thuộc là dùng đầu đập vỡ bê tông, dùng búa đập vỡ cả chồng đá hoa cương đặt trên ngực, làm vỡ bóng điện bằng một ngón tay,… Ngoài ra, toàn đội phải rèn luyện thể chất trong các hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo với cường độ tập luyện dày đặc.
Trong cuộc phỏng vấn trên CNN, Lee Young-guk – vệ sĩ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il – chia sẻ rằng: “Đó là quá trình huấn luyện khủng khiếp như tập bắn bia, rèn luyện thể lực, sự khéo léo và cân nặng, bơi lội và sử dụng thuyền,… Nhưng sao phải làm thế? Đó là để xây dựng lòng trung thành. Một khẩu súng ngắn không chiến thắng được trong một cuộc chiến, và taekwondo chẳng làm được gì ngoài tinh thần, nhưng nó tạo ra lòng trung thành”.
3. “Hàng rào thép” bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Kim
Michael Madd , chuyên gia về nghiên cứu về Triều Tiên cho biết, những vệ sĩ di chuyển quanh xe ông Kim đã tạo thành “hàng rào thép” an toàn nhất cho nhà lãnh đạo này.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ông Kim Jong-un đã ngồi an toàn trong xe Limousine chống đạn mà vẫn cần đội vệ sĩ chạy theo để bảo vệ?
Theo đó, các cận vệ của Chủ tịch Kim Jong-un thường vây quanh lãnh đạo, tạo góc quan sát hoàn hảo 360 độ. Khi di chuyển, Chủ tịch Kim sẽ luôn đứng giữa từ 3 đến 5 vệ sĩ. Bên cạnh đội hình này là 4 – 6 vệ sĩ khác chia đều về hai bên, bám sát bên hông lãnh đạo Kim. Bọc lót phía sau là 4 hoặc 5 người nữa tạo thành lá chắn kiên cố. Tuy được trang bị nhiều vũ khí, nhưng nhóm vệ sĩ này thường sử dụng chủ yếu kỹ năng quan sát và vô hiệu hóa mọi mối đe dọa bằng tay không từ xa.
Ri Yong Guk, một lính Triều Tiên từng chia sẻ: “Đó là một trong những vỏ bọc an ninh chặt chẽ nhất thế giới, ngay cả một con kiến cũng khó lọt qua”.
Đồng thời, học giả Michael Madden từ ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho hay, việc vệ sĩ chạy bộ tháp tùng theo xe của ông Kim Jong Un là phần bắt buộc trong nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Kim Jong-un.
Với yêu cầu tối quan trọng là bảo vệ sự an toàn của ông Kim bằng mọi cách, nhóm vệ sĩ này có nhiệm vụ phải theo sát vị Chủ tịch mọi lúc mọi nơi. Dù cho Kim Jong Un đã ngồi vào trong xe ô tô, nhóm này vẫn buộc phải bao quanh xe, chạy theo tháp tùng ông Kim. Cho đến khi cảm thấy Chủ tịch Kim Jong-un đã an toàn. Sau đó, họ sẽ lên một phương tiện khác để theo sát, bảo vệ Chủ tịch suốt chuyến đi.