Tự lấy nghệ danh mới là Kimmese, như là một khởi đầu mới, Kim trở lại đầy ấn tượng với một vài MV được tung ra. Kimmese, trước mắt tôi, ánh mắt bình thản, điềm tĩnh trước mọi phán xét của tôi suốt buổi trò chuyện.
– Kimmese có phải là một cô gái mạnh mẽ?
– Anh thấy tôi mạnh mẽ lắm sao? Không phải đâu. Chuyện gì buồn thì tôi phải buồn chứ. Trong tình yêu, tôi không mạnh mẽ lắm.
– Phải chăng tình yêu đã khiến chị biến mất trong showbiz vào thời điểm chị đang nổi lên?
– Lúc đó, tôi chán chường công việc, mọi thứ với công ty chủ quản của tôi không suôn sẻ lắm. Đến lúc tôi hòa vào với dân underground, tôi thấy mình may mắn vì gặp được những người có cùng đam mê, theo đuổi âm nhạc một cách trong sáng và không bị cái gì phân tâm như công danh, tiền bạc…
Còn chuyện tình yêu, cũng không hẳn tôi bị thất tình mà biến mất. Cũng có, nhưng không ảnh hưởng đến thế đâu. Cách đây vài tháng, tôi cũng bị thất tình lần nữa… Năm tôi 17 tuổi, tôi rời công ty. Trong thời gian tôi không đi hát, tôi xả stress nhiều hơn, anh biết đó, trước đó, tôi bỏ thời gian để đi tìm người này, người kia, tìm cho mình hướng đi phù hợp. Hi vọng rồi đến thất vọng, cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, đến lúc dồn nén lại, tôi không chịu nổi nữa, tôi dừng lại. Tôi chả còn tâm trí đâu mà làm nhạc nữa.
– Chị đã trải qua giai đoạn thất tình đó thế nào?
– Trong cuộc đời con người, tôi nghĩ, ai cũng phải trải qua chuyện thất tình. Nhìn tôi trẻ thế này mà nói chuyện thất tình cũng hơi kì quặc đây. Nhưng nói thật, năm 18 tuổi, tôi mới có nụ hôn đầu tiên. Tôi cũng át được vía bạn trai và những người tôi yêu rất chiều tôi. Tôi thất tình thì tôi viết được nhiều ca khúc lắm, có bài “Green eyes”, có một số bài nữa nhưng cũng chưa định gì cả, chắc sẽ đưa vào album riêng của tôi.
– Đôi mắt xanh? Có phải đó là một chàng trai phương Tây mắt xanh?
– Đúng vậy. Anh ấy tôn trọng phụ nữ, khiến tôi tự lập hơn. Tôi thấy các cô gái lúc yêu hay có kiểu “anh ơi, mấy giờ anh đến đón em đây?” hay như đi chơi, thì bạn trai phải trả tiền. Tôi lớn rồi, cũng có thu nhập, tôi cũng tự trả tiền cho tôi được, nhiều khi thành thói quen. Đó là điều tốt, mà người con trai nhìn mình cũng thấy tôn trọng hơn. Mấy chuyện đó, tôi “đóng gạch” luôn đấy, thành nguyên tắc rồi. Tôi cũng từng yêu một anh chàng người Việt, anh ấy cũng rất tôn trọng phụ nữ. Cứ anh nào thoải mái, tôn trọng phụ nữ là tôi kết ấy mà (cười lớn).
– Chị có bao giờ so sánh họ với nhau?
– Không, so sánh làm gì. Các chàng trai tôi yêu khá giống nhau, rất đang yêu, tốt bụng và rất tôn trọng tôi. Còn khác biệt quá thì tôi chưa trải qua, làm sao so sánh bây giờ?
– Một cô gái trẻ cá tính như chị, tôi rất tò mò không hiểu trong tình yêu chị sẽ mềm yếu thế nào?
– Tôi khó yêu, nhưng một khi có cảm xúc với ai thì yêu rất mãnh liệt. Chỉ khi nào chia tay, tôi mới có nhiều lúc mềm yếu, những lúc như thế tôi cảm nhận mình rõ hơn.
– Chị làm gì trong những lúc như vậy?
– Viết các bài hát về chia tay. Chuyện ấy giúp tôi nhẹ bớt đi được phần nào. Âm nhạc hay lắm, tôi mà để cái gì trong đầu, dần dần nó làm tôi nổ tung ra. Tôi phải làm cái gì đó, đó là lúc tôi ngồi viết nhạc, một công đôi việc, vừa có bài hát, vừa nhẹ lòng.
– Tự nhận là người mềm yếu, chị có bao giờ khóc vì tình?
– Kìm nén như vậy, hẳn, nước mắt cũng phải có giá trị gì đó với chị?
– Nói là không muốn khóc trước mặt người khác nhưng nhiều khi tôi cũng chả nín được đâu, có “tai nạn” vài lần đấy! Chả mong muốn tý nào, khóc xong, tôi về nhà thấy ngượng lắm, thế tôi mới xăm hình “Smile now, cry later”.
Khi chia tay, tôi cũng hay níu kéo người ta, thấy mình hèn lắm. Nhưng không được, mà không được thì… thôi. Tôi cũng hay gợi ý cho người ta nữa, mà đến giờ tôi chả nhớ mình gợi ý gì nữa, mà gợi ý gì đó rất trẻ con (cười lớn). Và tôi may lắm, yêu toàn người tốt, chia tay rồi vẫn đối xử với nhau tốt lắm, nhắn tin hỏi thăm bình thường…
– Ngoài việc viết nhạc ra, lúc rảnh rỗi và buồn, chị thường làm gì?
– Tôi hay đi ra mấy quán gần nhà để đánh bi-a. Tôi thích vì đơn giản, môn đó chả cần phải vận động nhiều. Chơi với con trai cũng có, con gái cũng có. Tôi đánh tạm được thôi, toàn chơi kiểu vui vui, “thua ra đập vào”.
– Tôi thấy chị cũng hay đến mấy bar, club?
– Tôi thích đến nhưng club chơi nhạc hay. Thời gian vừa rồi, tôi mới đi club đấy, chứ hồi tôi mới nổi lên, tôi chỉ đến, nếu có lịch diễn, hát xong rồi về. Bar, club giống như một nơi làm việc hơn là chỗ để chơi. Tôi hát ở quán bar đó nhiều đến nỗi trơ cả cảm xúc, đi hát mà cứ như đi làm một bài kiểm tra toán 90 phút. Chán lắm.
– Chị có sợ bị đánh giá là gái hư?
– Tôi có hình xăm một con mèo có sừng quỷ nhưng có cánh thiên thần. Tôi nghĩ đó là tôi, vì tôi không phải gái ngoan nhưng chắc chắn không hư. Tôi không nghĩ, gái ngoan thì tốt mà gái hư thì… đáng bỏ đi. Tôi nghĩ giữa ranh giới đó mới là tốt.
Tôi ở giữa, tôi làm cái gì cũng kiểu lơ lửng, chắc chả đến mức hư lắm. Với tôi, hư hỏng thì… chắc phải là lừa lọc người khác, chứ còn mỗi người có một cuộc sống riêng, miễn sao họ biết điều chỉnh, đó là quyền của người ta. Con gái ngoan thì chắc không đi chơi nhiều, ở nhà, ít va chạm, yếu đuối và chắc không biết gì, nhưng cũng dễ thương. Gái ngoan thì chán lắm, tôi không thích đâu, trước giờ, đúng là tôi chả chơi với ai mà ngoan thế đâu.
– Có bao giờ chị nhìn lại tuổi 15, có nhiều ca khúc được bạn bè yêu mến, và tự so sánh với mình của bây giờ?
– Lúc tôi 15 tuổi, được mọi người biết đến, tôi vừa sướng, vừa hả hê. Hồi tôi học cấp 2, cứ mỗi lần trường có chương trình văn nghệ, tôi tham gia là bị loại ngay. Vì thể loại tôi hát, chắc mọi người không hiểu, ngày 20/11, các bạn hát những bài ca ngợi thầy, cô, trường, lớp, tôi lại hát một bài của 50 Cents. Cô giáo ngồi dưới nhìn tôi rồi bảo: “Cô chả biết em hát cái gì! Không hợp với chương trình”, tôi ngượng lắm. Tôi quyết định đi làm ca sĩ âm thầm, tôi không muốn ai biết cả vì sợ bị soi.
Đến khi tôi được lên báo lần đầu tiên, họ lại ghi luôn tên thật, trường, lớp của tôi lên. Nhiều người bàn tán xôn xao về tôi, tôi mất cả tự do, tôi khó chịu lắm. May mà lúc đó tôi học lớp 9, sắp lên cấp 3, chứ nếu mà sớm hơn, chắc quãng đời học sinh của tôi chả còn gì hay ho nữa.
– Nói thế, chắc 3 năm học cấp 3 của chị, cũng không êm đềm lắm.
– Tính tôi hay ngượng và thiếu tự tin lắm, trước đó, tôi mê ăn vặt, tôi hay cười đùa… Tự nhiên bị soi, sướng sao nổi nữa. Ba năm cấp 3, tôi chẳng có gì để nhớ về trường cả. Đến lớp 12, thấy mọi người khóc lóc chia tay thầy cô, tôi không có được những cảm xúc như thế, tại vì quãng thời gian cấp 3, tôi không cảm nhận được.
Tôi có một khoảng cách quá xa với các bạn bè cùng trang lứa, không phải tôi tạo ra mà cũng chẳng phải do người ta, tôi không hiểu vì lý do gì, có thể được cái nọ thì mất cái kia.
– Ngày trước, tôi nghe âm nhạc của chị, tôi thấy chắn lắm, nghĩ chị nhân danh Hip Hop để làm một số thứ khác không phải Hip Hop?
– Tôi đồng ý. Vì hồi đó, dân nghe nhạc Hip Hop xịn chả ưa gì tôi, trước đó, họ đã có những mâu thuẫn về những vấn đề đại loại như vậy. Lúc tôi hát những ca khúc đó, tôi còn trẻ mà, tôi không có nhiều sự lựa chọn, cũng như những quyết định về các ca khúc mình sẽ hát. Tôi thấy tôi chưa đủ trưởng thành để tự định hướng mình theo dòng âm nhạc nào thực sự là chính mình như bây giờ.
Trong album đầu tiên, tôi phải đấu tranh lắm mới có được 3 bài hát do tôi tự sáng tác, nếu ai tinh ý, sẽ thấy 3 bài đó có chất lệch pha hẳn với các bài còn lại trong album đó. Lúc đó, công ty chuẩn bị kế hoạch ra album thứ 2 cho tôi, tôi có đề đạt mong muốn được viết các ca khúc cho chính mình, tôi viết “Bạo lực gia đình”; “Công tử bột…”. Thực sự là khó nghe lắm.
Tôi lẫn lộn giữa các thứ và chả biết làm gì. Tôi thích Rap nhưng mọi người bảo tôi phải hát, chứ Rap thì ai nghe? Tôi không cảm nhận được R&B nhiều lắm, dù ai cũng bảo tôi có tố chất R&B. Bẵng đi một thời gian, lúc 17 tuổi, tôi thấy tôi có tiềm năng hát R&B và với R&B, tôi sẽ khai thác được con người mình nhiều hơn là Rap.
– Và đó cũng là hướng đi cho sản phẩm âm nhạc sắp tới của chị?
– Sản phẩm tới, tôi hợp tác với hai nhân tố underground là Justa Tee và Hoàng Touliver, bảo là underground (ngầm), chứ bây giờ cũng dần được công nhận rồi, tôi thấy cả Justa Tee và Hoàng Touliver cũng xuất hiện trên truyền hình nhiều. Tôi và Justa Tee có hợp tác với nhau một vài ca khúc, Justa Tee đóng vai trò sản xuất, giống như Will.I.Am vậy, còn Touliver thì như David Guetta.
Tôi nghĩ, tôi có thể khai thác được triệt để hai nhân tố này, Justa Tee là một người viết nhạc R&B khá lâu rồi, Justa Tee có kĩ năng và độ nhạy bén rất tốt. Chỉ một vài sản phẩm mà Justa Tee cho ra đời, tôi đã thấy cực kì chất lượng. Nhìn “chất” của Justa Tee, tôi lại thấy mình tự tin hơn về mức độ thành công.
Có điều thế này, đưa cho tôi một bản nhạc Pop, thì tôi vẫn hát theo kiểu R&B được. Tất nhiên, khi làm việc thì chúng tôi phải hiểu chất của nhau, cái tôi của tôi cũng lớn lắm, nếu không hợp chất, đời nào tôi đã hát. Tôi không biết mọi người như thế nào, chứ cuộc sống của tôi và âm nhạc thì gắn liền với nhau. Tất cả những bài hát của tôi, nếu muốn chín muồi, thì đòi hỏi tôi phải trải qua những thời điểm mà có sự đồng cảm với nội dung đó, thế tôi mới có cảm xúc để hát.
Những hình xăm bé nhỏ của Kimmese
– Mỗi hình xăm của Kimmese thực ra là một lời tâm sự của một cá tính thiện lương nhưng bùng nổ. Bạn có thể phán xét hoặc, lắng nghe…
– “… Hình đầu tiên “Smile now, cry later” này, hồi đó tôi 18 tuổi, sau sinh nhật, tôi hét lên: “Đủ 18 tuổi rồi, phải đi xăm mới được”… Hồi còn trẻ thì tôi có sợ phán xét, đến bây giờ thì cũng tùy. Phải xem người phán xét mình là ai, họ hiểu mình được bao nhiêu, những người mình coi là bạn hay những người có cuộc đối thoại với mình vừa đủ, hay là người ngoài. Tôi tự tin về mình, tôi là người tử tế và sống sót.
Hồi đầu, bố mẹ tôi phản đối lắm, nhưng rồi cũng quen. Có hôm còn khen tôi: “Hình xăm này màu đẹp, con nhỉ?”. Đơn giản lắm, bố mẹ tôi biết tôi là người thế nào nên dần mới có sự thỏa hiệp đó, đó là sở thích của tôi thôi mà. Chúng tôi hiểu nhau, sống cùng một nhà, bố mẹ không hiểu mình thì hiểu ai nữa. Bây giờ thì thoải mái lắm, bố mẹ tôi cũng không quản lý giờ giấc, mà tôi cũng không đi chơi nhiều, tôi giữ mức độ vừa phải.
Còn người ngoài phán xét? Những cái mà người ta đánh đồng tôi, chả chứng minh được cái gì, ngoài sự thiếu hiểu biết và thiếu va chạm. Nhiều người buồn cười lắm, cứ hay nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng lại cứ thích nhìn vào “sơn” mà phán xét, đánh giá, thậm chí, chả chịu tìm hiểu “gỗ” bên trong có tốt hay không. Tôi có hình xăm “Only God can Judge me”, như câu khẩu hiệu cho chính mình…
Vĩnh Khang (thực hiện)
Theo Người đẹp