Đối thoại với Nguyễn Mỹ Linh - Tạp chí Đẹp

Đối thoại với Nguyễn Mỹ Linh

Bộ Sưu Tập
Nhan sắc

Dương Thụ: Đàn bà được gọi là phái đẹp, là nàng thơ của các thi sĩ. Sự xưng tụng này có vẻ như của cánh đàn ông?

Nguyễn Mỹ Linh: Ý anh muốn bảo chỉ của cánh đàn ông hay là của đàn ông cơ? Nếu là chỉ của cánh đàn ông thôi thì cũng phải, vì cái thời người ta nghĩ ra sự xưng tụng đó chưa có thế giới thứ 3, mà chẳng nhẽ đàn bà lại gọi nhau thế?
 
Nhưng nói cho cùng thì phụ nữ cũng đáng được xưng tụng đấy chứ nhỉ? Linh là phụ nữ mà thấy ai đẹp còn phải ngắm nữa là đàn ông, hơn nữa phụ nữ hầu hạ, yêu thương, nâng niu cánh đàn ông các anh thế, chỉ đổi lại được có vài câu thơ, dăm bài hát thôi còn gì. Mà các anh cũng là hoàng tử, là hiệp sĩ trong thi ca của đám phụ nữ đấy thôi, nhỉ?

 Dương Thụ: Đàn ông, bản năng ham sắc. Nên nhan sắc của người đàn bà có một giá trị vô song, nếu họ biết tận dụng. Nhưng nhan sắc cũng có hai mặt, “hồng nhan bạc mệnh” mà, đẹp nhiều khi lại rất khổ. Kiều của cụ Nguyễn Du và các nàng Kiều thời hiện đại là một ví dụ (nhưng trúng Hoa hậu Hoàn vũ chắc là không khổ, “một bước lên tiên”). Sau 1975, tôi có mua được tập thơ “Tôi là một người đàn bà xấu” ở một hiệu sách cũ. Tác giả là một người làm thơ nữ . Một “tuyên ngôn” mới của phái đẹp: họ “cóc cần” nhan sắc.

Tôi rất thích ý nghĩ này. Nó thật hiện đại. Nhan sắc kiều diễm của người đàn bà bắt đầu nhường chỗ cho một vẻ đẹp khác, ít liên quan đến giới tính hơn: sự thông minh trong suy nghĩ, tinh tế trong cảm thụ và trong mọi ứng xử, vẻ rạng rỡ ngời ngời của một gương mặt đầy tự tin bởi sự hiểu biết trên căn bản một văn hóa nền tốt. Vả lại đàn ông thời nay lý trí mạnh hơn, ít bản năng hơn nên suy nghĩ về phái đẹp đã ít nhiều thay đổi. Nói thế thôi, nếu xấu quá thì cũng… gay đấy.

Nguyễn Mỹ Linh: Quá gay ý chứ! Nói chung, cái gì quá đều gay cả anh ạ, thông minh quá, tinh tế quá cũng gay chứ. Dễ cô đơn, dễ tổn thương hơn người bình thường nữa. Nhưng nói thật với anh Thụ, Linh chẳng tin là có người đàn bà nào không cần đến nhan sắc, có thể không cần nhan sắc như một phương tiện để vào đời, để sống thôi. Sở hữu một nhan sắc thích quá rồi còn gì! Vấn đề là người ta ý thức thế nào về vẻ đẹp của mình thôi. Đừng coi thường nó nhưng cũng đừng biến nó thành một giá trị duy nhất của mình.

Riêng cá nhân Linh thì thích những người phụ nữ đẹp vừa phải nhưng có duyên và thông minh. Chính sự sáng láng về đầu óc cũng khiến cho người phụ nữ đẹp hơn, hấp dẫn hơn, như anh Thụ nói đấy. Linh nhớ có một câu chẳng hiểu đọc được ở đâu, nhưng cứ nhớ mãi: làm xao xuyến một trái tim mới khó, chứ làm rồ dại một thân xác thì đơn giản. Đẹp mà… đần thì dễ rơi vào hoàn cảnh thứ hai lắm, mà thế thì buồn!

Mà anh Thụ này, nghe nói anh vừa làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, chắc anh thấy có nhiều cô đẹp lắm phải không

Dương Thụ: Có một thí sinh có gương mặt rất đẹp khi nhìn gần và ít son phấn (nếu bất chợt gặp ngoài đời có khối kẻ ngẩn ngơ đấy, trong đó có thể có tôi) nhưng lên sân khấu lại hóa trang quá đậm và số điểm nhân trắc học hơi thấp (thiếu một chút về chiều cao (1m67) thừa một chút về cân nặng (56kg), thật đáng tiếc). Còn lại phần lớn cũng vừa vừa thôi, những người như thế nếu không tính chiều cao chuẩn (1m70 trở lên) thì ở ngoài đời nhiều người có nhan sắc hơn.

Nguyễn Mỹ Linh: Thế anh không bỏ phiếu chọn ai làm hoa hậu à?

Dương Thụ: Có chứ. Trong 30 thí sinh vẫn có một người khả ái hơn cả, đó chính là thí sinh mà nhiều vị trong ban giám khảo, trong đó có tôi chấm điểm cao nhất. Cô ấy có gương mặt Việt Nam thuần tính, vẻ trong sáng thơ ngây, ứng xử giản dị cảm động, và tài năng nổi bật so với những thí sinh khác. Có lẽ đó là một người khá cân bằng giữa nhan sắc và những phẩm chất khác. Thực ra đây chỉ là hoa hậu của một cuộc thi, ngoài đời bây giờ có nhiều người đẹp lắm, chỉ tiếc họ không dự thi thôi. “Em đi qua tôi, tóc xanh mười tám, ngẩn ngơ quãng đời” những vẻ đẹp ấy đã khiến tôi buồn mãi đấy.

Tài năng

Dương Thụ: Tài năng quý giá nhất thuộc về các lĩnh vực sáng tạo như lập thuyết, phát minh sáng chế trong khoa học và kỹ thuật, như sáng tác trong nghệ thuật và văn học… ở đẳng cấp thế giới thường ít thấy các tên tuổi là nữ giới. Linh thấy thế nào? Có phải là chuyện “giời sinh ra thế” không? 
 

Nguyễn Mỹ Linh: Linh thấy do cả hai, xã hội và tự nhiên. Từ đông chí tây, từ kim chí cổ luôn luôn có sự phân biệt giữa người đàn ông và người đàn bà. Có những công việc mà người đàn ông có thể làm được mà phụ nữ không làm được, không phải do tài năng mà đôi khi từ nhận thức và quan niệm xã hội về hình ảnh của người phụ nữ. Thêm vào đó, phụ nữ cũng bị hạn chế hơn do những ràng buộc trách nhiệm về gia đình. Chẳng thế mà chị em phải đấu tranh đòi quyền bình đẳng!
 
Cũng có một phần do tự nhiên đấy, đầu óc khái quát và sáng tạo của phụ nữ hình như đuối hơn đàn ông thì phải. Riêng Linh thì thấy thế cũng được, cứ để đàn ông làm việc to việc lớn, phụ nữ có sự nghiệp nhỏ xinh hơn một tí cũng được, bù lại thì gia đình ấm cúng, con cái được chăm sóc đầy đủ. Đàn bà nhiều khi cần sự ngưỡng mộ để yêu mà, chẳng nhẽ cứ bon chen với đàn ông thì yêu ai?
Mà anh thích phụ nữ có sự nghiệp to lớn à?
 
Dương Thụ: Kính trọng tất cả những ai có sự nghiệp to lớn, còn thích thì thích những phụ nữ hiền, dịu dàng và tất nhiên nếu thông minh, tinh tế nữa thì còn gì bằng. Tài năng là thiên bẩm. Giời không cho đành chịu. Vì thế các bậc thiên tài rất hiếm. Đối với nữ giới còn hiếm hơn, vì giời có cho nhưng cái nữ tính nó phá. Muốn là thiên tài thì người phụ nữ cũng phải hy sinh phần nữ tính của mình để tập trung cho sáng tạo. Bà Marie Curie, nhà hóa học lỗi lạc không biết nấu súp, đói bụng đã phải ăn cà rốt sống đấy thôi.
 
Nguyễn Mỹ Linh: Nói chung Linh thấy cần phải sống tỉnh táo và cân bằng , nhận diện cho đúng cái gọi là tài năng của mình. Linh cứ thấy đáng thương cho những người phụ nữ hy sinh quá nhiều cho công việc khi mà thực sự họ cũng chỉ là một cái đinh ốc trong một cỗ máy chứ không có tài năng xuất chúng gì, vai trò của họ luôn luôn có thể thay thế. Đã đành rằng làm việc đôi khi là một nhu cầu, là niềm vui nhưng cũng nên cân bằng và chọn lựa cho đúng.
 
Nếu bạn là thiên tài thì rõ ràng phải cống hiến cho nhân loại rồi, nhưng bạn chỉ là một cái đinh ốc thì chẳng dại gì mà hy sinh đi những niềm vui sống của chính bản thân mình và những người thân của mình. Mà nói thật để tự nhận diện mình trong những công việc có tính chất sáng tạo dễ lắm, chỉ tội là đôi khi người ta biết nhưng không dám công nhận và vẫn ảo tưởng thôi.

Sự nghiệp

Dương Thụ: Ở nước ta trong thời buổi “phi thương bất phú”, doanh nhân đuợc xếp lên hàng đầu, các nhà khoa học bị “bỏ quên”, còn dân văn nghệ được xếp hạng “vui chơi giải trí”. Ơè sự hàng đầu ấy có rất nhiều nữ doanh nhân thuộc hạng đại gia, và ngay cả một vài người đàn ông có sự nghiệp lừng lẫy trên thương trường thì sau lưng họ, người giật dây vẫn là đàn bà. Riêng nghề “sinh ra để mua vui” như âm nhạc của bọn tôi thì đang “âm thịnh dương suy”. Chuyện này cũng thú vị đấy.
 
Nguyễn Mỹ Linh: Thì các cụ ngày xưa gọi là nghề con hát mà! Linh quan sát thấy trên thế giới hình như tỉ lệ nữ ca sĩ cũng nhiều hơn thì phải. Cái này chẳng qua là do công nghệ giải trí thôi. Các ông bầu đầu tư cho một nữ ca sĩ vẫn dễ hơn cho một nam ca sĩ. Xinh đẹp một tí, hát tàm tạm là ăn khách, bán đĩa được rồi. Nam ca sĩ có điển trai đến giời mà hát tệ thì cũng khó hơn. Liệu có phải thế không anh Thụ?
 
Dương Thụ: Phải quá đi rồi còn gì. Âu cũng là chuyện muôn thuở thôi, đào bao giờ mà chẳng nhiều, chẳng nổi hơn kép. Nhưng ở những lĩnh vực xưa nay là của nam giới, phái nữ đang lấn sân. Họ đã chứng tỏ rằng mình sinh ra không phải chỉ để cho gia đình, họ có thể tạo ra sự nghiệp chẳng thua kém gì đàn ông. Ở nước ta phụ nữ là chính khách, là những doanh nhân hàng đầu trong các cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc những doanh nghiệp lớn không còn là chuyện hiếm. Trong số đó có những người hội đủ cả ba: nhan sắc, tài năng và sự nghiệp. Tôi chỉ có một băn khoăn những người giỏi như thế thì phần nữ tính của họ ra sao?
 
Nguyễn Mỹ Linh: Anh Thụ đừng lo cho họ, có khi nữ tính không còn là mối quan tâm của họ nữa. Nếu họ tự thấy hài lòng và yên ổn khi sống mà không bận tâm tới cái gọi là nữä tính là họ hạnh phúc rồi. Nhưng Linh thì chắc chắn một điều là họ phải hy sinh nhiều thứ. Vấn đề là sự chọn lựa của mỗi người. Mình chọn để sống thêæ nào thì cuộc đời mình sẽ thành như thế. Vả lại anh vừa bảo là vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ hiện đại bây giờ cũng thay đổi rồi, đâu cần cứ phải khép nép vân vê tà áo mà vẫn có thể đẹp đấy chứ.
 
Dương Thụ: Không khép nép nhưng cũng không nên “chủ động” quá. Là đàn bà thì cũng nên “dựa dẫm” một tý, nhõng nhẽo một tý, phù phiếm một tý để cho người ta thương. Tôi ngờ rằng trong cuộc tranh đấu để giành quyền bình đẳng giới, những phụ nữ thành đạt có nguy cơ đánh mất một phần giới tính của mình. Đó có thể là một bi kịch. Giàu có, quyền lực nhưng rất khó có được tình yêu. Bởi sự hấp dẫn thật sự của người đàn bà nằm ở giới tính. Thông minh, giỏi giang, thành đạt nhưng tính đàn ông thì chán lắm.
 
Nguyễn Mỹ Linh: Linh cũng đồng ý với anh Thụ, vì bản thân cũng thích nhõng nhẽo, dựa dẫm, cũng thích nấu cơm hơn là họp chi bộ, nhưng Linh nghĩ một người đàn bà giỏi giang đâu nhất thiết là phải có tính đàn ông? Linh thấy đa số phụ nữ thành đạt, nhất là trong kinh doanh và nghệ thuật, đều là những người biết sử dụng nữ tính của họ một cách đúng lúc và có tính tích cực đấy chứ. Linh thấy bi kịch không nằm trong việc họ thành đạt hay không, mà nằm ở việc người đàn ông của họ thế nào, nhìn nhận về họ ra sao.
 
Cũng có những người phụ nữ nhiều nữ tính nhưng vẫn bất hạnh mà. Nói thế thì lại quay về sự chọn lựa của mỗi người rồi. Bạn là ai thì hãy chọn cho mình một người tương ứng, như thế thì đỡ rủi ro hơn. Cũng giống như bạn phải biết ưu khuyết của cơ thể thì mới biết làm cho mình đẹp ý mà. Linh nhớ là ngày xưa gặp anh Thụ ngoài đường, mặc một chiếc T- shirt màu đỏ rất đẹp, nổi bật khi xung quanh toàn màu xám xám, chắc anh cũng phải biết mình cao lớn, sáng sủa đẹp trai thì mới dám liều lĩnh thế chứ, nhỉ.
 
Dương Thụ: Ồ, Linh thuộc phái “nịnh đẹp” rồi. Tôi có gì mặc nấy, nào có lựa chọn gì đâu. Nữ giới bây giờ tính toán dữ thật. Sự lựa chọn do con tim mách bảo, rất khác với sự lựa chọn của đầu óc đấy.
 
Nguyễn Mỹ Linh: Ơ, thế ai bảo anh là con tim không có sự chọn lựa nào? Một cách vô thức thôi. Linh không tin là con tim anh Thụ sẽ rung lên bần bật với một tiểu thư hễ cứ ngồi xuống là nói xấu người khác hoặc nghe nhạc Dương Thụ mà nhảy hip hop đâu. Nếu được lựa chọn người đẹp thì anh lựa chọn theo kiểu nào (lý trí hay con tim mách bảo), chuẩn nào (nhan sắc hay tài năng, sự nghiệp).
 
Dương Thụ: Tôi đã hết quyền lựa chọn rồi. Nhưng giá có quyền được lựa chọn một lần nữa thì tôi cũng từ chối luôn. Cái gì đến nó sẽ phải đến. Người tính không bằng trời tính.

Dương Thụ – Ảnh: Na Sơn

Thực hiện: depweb

08/07/2008, 17:02