Đối thoại với Lê Hoàng - Tạp chí Đẹp

Đối thoại với Lê Hoàng

Bộ Sưu Tập

1. Kiếm sống, làm nghề và làm nghệ thuật

Dương Thụ:
Đây là một chuyện khó mỗi khi cần phải tách bạch. Ngày xưa thời bao cấp, mọi thứ đều được phân phối, nhu cầu cầu vật chất ở mức tối thiểu, chúng ta chi tiêu đâu có nhiều nhặn gì. Lương cán bộ là tạm đủ, khỏi phải đau đầu chuyện kiếm sống. Người như Lê Hoàng thì chỉ nghĩ đến chuyện làm nghề, làm nghệ thuật, rảnh rỗi thì đọc sách nghe nhạc làm thơ hoặc ngồi tán gẫu trong mấy quán cà phê có cô chủ xinh xinh, có phải thế không ạ?

Bây giờ kinh tế thị trường, có trăm thứ phải tiêu, cái gì đụng đến cũng phải tiền, mà giá cả lại leo thang theo cấp số nhân còn lương chỉ tăng theo cấp số cộng, thành thử lương chỉ là thứ phụ cấp để ông trả tiền xăng chạy xe, tiền thuê bao điện thoại di động, tiền điện thoại bàn, ADSL, truyền hình cáp, tiền điện, nước v.v. Nếu tính cả chuyện thuê ô sin và chi phí cho chiếc xe Ford Escape của ông thì thiếu to. Ông là đạo diễn hạng sao chắc kiếm được nhiều tiền hơn các đạo diễn khác, nhưng liệu làm nghề đạo diễn có đủ sống, hay phải nghĩ cách kiếm sống bằng nghề khác để làm nghệ thuật cho nó đàng hoàng? Nghe nói “nhà báo” Lê Thị Liên Hoan kiếm được vài chục triệu tiền nhuận bút mỗi tháng, ông viết nhiều như thế vì thích hay đơn giản chỉ vì kiếm sống?

Lê Hoàng:
Đúng là ngày xưa có ít nghĩ đến tiền hơn. Đơn giản là vì biết trước rằng nghĩ cũng… không ra. Phải đến mấy chục năm, tôi tuyệt vọng với khả năng kiếm tiền của mình cũng chả có thời gian rảnh rỗi là đọc sách nghe nhạc gì đâu. Sao mà anh Thụ làm cho tôi… sang thế. Gần như tất cả thời gian khi còn trẻ, tôi đều suy nghĩ về… ăn. Bởi lúc nào tôi cũng đói, không đói cơm thì đói thịt, không đói thịt thì đói… nước giải khát. Ăn là nỗi ám ảnh đến mức nhìn bất cứ con vật gì, ví dụ như chim bồ câu hay chim sẻ cũng tự hỏi có ăn được không.

Thiên hạ cứ tin Lê Thị Liên Hoan viết báo kiếm vài chục triệu. Nhỡ thuế nghe được thì nguy to và oan to. Cứ thử nghĩ đi anh Thụ, nhuận bút báo Đẹp này chẳng hạn, mấy năm rồi giữ nguyên một chỗ trong khi xăng và gạo, xi măng lên vù vù. Chắc các ông trong ban biên tập nghĩ cái Đẹp không liên quan tới những cái đó?

Nghề đạo diễn ở nước ta nếu chỉ làm phim nhựa thì chưa chết là may. Mấy năm mới làm một phim, mỗi phim vài chục triệu nhuận bút thì có ra nước ngoài cũng phải thập thò. Tôi không dám thuê ôsin vì tôi quá đẹp trai. Nhỡ ôsin có ý đồ gì thì chết đời trai… trẻ.

Dương Thụ:
“Gần như tất cả thời gian khi còn trẻ (ông) đều suy nghĩ về… ăn”, mà sau này vẫn trở thành nhà biên kịch, đạo diễn nổi tiếng; Còn nghề tay trái là viết báo thì tiền nhuận bút “hẻo”, nghề chính là đạo diễn thì “mấy năm mới làm một phim, mỗi phim vài chục triệu nhuận bút” nghĩa là chủ yếu sống bằng đồng lương cán bộ mà vẫn đủ tiền để mua xe hơi hạng sang và thuê tài xế cho riêng mình, nếu đúng là như thế Lê Hoàng quả là một siêu nhân.

Nhưng mình biết ông đùa bỡn, Lê Thị Liên Hoan mà. Người đời vẫn nghĩ người làm văn nghệ như chúng ta ăn thơ ca nhạc họa, ngủ thơ ca nhạc họa, cầm tay đàn bà cũng thơ ca nhạc họa, còn miếng cơm manh áo, chuyện vật chất là những thứ tầm thường, mà đâu chỉ người đời, cả mấy bác “đại nghệ sĩ” cũng nghĩ thế cho nên kiếm sống các bác gọi là làm ăn. “Thằng cha ấy làm ăn ấy mà”, cách đây hơn hai chục năm gì đó, một thi sĩ đã hất hàm về phía mình, nói nhỏ với cồ bồ, khi biết Dương Thụ kiếm sống hàng đêm ở tụ điểm ca nhạc Quận 10. Anh ta nói cũng chả sai.

Đâu có được như Hoàng, mình vất vả tự lập từ khi còn là học sinh phổ thông, việc đọc sách, nghe nhạc, xem phim, xem kịch đều phải tranh thủ vì làm gì có thì giờ nhàn rỗi, phải cố không phải để cho sang trọng mà là để học, để làm nghề. Bây giờ ngoài sáu mươi tuổi vẫn mặc cảm về sự thiếu kiến thức, vẫn sợ bị tụt hậu, nhưng không còn cố được như vài chục năm trước. Sức khỏe và trí nhớ kém thành thử đọc, nghe, xem đều kém nên thấy ai hiểu biết hơn mình, giỏi hơn mình thì phục lăn chứ không còn sự hăng máu ganh đua. Tuy vậy, vì vẫn còn phải làm nghề, việc đọc sách nghe nhạc, xem phim (để học, thưởng thức cái hay chứ không phải để giải trí) chắc cũng giống ông thôi, chưa thể bỏ được.

Kiếm sống, làm nghề, làm nghệ thuật chung qui cũng là để sống, là được sống. Sản phẩm nghệ thuật được tạo thành là từ chữ sống này. Dĩ nhiên có nghệ thuật “hàn lâm”, nghệ thuật “sa lông”, sinh ra trong các phòng đọc, phòng khách và quán cà phê, chúng chẳng dính gì đến chuyện kiếm sống, rất “cao siêu” rất “vị nghệ thuật”, nhưng đấy là một câu chuyện khác…

2. Quan hệ với phái đẹp

Dương Thụ:
Phái đẹp không theo cách hiểu mà ông Lưu Công Nhân lúc sinh thời đã tuyên bố hùng hồn trong một cuộc thi sắc đẹp: “Các cậu buồn cười, phàm là đàn bà thì ai cũng đẹp hết!”. Phái đẹp ở đây hiểu theo nghĩa đen: là đàn bà trong giới diễn viên sân khấu và điện ảnh, diễn viên múa, ca sĩ, hoa hậu và người mẫu, những người đẹp đã được tuyển chọn. Mình và ông vì những lý do nghề nghiệp nên thường xuyên làm việc và tiếp xúc với họ. Ai mà chẳng mê người đẹp, nhất là với những kẻ đa tình. Mà người làm văn nghệ ai lại chẳng đa tình. Nghe nói Lê Hoàng là người đứng đắn, chẳng “lẳng lơ” với ai bao giờ , nhưng mình vẫn cứ nghi nghi. Các cụ nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, bọn họ là lửa, bọn ta là rơm nếu không bén chắc ta phải là rơm-i-nốc.

Lê Hoàng:
Tôi cũng nghe đồn…. tôi là người đứng đắn. Rất cám ơn anh nếu tin đồn đó do anh lan truyền.

Như anh đã nói, muốn có bồ thì phải có lửa và có rơm. Tôi chả rõ mình là lửa hay rơm, hoặc là tro tàn. Nhưng tôi chắc chắn mình là người, mặc dù chả phải là người đứng đắn lắm.

Dương Thụ:

Xin lỗi ông khi dùng chữ “bọn ta”, tôi thôi, tôi là rơm thật ông ạ (nhưng là một bó nhỏ thôi). Người đẹp nào mà chẳng là lửa. Khi còn sống độc thân (nghĩa là sống ba không: không vợ, không người yêu, không bồ bịch) mỗi khi đi dàn dựng ở đoàn văn công hoặc làm dự án nghệ thuật, rất dễ “phải lòng” một cô xinh đẹp nào đó (thường là diễn viên kịch, diễn viên múa và cũng có khi là ca sĩ). Sóng sánh một chút, vẩn vơ một chút, bó rơm nhỏ có bén lửa nhưng cháy nhanh, chóng tàn. Gọi là một chút lãng mạn nhưng chưa phải là tình yêu vì thế mình luôn được coi là một người đứng đắn. Nguyễn Cường đã nhận xét không ngần ngại: “Thằng Thụ có yêu ai bao giờ”. Nói thế cũng hơi quá phải không.

Lê Hoàng:

Tất cả những chàng yêu nhiều liền bị nghi là không yêu ai. Nhưng tôi biết nhiều ông yêu ít cũng chả yêu ai.

Dân nghệ thuật hay gần mấy cô xinh đẹp. Thật ra dân đại gia giàu có còn gần nhiều hơn, nhưng kín đáo hơn. Bảo như vậy là lửa gần rơm thì… oan cho rơm (trong trường hợp này rơm là tôi, là anh Thụ). Bởi trong thực tế, rất nhiều khi rơm tự bốc cháy hoặc phát lửa do người ta đốt khói diệt chuột chứ chả phải do cô nào yêu.

Nếu lên danh sách, rõ ràng anh Thụ yêu nhiều hơn tôi. Vì anh đẹp trai hơn là chắc chắn, chưa kể to cao hơn và… giàu hơn (nghe đồn rằng đất nhà anh cực rộng). Tôi nghĩ việc yêu của anh có khả năng chưa… khóa sổ. Đấy là một tin mừng cho âm nhạc và cho văn hóa.

3. Đời thường của người làm văn nghệ

Dương Thụ:
Dân văn nghệ, người đời gọi là nghệ sĩ. Mà đã là nghệ sĩ hiển nhiên phải khác thường, khác thường từ tính khí, cung cách nói năng cho đến chuyện tóc tai, ăn mặc. Sống lơ mơ trong các chuyện đời thường, đãng trí nặng “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một tên đường” (thơ Phan Vũ). Nghệ sĩ Lê Hoàng, ông có thế không?

Lê Hoàng:
Tôi khác thường một cách… bất thường. Tôi không biết vi tính, không biết nhắn tin điện thoại, không ký được hai chữ ký giống nhau. Nhưng những thứ khác ấy xem ra chả vĩ đại gì. Tôi không có khả năng nhìn xuyên qua tường hay tính nhẩm được vài trăm con số. Còn trong tất cả các lĩnh vực khác, tôi đạt đến mức độ… tầm thường:

Tôi thích ăn ngon, thích mặc đẹp và thích xem thi hoa hậu nhất là tiết mục thi áo tắm.
Tôi nhớ tất cả các tên đường, chỉ không nhớ cách tìm ra chúng. Tôi ít đi lang thang, vì muốn lang thang phải có vẻ ngoài lãng tử, còn tôi có vẻ ngoài giống hệt… anh thu tiền điện. Tôi, như Nam Cao nói trong tác phẩm “Sống mòn” giống ông giáo khổ trường tư. Tôi mặc không có gu, ăn không có món và để tóc không có bản sắc. Tôi quê mùa.

Dương Thụ:
Tự diễu mình được như thế, duyên thế thì chỉ có nghệ sĩ. Còn thời buổi kỹ thuật cao mà Hoàng tuyên bố sự ba không của mình thì cũng “nghệ ” nốt. Mình là người làm nghề nhạc nghĩa là cũng có dính đến nghệ thuật, nhưng không dám có gan nổi máu nghệ sĩ để ba không như ông. Sống với các bạn trẻ mà mù vi tính thì coi như sang Tây mù tiếng Anh. Hoạt động nghệ thuật bây giờ cần phải có ê kíp, không thể đơn thương độc mã như ngày xưa được. Mà ê kíp của mình thì chẳng có ai già cả. Già, dốt nát về kỹ thuật, lại không thể nhớ được các con số trừ số điện thoại của vợ, thế nên phải cố, cố tới mức khi điện thoại di động xuất hiện ở Việt Nam mình đã “nghiến răng” mua chiếc Motorola cục gạch đầu tiên, rồi lần lượt cũng bắt chước các ông bạn trẻ, “nghiến răng” mua những phương tiện làm việc khác. Tuy chỉ là lẽo đẽo theo sau họ nhưng dù sao cũng chưa bị bỏ rơi. Riêng bản thân nhờ thế sống và làm việc có hiệu qủa hơn (so với mình thôi).

Còn chuyện mà ông tự cho mình là bình thường tới mức tầm thường (thích ăn ngon mặc đẹp) thì không hẳn. Cái gọi là ngon, là đẹp của dân “nghệ” nó cũng khác thường lắm. Ông cứ thử hỏi một ông bạn họa sĩ “hậu hiện đại” mà xem.

Lê Hoàng:
Thú thực tôi chỉ quen mấy ông họa sĩ làm phim. Họ không vẽ tranh. Sở trường của họ là dựng cảnh phim. Mà phim của ta, chắc anh Thụ thừa biết, làm gì có hiện đại, nên cũng không có “hậu hiện đại” nốt.

Nếu tôi có cách gì khác thường (mà tôi cũng mong thế lắm) thì chỉ ở vài chỗ sau:
1. Tôi ăn rất nhanh. Khi tôi vào tiệm phở, ăn xong gọi trả tiền, thường thiên hạ ngơ ngác không tin vì vừa mới bưng ra cơ mà. Rất ít khi bữa cơm quá năm phút. Nếu tôi ăn tiền của nhà nước cấp làm phim, chắc chả ai kịp nhận ra!
2. Tôi hay quên mặt người. Tôi có thể không nhận ra ai đó dù đã vài lần ngồi với họ. Đến mức có người đã bảo tôi là khinh thiên hạ, không chào hỏi người ta. Sẽ có ngày, tôi nhầm anh Thụ với một tài tử Mỹ cũng nên..
3. Tôi đọc rất nhanh. Chỉ liếc vào phim là tôi nắm được phụ đề. Nếu tôi có bị ra tòa, tôi chỉ năm giây là đọc xong cáo trạng của mình.
4. Tôi cười rất… gian. Thiên hạ bảo tôi cười kiểu đáng ngờ, cười… đểu và tôi đành chịu, mặc dù đó là cười thân mật, hậu quả là khi tôi muốn cười đểu, họ lại bảo là cười…van xin.
5. Tôi nói năng chẳng kiêng dè ai. Tôi ngày nào cũng vô tình hoặc cố tình xúc phạm một người nào đó. Tôi lạ là mình chưa bị đánh.

Dương Thụ:
Cho nên Lê Hoàng không nghệ sĩ như người ta thường hình dung, ít nhất là ở vẻ bề ngoài. Có phải thế không ạ. Ai muốn làm nghệ sĩ không nên bắt chước Lê Hoàng. Vậy thì bắt chước ai? Nếu 9 giờ sáng bạn tới cà phê High lands Đồng Khởi, hãy liếc qua dãy bàn ngoài vỉa hè ở đấy sẽ tìm thấy câu trả lời. Bởi nghệ sĩ là vấn đề râu tóc (tóc dài hoặc cạo trọc nhưng để râu), quần áo (thời trang nghệ sĩ hơi có chất “hành khất” hoặc đồng cô), thần thái (ngồi đấy mà như đang ở một nơi xa xăm)v.v. Vì không có những đặc điểm ngoại hạng như thế, mình đã từng bị một ông bạn dưới tổng kho Long Bình (người khoe rằng đã từng hầu rượu ca sĩ Duy Khánh) trong cơn say đã đưa ra một nhận xét chắc như đinh đóng cột: “Thôi cứ coi anh là một nhạc sĩ đi, nếu vậy bài hát anh viết ra chắc cũng… dở ẹc”. Cái mã nghệ sĩ nó quan trọng như thế đấy!

Mình cũng quen biết một vài người trong giới văn nghệ, các anh ấy là những bậc thầy trong sáng tạo, nhưng đời thường họ là những người rất bình dị. Nghệ sĩ không phải ở cái “tạng nghệ sĩ”, cái mã bên ngoài mà là ở tâm hồn, ở sự say mê hứng khởi và cái đặc chất sáng tạo khi làm nghệ thuật, còn lại họ cũng như tất cả mọi người. Và nếu không được như vậy, họ cũng cố hướng tới và tìm mọi cách sống như một người bình thường.   

 

 Dương Thụ

 Ảnh: Hiệp Văn

Thực hiện: depweb

07/06/2008, 12:49