Đối thoại thế hệ: Còn hơn là không bao giờ - Tạp chí Đẹp

Đối thoại thế hệ: Còn hơn là không bao giờ

Giải Trí

Khi nhà thơ Boris Kornilow viết: “Và tất cả đổi thay rồi, và em nay cũng khác/ Em hát khác xưa rồi và khóc cũng khác xưa”, Olga Berggoltz đã đáp lại rằng: “Lũ trẻ lớn lên, giờ lại tiếp theo ta/ Lại nhắp vị ngọt ngào thuở trước/ Vẫn sông Neva bóng chiều, sóng nước/ Nhưng nghĩ cho cùng, họ có lỗi đâu anh” – Dường như cả hai đều nhận ra quy luật không thể kháng cự của sự đổi thay. Bởi thế, “nghĩ cho cùng, bọn trẻ không giống mình cũng đâu phải lỗi của họ” – nói như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Vậy cớ gì không lắng nghe nhau, để cho những cuộc đối thoại, “dù không tìm được tiếng nói chung, vẫn còn hơn không bao giờ đối thoại”?

Thành ra, trong suốt gần 10 tháng qua, hai thế hệ, một già, một trẻ cứ đối nhau chan chát trên một chương trình có tên gọi: Giai điệu tự hào, phát sóng mỗi cuối tháng trên VTV1.

Hai thế hệ, một ông (NSND Trung Kiên), một cháu (Thiện Thanh – cháu nội NSND Trung Kiên) trên sân khấu Giai điệu tự hào.

Giai điệu tự hào được kỳ vọng như cuộc “kiểm kê” lại những niềm tự hào của nền âm nhạc. Điều đặc biệt của chương trình còn ở phần bình luận của các vị khách mời thuộc hai thế hệ đối lập. “Hội đồng già” là những khách mời có trải nghiệm, đời sống, ký ức… đồng hành cùng thời điểm lịch sử mà tác phẩm phản ánh; “Hội đồng trẻ” là lứa người hoàn toàn thuộc về đời sống ngày hôm nay, không vướng mắc quá khứ. Nhưng khi họ ngồi đối đáp nhau đôm đốp, thì âm nhạc chỉ là cái cớ, là cánh cửa để dẫn đến những câu chuyện khác: có thể là một ký ức riêng tư (nhưng lại trùng với ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam trong cùng khoảnh khắc lịch sử ấy), có thể là một quan điểm về xã hội và văn hóa, có thể là việc lật ngược lại để soi chiếu những hệ thống chuẩn mực tưởng như đã được định hình vĩnh viễn. 

Bởi thế, phần bình luận có lúc xúc động, tự hào; có lúc lại đau xót, hoang mang; có lúc “quạt vào mặt nhau” đến mất mặn mất nhạt. Tại hiện trường, Trẻ và Già sẵn sàng chia phe đối đầu rõ ràng. Bình luận phản biện có lúc rát như “ném dép” vào nhau, Già mắng: “Các cậu ngu dốt và không biết tôn trọng quá khứ”, Trẻ thẳng thừng: “Những giá trị các bác tôn thờ đã lỗi thời rồi! Khẩu hiệu, hô hào, cổ động… không phải thứ phẩm giá hôm nay chúng tôi tôn thờ.”

Còn nhớ, số tháng 3 (chủ đề “Tình ca Tuổi trẻ”), họa sĩ Đinh Công Đạt có nhận xét: “Phong trào Thanh niên Xung phong là một phong trào ngu dốt” (khi chương trình phát sóng, câu này bị cắt). Ý anh Đạt trong ngữ cảnh lúc ấy, từ “ngu dốt” để diễn đạt nỗi đau xót và thương cảm của anh về một thế hệ thanh niên bị lãng quên, bị thiệt thòi sau khi họ đã cống hiến cả thanh xuân cho đất nước. Khỏi phải nói, giận dữ trút lên Đinh Công Đạt sau đó. Những khán giả lớn tuổi chỉ bám vào từ “ngu dốt” mà Đạt “bon mồm” nói ra để kết tội anh là bạc bẽo, vô ơn… Không ai bình tĩnh nhận ra sự thật và tình cảm phía sau lời bình luận đó. Những trao đổi rời xa hẳn khung cảnh tác phẩm, đôi khi trở thành đôi co “ông ném qua, bà ném lại” như thế – người xem gặp rất nhiều ở Giai điệu tự hào..

Và dường như, trước khi ngồi lên hai hàng ghế ấy, thì đôi bên đã có sẵn định kiến trong đầu: kệ cho trên sân khấu hát gì, thì họ cũng đối lập và không chấp nhận nhau. Trẻ thì sốt ruột vì Già lề mề ôn lại quá khứ hào hùng (biết rồi khổ lắm nói mãi), ngày xưa vất vả khó khăn nhưng sao lý tưởng và tươi đẹp (giờ nào rồi mà còn chưa tỉnh?). Già sốc óc vì Trẻ phát ngôn tự cao tự đại, động đâu cũng vác ra chính kiến với cái tôi đã ngang phè phè lại còn tinh tướng.

Ca sĩ Cẩm Vân trên sân khấu Giai điệu tự hào

Năm số đầu tiên của Giai điệu tự hào ghi hình ở trường quay Xuân La – Hà Nội, buổi nào cũng có một tốp khán giả đặc biệt đến giám sát. Đó là những thành viên của baicadicungnamthang.net (trang chia sẻ  âm nhạc của những người yêu ca khúc cách mạng) đi nghe với tinh thần bắt lỗi, “Xem Quốc Trung phỉ báng những GĐTH như thế nào”. Chương trình Giai điệu tự hào muốn nói gì là topic rôm rả nhất của site chia sẻ nhạc đỏ này. 26 trang với hàng trăm bình luận, toàn chê! Nào là “Trẻ tất nhiên kiến thức còn hời hợt, nông cạn, nhưng nhiều người trong số đó lại rất tự cao, tự đại, không chịu học hỏi, suy ngẫm, mà chỉ thích tùy tiện phủ nhận thành quả của người đi trước, để khoe khoang”. Nào là “… Đừng cố gắng hát những bài ca đi cùng năm tháng của chúng tôi, vì thực tình, các bạn không biết hát những bài ấy đâu. Bởi vì các bạn hát cho chuẩn đã là khó, các bạn còn phá cách nữa thì chỉ nhanh chóng làm hỏng bài hát thôi”. Nào là “… bôi tro trát trấu vào âm nhạc Việt Nam, phá giai điệu”…

“Chúng ta phải tôn trọng và ủng hộ sự khác biệt trong đời sống. Khi chúng ta mưu cầu sự giống nhau, có nghĩa chúng ta mưu cầu một cuộc sống không chuyển động.”
Không chấp nhận điều khác mình, không chấp nhận điều khác thói quen và thẩm mỹ của mình – sẽ đồng nghĩa đóng cánh cửa của cơ hội sáng tạo và cái mới. Sau rốt, không còn chỉ là bình luận về âm nhạc. Mà là thái độ, là ứng xử với thế hệ khác mình. “Tre già măng mọc”, tre không nhường đất, không chấp nhận măng, thì măng sao nhú được. Măng chỉ hung hăng đâm lên lấy được, không đếm xỉa đến những giằng níu và nền tảng vững chắc của cả lũy tre, liệu cái non nớt của măng có trụ được với gió bão của đời hay không?
Lắng nghe nhau còn khó, thì nói gì đến đồng hành? Lẽ nào di sản tinh thần để trao truyền qua các thế hệ sẽ là thói quen phủ định nhau: “Trẻ ư – còn xanh lắm!”; “Già, chỉ là thứ lỗi thời mà thôi!”.

Trò chuyện cùng hai “bình luận viên” của Giai điệu tự hào

– Một Già, một Trẻ

– Quý vị chia sẻ thế nào về những quan điểm xung đột giữa hai thế hệ, trong ứng xử với nghệ thuật ở ta hiện nay?

– PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái:   Những cuộc đối thoại giữa hai thế hệ trong GĐTH thường rất căng thẳng, nhưng tôi cũng buộc phải thấy rằng, đây là hình thức mới mẻ. Ở đó, mọi người đều được trình bày các quan điểm cá nhân, từ đó đi tìm tiếng nói chung thông qua một chương trình tôn vinh các ca khúc có giá trị, ghi được dấu ấn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Vậy phải hiểu biết bài hát đó mới có thể đánh giá đúng, mới có sơ sở để đối thoại. Và chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, không phải lúc nào anh cũng nhận xét được một tác phẩm nghệ thuật.
Chọn đối thoại và dám công khai những tiếng nói khác biệt, đó là một “đặc sản” của GĐTH. Còn việc có tìm được tiếng nói chung hay không, điều đó theo tôi không đáng lo. Bởi tôi vẫn tin rằng, tiếng nói chung ấy nếu không tìm được ở trong không gian này, thì sẽ tìm được ở một nơi khác. Chúng ta cứ đối thoại đi, dù không tìm ra điểm chung, vẫn hơn không bao giờ đối thoại. 

PGS TS. Nguyễn Thị Minh Thái (áo dài vàng, ngoài cùng bên phải) trên ghế bình luận của chương trình Giai điệu tự hào

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng:  Khi hai thế hệ cùng nhìn về một điểm, có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Bởi ngay cả cùng thế hệ, chưa chắc họ đã chấp nhận những khác biệt của nhau. Chúng ta phải tôn trọng và ủng hộ sự khác biệt trong đời sống. Khi chúng ta mưu cầu sự giống nhau, có nghĩa chúng ta mưu cầu một cuộc sống không chuyển động.

Việc không lắng nghe nhau giữa hai thế hệ, theo quý vị có thể giải quyết bằng cách nào?

– PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái: Đối thoại chắc chắn có xung đột, nhưng chúng ta phải tìm cách hòa hoãn với nhau, theo từng thời điểm. Mỗi người có đôi mắt để tiến về phía trước, nhưng sau gáy chúng ta vẫn còn một con mắt nữa, con mắt ấy thậm chí tinh tường hơn. Nên, người trẻ muốn đi lên phía trước phải biết ngoái nhìn lại phía sau và không bao giờ được đẩy quá khứ ra khỏi sự phát triển của hiện tại. Còn người già hãy bớt bảo thủ và biết lắng nghe hơn.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng: Trong cuộc sống, có người thích trà, người thích cà phê là điều đương nhiên. Nhưng là người hưởng thụ, chúng ta không phủ nhận đã có người pha cà phê cho mình uống. 

Có không, việc Già luôn có ý phủ nhận Trẻ, như đa số người trẻ thường nghĩ  thế?

– PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi nghĩ đây là câu hỏi không có cơ sở. Ai có thể phủ nhận được con mình? Muốn giải quyết bi kịch phát triển, cách hành xử tốt nhất là phải tạo ra sự đối thoại giữa các thế hệ. Sự phát triển phải từ thế hệ này đến thế hệ kia, vì con người ai mà chẳng già đi, cũng như ai mà chẳng từng đi qua tuổi trẻ… 
MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng: Khi được mời ngồi ghế bình luận của “hội đồng Trẻ” trong GĐTH, chúng tôi được quyền nói lên những suy nghĩ thật của mình về những ca khúc đi cùng năm tháng và tương tự, “Hội đồng Già” cũng vậy. Khi hai thế hệ đều nói thật với nhau, dù có làm bầu không khí nóng lên theo chiều hướng nào, thì tôi vẫn nghĩ tốt hơn là cố gắng giữ sự dung hòa, vì đó là nói dối và khi ấy mới đáng lo. Nói thật đã là mừng! Tuy nhiên, dù xung đột quan điểm đến đâu, tôi nghĩ người trẻ cũng nên giữ sự tôn trọng nhất định trước người già trong từng phát ngôn của họ trên sóng truyền hình quốc gia.

Bài: Thục Khôi
                                                                                 

   Bài: Quỳnh Tun

logo

Thực hiện: depweb

10/12/2014, 13:00