Đối thoại: Nhà báo Đinh Thu Hiền – Tiến Sĩ Đặng Hoàng Giang: Thay vì giận dữ, hãy học cách bảo vệ con mình

TS Đặng Hoàng Giang: Chào Hiền, những thông tin cuối cùng mà tôi biết được cho thấy nghi án (vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu – PV) mà bạn đang theo đuổi đã có tín hiệu khả quan. Mạng xã hội trong trường hợp này có đóng góp không nhỏ, đúng không?

Nhà báo Đinh Thu Hiền: Cá nhân tôi rất biết ơn các facebooker. Mạng xã hội đã mang lại cho tôi nhiều người bạn, dù chúng tôi chưa bao giờ biết mặt nhau ngoài đời. Họ giúp đỡ tôi âm thầm, không rầm rộ, nhưng vô cùng hiệu quả.

dang-hoang-giang2a

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ xã hội cần khuyến khích nạn nhân lên tiếng, họ không thể lẩn trốn mãi trong quá khứ. Rất may, sau khi MC Phan Anh can đảm lên tiếng “tôi là người bị hại”, như một cú hích, nhiều tin nhắn gửi về chia sẻ những trường hợp tương tự, điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng. Nhiều người đã có thể giải tỏa sự ô uế, sự kì thị gắn nhãn lên nạn nhân bấy lâu. Nhưng cơn bão mạng xã hội không dừng lại ở đó.

Nhà báo Đinh Thu Hiền: Bất cứ điều gì quá lên cũng chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng đâu có viên ngọc nào lại không có vết xước! Nhờ cộng đồng mạng, nhiều vụ việc, trong đó có hai vụ án điển hình ở Vũng Tàu và Hoàng Mai đã có tiếng nói nhất định đối với các cơ quan chức năng.

TS Đặng Hoàng Giang: Mạng xã hội có tác dụng tích cực khi các cá nhân riêng lẻ cùng lên tiếng yêu cầu công lý, gây sức ép khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nhưng ngược lại, mặt trái của mạng xã hội lại lộ rõ khi cư dân mạng trở nên hung hăng, lăng nhục những người khác quan điểm với mình, chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của người khác. Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều chuyện như vậy trước đây.

Quan tòa không thể bị tác động bởi bất cứ ai, dù là chính quyền hay bởi cái gọi là dư luận.

Nhà báo Đinh Thu Hiền: Nói tới cơn giận dữ của đám đông, tôi nhớ tới hình ảnh người phụ nữ ngoại tình ở một quốc gia Trung Đông đã bị ném đá tới chết. Sự giận dữ của một nhóm người được kích thích thành cơn hưng phấn và lan nhanh như dịch bệnh. Ví dụ, có nhiều bài báo đưa số liệu cứ 10 bé gái thì có 8 bé bị xâm hại tình dục, tôi tự hỏi con số ấy ở đâu ra? Trong khi con số Liên hợp quốc đưa ra là ở Việt Nam cứ 8 tiếng lại có 1 đứa trẻ bị xâm hại. Các bài báo như vậy góp phần thổi bùng cơn giận dữ của đám đông.

TS Đặng Hoàng Giang: Việc đưa ra các con số đó gây hoang mang trong xã hội. Nhìn chung, số liệu giữa các quốc gia Châu Âu và Châu Á khá tương đồng. Khoảng 20% bé gái, và 8 – 10% bé trai từng bị xâm hại tình dục. Tôi không nghĩ ở Việt Nam con số này nhiều hơn thế. Truyền thông đánh vào con số ấy để câu view thì không ổn.

Lịch sử ghi nhận, quá trình thiết lập công lý là quá trình nhà nước lấy chức năng trừng phạt hành vi phạm chuẩn ra khỏi tay các cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xã hay tập hợp cá nhân nào đó. Do vậy, chủ nghĩa tự xử của người dân luôn được hun đúc bởi mong muốn trả thù. Một trong những tác hại của luật rừng và của chủ nghĩa tự xử mang tính báo thù là nghi can bị cộng đồng kết án thay cho tòa án. Đó không phải là công lý.

nha-bao-dinh-thu-hien2a
Nhà báo Đinh Thu Hiền

Nhà báo Đinh Thu Hiền: Điều này làm tôi nhớ đến câu nói hài hước mà dân mạng thường dùng: “Công lý chỉ là diễn viên hài”. Việc đưa các thông tin của nghi phạm khi chưa bị pháp luật kết án, là cách che giấu đi sự bất lực và yếu đuối. Hành động này đôi khi là sự thiếu hiểu biết, hoặc mong muốn thu hút sự chú ý, câu view trong nhận thức hạn hẹp.

TS Đặng Hoàng Giang: Quan tòa không thể bị tác động bởi bất cứ ai, dù là chính quyền hay bởi cái gọi là dư luận.

Nhà báo Đinh Thu Hiền: Những người cầm cân nảy mực, họ cần biết phải làm điều gì cho đúng với lương tâm nghề nghiệp. Đám đông ôn hòa cũng đã lắm chuyện rồi, huống chi là cuồng nộ. Công lý không bao giờ thỏa hiệp với sự ép buộc.

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ, mỗi cá nhân, thay vì giận dữ, hãy học cách bảo vệ con mình, hướng dẫn chúng để phát hiện mối nguy, tạo dựng niềm tin với trẻ để chúng chia sẻ, tìm hiểu về luật pháp, về sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn pháp lý và tâm lý.

Mặt khác, quan trọng không kém, xã hội cần bỏ qua những phán xét đạo đức, mất màng trinh là mất tương lai, bị xâm hại tình dục là trở thành phế phẩm. Chính quyền nên xây dựng một hệ thống
luật pháp hiện đại, các cơ quan hành pháp hoạt động hiệu quả, và không
tham nhũng.

Nhà báo Đinh Thu Hiền: Sau hai năm theo đuổi vụ việc này, tôi thấy kĩ năng sống là điều mà cả trẻ em và phần lớn người trưởng thành còn thiếu kinh khủng. Xã hội phải biết cách vượt qua sự ấu trĩ của chính mình để hướng đến nhận thức văn minh. Từ đó, hệ thống luật pháp sẽ được hoàn thiện hơn. Luật lệ đều do con người soạn ra cả. Nâng lên được, thì cũng đặt xuống được.

* Theo thông tin mới nhất từ Nhà báo Đinh Thu Hiền, chiều ngày 27/3/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Vũng Tàu đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Thủy trong vụ xâm hại 9 bé gái tại chung cư Lakeside ở Vũng Tàu. Công luận trông chờ một bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội với bị can này.

Leave a Comment


From the same category